day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Tư vấn phản biện và giám định xã hội về đánh giá thực trạng công tác quản lý quy hoạch một số đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Sau hơn hai mươi năm đổi mới cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, hệ thống đô thị quốc gia cũng liên tục được phát triển và mở rộng cả về số lượng và chất lượng, đến nay cả nước đã có trên 760 đô thị các loại trong đó có 02 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển đổi đô thị hóa từ sơ khai sang giai đoạn cao hơn với tốc độ nhanh (tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam hiện nay khoảng 30%); hệ thống đô thị quốc gia ngày càng khẳng định được vai trò là hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của mỗi vùng và mỗi địa phương; tăng trưởng ở khu vực đô thị luôn đạt từ 12% - 15%, nguồn thu luôn chiếm tỷ lệ trên 70% cơ cấu GDP của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc duy trì ổn định và phát triển chung của xã hội.

Tỉnh Phú Thọ cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung của cả nước, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày một cao (hiện tại tỉnh có 01 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 01 đô thị loại III, 11 đô thị loại IV, V là thị trấn các huyện lỵ và 01 thị trấn chuyên ngành); vai trò của đô thị được khẳng định là hạt nhân trong phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ của tỉnh những năm qua. Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị tốt sẽ tạo dựng được đô thị có chất lượng cuộc sống tốt, phát triển có kế thừa và bền vững, mang bản sắc văn hóa đặc trưng; ngược lại nếu không tốt sẽ tạo dựng một đô thị lộn xộn, chắp vá, phát triển không theo định hướng và không có bản sắc riêng.

Trên địa bàn tỉnh công tác Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị đã được các cấp, các ngành quan tâm, triển khai thực hiện; nhiều khu đô thị mới, đồng bộ, có chất lượng được phát triển; cuộc sống người dân đô thị từng bước được nâng cao, bộ mặt, cảnh quan đô thị từng bước được cải thiện; hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị vẫn còn nhiều hạn chế như: Quá trình phát triển đô thị có lúc, có nơi còn mang tính tự phát; thiếu quy hoạch nhất là quy hoạch chi tiết, thiếu mối liên kết công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội giữa các vùng, các đô thị; công tác quy hoạch chưa theo kịp xu thế phát triển; chất lượng quy hoạch chưa cao; thiết kế đô thị còn sơ sài, hình thức; việc khảo sát, đánh giá hiện trạng chưa sâu, tính dự báo, tính định hướng phát triển của các quy hoạch còn hạn chế; công tác quản lý quy hoạch, quản lý kiến trúc cảnh quan, quản lý xây dựng trên thực tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

Trước những vấn đề nêu trên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật nhận thấy cần thiết thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội để có đánh giá khách quan, khoa học, nhận định về thực trạng công tác quản lý quy hoạch tại một số đô thị trên địa bàn tỉnh. Từ đó, đề xuất một số giải pháp với mong muốn công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới sẽ đạt được hiệu quả tốt, góp phần xây dựng quy hương Đất Tổ ngày một giàu, đẹp, văn minh.

Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội tại các buổi làm việc

1. Nhóm giải pháp về công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch:

Trước mắt cần tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung các đô thị theo quy định, tiến tới việc lập, phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các đô thị; trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác lập thiết kế đô thị theo quy định, đảm bảo đủ thông tin làm cơ sở cho việc triển khai quy hoạch ra thực địa, đủ thông tin để xây dựng quy chế quản lý quy hoạch đô thị, đủ thông tin để lập các dự án đầu tư xây dựng; hoàn thiện quy chế quản lý đô thị (quy chế quản lý quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, quy chế quản lý xây dựng) làm cơ sở, căn cứ pháp lý cho công tác quản lý quy hoạch đô thị trong thực tiễn. Các đồ án quy hoạch phải khảo sát, đánh giá hiện trạng một các kỹ lưỡng (hiện trạng tự nhiện, hiện trạng hạ tầng kỹ thuật, hiện trạng hạ tầng xã hội, hiện trạng xã hội và nhân văn trong đó chú trọng đến yếu tố văn hóa truyền thống) và làm tốt công tác dự báo phát triển đô thị; phải xác định được mối liên kết vùng, mối liên kết hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng trong đô thị và giữa các đô thị với nhau.

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp chính quyền đô thị (là các chủ đầu tư của quy hoạch), các cơ quan thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch trong việc lựa chọn tư vấn có đủ năng lực (năng lực kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, năng lực tư vấn) và thẩm định quy hoạch. Huy động sự tham gia và phát huy vai trò của cộng đồng, vai trò của các Hội nghề nghiệp thực hiện tư vấn, phản biện xã hội đối với công tác lập quy hoạch. Nhất thiết phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch.

Có thể nghiên cứu, hình thành Hội đồng Kiến trúc quy hoạch cấp tỉnh làm công tác tham mưu, phản biện, thêm một kênh thông tin khoa học, khách quan giúp cho UBND tỉnh trước khi phê duyệt đối với các nội dung quan trọng trong lĩnh vực kiến trúc, quy hoạch đô thị như một số địa phương đã thực hiện một cách hiệu quả. Nên nâng cấp Trung tâm quy hoạch thuộc Sở Xây dựng thành Viện Thiết kế quy hoạch để chủ động và nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh; hạn chế tình trạng quá nhiều đơn vị tư vấn không đủ năng lực tham gia lập quy hoạch đô thị như hiện nay (hiện nay trên toàn quốc các tỉnh có đô thị loại II trở lên đều thành lập Viện quy hoạch).

Chú trọng công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quy hoạch; tăng cường đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng kiến thức quản lý đô thị cho đội ngũ cán bộ, công chức các cấp, đặc biệt là cấp xã phường để có kiến thức sâu về chuyên môn thực hiện công tác thẩm định và quản lý quy hoạch.

2. Nhóm giải pháp về quản lý quy hoạch:

Quản lý quy hoạch đô thị trước hết là việc của chính quyền các cấp, bao gồm HĐND, UBND và các cơ quan chức năng trực thuộc. Nhưng quản lý quy hoạch đô thị không chỉ là việc của chính quyền các cấp mà còn là việc của cộng đồng đô thị. Chính quyền các cấp thay mặt dân để quản lý quy hoạch. Tuy nhiên dẫu cố gắng đến mấy thì chính quyền cũng không thể đủ sức đảm đương trọn vẹn công việc này, đòi hỏi phải xã hội hóa nguồn lực quản lý, phải huy động sức mạnh của cả cộng đồng đô thị; chính quyền không thể không dựa vào nguồn lực quản lý, bao gồm cả năng lực tự quản của cộng đồng đô thị.

Trước hết là cấp chính quyền phê duyệt quy hoạch phải thường xuyên quảng bá, chứ không chỉ công bố một lần  thông tin về quy hoạch đô thị để chính quyền cấp dưới, nhất là cấp được giao quản lý quy hoạch cùng cả cộng đồng đô thị được biết tường tận. Chỉ có biết tường tận khu vực nào sẽ chỉnh trang, khu vực nào vẫn ổn định, đâu là dự án công ích, đâu là dự án kinh doanh... thì người được giao quyền quản lý mới có thể quản lý tốt, thì người dân có trách nhiệm chấp hành mới có thể chấp hành nghiêm. Nếu thiếu thông tin công khai, minh bạch thì sự khuất tất dù nhỏ đến mấy cũng sẽ trở thành trở lực lớn trong quá trình xây dựng phát triển đô thị. Các cơ quan truyền thông từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân về các quy định của pháp luật có liên quan về quy hoạch, xây dựng, quản lý đất đai, trật tự đô thị; xây dựng các chuyên mục về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, cùng chung trách nhiệm xây dựng và quản lý đô thị.

Có cơ chế để tạo sự thống nhất giữa quản lý xây dựng theo quy hoạch với quản lý kiến trúc. Nói chung quản lý quy hoạch đô thị cần được ủy quyền cho cấp huyện nhưng quản lý kiến trúc đô thị thì nên tập trung về một mối là Sở Xây dựng hoặc Văn phòng Kiến trúc sư trưởng. Chính quyền cấp huyện quản lý toàn bộ công trình xây dựng trên địa bàn không để xảy ra tình trạng xây dựng không xin phép, hoặc lấn chiếm trái phép đất công, hoặc xây dựng bất hợp pháp trên khu vực đã được quy hoạch; đồng thời không để xảy ra tình trạng xây dựng không bảo đảm các yêu cầu về kiến trúc đô thị. Vì thế để hình thành cơ chế nêu trên nhất thiết chính quyền cấp huyện phải được cung cấp kịp thời và đầy đủ thông tin về quy hoạch cũng như về kiến trúc, nhất là những yêu cầu bắt buộc về kiến trúc (số tầng tối đa, độ cao mỗi tầng, màu sắc chủ đạo...) đối với từng công trình xây dựng, kể cả công trình không thuộc thẩm quyền phê duyệt của cấp huyện. Xây dựng Quy chế về phân công, phân cấp, trách nhiệm trong việc quản lý quy hoạch; quy chế phối hợp và tăng cường công tác phối hợp, trao đổi giữa các ngành, các cấp có liên quan.

Việc quản lý quy hoạch phải được tiến hành thường xuyên nhằm bảo đảm mọi công trình xây dựng mới trên địa bàn được thực hiện theo đúng các yêu cầu về quy hoạch, về kiến trúc và về quản lý, đồng thời bảo đảm xử lý theo hướng ngăn chặn từ đầu các trường hợp vi phạm, đặc biệt là cố tình vi phạm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản xã hội do phải phá bỏ tháo dỡ.