day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Thực trạng và giải pháp phát triểnsản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ tại tỉnh Phú Thọ

Những năm gần đây, ngành sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh so với các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc, song kết quả chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đang có một số hạn chế, điểm nghẽn cần có các giải pháp tháo gỡ để phấn đấu sớm trở thành một trong các Trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc.

Phú Thọ là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển lâm nghiệp và chế biến, xuất khẩu gỗ. Với 120.680,7 ha đất rừng sản xuất, trong đó đã trồng, chuyển hóa được 3.389,6 ha rừng cây gỗ lớn (trồng rừng gỗ lớn: 1.306 ha, chuyển hóa kinh doanh gỗ lớn: 2.083,6 ha) và có 10.832,63 ha rừng có chứng chỉ FSC. Tổng sản lượng gỗ rừng trồng đạt 678.683,0 m3, trong đó gỗ nguyên liệu giấy 441.143,9 m3, chiếm 65% tổng sản lượng gỗ.

Một góc sản xuất sản phẩm gỗ ghép thanh tại Công ty TNHH Hùng Bích Đoan Hùng

Những năm gần đây, ngành chế biến gỗ (CBG) trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh, hiện có 620 cơ sở sản xuất, kinh doanh, CBG, trong đó: 81 công ty, 06 Hợp tác xã, 533 hộ kinh doanh cá thể; ngoài ra còn có khoảng 2.100 hộ gia đình tham gia CBG, đóng đồ mộc gia dụng (không đăng ký kinh doanh) đã tạo việc làm ổn định và thu nhập cho hàng chục ngàn lao động trong các cơ sở CBG và trồng rừng, khai thác rừng, dịch vụ nghề rừng... Các sản phẩm gỗ của tỉnh rất đa dạng, từ nguyên liệu thô đến sản phẩm tinh như: Giấy, bột giấy, dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván MDF, HDF, đồ mộc gia dụng, ván thanh, viên gỗ nén, củi ép, than củi... Sản phẩm gỗ được tiêu thụ chính ở trong nước, một phần nhỏ được các DN tại tỉnh xuất trực tiếp sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ... Đến nay tỉnh đã thu hút được 38 dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế biến gỗ với số vốn đăng ký đầu tư: 1.925.675 triệu đồng. Công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong sản xuất, CBG được tỉnh quan tâm, hỗ trợ thực hiện, cụ thể giai đoạn từ năm 2010 đến nay như: Đề án khuyến công quốc gia nhóm hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị cho 5 DN sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu; 2 đề án khuyến công địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật cho các cơ sở sản xuất gỗ ván ép xuất khẩu; một số đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong CBG. Tư vấn, hướng dẫn xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 89 lượt DN, cơ sở sản xuất, CBG trên địa bàn tỉnh và hỗ trợ kinh phí cho 17 dự án đổi mới công nghệ của các DN CBG.

Ngoài các chính sách của Chính phủ, bộ ngành thì tỉnh cũng đã ban hành một số chính sách liên quan đến sản xuất, phát triển rừng và CBG như: Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 18/8/2011 về quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 12/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 về quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 16/7/2019 về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh...

Tuy nhiên, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ của tỉnh còn có những hạn chế, điểm nghẽn, đó là:

Một là, công tác quy hoạch sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ chưa thực sự theo kịp thực tiễn và chậm được bổ sung. Thiếu định hướng, chiến lược, quy hoạch rõ ràng về chế biến và xuất khẩu gỗ, nhất là chính sách thu hút DN CBG sâu; chậm xây dựng, ban hành các chính sách hỗ trợ chế biến và xuất khẩu gỗ. Chưa thực hiện dự án ưu tiên về quy hoạch cơ sở CBG trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết số 16/2011/NQ-HĐND ngày 18/8/2011...

Hai là, quy mô, năng lực của đa số cơ sở chế biến, xuất khẩu gỗ tại tỉnh nhỏ và yếu. Số lượng các DN, cơ sở CBG tại tỉnh tăng nhanh song theo hình thức tự phát, ồ ạt, thiếu định hướng và không có chiến lược, quy hoạch rõ ràng, nhiều DN không gắn với vùng nguyên liệu. Đa số là các cơ sở CBG quy mô nhỏ và siêu nhỏ với mô hình chủ đạo sản xuất kiểu hộ gia đình, tổ hợp tác, vốn nhỏ, sử dụng công nghệ, thiết bị chế biến thiếu đồng bộ, lạc hậu, nhiều cơ sở chủ yếu là chế biến thô (bóc và băm) hoặc sản xuất gia công rồi bán cho các DN ngoài tỉnh thực hiện công đoạn hoàn thiện và xuất khẩu. Năng lực quản trị DN, công nghệ chế biến, chất lượng sản phẩm của nhiều cơ sở còn yếu, sản phẩm kém cạnh tranh, quy mô nhỏ, trình độ chuyên môn hóa chưa cao. Hiểu biết và thiết lập chuỗi hành trình sản xuất CoC (hệ thống kiểm soát chuỗi cung), truy xuất nguồn gốc gỗ và trách nhiệm giải trình, tiêu chuẩn kỹ thuật đang là vướng mắc lớn của DN gỗ, nhất là hiện nay, quy trình chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp còn phức tạp, kể cả các nguyên liệu gỗ trồng. Khả năng thích ứng, điều chỉnh sản xuất của các DN CBG tại tỉnh hạn chế trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và yêu cầu thị trường sản phẩm gỗ hợp pháp.

Ba là, chất lượng gỗ nguyên liệu và sản phẩm gỗ qua chế biến thấp. Gỗ nguyên liệu chủ yếu đường kính nhỏ, khai thác sớm, khối lượng gỗ khai thác từ rừng trồng lớn nhưng số lượng dùng để chế biến đồ gỗ nội, ngoại thất không nhiều, phần lớn làm nguyên liệu giấy và ván ép. Ở nhiều địa phương, năng lực chế biến đã vượt khả năng cung ứng nguyên liệu nên xảy ra việc khai thác quá mức, sử dụng cây chưa đủ tuổi, gây lãng phí, hiệu quả kinh tế trồng rừng không cao, tạo ra cạnh tranh không lành mạnh trong thu mua nguyên liệu... Sản phẩm gỗ chế biến đa dạng song chủ yếu là sản phẩm sơ chế (thô), giá trị thấp, không có chế biến sâu nên ít có sản phẩm tinh, sản phẩm không có thiết kế, mẫu mã, thương hiệu, nhãn hiệu; gỗ có chứng chỉ chiếm tỷ lệ không cao. Đặc biệt các sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, gỗ nội thất, sản phẩm gỗ ván ép MDF, HDF có giá trị cao song đòi hỏi nguồn nguyên liệu sản xuất phải có nguồn gốc xuất xứ theo quy định, có chất lượng, đồng thời cần công nghệ chế biến hiện đại và nguồn lao động sản xuất có tay nghề, trình độ chuyên môn cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường... Để sản xuất được các sản phẩm này đối với các DN, cơ sở CBG trên địa bàn tỉnh còn là vấn đề lớn, mới chỉ có một số ít DN đáp ứng được.

Bốn là, liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ gỗ tại tỉnh yếu. Cơ cấu ngành nghề CBG của tỉnh chưa thể hiện sự gắn kết hữu cơ giữa các DN trong chuỗi giá trị chế biến liên tục gỗ rừng trồng. Hợp tác, liên kết giữa các DN sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ với người trồng rừng yếu và rời rạc, thiếu sự gắn kết để nâng cao chất lượng gỗ rừng trồng.

Có thể xác định một số nguyên nhân của tồn tại, hạn chế chủ yếu sau:

Thứ nhất, những năm qua tỉnh chủ yếu tập trung vào công tác quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, chưa chú trọng đến quy hoạch chế biến và xuất khẩu gỗ. Trong quá trình cấp phép, quản lý hoạt động của nhiều cơ sở CBG còn ''dễ dãi'', chưa gắn với vùng nguyên liệu.

Thứ hai, năng lực quản trị trong chế biến, xuất khẩu gỗ của đa số cơ sở CBG còn yếu. Nhiều DN chưa nghiên cứu, đánh giá và quy hoạch vùng nguyên liệu cho sản xuất ổn định, lâu dài, mục tiêu đầu tư không có chiều sâu, không có chiến lược dài hạn và chậm đổi mới, thích ứng với thay đổi của thị trường.

Thứ ba, hoạt động sơ chế gỗ chỉ cần nguồn vốn nhỏ và yêu cầu về mặt bằng, máy móc công nghệ, nhân lực vận hành... tương đối đơn giản, nhất là đối với hoạt động bóc và băm mảnh, trong khi để CBG sâu với các sản phẩm tinh, chất lượng cao có thể xuất khẩu trực tiếp đòi hỏi rất lớn về vốn, công nghệ, nhân lực quản trị và sản xuất chất lượng...

Thứ tư, hoạt động logistic tại tỉnh yếu làm tăng các chi phí về vận tải, lưu kho, bến bãi...

Thứ năm, tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm gián đoạn sản xuất và xuất khẩu gỗ ở nhiều DN gỗ.

Thứ sáu, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và yêu cầu ngày càng chặt chẽ về quy cách, chất lượng sản phẩm gỗ và yêu cầu về gỗ hợp pháp đối với các sản phẩm gỗ xuất khẩu có xuất xứ từ Việt Nam, đòi hỏi cao về điều kiện, quy trình, tiêu chuẩn, đầu tư ban đầu và chứng nhận chất lượng sản phẩm, trong khi đa số DN gỗ, người trồng rừng và các cấp quản lý chưa có nhiều hiểu biết sâu, rộng.

Để ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ của tỉnh Phú Thọ phát triển hiệu quả, bền vững hơn trong những năm tới, xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, chỉ đạo về phát triển nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu gỗ. Tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp CBG và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu, trong đó tập trung vào các giải pháp sau: Triển khai thực hiện hiệu quả Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết thi hành Lâm nghiệp đã được Chính phủ ban hành, nhất là Nghị định 102/2020/NĐ-CP. Ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động hỗ trợ trồng và phát triển rừng sản xuất theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND ngày 06/7/2019 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Hạn chế các chủ rừng khai thác rừng non và hỗ trợ trồng, chuyển hóa rừng trồng thành rừng gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Khuyến khích các mô hình chế biến sản phẩm gỗ gắn với vùng nguyên liệu hoặc có chế biến sâu. Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN CBG về mặt bằng sản xuất, vốn vay ưu đãi, thuế, KHCN, xúc tiến thương mại, hồ sơ thủ tục gỗ. Hỗ trợ các DN liên kết, quy hoạch, hỗ trợ xây dựng hạ tầng nhằm tạo khu vực cung ứng, CBG tập trung (bao gồm cả công nghiệp dịch vụ hỗ trợ cho CBG) trên địa bàn.

Rà soát, tổng kết, đánh giá toàn diện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình liên quan đến phát triển rừng và chế biến, xuất khẩu gỗ tại tỉnh, nhất là đối với các quy hoạch, kế hoạch đã hết giai đoạn. Đồng thời nghiên cứu xây dựng, ban hành, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch, chương trình thúc đẩy chế biến, xuất khẩu gỗ. Thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong DN, đơn vị nghiên cứu, đào tạo gắn với CBG, lâm sản xuất khẩu.

Hai là, tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong quản lý sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ. Nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào sản xuất nguyên liệu, từ chọn tạo giống, kiểm soát, đảm bảo chất lượng giống cho trồng rừng, đến trồng rừng thâm canh, chăm sóc rừng, khai thác gỗ. Các DN gỗ chú trọng đầu tư vào các khâu then chốt như: Đổi mới công nghệ, đồng bộ các thiết bị công nghệ sản xuất, áp dụng tự động hóa trong sản xuất, đầu tư ứng dụng vật liệu mới, thiết kế mẫu sản phẩm mỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Trước mắt, các công nghệ đề xuất áp dụng tại tỉnh gồm: Điều tiết cường độ ánh sáng và bức xạ mặt trời trong ươm cây lâm nghiệp; tưới phun tự động tạo ẩm cho môi trường nuôi dưỡng cây giống; sản xuất vật liệu gỗ ép khối từ ván bóc gỗ Keo rừng trồng đường kính nhỏ; sản xuất tre ép khối; sản xuất ván ép biến tính nhiều lớp kích thước lớn, chịu ẩm từ gỗ rừng trồng; tạo ván Bio-composite từ dăm gỗ nuôi cấy nấm; phần mềm truy xuất nguồn gốc xuất xứ gỗ, kiểm soát chất lượng sản phẩm gỗ... Ngoài ra, các DN gỗ tại Phú Thọ cần đi tắt đón đầu ứng dụng công nghệ hiện đại của các nước phát triển như Đức, Ý, Nhật, Đài Loan... để thay thế dần công nghệ lạc hậu đang sử dụng.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực cung cấp cho ngành chế biến gỗ đáp ứng được yêu cầu mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến xuất khẩu. Quan tâm phát triển nhân lực cho ngành CBG của tỉnh, trong đó chú trọng vào công tác đào tạo nghề. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ Trường Đại học Hùng Vương, Cao đẳng Nghề Phú Thọ mở chuyên ngành CBG, đổi mới chương trình giảng dạy, đào tạo sát thực tiễn để cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, lành nghề đáp ứng được yêu cầu của sản xuất gỗ xuất khẩu. Có chính sách thu hút người lao động, nhất là lao động trẻ tham gia các chương trình đào tạo công nhân lành nghề phù hợp với sự đổi mới công nghệ CBG. Lồng ghép, bố trí nguồn lực để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước các cấp, cán bộ quản lý của các DN về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và phòng vệ thương mại.

Bốn là, khắc phục các rủi ro liên quan đến tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu. Đối với DN phải tăng cường quản lý và sử dụng nhóm gỗ nguyên liệu có nguồn gốc pháp lý rõ ràng, hợp pháp/từ thị trường ít rủi ro; nâng cao ý thức trách nhiệm giải trình, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng yêu cầu giải trình, minh bạch thông tin, trong đó sẵn sàng xuất trình được các bằng chứng liên quan tới tính hợp pháp của gỗ như: Tên gỗ sử dụng trong sản phẩm, xuất xứ nguồn gỗ nguyên liệu, giấy phép khai thác gỗ nguyên liệu, bảng kê lâm sản đối với nguồn gỗ nguyên liệu, hợp đồng mua bán gỗ nguyên liệu, hóa đơn chứng từ thanh toán có liên quan đến mua/bán gỗ nguyên liệu, vận đơn, xuất xứ C/O, hóa đơn thương mại, C/I; áp dụng hệ thống quản lý chuỗi cung và có chứng chỉ kiểm soát chuỗi cung hiệu quả như ISO 9901/2008, FSC FM/CoC, BSCI, SA 8000...; thường xuyên cập nhập đầy đủ thông tin về các quy định của pháp luật Việt Nam, thị trường xuất khẩu gỗ...

Đối với chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện và sở ngành liên quan: Tăng cường kiểm tra, giám sát, xác nhận tính hợp pháp của gỗ trên các diện tích đất vườn rừng; tích cực hỗ trợ DN kiểm tra tính hợp pháp nguồn gốc gỗ theo yêu cầu của từng thị trường xuất khẩu; áp dụng triệt để cơ chế tịch thu gỗ vi phạm và tổ chức đấu thầu nghiêm túc, công khai minh bạch; yêu cầu DN nhập khẩu phải xuất trình được các loại giấy tờ có liên quan, đặc biệt giấy phép khai thác, giấy chứng nhận xuất xứ, hỗ trợ DN có kiến thức đầy đủ, chính xác và nhận thức đúng đắn về yêu cầu tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu, hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, hỗ trợ kỹ thuật cho DN để áp dụng hệ thống CoC, tổ chức chuỗi sản xuất đáp ứng một số tiêu chuẩn cấp chứng chỉ liên quan tới đảm bảo gỗ nguyên liệu có xuất xứ từ rừng được quản lý phù hợp, bảo đảm hài hòa các lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường; truyền thông về tầm quan trọng của hệ thống CoC, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN...

Năm là, sớm thành lập Hội Chủ rừng và Hội Chế biến gỗ tỉnh Phú Thọ để tập hợp, vận động, liên kết các chủ rừng, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ với các bên liên quan. Đồng thời, phát huy vai trò cầu nối giữa DN với các cơ quan quản lý Nhà nước, phản ánh kiến nghị, khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước có các giải pháp kịp thời, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN gỗ hoạt động.

Để ngành gỗ Phú Thọ phát triển hiệu quả, bền vững thì chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, các chủ rừng tại tỉnh cần hành động khẩn trương và thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt cơ hội hướng đến mục tiêu Phú Thọ là một trong các Trung tâm sản xuất chế biến và xuất khẩu gỗ lớn ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc trong một tương lai không xa.