day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Sáu, 13/09/2019, 12:00 (GMT+7)
Ngày 11/9/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện về: Giải pháp phát triển làng nghề gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Phú Thọ. Ông: Hoàng Văn Tuyển - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh chủ trì hội thảo.
Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh và một số sở, ngành của tỉnh; các nhà trí thức, nhà khoa học, các chuyên gia ở trong và ngoài tỉnh trong lĩnh vực xây dựng chính sách, quản lý kinh tế; nông nghiệp...; đại diện một số doanh nghiệp, làng nghề và các cơ quan báo, đài đến dự đưa tin.
Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày khái quát kết quả thực hiện kế hoạch phát triển làng nghề giai đoạn 2016 - 2020 và các nội dung cơ bản Chương trình OCOP tỉnh Phú Thọ, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá về thực trạng phát triển làng nghề của tỉnh trong thời gian qua, các cơ chế, chính sách hỗ trợ làng nghề của tỉnh, trong đó đã phân tích sâu các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, cụ thể: Quy mô sản xuất của các làng nghề nhỏ lẻ, manh mún, số hợp tác xã và doanh nghiệp trong các làng nghề rất ít, chỉ có 12/427 hợp tác xã và 17 doanh nghiệp nằm trong làng nghề song quy mô tương đối nhỏ, có rất ít thành viên làng nghề là các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp nên các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình trong các làng nghề rất khó vay vốn và thuê đất lâu dài; phần lớn các làng nghề chưa phát triển theo mô hình chuỗi từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng, chưa có sự liên kết “4 nhà”. Các sản phẩm của làng nghề vẫn chủ yếu phát triển theo hình thức nhỏ lẻ, đơn điệu, thiếu tính sáng tạo, mạnh ai người đó làm. Sản phẩm của các làng nghề hầu hết chưa có nhãn hiệu hàng hóa, chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản phẩm cung ứng ra thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu nên thị trường tiêu thụ ngày càng thu hẹp và chủ yếu vẫn là tiêu thụ nội địa, hầu như không có sản phẩm làng nghề xuất khẩu; năng lực quản trị và trình độ lao động của nhiều làng nghề còn thấp, hiệu quả kinh doanh và thu nhập người lao động trong làng nghề không cao; việc xây dựng và kết nối giữa các tua du lịch với các địa phương, làng nghề truyền thống có sản phẩm đặc thù còn chậm; vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề chưa được quan tâm và chậm khắc phục...
Trên cơ sở đó, các đại biểu cũng đã đề xuất giải pháp để thúc đẩy phát triển làng nghề gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh như: Cấp ủy và chính quyền các cấp cần quan tâm sát sao và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các văn bản tỉnh đã ban hành như: Kế hoạch số 5025/KH-UBND ngày 03/11/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ về phát triển làng nghề nông thôn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020, Kế hoạch số 3262/KH-UBND ngày 18/7/2019 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, đồng thời giao nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh chỉ đạo thực thi chương trình OCOP; cần ban hành cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ lãi suất tín dụng, hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho chương trình OCOP (tập trung cho phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp, các làng nghề), hỗ trợ và khuyến khích hình chuyển đổi các cơ sở sản xuất trong làng nghề hiện nay sang mô hình doanh nghiệp, trước mắt là đối với các cơ sở có điều kiện; cần sớm lựa chọn hoặc thuê một số chuyên gia giỏi, am hiểu sâu về làng nghề để tham mưu cho tỉnh về định hướng xây dựng làng nghề và những sản phẩm tiêu biểu của tỉnh, từ đó tập trung đầu tư để nghiên cứu, sản xuất tạo thành thương hiệu sản phẩm Đất Tổ; tổ chức liên kết sản xuất từ các làng nghề đến các doanh nghiệp và hợp tác xã hình thành chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến lưu thông; tăng cường hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho các sản phẩm làng nghề và tìm đầu ra cho sản phẩm thông qua việc đăng ký sở hữu trí tuệ, xúc tiến thương mại; cần thành lập trung tâm giới thiệu sản phẩm làng nghề của tỉnh, hỗ trợ xây dựng các điểm bán hàng làng nghề tập trung tại các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh; ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ, các đề tài khoa học phục vụ cho sản phẩm OCOP, nhất là xây dựng nhãn hiệu, nhãn mác sản phẩm; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về làng nghề và Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Phú Thọ... Sau hội thảo Liên hiệp hội sẽ tổng hợp ý kiến của các đại biểu, xây dựng báo cáo tư vấn, phản biện và gửi đến các cấp có thẩm quyền và các cơ quan liên quan.