day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

TĂNG CƯỜNG SẢN XUẤT VÀ SỬ DỤNG PHÂN BÓN HỮU CƠ TRONG CANH TÁC - GIẢI PHÁP QUAN TRỌNG GÓP PHẦN THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP BỀN VỮNG

Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hữu cơ, tuần Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, tăng cường tái sử dụng phế phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, hoàn, tăng cường tái sử dụng phế phụ phẩm, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững đã bảo tồn đa dạng sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững đã và đang là chủ trương lớn, chiến lược của Đảng và Nhà nước ta về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hội thảo Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp chính sách nhằm tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tổ chức ngày 12/12/2024

Trong nền nông nghiệp truyền thống thời kỳ tiền công nghiệp, nguồn dinh dưỡng cho cây trồng chủ yếu từ độ phì nhiêu tự nhiên của đất và được bổ sung các loại phân có nguồn gốc tự nhiên như: Phân xanh, phụ phẩm trồng trọt, phân động vật, tro bếp và các loại khoáng chất tự nhiên; qua đó đã cơ bản duy trì được độ phì đất, an toàn đối với sức khoẻ con người và bền vững với môi trường sinh thái. Từ giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, trước sức ép về gia tăng dân số, nhu cầu lương thực, thực phẩm ngày càng tăng, nhiều nước trên Thế giới, trong đó có Việt Nam đã thực hiện cuộc cách mạng xanh trong nông nghiệp, cùng với áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ về giống, kỹ thuật canh tác, phân bón (nhất là phân đạm) và thuốc bảo vệ thực vật hoá học, phát triển thuỷ lợi… đã tạo bước phát triển nhảy vọt. Từ một quốc gia có tỷ lệ nghèo đói chiếm trên 60% dân số và thường xuyên phải nhập khẩu lương thực, nước ta đã vươn lên bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, hoàn thành sớm mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc về xoá đói giảm nghèo và trở thành một trong những cường quốc về xuất khẩu nông sản hàng đầu trên Thế giới. 

Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu to lớn, cuộc cách mạng xanh đã để lại nhiều hệ luỵ phức tạp, lâu dài đối với sản xuất, đời sống và môi trường sinh thái. Đặc biệt, việc sử dụng phân bón mất cân đối, lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hoá học, thuốc diệt cỏ trong thời gian dài để thâm canh, tăng vụ, đã làm cho tài nguyên đất, nước, không khí và đa dạng sinh học bị suy thoái nghiêm trọng. Nhiều vùng đất bị ô nhiễm nặng, thoái hoá cả về lý, hoá tính, pH giảm thấp; đất đai chai cứng, kết von, đá ong hoá (Ferarit hoá) tăng nhanh, hàm lượng chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng chủ yếu ở mức nghèo đến rất nghèo; nhiều loại sinh vật có ích trong đất và các loài thiên địch bị huỷ diệt, sức khoẻ đất, sức khoẻ cây trồng bị suy giảm, nhiều loại sâu, bệnh hại gia tăng cả về tần suất và quy mô làm cho chi phí sản xuất tăng cao, hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông dân giảm sút, đặc biệt là tác động tiêu cực đến sức khỏe con người... 

Để khắc phục những hạn chế, bất cập trên đồng thời đứng trước xu thế phát triển tất yếu trong nông nghiệp; thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường và các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và ban hành khá đồng bộ các chủ trương, chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững gắn với các cơ chế, chính sách về sản xuất và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ (gồm 09 Luật, 09 Nghị định liên quan). Nổi bật phải kể đến: Nghị Quyết số 19/NQ-TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Luật Trồng trọt năm 2018, Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 109/2018/NĐ CP ngày 29/8/2018 về Nông nghiệp hữu cơ, Nghị định số 84/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 về Quản lý phân bón... Thông qua các chủ trương, chính sách trên, đã có nhiều tác động và hiệu quả tích cực đến tình hình sản xuất và sử dụng phân bón hưu cơ như: 

(1). Đã góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy của các cấp, các ngành, đặc biệt là người nông dân về sản xuất, kinh doanh và sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác, phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, an toàn.

(2). Từng bước gia tăng số lượng các cơ sở sản xuất và gia tăng khối lượng phân bón cả hữu cơ và vô cơ trên địa bàn tỉnh; hoạt động sản xuất phân bón đã đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng. Theo số liệu thống kê năm 2023, tỉnh Phú Thọ có 7 cơ sở sản xuất phân bón, trong đó 6 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, có nhiều cơ sở sản xuất có quy mô lớn như: Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần đầu tư Tiến Đông, Công ty cổ phần đầu tư và dịch vụ Bảo Quang Minh, Công ty trách nhiệm hữu hạn nông nghiệp Phú Nam... Tổng lượng phân bón sản xuất năm 2023 đạt 798,8 nghìn tấn, trong đó phân bón vô cơ đạt 792,8 nghìn tấn và phân bón hữu cơ đạt trên 6,0 nghìn tấn. Cũng theo số liệu điều tra doanh nghiệp năm 2023, tính riêng hoạt động sản xuất phân bón đã tạo việc làm cho 2.758 lao động, chiếm 2,1%; thu nhập bình quân 1 lao động/1 tháng đạt 13,7 triệu đồng, gấp gần 1,6 lần thu nhập bình quân của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; đóng góp cho ngân sách 53 tỷ đồng, chiếm 7,9% của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; lợi nhuận trước thuế đạt 287 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng lợi nhuận của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Kết quả trên, đưa toàn ngành nông nghiệp đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội; riêng năm 2023, tạo việc làm cho 298.800 người, chiếm 35,0% lao động đang làm việc trong nền kinh tế của tỉnh; đóng góp 17,3 nghìn tỷ đồng cho GRDP, chiếm 17,9%. 

(3). Giai đoạn 2022 - 2023, tỉnh đã huy động và hỗ trợ trên 115 tỷ đồng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó đã hỗ trợ cho một số mô hình, dự án sản xuất nông nghiệp bền vững. Một số mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn được mở rộng ở nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế như:

(1). Với đặc điểm địa hình phần lớn là đồi núi, độ dốc lớn, độ phì tự nhiên thấp, mức độ xói mòn cao, cây công nghiệp, cây ăn quả dài ngày, cây nguyên liệu giấy chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu, cùng với kỹ thuật canh tác chưa khoa học và sử dụng phân bón mất cân đối trong thời gian dài, nặng về phân hoá học… dẫn đến nhiều diện tích đất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh bị suy thoái, bạc màu nghiêm trọng. Đặc biệt, tốc độ suy thoái, bạc màu diễn biến nhanh hơn so với các vùng khác trong cả nước đây là vấn đề lớn cần sớm được giải quyết.

(2). Các cấp, các ngành và người dân chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác; lượng phân hữu cơ nông dân sử dụng chiếm tỷ lệ còn hạn chế so với nhu cầu cần thiết bón cho cây trồng hàng năm. Các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, tuần hoàn còn ít cả về số lượng, quy mô và mức độ đầu tư. 

(3). Mất cân đối trong cung - cầu phân bón hữu cơ: Sản xuất phân bón chưa cân đối giữa sản xuất phân bón vô cơ và phân bón hữu cơ, khối lượng phân bón vô cơ sản xuất gấp 132 lần khối lượng sản xuất phân bón hữu cơ. Ước tính nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ hàng năm trên địa bàn rất lớn khoảng trên 4 triệu tấn; song lượng phân bón hữu cơ (gồm cả hữu cơ công nghiệp và hữu cơ truyền thống) được sản xuất, cung cấp chiếm tỷ lệ thấp so với nhu cầu của cây trồng trên địa bàn tỉnh. Hiện tại các cơ sở sản xuất phân bón trong tỉnh chỉ mới đáp ứng được nhu cầu phân lân; các loại phân khác, nhất là sản lượng phân bón hữu cơ sản xuất công nghiệp ước mới đáp ứng khoảng 0,15% nhu cầu (không tính lượng phân hữu cơ truyền thống do người dân tự ủ). 

(4). Công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản xuất phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh cả ở quy mô công nghiệp cũng như quy mô nông hộ chưa được đẩy mạnh. Một số trang trại, hộ nông dân còn sử dụng các loại phân hữu cơ tự ủ chưa đúng quy trình kỹ thuật, làm ảnh hưởng chất lượng cây trồng, môi trường đất, nước và không khí.

(5). Tiềm năng sinh khối trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phần lớn đang bị lãng phí, chưa được tận thu, tái chế, tuần hoàn sản xuất phân bón hữu cơ và các sản phẩm hữu dụng khác. Theo số liệu thống kê và tính toán cho thấy: Tiềm năng các nguồn nguyên phụ liệu, phế phụ phẩm phát sinh từ trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, rác thải hữu cơ sinh hoạt trên địa bàn tỉnh ước khoảng gần 3 triệu tấn/năm. Đây là nguồn nguyên liệu rất lớn, rất có tiềm năng, triển vọng có thể đưa vào sản xuất phân bón hữu cơ ngay trên địa bàn tỉnh.

Đứng trước cơ hội cũng như thách thức đặt ra, thời gian tới, các cấp, các ngành quan tâm đến một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón về vai trò, tầm quan trọng của việc tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ: Tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phát triển sản xuất và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững; thường xuyên tổ chức tập huấn người dân sử dụng phân bón cân đối, an toàn; đẩy mạnh hướng dẫn xử lý, chế biến, ủ phân compost từ các nguồn nguyên phụ liệu sẵn có.

Hai là, về công tác quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón: Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Đầu tư năm 2020, Luật Trồng trọt năm 2018 và các văn bản liên quan nhằm bãi bỏ, cắt giảm thủ tục hành chính, rào cản không cần thiết để khuyến khích phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; rà soát, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực phân bón; đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh, sử dụng phân bón, nhất là kiểm soát tốt vấn đề phân bón giả, kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường.

Tỉnh Phú Thọ cần xây dựng Đề án “Phát triển sản xuất và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, cải thiện sức khoẻ đất, cây trồng, khôi phục hệ sinh thái xanh, phát triển kinh tế sinh khối.

Ba là, nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền bổ sung, điều chỉnh các cơ chế, chính sách của tỉnh: Rà soát, điều chỉnh Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh theo hướng bổ sung chính sách về đẩy mạnh sản xuất và tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác. Các cơ chế, chính sách cần sát với nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, thủ tục đơn giản, minh bạch. Trong đó tập trung:

(1). Hỗ trợ các cơ sở sản xuất phân bón hiện đại hóa công nghệ, nhập khẩu thiết bị, công nghệ, chuyên gia; hỗ trợ kinh phí mua bản quyền, chuyển giao các công nghệ, chủng vi sinh vật gốc chất lượng cao từ nước ngoài để phục vụ nhân giống, sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ.

(2). Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng, chuyển giao công nghệ, thiết bị sản xuất phân bón hữu cơ, hữu cơ - vi sinh quy mô nông hộ, trang trại, hợp tác xã; hỗ trợ kinh phí để các hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã mua chế phẩm vi sinh (men vi sinh) tự sản xuất, chế biến phân hữu cơ truyền thống từ nguyên liệu tại chỗ nhằm tận dụng các phế phụ phẩm sản xuất, chăn nuôi, rác thải sinh hoạt theo hướng kết hợp kinh nghiệm truyền thống với công nghệ mới giúp giảm chi phí, nâng cao hàm lượng chất hữu cơ, giảm phát thải.

(3). Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ về phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.

Bốn là, đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, phân phối phân bón hữu cơ, giá thể hữu cơ, nhất là các doanh nghiệp lớn: Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cơ cấu lại sản phẩm phân bón hữu cơ, hữu cơ - vi sinh, mở rộng sản xuất, ưu tiên sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, áp dụng quy trình, công nghệ sản xuất tiên tiến để đáp ứng nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ không những cho tỉnh Phú Thọ mà cho cả vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đa dạng hóa các loại phân bón, như phân Composts, phân Biofertilizers, Biological stimulants và Biocontrol sâu bệnh, phân khoáng hữu cơ kết hợp khoáng chất và chất hữu cơ, phân bón nano, chế phẩm vi sinh, tác động nhanh, dễ sử dụng, giảm giá thành sản phẩm để người dân dễ tiếp cận...

Năm là, đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất bền vững: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đã và đang phát triển mạnh ở các nước phát triển và đang là xu hướng tất yếu của nền nông nghiệp Thế giới, ở Việt Nam và sẽ là hướng đi, cơ hội để phát triển các loại hình kinh tế nông nghiệp này trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Do đó, việc đẩy mạnh phương thức sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn, kinh tế trang trại, kinh tế tập thể, liên kết sản xuất phân bón là cơ sở, tiền đề quan trọng để thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ thời gian tới. 

Với những giải pháp, chính sách và bước đi phù hợp, sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương và người dân, tin tưởng rằng định hướng về tăng cường sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác sẽ đạt được nhiều kết quả, đóng góp chung vào mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.