day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Ba, 04/08/2020, 12:00 (GMT+7)
Thực hiện chương trình công tác năm 2020 và kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2020 của Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ, ngày 16/7/2020, tại Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn (Khu Vèo, xã Kiệt sơn, huyện Tân Sơn), Chi hội Luật gia Chi cục Kiểm lâm Phú Thọ đã phối hợp với Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn và Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho trên 50 cán bộ các phòng, ban, công nhân viên, người lao động của hai công ty. Đồng chí Nguyễn Chí Công - UVBCH Chi hội Luật gia, Phó đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng, cùng 2 luật gia là cán bộ Phòng Thanh tra - Pháp chế của Chi cục Kiểm lâm tỉnh trực tiếp truyền đạt. Tham dự hội nghị có các đồng chí lãnh đạo hai Công ty lâm nghiệp, đại diện lãnh đạo Hội luật gia tỉnh đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị.
Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn và Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài (trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam) có chức năng trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, khai thác rừng trồng với diện tích khoảng 5.200 ha trên địa bàn huyện Tân Sơn và một số xã của huyện Thanh Sơn, với trên 160 cán bộ công nhân viên. Hằng năm, ngoài đội ngũ cán bộ công nhân hiện có, hai công ty thường xuyên ký hợp đồng lao động với khoảng từ 600 đến 1.000 lượt người để trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, khai thác rừng. Trong những năm vừa qua, hai Công ty lâm nghiệp này đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, doanh thu năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 mỗi công ty ước đạt gần 30 tỷ đồng; đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ công nhân viên, người lao động từng bước được nâng lên, họ tin tưởng, yên tâm, phấn khởi gắn bó với nghề rừng và hy vọng quyết tâm làm giàu chính đáng từ rừng.
Luật Lâm nghiệp (số 16/2017/QH14) đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ Tư thông qua ngày 15/11/2017, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019, Luật gồm 12 chương, 108 điều (thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004). Từ đầu năm 2019 đến nay, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn gồm 04 Nghị định của Chính phủ, 07 Thông tư của Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn có hiệu lực thi hành. Do nhiều quy định, chính sách, hướng dẫn liên quan đến công tác lâm nghiệp có sự thay đổi so với trước đây. Vì vậy đòi hỏi các cấp, các ngành chức năng, nhất là những người công tác trong lĩnh vực lâm nghiệp, các tổ chức, cá nhân, chủ rừng và người dân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp cần được học tập, nghiên cứu, quán triệt để hiểu và thực hiện theo đúng quy định.
Mục đích tuyên truyền Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp để mọi người hiểu rõ: Lâm nghiệp là ngành kinh tế - xã hội bao gồm các hoạt động về quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, kinh doanh, chế biến và thương mại lâm sản theo định hướng thị trường và hội nhập quốc tế; có cơ cấu quản lý, sản xuất kinh doanh hợp lý, ổn định theo hướng hiện đại, phát triển bền vững cả về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; hài hòa các lợi ích của Nhà nước, chủ rừng và cộng đồng dân cư, mang lại nhiều lợi ích đối với người làm nghề rừng; góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người làm nghề rừng để họ yêu rừng, bảo vệ rừng, gắn bó hơn với rừng và làm giàu chính đáng từ rừng.
Tại hội nghị, cán bộ công nhân viên, người lao động của hai công ty lâm nghiệp và một số chủ rừng đã được các luật gia có bề dày kinh nghiệm của Chi hội Luật gia Chi cục Kiểm lâm quán triệt, phổ biến, truyền đạt những nội dung cơ bản của Luật Lâm nghiệp và các Nghị định của Chính phủ (số 156/NĐ-CP ngày 16/11/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; số 01/NĐ-CP ngày 01/01/2019 về Kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng; số 06/NĐ-CP ngày 22/01/2019 về quản lý thực vật rừng, động vật rừng...) và 07 Thông tư (từ số 27 đến số 33, ngày 16/11/2018) của Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; quản lý rừng bền vững; các biện pháp lâm sinh; quy định danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính; công nhận giống và nguồn giống; quản lý vật liệu giống cây trồng lâm nghiệp chính; quy định về phân định ranh giới rừng; phương pháp định giá rừng, khung giá rừng; quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng.
Nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật và các văn bản được gắn với những vấn đề cụ thể, thiết thực, trực tiếp liên quan đến các hoạt động như: quản lý đất đai, trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ, khai thác rừng, các chế độ chính sách của nhà nước trong lĩnh vực lâm nghiệp; đặc biệt nhấn mạnh cần quan tâm, chú trọng công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng. Trong bầu không khí thân mật, cởi mở, thẳng thắn, với tinh thần trách nhiệm, phương pháp truyền đạt sinh động, dễ hiểu, có ví dụ cụ thể của các luật gia là báo cáo viên; cán bộ công nhân viên, chủ rừng và người lao động đã có nhiều ý kiến trao đổi, đưa ra một số câu hỏi; những nội dung đó đã được các luật gia phân tích, giải thích, làm rõ. Qua đó giúp cho mọi người hiểu rõ hơn, đầy đủ hơn về quyền lợi gắn với nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong lĩnh vực đang đảm nhiệm và công việc cụ thể đang triển khai thực hiện.
Để Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn được thực hiện đồng bộ, thống nhất và hiệu quả; với chức năng quản lý, bảo vệ rừng, là lực lượng chuyên ngành về phòng cháy chữa cháy rừng và bảo đảm thi hành pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chi cục Kiểm lâm mà trực tiếp là Chi hội Luật gia phối hợp với các phòng chức năng của Chi cục tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về lâm nghiệp đến cán bộ, công chức, nhân viên trong ngành, đặc biệt là công nhân, người lao động trong các lâm trường, các chủ rừng, người làm nghề rừng và quần chúng nhân dân, nhất là các hộ dân trong khu vực có rừng, gần rừng giúp họ nâng cao hiểu biết và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về lâm nghiệp; chủ động phối hợp với kiểm lâm địa bàn trong quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản tại gốc, góp phần quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Bế mạc hội nghị, lãnh đạo Hội Luật gia tỉnh và Chi hội Luật gia Chi cục Kiểm lâm đề nghị Công ty Lâm nghiệp Tam Sơn, Công ty Lâm nghiệp Xuân Đài, các chủ rừng và những người làm nghề rừng trong thời gian tới, đối với lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng cần chủ động rà soát, kịp thời đề xuất bổ sung phương án phòng cháy chữa cháy rừng phù hợp, đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, chủ động bố trí nguồn nhân lực, vật lực, phương tiện và các điểu kiện cần thiết khác bảo đảm phát hiện kịp thời, chủ động ngăn chặn, xử lý các nguy cơ tiềm ẩn có thể gây ra cháy rừng, không để xảy ra cháy rừng thuộc địa bàn quản lý. Xây dựng và phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững theo quy định của Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, của Bộ Nông nghệp và Phát triển nông thôn, tạo điều kiện cho cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế lâm nghiệp triển khai đạt hiệu quả cao, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.