day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Hai, 06/05/2019, 01:00 (GMT+7)
Ngày nay cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, năng suất, chất lượng của các loại sản phẩm nông nghiệp đã được nâng lên đáng kể, tuy nhiên vẫn còn tình trạng phổ biến là được mùa mất giá, mất mùa được giá. Người nông dân chưa thể làm giàu từ nông nghiệp vì giá trị gia tăng từ các sản phẩm nông nghiệp còn thấp, do một số nguyên nhân như: Thiếu kiến thức về thị trường, sản phẩm không đạt yêu cầu về chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, không có thương hiệu, thiếu đầu ra, không gắn với chuỗi giá trị. Vấn đề thực tế sản xuất nông sản nêu trên của tỉnh được đề cập trong 02 kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2018. Vì vậy, để đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các cơ quan có liên quan, các trí thức, chuyên gia, nhà khoa học của tỉnh và Trung ương tổ chức hội thảo khoa học về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị tại tỉnh Phú Thọ.
I. VỀ THỰC TRẠNG CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG SẢN, TỒN TẠI, HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Chủ trương, chính sách của tỉnh
Trong thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng nhiều chương trình, đề án, kế hoạch, chiến lược hướng tới tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, liên kết chuỗi, hội nhập và phát triển bền vững. Cụ thể, Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 08/01/2014 về chương trình hành động thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” đến năm 2020 với mục tiêu “Định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn toàn diện, bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh thông qua liên kết mở rộng quy mô sản xuất, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp. Xây dựng phát triển nền nông nghiệp hiện đại, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu”. Quy hoạch phát triển nông, lâm, thủy sản đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với mục tiêu “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên; ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, nguồn nước, lao động và nguồn lực đầu tư; tăng nhanh thu nhập và mức sống của lao động nông thôn, gắn với thực hiện giảm nghèo bền vững”. Chương trình phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020.
Kế hoạch số 6026/KH-UBND ngày 27/12/2016 về xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020 với mục tiêu mỗi huyện, thành, thị phấn đấu tổ chức ít nhất 1 chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn và hình thành các điểm kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh, sản phẩm bán tại các điểm là sản phẩm của địa phương, đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, được xác nhận sản phẩm chuỗi an toàn theo quy định. Trong đó, xây dựng và nhân rộng các mô hình áp dụng biện pháp kỹ thuật mới đối với một số cây nông, lâm nghiệp có thế mạnh trên địa bàn tỉnh.
2. Thực trạng chuỗi giá trị nông sản
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn, gồm có: Chuỗi cung ứng thịt gà tại Thành phố Việt Trì; chuỗi cung cấp thịt lợn huyện Lâm Thao; chuỗi cung cấp gà nhiều cựa tại huyện Tân Sơn; chuỗi cung cấp thịt lợn tại huyện Tam Nông; chuỗi cung cấp thực phẩm lợn thịt nuôi theo quy trình dùng thức ăn chăn nuôi thảo dược tại huyện Đoan Hùng; chuỗi cung cấp thịt chua, nem sợi tại huyện Thanh Sơn; chuỗi cung ứng sản phẩm chè chất lượng cao Bảo Long; chuỗi cung ứng sản phẩm thịt, thủy sản Thành Lâm; chuỗi cung cấp rau an toàn huyện Lâm Thao; chuỗi cung cấp thực phẩm rau an toàn tại huyện Cẩm Khê; chuỗi cung cấp rau, quả an toàn tại huyện Tam Nông; chuỗi cung cấp nông sản an toàn tại huyện Hạ Hòa.
Có 02 chuỗi đang bắt đầu triển khai là: Chuỗi cung cấp rau an toàn tại Thị xã Phú Thọ; chuỗi cung cấp nông sản an toàn tại huyện Đoan Hùng.
3. Tồn tại, hạn chế trong phát triển chuỗi giá trị nông sản
* Tồn tại, hạn chế
- Nhìn chung, phần lớn sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Phú Thọ chưa được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, chưa có tiêu chuẩn chất lượng, thương hiệu, chủ yếu phục vụ nhu cầu tại chỗ và một phần thị trường trong nước. Một số chuỗi giá trị nông sản đã hình thành có quy mô nhỏ. Một số loại sản phẩm có thế mạnh của tỉnh như cây chè, các sản phẩm từ cây lâm nghiệp chưa tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu hoặc tham gia với vai trò cung cấp nguyên liệu thô mang lại giá trị thấp. Chuỗi giá trị lâm sản còn hạn chế.
- Một số loại nông sản đã có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường nhưng mới dừng lại ở việc sơ chế và tiêu thụ chưa có chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm thương mại, như: Bưởi Đoan Hùng, hồng Gia Thanh, hồng Hạc, chuối Phấn Vàng, ...
- Một số chính quyền cơ sở và doanh nghiệp thiếu thông tin, kiến thức về chuỗi giá trị, nên mới tập trung vào một công đoạn hoặc một số công đoạn mà chưa xem xét đến tổng thể các hoạt động trong chuỗi nên còn có tình trạng bỏ qua các hoạt động mang lại giá trị gia tăng lớn cho đối tác khác.
* Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế
- Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các mô hình sản xuất an toàn, các chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm an toàn, sản phẩm được xác nhận an toàn chưa nhiều, do vậy người tiêu dùng chưa có đầy đủ thông tin để có thể nhận diện, phân biệt được sản phẩm an toàn với sản phẩm khác.
- Doanh nghiệp trong và ngoài nước chưa mặn mà đầu tư vào nông nghiệp, bên cạnh đó tỉnh chưa có chính sách đủ hấp dẫn để thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông sản nên cũng gây ra trở ngại đến các hoạt động triển khai xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp.
- Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng hội nhập và nền tảng cơ sở hạ tầng tối thiểu để thiết lập hệ thống tự động hóa. Chưa có nhiều doanh nghiệp của tỉnh tham gia ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển nông nghiệp.
- Mối liên kết “5 nhà”: Nhà nông, Nhà nước, Nhà khoa học, Nhà băng (Ngân hàng) và doanh nghiệp (Nhà đầu tư) vừa thiếu, vừa yếu và chưa thực sự hiệu quả.
Trong sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Phú Thọ, các khâu còn yếu, cụ thể:
- Khâu đầu vào: Chi phí đầu vào còn cao với giá cả biến động.
- Khâu sản xuất: Quy mô nhỏ, manh mún, thiếu liên kết, thiếu đồng bộ. Tuân thủ quy trình kỹ thuật không chặt chẽ, sử dụng quá nhiều lao động và chất lượng lao động thấp và không đồng nhất. Ở khâu này còn diễn ra tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và sử dụng quá nhiều nước.
- Khâu thu hoạch và sau thu hoạch: Tỷ lệ tổn thất và hư hỏng nông sản trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch còn cao do chưa chú ý đến việc áp dụng biện pháp thu hoạch phù hợp và chưa phân loại sản phẩm, thiếu kho chứa đảm bảo tiêu chuẩn, vận chuyển và đóng gói kém, giao dịch qua nhiều khâu trung gian.
- Khâu chế biến: Sử dụng công nghệ thấp, giá trị gia tăng thấp, quy mô nhỏ, manh mún. Chủ yếu là chế biến thô, thiếu chế biến sâu và chế biến các sản phẩm phụ.
- Mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi còn rất lỏng lẻo, tính ràng buộc không cao.
- Quy mô chuỗi giá trị của các sản phẩm còn nhỏ, nhãn hiệu và thương hiệu còn yếu nên sức cạnh tranh trên thị trường hạn chế.
II. ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP
1. Công tác chỉ đạo, điều hành
- Tăng cường sự chỉ đạo của UBND tỉnh, sự hướng dẫn của Sở Ngành chuyên môn (NN&PTNT, Công thương, KH&CN), UBND cấp huyện, cấp xã, khuyến khích các nhà khoa học, các doanh nghiệp đầu tư liên kết với các Hợp tác xã và hộ nông dân triển khai thực hiện các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, chế biến nông lâm sản nhất là hỗ trợ việc hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi thực phẩm an toàn; chính sách hỗ trợ cho người sản xuất, kinh doanh có nguồn vốn vay ổn định, kỳ hạn dài, lãi suất ưu đãi, xây dựng mối liên kết giữa khu vực sản xuất và khu vực phân phối, bán lẻ trong chuỗi; có chính sách hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng để nâng cao năng lực điều hành cho các HTX, góp phần phát huy hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động tham quan học tập các mô hình điển hình trong và ngoài tỉnh cho đội ngũ cán bộ quản lý HTX, nhất là người đứng đầu có tư duy và hành động của một nhà doanh nghiệp.
2. Chú trọng đổi mới hình thức tổ chức sản xuất
- Thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VIETGAP, HACCP, ISO,...), kết nối với hệ thống tiêu thụ hoàn chỉnh đối với các sản phẩm có thế mạnh của Phú Thọ.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức triển khai có kết quả Kế hoạch xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản an toàn.
- Làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, ưu tiên quy hoạch diện tích đất có khả năng thâm canh, chuyên canh các loại nông sản có lợi thế của địa phương. Khuyến khích liên kết sản xuất, cho thuê, chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong nội bộ ngành nông nghiệp, tạo quỹ đất thu hút các tổ chức đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
- Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng “cánh đồng lớn” và phương án sản xuất tránh tình trạng chỉ đổi để tiện canh tác sau một thời gian bà con nông dân lại tự đổi lại.
- Sử dụng có hiệu quả nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, đồng thời thu hút nguồn lực xã hội hoàn thiện hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, điện và hạ tầng cơ sở dịch vụ sản xuất, đặc biệt xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
3. Chú trọng các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường đối với từng sản phẩm hàng hóa. Trước mắt tập trung hỗ trợ các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng và tiềm năng của tỉnh.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý thị trường, tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, từ đó khuyến khích các sản phẩm đảm bảo yêu cầu về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng.
- Tổ chức quản lý, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu tập thể, thương hiệu đã xây dựng. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đối với các loại nông sản đặc trưng, có tiềm năng phát triển của tỉnh gắn với phát triển chuỗi giá trị.
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là cách thức tất yếu trong phát triển nông nghiệp bền vững. Hy vọng thời gian tới, nông nghiệp Phú Thọ sẽ vươn tới làm giàu từ giá trị gia tăng cao của các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo chuỗi giá trị, có chất lượng, có thương hiệu, dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng trong cả nước, và dần từng bước vươn ra thị trường thế giới.