day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Tác động từ các chương trình, chính sách nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Từ các chương trình, chính sách, đề án về nước sạch và vệ sinh môi trường (NS&VSMT) nông thôn, trong thời gian qua tỉnh Phú Thọ đã huy động các nguồn lực để thực hiện các nội dung về NS&VSMT nông thôn và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, là một trong những tỉnh đạt các chỉ số NS&VSMT nông thôn mức cao so với cả nước.

Đề tài “Đánh giá tác động của các chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2019; đề xuất giải pháp cho giai đoạn tiếp theo” được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ chủ trì thực hiện, thời gian thực hiện từ tháng 5 đến tháng 12/2020. Giai đoạn 2011-2019, các chính sách, chương trình về NS&VSMT nông thôn đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo thực hiện và đã đạt được các kết quả quan trọng. Trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện 8 nhóm chính sách, chương trình, đề án có liên quan đến NS&VSMT nông thôn, gồm 4 chương trình của Trung ương là: Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn giai đoạn 2012 - 2015; Chiến lược quốc gia về cấp NS&VSMT nông thôn đến năm 2020; Chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả tại 8 tỉnh Đồng bằng Sông Hồng (Chương trình PforR), Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả vốn vay Ngân hàng Thế giới và 4 chương trình, đề án của tỉnh gồm: Quy hoạch cấp nước sinh hoạt nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020; Quy hoạch tài nguyên nước tỉnh Phú Thọ đến năm 2030; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

 Theo kết quả nghiên cứu của đề tài, giai đoạn 2011 - 2019 các cấp, các ngành của tỉnh Phú Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ Chương trình theo các Quyết định, chủ trương của Thủ tướng Chính phủ, đã lồng ghép các nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân để đầu tư xây dựng các công trình NS&VSMT nông thôn; nhiều công trình đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong thực tiễn. Tổng huy động nguồn lực đầu tư đạt trên 2.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách của Trung ương, vốn vay Ngân hàng Thế giới chiếm 58,7%, ngân sách tỉnh chiếm 6,42%, vốn huy động (Vốn đóng góp của nhân dân, vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội và vốn đầu tư của doanh nghiệp) chiếm 34,87%. Việc huy động các nguồn lực đã góp phần quan trọng vào các kết quả đạt được trong việc triển khai thực hiện các chương trình NS&VSMT và đưa tỉnh Phú Thọ trở thành một trong những tỉnh đạt được kết quả ở mức cao, góp phần đảm bảo vệ sinh, nâng cao sức khỏe người dân. Nhận thức của người dân vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc ít người về sử dụng nước hợp vệ sinh, thực hành các hành vi vệ sinh và bảo vệ môi trường, tập quán và hành vi vệ sinh, chăm sóc sức khỏe của người dân đã được cải thiện và ngày một nâng lên, môi trường nông thôn đang thay đổi theo hướng tích cực, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, tỉ lệ số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng dần qua từng năm… Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 133 công trình cấp nước tập trung với 4 mô hình quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước tập trung (Cộng đồng quản lý; Hợp tác xã quản lý, đơn vị sự nghiệp Nhà nước quản lý và Doanh nghiệp quản lý, vận hành và khai thác); có 23 doanh nghiệp được cấp phép khai thác, sử dụng nguồn nước mặt và nước dưới đất; tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 97,02 %; tỷ lệ số dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn quốc gia đạt 44,09%; người dân đã tự đầu tư trên 229.000 giếng đào, hơn 19.058 giếng khoan với tỷ lệ hợp vệ sinh đạt trên 70%; tỷ lệ trường học có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 97,33%; tỷ lệ trạm y tế xã có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 94,98%; mạng lưới thu gom rác thải ở khu vực nông thôn đã tổ chức thu gom tại 630/1579 khu dân cư tập trung ở nông thôn, đạt 40%; tỷ lệ hộ gia đình có chuồng trại gia súc, gia cầm hợp vệ sinh đạt 68,5% .v.v.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách về NS&VSMT trên địa bàn tỉnh còn có những tồn tại hạn chế đó là: Việc xây dựng kế hoạch thực hiện các chủ trương, chính sách về NS&VSMT nông thôn cho từng giai đoạn trên địa bàn toàn tỉnh chưa mang tính tổng thể; công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, phối hợp triển khai thực hiện các chính sách còn rời rạc, chưa thật sự có sự kết nối chặt chẽ giữa các cấp, các ngành; việc nghiên cứu, tham mưu xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù phục vụ Chương trình NS&VSMT nông thôn để áp dụng trên địa bàn tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn, nhất là các cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, xã hội hóa chủ trương, chính sách về NS&VSMT nông thôn; vẫn còn sự chênh lệch về tỷ lệ người dân được sử dụng nước hợp vệ sinh ở các vùng; năng lực quản lý, điều hành ở các cấp, nhất là ở địa phương còn hạn chế; chất lượng xây dựng, tính đồng bộ của các công trình cấp nước được nhà nước đầu tư còn chưa cao; việc quản lý, vận hành, khai thác các công trình cấp nước nhiều nơi còn buông lỏng. Công tác duy tu, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình bị hư hỏng và xuống cấp ở nhiều công trình chưa được quan tâm và chưa kịp thời, thậm chí để xảy ra trường hợp phá hoại làm hư hỏng công trình. Dẫn đến hiệu quả sử dụng của phần lớn các công trình cấp nước tập trung không cao, tỷ lệ công trình cấp nước tập trung hoạt động bền vững thấp, đạt 21,8%, tỷ lệ công trình cấp nước tập trung hoạt động trung bình hoặc hoạt động kém hiệu quả chiếm 56%, còn lại là các công trình không hoạt động; ô nhiễm do nước thải sinh hoạt ở các vùng nông thôn ngày càng gia tăng; vấn đề thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn còn nhiều hạn chế, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi tập trung có xu hướng tăng nhất là trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; công tác xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề ở nhiều khu vực nông thôn chưa được cải thiện; cơ cấu nguồn lực thực hiện Chương trình NS&VSMT nông thôn không đồng đều, phụ thuộc lớn vào nguồn ngân sách của Trung ương, vốn vay Ngân hàng thế giới, ngân sách tỉnh, vốn đầu tư của doanh nghiệp chưa nhiều . v.v.

Phải khẳng định rằng, thời gian qua các chính sách về NS&VSMT nông thôn đã tác động tích cực đến đời sống xã hội. Để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, để kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới đảm bảo tính bền vững, vẫn cần thiết có những nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cụ thể để chính sách có sự phù hợp và đi vào cuộc sống. Và đó cũng là mục tiêu mà đề tài tư vấn, phản biện và giám định xã hội về đánh giá tác động của các chính sách về NS&VSMT nông thôn do nhóm tác giả thực hiện hướng tới. Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả đầu tư về NS&VSMT nông thôn gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2025, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Đề tài tập trung nghiên cứu và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả các chính sách về NS&VSMT trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như sau:

- Đẩy mạnh công tác Thông tin - Giáo dục - Truyền thông về NS&VSMT nông thôn nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của người dân về thực hiện tốt vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường cộng đồng.

- Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chuyên ngành về NS&VSMT nông thôn để tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh cho phù hợp với từng thời kỳ. Trên cơ sở quy hoạch hiện có, trong giai đoạn 2020 - 2025 cần tiến hành đánh giá, cập nhật, bổ sung quy hoạch, kế hoạch chi tiết về cấp NS&VSMT nông thôn ở các địa bàn dân cư. Đưa việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thành một nhiệm vụ thường xuyên của công tác quản lý nhà nước.

- Sớm ban hành Quy chế phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể giữa các cơ quan trong chuỗi hoạt động sản xuất, cung ứng, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt cung cấp cho người dân; biện pháp ứng phó với trường hợp khẩn cấp xảy ra khi ô nhiễm nguồn nước; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật nước sinh hoạt trong tỉnh. Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung việc phân vùng, quy hoạch cấp nước phù hợp với thực tế và năng lực các đơn vị, doanh nghiệp cấp nước.

- Thực hiện giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực đầu tư cấp NS&VSMT khu vực nông thôn, nhằm thu hút các nhà đầu tư. Ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích sự tham gia của mọi thành phần kinh tế - xã hội đầu tư phát triển NS&VSMT nông thôn như quy định cụ thể hóa chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư xây dựng, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; thực hiện chính sách hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng, miễn tiền cho thuê đất để xây dựng công trình cấp nước, xử lý chất thải sinh hoạt và chăn nuôi, làng nghề, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp tư nhân theo hình thức xã hội hóa.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấp nước an toàn và chất lượng nước nhằm phát hiện, đánh giá và có biện pháp ngăn ngừa, cải thiện kịp thời các nguy cơ, rủi ro đến chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt cho người dân. Thực hiện tốt công tác quản lý khai thác nguồn nước, kiểm soát chất lượng nước sạch của các doanh nghiệp quản lý, khai thác công trình nước sạch nông thôn. Tập trung hoàn thành việc giao quản lý vận hành công trình cấp nước cho đơn vị có đủ năng lực. Đẩy mạnh việc rà soát, điều chỉnh khung giá nước đảm bảo thu đủ chi phí vận hành công trình cấp nước tập trung nông thôn.

- Chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn, trong đó phải lựa chọn được doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực để tiếp nhận, tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp quy mô, công suất cấp nước sạch, nâng cao chất lượng cấp nước sạch cho nhân dân và đổi mới mô hình quản lý, khai thác có hiệu quả vốn đầu tư, đất đai, con người hiện có; quản lý, sử dụng nguồn vốn thu từ việc chuyển giao công trình để phục hồi, nâng cấp, cải tạo và mở rộng các công trình cấp nước hiện có, phát huy tối đa công suất thiết kế nhằm phục vụ cấp nước cho người dân được nhiều nhất.

- Đẩy mạnh nghiên cứu và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào cấp NS&VSMT nông thôn phù hợp với tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn. Trong đó chú trọng việc đa dạng hóa các công nghệ phù hợp với điều kiện tự nhiên - kinh tế - xã hội, nhu cầu sử dụng, tập quán, văn hóa của mỗi vùng nông thôn, địa phương trên cơ sở có sự tư vấn về kỹ thuật của nhà nước.

- Chú trọng công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực được thực hiện đối với mọi cấp và với tất cả cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực cấp nước và vệ sinh môi trường như: Cán bộ chỉ đạo, cán bộ quản lý, lập kế hoạch, chương trình, kỹ thuật, tài chính, tín dụng, đặc biệt là đào tạo cho nhân viên quản lý và công nhân vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng công trình cấp nước và vệ sinh. Việc đào tạo cần chú trọng đến việc dạy thực hành hơn là lý thuyết đơn thuần; ưu tiên đào tạo thợ, cán bộ bảo trì, vận hành là người địa phương để tạo công ăn việc làm và phát triển nghề nghiệp cho người dân.

- Phát huy tối đa vai trò của người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường nông thôn; vận động nhân dân đầu tư xây dựng và nâng cấp các công trình hợp vệ sinh, chỉnh trang nhà vườn, bố trí chuồng trại chăn nuôi hợp lý và thực hiện tốt nếp sống văn hóa, văn minh... Các phương án thực hiện, các dự án phải có sự tham gia của người hưởng lợi từ khâu chuẩn bị xây dựng cho đến kết thúc xây dựng bàn giao đưa công trình vào sử dụng, đồng thời tăng cường vai trò giám sát của cộng đồng đảm bảo minh bạch, công khai dân chủ trong quá trình thực hiện.