day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Phát huy hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội

Hoạt động Tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) là một trong những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp hội Việt Nam), các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) chuyên ngành toàn quốc và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong những năm qua, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) luôn xác định hoạt động TVPB&GĐXH là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt. Trên cơ sở Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ, Liên hiệp hội tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 31/8/2016 về Quy định hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội tỉnh, tạo cơ sở, hành lang pháp lý và điều kiện thuận lợi để Liên hiệp hội tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Ngay từ những ngày đầu thành lập, nhất là từ năm 2008 (khi đi vào hoạt động chuyên trách) đến nay, Liên hiệp hội tỉnh đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các huyện, thị, thành rà soát, tổng hợp các chương trình, quy hoạch, kế hoạch, dự án trọng tâm, trọng điểm thuộc nhóm phải thực hiện TVPB&GĐXH trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, từ đó xây dựng kế hoạch và trình UBND tỉnh giao nhiệm vụ TVPB&GĐXH từng năm.

Liên hiệp hội tỉnh đã tích cực thực hiện các nội dung theo Quyết định số 14/QĐ-TTg của Thủ tướng, Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh và Hướng dẫn số 819/LHH ngày 01/10/2014 của Liên hiệp hội Việt Nam như: Xây dựng “ngân hàng chuyên gia” (tính đến nay, Liên hiệp hội tỉnh đã tập hợp được trên 200 chuyên gia là trí thức tiêu biểu quê Phú Thọ có học hàm, học vị GS, PGS, TS, gần 600 chuyên gia là các tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa II, thạc sỹ trở lên đang công tác tại các cơ quan, ban ngành trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành các chương trình đào tạo ở trong và ngoài nước để tham gia vào “ngân hàng chuyên gia”, nâng tổng số trí thức, chuyên gia tham gia vào các hoạt động TVPB&GĐXH lên gần 800 người); chủ động, xúc tiến xây dựng các chương trình phối hợp với các ngành, nhất là với Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, UBND một số huyện, thành thị…để tạo điều kiện thuận lợi, sự ủng hộ, cầu thị trong tiếp nhận các ý kiến tư vấn, phản biện; thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm từng bước tạo sự đồng thuận trong quan điểm và nhận thức của các cấp, các ngành, các hội thành viên về vai trò, ý nghĩa của hoạt động TVPB&GĐXH; đăng tải nhiều bài báo, bài tham luận, các báo cáo khoa học về kết quả thực hiện các nhiệm vụ TVPB&GĐXH trên Tập san “Trí thức Đất Tổ”, trang Website “Trithucdatto.vn” và trang Fanpage của Liên hiệp hội tỉnh. Công tác tập huấn, tham gia tập huấn nghiệp vụ, nâng cao kỹ năng trong hoạt động TVPB&GĐXH được định kỳ tổ chức trên cơ sở sự hỗ trợ của các chuyên gia và của Liên hiệp hội Việt Nam…

Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Đề án Trung tu, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn tỉnh (tháng 8/2023).

Qua quá trình thực hiện, với sự quan tâm, tạo điều kiện của Liên hiệp hội Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội tỉnh ngày càng đi vào nền nếp; số lượng, chất lượng thực hiện nhiệm vụ TVPB&GĐXH không ngừng được nâng lên. Trong 5 năm gần đây, Liên hiệp hội tỉnh đã tổ chức thực hiện triển khai 4 đề tài TVPB&GĐXH do Liên hiệp hội Việt Nam giao; chủ trì thực hiện gần 50 nhiệm vụ, hoạt động TVPB&GĐXH trên địa bàn tỉnh; tổ chức gần 20 hội thảo khoa học, diễn đàn khoa học lớn; các tổ chức thành viên thuộc Liên hiệp hội tỉnh đã chủ trì, phối hợp thực hiện gần 2.350 cuộc, nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Các báo cáo kết quả TVPB&GĐXH được xây dựng công phu, công tâm, khách quan, là thông tin khoa học quan trọng góp phần hoàn thiện các văn bản, các chương trình, đề án lớn và là thông tin, căn cứ khoa học giúp lãnh đạo tỉnh xem xét, quyết định các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh. Điển hình như: Phản biện “Dự án xây dựng thủy điện cột nước thấp trên sông Lô, huyện Đoan Hùng”; Tư vấn phản biện "Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ"; Hội thảo "Giải pháp phát triển thương hiệu Chè Xanh Phú Thọ"; Hội thảo "Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Thọ"; Phản biện “Đề án phát triển cây Bưởi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025”, “Đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2030”...Đặc biệt, năm 2022, Liên hiệp hội tỉnh đã huy động đông đảo các chuyên gia, trí thức, nhà khoa học uy tín, trách nhiệm trong và ngoài tỉnh tham gia phản biện “Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050”. Sau khi báo cáo kết quả TVPB&GĐXH về nội dung này hoàn thành và gửi các cơ quan liên quan, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2572/UBND-KTTH ngày 06/7/2022 về việc tiếp thu Báo cáo kết quả tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội; đồng thời đề nghị các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành, thị và đơn vị tư vấn lập quy hoạch nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện trong bản quy hoạch. Năm 2023, theo đề nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Liên hiệp hội tỉnh tham gia góp ý thành công chuyên đề: Góc nhìn phản biện đối với các cơ chế, chính sách lớn trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Những đề tài, nhiệm vụ TVPB&GĐXH được Liên hiệp hội tỉnh tổ chức thực hiện không những là những sản phẩm trí tuệ mà còn mang ý nghĩa thực tiễn rất lớn, giúp tỉnh kịp thời có những giải pháp thiết thực để tiếp tục triển khai các lĩnh vực kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Cùng với những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai hoạt động TVPB&GĐXH, Liên hiệp hội tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, đó là: Một số sở, ngành, huyện, thị, thành, doanh nghiệp, chủ đầu tư trong tỉnh chưa nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội; mặt khác, các đơn vị khi đặt hàng TVPB&GĐXH khó khăn về kinh phí nên chưa chủ động đề xuất tham gia và thực hiện trách nhiệm cung cấp thông tin, hồ sơ kịp thời cho Liên hiệp hội tỉnh theo quy định; điều kiện ràng buộc về thời gian, trách nhiệm phối hợp và các điều kiện đảm bảo cho quá trình tổ chức thực hiện TVPB&GĐXH đối với một số cơ quan có liên quan chưa thể hiện tính chủ động; phần lớn các chương trình, đề án cần TVPB&GĐXH do các cấp, các ngành tham mưu xây dựng đều bị chậm so với kế hoạch đặt ra. Quy định của Nhà nước về cơ chế tài chính cho hoạt động TVPB&GĐXH còn nhiều vấn đề bất cập, khó khăn cho địa phương để huy động được các chuyên gia giỏi ở Trung ương tham gia với tỉnh; định mức kinh phí thù lao chi cho công tác TVPB&GĐXH áp dụng Thông tư số 11/2015/TT-BTC ngày 29/01/2015 của Bộ Tài chính quy định thấp hơn nhiều so với định mức chi cho Hội thảo khoa học quy định tại Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22/4/2015 của Bộ Tài chính và Bộ KH&CN nên có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội tỉnh....

Xác định TVPB&GĐXH là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, là thế mạnh của hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam, để hoạt động tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước nói chung, sự phát triển của các địa phương nói riêng, Liên hiệp hội tỉnh đề xuất một số giải pháp chủ yếu như sau: Quan tâm triển khai toàn diện và làm tốt mọi mặt hoạt động của Liên hiệp hội gắn với làm tốt công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng tạo sự lan tỏa và tham gia hưởng ứng tích cực của đông đảo trí thức và nhân dân về vai trò, vị trí, nhiệm vụ chính trị của Liên hiệp hội. Tích cực, chủ động hơn nữa trong công tác cập nhật thông tin, kịp thời nắm bắt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tiễn đời sống, xã hội, chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan lựa chọn nhiệm vụ TVPB&GĐXH có tính cấp thiết, giải quyết được các bức xúc của xã hội, địa phương, vùng, miền và phù hợp với năng lực của Liên hiệp hội. Xây dựng ngân hàng dữ liệu về chuyên gia, làm tốt công tác tập hợp đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các chuyên gia TVPB&GĐXH đầu ngành ở Trung ương và ở tỉnh có trình độ, chuyên môn sâu, giàu kinh nghiệm thực tiễn, nhiệt tình, tâm huyết tham gia các hoạt động TVPB&GĐXH ở địa phương. Từng bước đổi mới công tác tập hợp, điều hòa, phối hợp tạo sự gắn kết giữa Cơ quan thường trực Liên hiệp hội với các Hội thành viên, có cơ chế phù hợp để các Hội thành viên có đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức giỏi, có kinh nghiệm, chuyên môn sâu, chủ động đề xuất và chủ trì thực hiện hoặc tham gia một phần nhiệm vụ TVPB&GĐXH thông qua các hợp đồng giao nhiệm vụ. Trong quá trình tổ chức các nhiệm vụ TVPB&GĐXH cần chủ động xây dựng các kế hoạch, phương án phối hợp tổ chức triển khai nhiệm vụ với các cơ quan liên quan để huy động sự ủng hộ, hỗ trợ về cơ sở vật chất, kinh phí và các điều kiện cần thiết để tổ chức các nhiệm vụ TVPB&GĐXH. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành, vận dụng và xã hội hóa một số khâu, nội dung khi thực hiện các đề tài, nhiệm vụ TVPB&GĐXH lớn.