day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Sáu, 15/09/2017, 02:00 (GMT+7)
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6, BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII ngày 15/7/2016 đã nghiêm túc kiểm điểm những mặt được và chưa được về hoạt động du lịch của tỉnh Phú Thọ trong những năm vừa qua, từ đó đề ra mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch trong những năm tiếp theo (từ 2016 đến 2020). Một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu Nghị quyết nhấn mạnh là, cần phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao để thu hút khách du lịch đến với tỉnh Phú Thọ.
Trong thực tế chúng ta đều biết, Phú Thọ có những lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù.
Là vùng đất cội nguồn, nơi có khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt thờ tự các vua Hùng - những bậc tiền nhân có công dựng nước. Ngoài ra, trên địa bàn Phú Thọ còn có hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa từ thời Hùng Vương dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Vì vậy, Phú Thọ có thể xây dựng được loại sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử đặc thù, gắn với hai di sản văn hóa thế giới là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" và "Hát Xoan" cùng với các hoạt động văn hóa dân gian mang đậm dấu ấn vùng đất Tổ.
Phú Thọ còn là cửa ngõ của vùng Tây Bắc, nơi tiếp giáp giữa đồng bằng và miền núi, nên thiên nhiên ưu đãi cho nhiều cảnh quan tươi đẹp với những ao hồ, cánh rừng, hang động kỳ thú. Nơi đây còn có những sản vật do thiên nhiên ban tặng, cùng với sự khéo léo, sức sáng tạo của người dân lao động tạo nên những đặc sản địa phương như các loại đồ ăn, thức uống, nơi nghỉ dưỡng và hoa quả trong vườn... Với những điều kiện như vậy, có thể phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái - danh thắng, hoặc nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí...
Như vậy, có thể khái quát một số sản phẩm du lịch đặc trưng mà tỉnh Phú Thọ có thể phát triển có lợi thế cạnh tranh, bao gồm:
1- Sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử: Cần tập trung xây dựng khu trung tâm là Đền Hùng, trở thành khu du lịch trọng điểm quốc gia. Nơi đây có cả một quần thể di tích, hàng năm đến mùa lễ hội, đã có hàng triệu lượt đồng bào về dự lễ và tri ân công đức tổ tiên. Tuy nhiên, số lượng khách ở lại lưu trú rất ít, vì vậy không giúp cho nguồn thu của tỉnh. Để xây dựng nơi đây trở thành sản phẩm du lịch, cần phải quan tâm đầu tư mở rộng thêm những điểm vui chơi giải trí, tham quan vãn cảnh. Ngoài những cơ sở vật chất hiện có, Đền Hùng cần được đầu tư thêm về cảnh quan, môi trường; Chỉnh trang các hồ nước, chăm sóc rừng cây bản địa, vườn hoa, cây cảnh, làm thêm các đường dạo (khu vườn tượng Quốc tế cần được quan tâm sửa sang sạch đẹp để khai thác, sử dụng). Cần xây dựng thêm các trạm dừng chân có mái che, nhà vệ sinh, đảm bảo cho môi trường sạch đẹp. Mở rộng xây thêm các nhà hàng phục vụ ăn uống, các khu, quầy bán hàng lưu niệm (đặc biệt là sản xuất nhiều hàng lưu niệm mang dấu ấn thời đại Hùng Vương).
Bảo tàng Hùng Vương tại Đền Hùng nên đổi tên thành Bảo tàng thời đại Hùng Vương (là bảo tàng chuyên đề) để tránh nhầm lẫn với Bảo tàng Hùng Vương ở Việt Trì. Ở đây đang lưu giữ nhiều hiện vật quý mang dấu ấn của thời tiền sử và của thời đại Hùng Vương. Cần sắp xếp, chỉnh trang lại cho sinh động và hấp dẫn đối với du khách, đồng thời giúp con cháu ngày nay hiểu được quá khứ của ông cha ta buổi đầu dựng nước.
Bên cạnh đó, khu vực Nam Đền Hùng sớm triển khai quy hoạch, xây dựng nhà nghỉ dưỡng, nơi vui chơi giải trí phục vụ du khách có nhu cầu (lưu giữ được du khách).
Để mở rộng không gian cho khu du lịch Đền Hùng, cần tạo thêm những điểm tham quan cho du khách tới các xã vùng ven Đền Hùng và khu vực thành phố Việt Trì. Ở đây cũng có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa liên quan tới thời Hùng Vương dựng nước. Nhiều ngôi đình, đền, miếu thờ tự vua Hùng hoặc vợ, con, tướng lĩnh của các vua Hùng vẫn được nhân dân địa phương giữ gìn và tu bổ, tôn tạo khang trang, lễ hội được tổ chức thường xuyên như đình Hùng Lô, Vân Luông, Thanh Đình, Bảo Đà... Nhưng cũng có nhiều di tích đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có những nơi chỉ còn là phế tích. Cần tiếp tục điều tra, khảo sát để có chương trình khôi phục, tu bổ, tôn tạo thành một quần thể di tích lịch sử, văn hóa thờ tự các vua Hùng, nhằm mở rộng thêm điểm tham quan và thực hành tín ngưỡng cho du khách. Đồng thời với việc nâng cấp cơ sở vật chất, cần có kế hoạch khôi phục các lễ hội dân gian ở các xã vùng ven và cả khu vực Việt Trì, như lễ hạ điền, hội tùng dí, rước sinh thực khí, rước ông Khiu bà Khiu... tạo thành hệ thống các lễ hội phục vụ cho các chương trình du lịch.
Nhằm tạo cho lễ hội có những hoạt động văn hóa hấp dẫn, cần khôi phục các trò chơi dân gian như cướp cầu, múa mo, cờ người, đánh lốc, leo dây, bắn cung, đấu vật... khuyến khích khách du lịch cùng tham gia, tạo cho hoạt động du lịch thêm sinh động.
Tại Đền Hùng, nơi thường xuyên đón khách du lịch, cần xây dựng thêm một số hoạt động phục vụ du khách như: đội rước lễ, đội văn nghệ dân gian phục vụ hát Xoan, hát Ghẹo, diễn các tích trò theo các truyền thuyết Hùng Vương. Mở rộng thêm các điểm chụp ảnh lưu niệm có trang phục quần áo, mũ mão phỏng theo các hoạ tiết được trang trí trên trống đồng Đông Sơn, tái hiện cảnh sinh hoạt thời Hùng Vương, tạo ấn tượng cho du khách.
Ngoài khu vực trung tâm Đền Hùng và thành phố Việt Trì, ở một số địa phương trong tỉnh cũng có những di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, gắn với các lễ hội truyền thống ở địa phương như Đền Mẫu Âu Cơ (Hạ Hòa), Đền Lăng Sương (Thanh Thủy), Đền Tiên (Việt Trì), Đền Lý Nam Đế (Tam Nông), cùng với những ngôi đình cổ kính như Đình Hùng Lô, Lâu Thượng, Bảo Đà, Thanh Đình, Hy Cương (Việt Trì) Đình Đào Xá (Thanh Thủy)... và các hoạt động văn hóa dân gian như Hội Phết (Hiền Quan - Tam Nông), trò Trám, trò Bách nghệ khôi hài (Tứ Xã - Lâm Thao), lễ Lập Tỉnh của người Dao (Xuân Sơn - Tân Sơn)... Ở những địa phương trên, nếu biết tổ chức sẽ trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách về với địa phương.
Bên cạnh đó, Phú Thọ còn là nơi phát hiện ra các di chỉ khảo cổ thời tiền sử và sơ sử như Sơn Vi, Phùng Nguyên, Gò Mun (Lâm Thao); Làng Cả, Thanh Đình (Việt Trì); xóm Rền (Gia Thanh - Phù Ninh)... Cùng với những di tích lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống pháp như tượng đài chiến thắng Sông Lô (Đoan Hùng), Trạm Thản (Phù Ninh), Tu Vũ (Thanh Thủy)... Ở những nơi này khi được quy hoạch và đầu tư cũng sẽ là các sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử hấp dẫn du khách.
2. Sản phẩm du lịch danh thắng - sinh thái:
Với điều kiện tự nhiên vừa có rừng núi, trung du và đồng bằng, tạo cho Phú Thọ có những cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn. Vùng rừng núi, chúng ta có vườn quốc gia Xuân Sơn với tổng diện tích 33.639ha, là một trong 15 vườn quốc gia lớn nhất hiện nay. Nơi đây những dãy núi đá kiến tạo nên hệ thống hang động và những thác nước, cảnh quan tự nhiên rất kỳ thú. Vườn quốc gia Xuân Sơn còn nổi tiếng bởi hệ sinh thái đa dạng (có 7 hệ sinh thái chính: hệ sinh thái rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, hệ sinh thái rừng tự nhiên núi đất, hệ sinh thái hang động ướt, hệ sinh thái hang động khô, hệ sinh thái nước, hệ sinh thái sông suối và hệ sinh thái canh tác lúa nước trong vùng). Rừng Xuân Sơn là loại đa dạng sinh học cao, hệ thực vật với trên 726 loài bậc cao (nếu tính các loại thực vật có tới 1.217 loại, trong đó có 665 loại cây thuốc). Hệ động vật cũng rất phong phú đa dạng, có nhiều loài quý hiếm, theo thống kê rừng Xuân Sơn có 365 loài động vật, trong đó có 46 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Ở Xuân Sơn đã có những điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú. Nhưng để biến những điều kiện đó thành sản phẩm du lịch danh thắng - sinh thái cần có sự đầu tư về kinh phí để cho các hang động có đường xá đi lại dễ dàng, kể cả điện thắp sáng ở những nơi cần thiết, tạo ánh sáng lung linh huyền ảo, nhìn rõ những nhũ đá và hình thù trong hang động để du khách tham quan, khám phá. Những khu rừng nguyên sinh cần được bảo vệ, chỉnh trang, tạo sự hấp dẫn cho du khách.
Nơi đây còn có cộng đồng người Dao và người Mường sinh sống với những phong tục tập quán còn bảo lưu những giá trị văn hóa bản địa. Do đó, nên khuyến khích những cộng đồng dân tộc nơi đây tham gia vào hoạt động du lịch, hình thành một số loại hình dịch vụ phục vụ du khách tham quan như dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống, dịch vụ hướng dẫn khách tham quan.
Ngoài vườn quốc gia Xuân Sơn, sản phẩm du lịch danh thắng - sinh thái trên địa bàn Phú Thọ còn phải kể đến đầm Ao Châu, Ao Giời - Suối Tiên (Hạ Hòa), Hồ Ly (Yên Lập)... Những nơi này cảnh quan thiên nhiên rất tươi đẹp, hấp dẫn, nhưng hiện nay vẫn còn dáng vẻ hoang sơ, chưa được đầu tư về cơ sở vật chất, nên chưa trở thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Ở những nơi này cần được quy hoạch và mời gọi các nhà đầu tư để có thể khai thác phục vụ khách du lịch quốc tế và trong nước.
3. Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí:
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay đã hình thành một số địa điểm nghỉ dưỡng, ẩm thực, vui chơi giải trí như: Đảo Ngọc Xanh, Vườn Vua (Thanh Thủy)... Nơi đây đã có các hoạt động phục vụ du khách như tắm khoáng nóng, tắm bùn, tắm lá thuốc... và các hoạt động vui chơi giải trí, ăn uống với các loại ẩm thực địa phương như cá sông, gà đồi, lợn lửng, gà nhiều cựa...
Khả năng mở rộng loại sản phẩm du lịch này còn có thể thực hiện được ở nhiều địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, việc đầu tư còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch chung trong toàn tỉnh....
Đây là loại hình sản phẩm du lịch hấp dẫn tính tò mò và khám phá của du khách. Cần có kế hoạch đầu tư và mở rộng để Phú Thọ tạo chuỗi sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, ẩm thực và vui chơi giải trí sẽ níu giữ khách du lịch ở lại lâu hơn và như vậy sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương và tăng thêm nguồn thu cho tỉnh.
Thực hiện các Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh, các chương trình kế hoạch của HĐND, UBND tỉnh nhằm đẩy mạnh ngành du lịch trở thành mũi nhọn, một trong những khâu đột phá để phát triển kinh tế, trong những năm qua toàn ngành du lịch đã không ngừng phấn đấu và có bước phát triển nhất định. Tuy nhiên, việc đầu tư còn dàn trải, chưa tập trung tạo ra những sản phẩm du lịch có sức thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với tỉnh Phú Thọ. Số lượng khách đến với tỉnh tuy có tăng về số lượng, nhưng chủ yếu chỉ tập trung vào những ngày lễ hội. Lượng du khách lưu trú còn thấp, thu ngân sách từ ngành du lịch còn rất khiêm tốn.
Để tập trung đầu tư cho một số sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ chế chính sách ưu đãi (về thuế và cho thuê đất), đầu tư về cơ sở hạ tầng cho các khu, điểm du lịch, đến việc quảng bá du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia vào việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; giáo dục cho mỗi người dân địa phương có ý thức tiếp đón khách du lịch văn minh, lịch sự.
Trước mắt tỉnh cần lựa chọn một số điểm du lịch để tập trung đầu tư, có kế hoạch trung, dài hạn để phát triển du lịch một cách bền vững, cần chú trọng bồi dưỡng để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ tham gia các hoạt động du lịch. Ở những khu, điểm du lịch cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương cùng tham gia xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, đặc biệt là các mặt hàng lưu niệm mang thương hiệu vùng đất Tổ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Người dân chính là chủ thể tiếp đón khách du lịch, nên cần mở những lớp bồi dưỡng về kiến thức và nghiệp vụ du lịch để phục vụ du khách, tạo ấn tượng tốt để họ còn trở lại.
Tỉnh Phú Thọ có những tiềm năng để phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, nhưng còn chưa được khai thác và phát triển để các sản phẩm đó phát huy hiệu quả.
Kinh nghiệm của Bhutan - một đất nước nhỏ bẻ nằm lọt trong vùng rừng núi của dãy Himalaya với 750 ngàn dân. Bhutan biết làm giàu cho đất nước bằng việc phát triển du lịch, thu từ du lịch đạt 33% GDP của đất nước. Một tổ chức quốc tế đã đánh giá Bhutan là một trong 7 điểm đến thú vị nhất thế giới trong năm 2017.
Lý do mà du lịch ở Bhutan phát triển, chính vì đất nước này biết biến tiềm năng của mình trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo. Đó là những di tích lịch sử, những công trình văn hóa được bảo tồn; những tu viện Phật giáo Tây Tạng; những khu rừng nguyên sinh; những thành phố nhỏ bé với những khu phố sạch sẽ, yên tĩnh và những ngôi nhà xinh xắn của cư dân bản địa, đều hấp dẫn khách du lịch. Điều đặc biệt là, đất nước huy động được toàn dân biết làm du lịch (du lịch cộng đồng); đồng thời chính phủ có chính sách quản lý chặt chẽ đối với khách du lịch, tạo được sự an toàn, thân thiện đối với du khách. Làm được như vậy, nên Bhutan đã thành công trong phát triển du lịch, làm giàu cho đất nước.