day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Hội thảo TV, PB & GĐXH về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2021-2025

Ngày 24/9, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội về thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế trang trại giai đoạn 2021-2025. Dự hội thảo có đại diện Văn phòng HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Ủy ban MTTQVN tỉnh Phú Thọ và một số sở, ngành của tỉnh; các nhà trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng chính sách, kinh tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp...

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT trình bày khái quát các nội dung cơ bản của dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế trang trại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và nghiên cứu các chính sách của trung ương và tỉnh Phú Thọ về phát triển kinh tế trang trại như: Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về kinh tế trang trại, Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT ngày 28/02/2020 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định tiêu chí kinh tế trang trại, Kế hoạch số 4177/KH-UBND ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về phát triển kinh tế trang trại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020 và các văn bản liên quan khác. Các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích làm rõ cơ sở pháp lý, vị trí, vai trò của kinh tế trang trại trong sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản hiện nay; đánh giá thực trạng phát triển kinh tế trang trại nói chung, nhất là trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, chia sẻ cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong thực tiễn; chỉ ra những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân.

Theo báo cáo Hội thảo, Phú Thọ là một tỉnh Trung du miền núi, có nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, giải pháp đổi mới trong nông nghiệp nói chung và cơ chế, giải pháp cụ thể có liên quan trực tiếp đến phát triển kinh tế trang trại nói riêng trên địa bàn Phú Thọ như: Quy hoạch phát triển nông lâm thủy sản tỉnh Phú Thọ, kế hoạch phát triển kinh tế trang trại, chính sách đất đai, chính sách tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chính sách thị trường…, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn. Đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 342 trang trại đạt tiêu chí của Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, tập trung chủ yếu ở các địa phương Cẩm Khê, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Phù Ninh, Đoan Hùng, Thanh Sơn,... đây là những địa phương có nhiều quỹ đất nông, lâm nghiệp và diện tích mặt nước chưa sử dụng, vùng kinh tế năng động. Các loại hình trang trại có xu hướng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi. Tổng diện tích đất các trang trại sử dụng là 1.607,4 ha, tăng 104,6 ha so với năm 2016, bình quân 4,7 ha/trang trại. Tổng giá trị sản xuất của trang trại trên địa bàn tỉnh đạt 1.022.067 triệu đồng chiếm khoảng 5,1% tổng giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh, giá trị sản xuất bình quân 01 trang trại 2.988,5 triệu đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện có 38 trang trại tham gia hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với giá trị sản lượng hàng hóa đạt trên 30% giá trị sản lượng hàng hóa của trang trại. Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn nhiều khó khăn, thách thức như: Số lượng trang trại tăng lên khá nhanh nhưng chất lượng, hiệu quả kinh tế của trang trại chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; phần lớn các trang trại còn phát triển tự phát, chưa có quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể; số trang trại đạt tiêu chí và đủ các điều kiện để được công nhận còn ít; còn thiếu công tác định hướng phát triển của các cấp, các ngành đối với loại hình kinh tế trang trại; việc tiếp cận với tư liệu sản xuất đất đai của các cá nhân có nhu cầu phát triển kinh tế trang trại còn khó khăn; mức độ ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ ở các các trang trại còn thấp; liên kết sản xuất trong phát triển kinh tế trang trại còn hạn chế; các chính sách hỗ trợ vay vốn của các tổ chức tín dụng và hỗ trợ của Nhà nước còn khiêm tốn, chưa đủ sức tác động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực tiễn; trình độ, kiến thức quản lý, việc tiếp cận thông tin, thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm của một số trang trại còn hạn chế,...

Trên cơ sở đó, các chuyên gia, đại biểu cũng đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị cụ thể, góp phần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh những năm tới. Đồng thời tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến vào dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế trang trại tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, làm cơ sở để Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ nghiên cứu, xem xét ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế trong phát triển nông nghiệp tỉnh Phú Thọ.

Một số hình ảnh đại biểu phát biểu tại Hội thảo

Ông Nguyễn Hải - Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phú Thọ phát biểu khai mạc hội thảo
Ông Phan Huy Thông - Nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Văn Hoan - Nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Văn Hoan - Nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Ông Phạm Hồng Diến - Chủ trang trại tổng hợp tại xã Cấp Dẫn, huyện Cẩm Khê phát biểu tại hội thảo