day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Ba, 17/12/2024, 07:00 (GMT+7)
Trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động năm 2024 của chương trình đối thoại nhà nước pháp quyền giữa Bộ Tư pháp Cộng hòa liên bang Đức và Bộ Tư pháp Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trong 2 ngày 10-11/12/2024, tại Hà Nội, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Viện Hợp tác quốc tế về pháp luật (IRZ) Cộng hòa liên bang Đức tổ chức hội thảo: “Chia sẻ kinh nghiệm của Cộng hòa liên bang Đức về xây dựng và thi hành Luật Trọng tài thương mại”. Đại diện lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ tham dự hội thảo.
Hội thảo nhằm tham khảo kinh nghiệm trong quá trình soạn thảo, xây dựng và thực thi Luật Trọng tài Thương mại của Cộng hòa liên bang Đức, từ đó có những bài học kinh nghiệm phục vụ công tác nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam.
Tham dự hội thảo, phía Việt Nam có: Đại diện lãnh đạo Hội Luật gia Việt Nam; lãnh đạo và chuyên viên Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế; Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật thuộc Hội Luật gia Việt Nam; đại diện các cơ quan, tổ chức: Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC); Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội; Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội; một số tổ chức có liên quan đến hoạt động Trọng tài thương mại; đại diện lãnh đạo Hội Luật gia 14 tỉnh, thành phố phía Bắc. Về phía Cộng hòa liên bang Đức có các đại biểu: Bà Anne Zimmermann - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về pháp luật, Bộ Tư pháp Cộng hòa liên bang Đức; Tiến sỹ Christian GroB - Cố vấn pháp lý, Trưởng phòng Luật Dân sự & Pháp lý, Trọng tài & Hòa giải thương mại thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại (DIHK) Berlin, Cộng hòa liên bang Đức; Luật sư Jan Schäfer - Trọng tài và giải quyết tranh chấp quốc tế, Công ty Luật King & Spalding LPP, Frankfurt am Main, Đức; một số chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực trọng tài thương mại của Cộng hòa liên bang Đức; Tiến sỹ Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và Bà Anne Zimmermann - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế về pháp luật, Bộ Tư pháp Cộng hòa liên bang Đức đồng chủ trì hội thảo. Tại hội thảo tiến hành 10 nội dung chính:
1. Luật gia Nguyễn Văn Huệ - Trưởng Ban Nghiên cứu, xây dựng và phổ biến pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam trình bày nội dung: Tổng kết, đánh giá tình hình và kết quả 13 năm thực hiện Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và một số định hướng hoàn thiện Luật Trọng tài thương mại của Việt Nam.
2. Tiến sỹ Christian GroB - Cố vấn pháp lý, Trưởng phòng Luật Dân sự & Pháp lý, Trọng tài & Hòa giải thương mại thuộc Phòng Công nghiệp và Thương mại (DIHK) Berlin, Cộng hòa liên bang Đức và Luật sư Jan Schäfer - Trọng tài và giải quyết tranh chấp quốc tế, Công ty Luật King & Spalding LPP, Frankfurt am Main, Đức đã giới thiệu tổng quan cơ bản, các bên liên quan; ưu điểm và nhược điểm của thủ tục trọng tài.
3. Tiến sỹ Christian GroB và Luật sư Jan Schäfer trao đổi về vai trò của Tòa án liên quan đến thủ tục tố tụng trọng tài.
4. Tiến sỹ Hà Công Anh Bảo - Trưởng khoa Luật, Đại học Ngoại thương Hà Nội tham luận nội dung: Thủ tục tố tụng trọng tài thương mại và thẩm quyền của Hội đồng trọng tài trong các thủ tục tố tụng trọng tài thương mại.
5. Tiến sỹ Christian GroB và Luật sư Jan Schäfer trao đổi về quá trình tố tụng trọng tài điển hình bao gồm việc phân chia các giai đoạn khác nhau.
6. Thẩm phán Hoàng Ngọc Thành - Chánh Tòa kinh tế, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tham luận nội dung: Vai trò của Tòa án trong giám sát và hỗ trợ trọng tài.
7. Tiến sỹ Christian GroB và Luật sư Jan Schäfer trao đổi những vấn đề thực tế và ví dụ về trọng tài.
8. Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Hạnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tham luận nội dung: Vấn đề hủy phán quyết trọng tài - Thực trạng, thủ tục và các khuyến nghị.
9. Tiến sỹ Christian GroB và Luật sư Jan Schäfer tham luận về nỗ lực cải cách, tóm tắt quy trình lập pháp về trọng tài hiện hành ở Cộng hòa liên bang Đức.
10. Các chuyên gia của Cộng hòa liên bang Đức và chuyên gia, nhà khoa học của Việt Nam trao đổi, thảo luận về triển vọng của Việt Nam trong lĩnh vực hoạt động và phát triển trọng tài thương mại.
Trong không khí dân chủ, bình đẳng, góc nhìn khoa học, thực tiễn và tầm nhìn chiến lược; các chuyên gia, nhà khoa học và đại biểu dự hội thảo đã thẳng thắn nhận định, đánh giá thực trạng của việc xây dựng và thực thi Luật Trọng tài thương mại ở Việt Nam, đưa ra các ý kiến, khuyến nghị nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật về trọng tài thương mại của Việt Nam để phù hợp với pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập, góp phần thúc đẩy quá trình lập pháp và phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Với hơn mười lượt tham luận và các ý kiến trao đổi, hỏi - đáp trực tiếp, các chuyên gia pháp luật Cộng hòa liên bang Đức và Việt Nam đã làm rõ một số nội dung của báo cáo tham luận. Kết thúc hội thảo, các đại biểu tiến hành đánh giá chất lượng tổ chức và nội dung hội thảo theo quy trình và câu hỏi của Ban tổ chức bằng hình thức online quét mã QRcode ẩn danh để đảm bảo tính khách quan, phản ánh một cách trung thực. Hội thảo đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra./.