day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Tóm tắt kết quả phản biện “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2025”

Nhằm cung cấp thêm thông tin, luận cứ khoa học trong quá trình quản lý, thăm dò, khai thác khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo bền vững, tiết kiệm, hiệu quả. Được sự đồng ý của UBND tỉnh tại Văn bản số 1040/UBND - VX3 ngày 01/4/2013 về việc giao nhiệm vụ phản biện Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật đã thành lập Hội đồng phản biện gồm các nhà khoa học, các chuyên gia và đại diện các sở, ngành có liên quan đưa ra những ý kiến, nhận xét, kiến nghị, cụ thể như sau:

Hội đồng TVPB&GĐXH Liên hiệp hội tỉnh tổ chức Hội thảo “Phản biện quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2015, định hướng đến năm 2025”

I. Đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010 định hướng đến năm 2020

1. Ưu điểm

- Hoạt động quản lý thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã được tỉnh Phú Thọ quan tâm thông qua việc phê duyệt 02 quy hoạch là: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020 và Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020.

- Việc thực hiện quy hoạch đã được các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, hầu hết các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được tổ chức thực hiện theo quy hoạch đã phê duyệt; Các mỏ đã được các cơ quan chức năng cấp giấy phép khai thác, gia hạn khai thác, một số mỏ đã được cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng; Công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định thường xuyên được thực hiện.

- Các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động khoáng sản đã cơ bản chấp hành các quy định của nhà nước, đã thực hiện công tác đầu tư theo cam kết, từng bước đầu tư các thiết bị, công nghệ khai thác, chế biến tiên tiến trong nước và khu vực; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường (lập và phê duyệt báo cáo ĐTM), đóng phí bảo vệ môi trường, ký quỹ môi trường, áp dụng các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm, khắc phục, cải tạo hệ thống giao thông do ảnh hưởng của các hoạt động khoáng sản tại các mỏ; thực hiện các quy trình, quy phạm trong khai thác, chế biến; một số doanh nghiệp đã quan tâm, hỗ trợ cho địa phương, ủng hộ vật liệu xây dựng trường, lớp, nhà văn hóa, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, ủng hộ các quỹ từ thiện...

- Các hoạt động khoáng sản đã góp phần khai thác các lợi thế về tài nguyên, tạo ra các sản phẩm phục vụ cho các ngành công nghiệp, xây dựng và nhu cầu của thị trường…; giải quyết công ăn, việc làm và tạo thu nhập cho một lực lượng lớn lao động tại các địa phương nơi có mỏ; các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước cơ bản kịp thời, đúng quy định (năm sau cao hơn năm trước, chỉ riêng năm 2012 các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 68,732 tỷ đồng).

Đoàn khảo sát làm việc tại mỏ Cao lanh, xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy

2. Tồn tại, hạn chế

- Việc cấp phép thăm dò khoáng sản chủ yếu đối với các khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, các loại khoáng sản khác chưa cấp phép thăm dò chỉ thực hiện cấp phép khai thác (Sắt không thực hiện thăm dò 7 mỏ, Cao lanh +Fenspat  không thăm dò 11/13 mỏ …). Vì vậy, về chất lượng và trữ lượng khoáng sản đưa vào thiết kế, khai thác, chế biến có độ tin cậy không cao.

- Đến nay hầu hết số lượng các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác đã vượt quy hoạch được phê duyệt (trừ sét, gạch, ngói và cát sỏi); sản lượng một số loại khoáng sản theo giấy phép đã vượt sản lượng theo quy hoạch, đặc biệt là đá làm vật liệu xây dựng thông thường 35/20 mỏ và quặng sắt 13/7 mỏ.

- Quy hoạch giai đoạn 2006 - 2010 không phân định rõ đối tượng từng loại khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND tỉnh; chưa đánh giá được tiềm năng, trữ lượng tài nguyên cần đưa vào thăm dò, khai thác đối với từng loại khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường). Một số điểm mỏ được đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh nhưng chưa được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc Bộ Công thương có quyết định bàn giao, nên xảy ra sự chồng chéo giữa Quy hoạch khoáng sản của Trung ương và Quy hoạch khoáng sản của tỉnh. Ví dụ: Mỏ Fenspat Yên Kỳ huyện Hạ Hòa, mỏ sắt Thượng Cửu huyện Thanh Sơn …

- Khi quy hoạch các điểm mỏ thăm dò, khai thác không xác định cụ thể, chính xác các điểm mỏ, không khoanh định được danh giới diện tích mà chỉ đưa tên điểm quy hoạch theo tên địa danh (định tính) và chưa làm rõ các diện tích thăm dò và khai thác, chưa có định hướng về phương pháp khai thác, hệ thống khai thác, dẫn đến một số mỏ quá trình khai thác đạt hiệu quả chưa cao, lãng phí tài nguyên (tỷ lệ thu hồi quặng thấp).

- Một số doanh nghiệp chưa thực hiện đúng tiến độ đầu tư, chậm triển khai hoặc chưa tuân thủ theo quy trình, quy phạm và thiết kế khai thác mỏ đã được thẩm định, phê duyệt; Chưa thật sự quan tâm, chú ý và thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường trong khu vực khai thác, vận chuyển khoáng sản và chế biến khoáng sản… đã có những ảnh hưởng tới môi trường tại những nơi có mỏ, gây xô, lũ các chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa triệt để xuống một số diện tích đất canh tác nông nghiệp và tác động lớn đến hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật trong vùng khai thác và trên các tuyến đường vận chuyển.

3. Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế

3.1. Nguyên nhân khách quan

- Hệ thống các văn bản pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, các chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các vi phạm, các chính sách, thủ tục hành chính trong hoạt động khoáng sản còn phức tạp, thiếu cụ thể; Sự chồng chéo trong quản lý của các cơ quan quản lý và các cấp chính quyền trong các hoạt động khoáng sản. Bộ máy làm công tác quản lý nhà nước các cấp chưa đủ và chưa đáp ứng được yêu cầu; Lực lượng lao động tham gia làm việc tại các doanh nghiệp chủ yếu là lao động thủ công, cán bộ kỹ thuật, của các doanh nghiệp còn chắp vá, thiếu chuyên môn đáp ứng theo quy định.

- Nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động khoáng sản còn khó khăn; Sự tham gia đầu tư của các thành phần kinh tế chưa nhiều, nguồn vốn đầu tư còn thiếu so với yêu cầu, nhất là đầu tư về quy mô và công nghệ khai thác, chế biến.

3.2. Nguyên nhân chủ quan

- Công tác quản lý nhà nước theo phân cấp còn nhiều bất cập, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa tốt; Việc quản lý sau cấp phép khai thác còn hạn chế, thiếu kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm theo quy định, chế tài còn thiếu và chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp nghiêm túc thực hiện.

- Nhận thức về pháp luật và việc tuân thủ các quy định của pháp luật của nhiều doanh nghiệp chưa đầy đủ, cập nhật thông tin về các quy định chưa kịp thời,… đã gây những tác động và ảnh hưởng xấu đến môi trường, cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông và đời sống của một bộ phận Nhân dân tại các điểm mỏ.

- Vai trò tham gia đóng góp, kiểm tra, giám sát của cộng đồng trong quá trình lập quy hoạch, quản lý hoạt động khoáng sản còn rất hạn chế.

II. Đề xuất bổ sung, làm rõ đối với nội dung quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2025

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch khoáng sản giai đoạn 2006 - 2010, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật đóng góp ý kiến đối với nội dung bản “Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2015, định hướng đến năm 2025” do Sở Công Thương cung cấp vào tháng 9/2013, nhằm nâng cao chất lượng bản quy hoạch cũng như phục vụ công tác quản lý, cụ thể như sau:

1. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chủ trì xác định rõ phạm vi, giới hạn của quy hoạch; vì hiện nay quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản đến năm 2015 đã vượt quá phạm vi do đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác những điểm khoáng sản không phải làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, không thuộc khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ (tỉnh Phú Thọ có 8 khu vực theo Quyết định số 1236/QĐ-BTNMT ngày 25/7/2013 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Ví dụ như: đối với một số mỏ quặng sắt, caolanh-fenpat.

2. Trong quy hoạch cần đề xuất các giải pháp phù hợp đối với những loại khoáng sản và khu vực khoáng sản (những điểm khoáng sản không thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo Luật Khoáng sản mới) nhưng tỉnh đã cấp phép, hầu hết sẽ hết hạn từ nay đến 2015 để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp đã đầu tư.

3. Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản của tỉnh phải phù hợp quy hoạch phát triển công nghiệp (phần khai thác khoáng sản) và quy hoạch phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng của tỉnh đã được phê duyệt tránh mất cân đối giữa cung và cầu. Khi dự kiến đưa các mỏ quy hoạch để cấp phép khai thác trong giai đoạn này, cần làm rõ để so sánh sản lượng, trữ lượng các mỏ đã được cấp phép (sản lượng ghi trong giấy phép, sản lượng thực tế), dự báo nhu cầu thị trường để từ đó cân đối việc có cần bổ sung thêm mỏ nữa không? Tránh tình trạng như quy hoạch giai đoạn trước một số loại khoáng sản được cấp phép vượt nhiều lần so với quy hoạch.

4. Đối với một số loại khoáng sản, theo đánh giá hiện nay sản lượng khai thác tại các mỏ được cấp phép đã đáp ứng nhu cầu của thị trường. Vì vậy Quy hoạch không nên tiếp tục quy hoạch khai thác thêm đối với những mỏ mới có trữ lượng nhỏ, gần khu dân cư để vừa đảm bảo sử dụng tiết kiệm tài nguyên, vừa đảm bảo tính kinh tế và tránh sự cạnh tranh không cần thiết.

5. Đối với các mỏ dự kiến Quy hoạch thăm dò, khai thác không nên để giá trị tọa độ trung tâm, cần phải có tọa độ các điểm khép góc về diện tích sẽ không bị chồng chéo diện tích khi lập thực hiện các quy hoạch khác. Hiện tại trong quy hoạch tính thống nhất chưa được đảm bảo, ví dụ như: Đối với khoáng chất công nghiệp đã ghi tọa độ các điểm khép góc, than bùn và cát sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường chỉ ghi tọa độ trung tâm, sét gạch ngói không ghi tọa độ. Ngoài ra phải dự kiến được chiều sâu và mạng lưới thăm dò, để từ đó có thể dự kiến được kinh phí cần thiết cho công tác thăm dò.

6. Trong quy hoạch khai thác cho từng loại khoáng sản cần phải dự kiến lựa chọn công nghệ và phương pháp khai thác phù hợp với địa phương

7. Về số liệu trong quy hoạch mới chưa đánh giá đúng thực trạng cấp phép thăm dò, nên bổ sung các mỏ, điểm mỏ đã cấp phép thăm dò đang chờ cấp phép khai thác.

III. Kiến nghị

Để khắc phục những tồn tại của kỳ quy hoạch trước, đồng thời để thực hiện tốt hơn công tác lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch trong thời gian tới đảm bảo chất lượng và quản lý tốt các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đề xuất và kiến nghị UBND tỉnh:

1. Việc lập và phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản là thật sự cần thiết, do đó cần sớm được phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, việc quy hoạch đến năm 2015 đến nay đã chậm, thời gian đến hết năm 2015 còn rất ít, đề nghị điều chỉnh lập quy hoạch từ năm 2015-2020, định hướng đến 2025. Trong đó, việc thực hiện quy hoạch cũ giai đoạn 2006-2010 cần đánh giá cho đến giai đoạn hiện nay.

2. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương, Sở Xây dựng nghiên cứu, xem xét, tiếp thu những ý kiến đóng góp của Liên hiệp hội để hoàn chỉnh Quy hoạch, đảm bảo Quy hoạch có tính khả thi và phát huy hiệu quả trong thực tiễn.