day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Hội thảo khoa học “Phổ biến, áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi”

Ngày 02/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Hội Chăn nuôi Việt Nam và Hội Chăn nuôi tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội thảo phổ biến, áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các sở, ngành, Viện, trường đại học, cao đẳng trong tỉnh và đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi từ Trung ương đến địa phương. Chủ trì hội thảo gồm các đồng chí: Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Vusta, Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam, Hồ Đình Lưỡng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu chào mừng hội thảo, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hồ Đình Lưỡng cho biết: Trong thời gian gần đây, Trung ương, tỉnh Phú Thọ và các ngành trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã ban hành gần 40 văn bản triển khai thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn,… Trong đó, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang được khẩn trương triển khai thực hiện gắn với ứng dụng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong quản lý các hoạt động chăn nuôi tại các trang trại. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ mới hiện nay, lĩnh vực chăn nuôi, có nhóm sản phẩm chủ lực, gồm: chăn nuôi bò, chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi trâu và nhóm các loại vật nuôi đặc sản, đặc trưng tại các vùng có tiềm năng, lợi thế theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm, gồm có: bò sữa, dê, thỏ, ong, gà thả đồi, gà nhiều cựa, vịt trời, vịt suối,... với tổng số đàn lợn đạt 1,86 triệu con, đàn gia cầm đạt 36,88 triệu con, đàn bò 265,6 nghìn con. Bên cạnh những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi tại tỉnh, như: Áp dụng công nghệ xây dựng chuồng kín, chuồng lạnh, tự động hóa các công đoạn chăm sóc nuôi dưỡng; gắn thiết bị thông minh cảnh báo cháy, cảnh báo mất điện; sử dụng công nghệ làm sạch trứng tự động, truyền tải và phân loại trứng tự động bằng băng tời; các công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi; ứng dụng chuyển đổi số trong báo cáo dịch bệnh; cập nhật dữ liệu về thông tin của các trang trại chăn nuôi, kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên nền tảng số,... Hiện nay, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực chăn nuôi mới chỉ thực hiện được ở một số doanh nghiệp, công ty chăn nuôi quy mô lớn, thực hiện quản lý theo phần mềm chuyên dụng của đơn vị; các cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ chưa thực sự chủ động và có đủ nguồn lực để thực hiện vận hành, sử dụng hệ thống công nghệ số, chuyển đổi số của ngành chăn nuôi; và còn có sự chồng chéo trong triển khai phần mềm quản lý chăn nuôi trên nền tảng số giữa cơ quan quản lý nhà nước và phần mềm hiện có của các doanh nghiệp nên gặp khó khăn trong thực hiện,... Chính vì vậy, áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi đã và đang trở thành xu thế tất yếu và rất quan trọng đối với Việt Nam nói chung, tỉnh Phú Thọ nói riêng. Đặc biệt, trong bối cảnh Phú Thọ cùng cả nước, các cấp, các ngành đang tập trung mọi nguồn lực để quyết tâm triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân

Theo các báo cáo chia sẻ tại Hội thảo, chăn nuôi Việt Nam đóng góp rất lớn vào nền kinh tế, giá trị ngành chăn nuôi hiện nay khoảng hơn 20 tỷ USD, và ngành chăn nuôi đang có những bước chuyển đổi mạnh mẽ từ lượng sang chất, từ chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ, lẻ sang chăn nuôi công nghiệp, tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn sinh học. Đây là hướng đi đúng đắn, bởi nó không chỉ góp phần khai thác được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương, mà còn giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, áp dụng khoa học, kỹ thuật, hạn chế ô nhiễm môi trường ở trong và xung quanh khu vực chăn nuôi. Thay vì sử dụng các giải pháp truyền thống để quản lý trang trại, nhiều năm gần đây, các chủ trang trại đã bắt đầu ứng dụng công nghệ cao bằng việc đưa các thành tựu khoa học, kỹ thuật tiên tiến, bao gồm máy móc, thiết bị, giải pháp, phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, dẫn đến hiệu quả quản lý, tăng năng suất và chất lượng được nâng cao. Việc ứng dụng các công nghệ hiện đại đã góp phần thay đổi nhanh chóng ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng. Internet, trí tuệ nhân tạo, blockchain... đang dần đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể, giúp cải thiện hiệu quả, năng suất sản xuất. Thời gian gần đây, một số địa phương và doanh nghiệp ở trong nước và tại Phú Thọ cũng đã có nhiều hoạt động thúc đẩy "số hóa" trong công tác quản lý nhà nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là ở các doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra các giải pháp chuyển đổi số thông minh trong chăn nuôi. Theo đó, áp dụng chuyển đổi số sẽ giúp tăng hiệu suất sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng cường sức khỏe và sinh sản của đàn vật nuôi. Đồng thời, quản lý dễ dàng hơn khi theo dõi sức khỏe, cân nặng, tuổi tác của từng con vật một cách chính xác và thuận tiện. Cùng với đó, hỗ trợ xác định cá thể một cách chính xác, giúp quản lý thông tin và phân biệt giữa các con vật trong đàn; tăng tính tiện lợi và chính xác khi giảm thiểu sai sót trong việc ghi nhận thông tin về vật nuôi, hỗ trợ quản lý chuỗi cung ứng; cùng với việc ứng dụng số hóa, các cơ sở sản xuất chăn nuôi nên sử dụng dược liệu để thay thế cho kháng sinh. Đây là một giải pháp mang tính đột phá, vừa giúp tăng cường sức đề kháng của vật nuôi một cách tự nhiên, vừa giúp bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Qua đó, giúp phát triển chăn nuôi bền vững theo hướng sinh học, tuần hoàn, phù hợp với xu thế chăn nuôi hiện đại. Việc áp dụng mô hình số trong quản lý tại các cơ sở chăn nuôi sẽ góp phần nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi, tạo ra sản phẩm thịt chất lượng cao, an toàn thực phẩm, có lợi cho người tiêu dùng, từ đó nâng cao tầm vóc, thể chất và trí tuệ cho người dân Việt Nam trong giai đoạn tới.