day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Ba, 30/07/2019, 03:00 (GMT+7)
Thực hiện văn bản số 2224/UBND-KGVX ngày 24/5/2019 của UBND tỉnh Phú Thọ, ngày 29/7/2019, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện về: Nông nghiệp hữu cơ - Triển vọng và thách thức đối với tỉnh Phú Thọ. Dự hội thảo có Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, lãnh đạo MTTQ tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học Trung ương, trong tỉnh ở các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ, nông nghiệp, một số doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là hệ thống sản xuất duy trì được lâu dài sức khỏe của đất, hệ sinh thái và con người. NNHC dựa trên việc khai thác hợp lý các quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và các chu trình khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, thay vì chỉ hướng đến sử dụng vật liệu tổng hợp từ bên ngoài. NNHC kết hợp truyền thống với đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ (KH&CN) để mang lại cuộc sống tốt hơn cho cộng đồng. Theo các nhà nghiên cứu về NNHC, đó là một hệ thống, trong đó từ chối sử dụng tất cả các loại hợp chất hóa học (như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân bón vô cơ và cây trồng biến đổi gen). Hệ thống này hướng đến sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học/đấu tranh sinh học (sử dụng thiên địch) và làm cỏ bằng biện pháp cơ học (không hóa chất).
Ở Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị định 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ quy định về sản xuất, chứng nhận, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, kinh doanh, kiểm tra nhà nước sản phẩm nông nghiệp hữu cơ trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành TCVN11041:2015 hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng cũng như môi trường sống, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Hiện nay, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng quan tâm trong bối cảnh yêu cầu về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường ngày càng tăng. Trong những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHKT, công nghệ cao và các tiêu chuẩn sản xuất an toàn ngày càng được triển khai rộng rãi góp phần cải thiện nâng cao năng suất chất lượng cây trồng vật nuôi, trên địa bàn tỉnh đã có những mô hình nông nghiệp sạch, an toàn và theo hướng hữu cơ như: Mô hình sản xuất rau sắng tại huyện Tân Sơn; mô hình sản xuất bưởi đặc sản Đoan Hùng sử dụng phân bón hữu cơ tự chế từ đậu tương, xương cá; mô hình nuôi lợn, gà thả đồi, nuôi giun quế, lợn thảo mộc; mô hình nuôi cá tự nhiên trong hồ đầm... Tuy vậy, trên địa bàn tỉnh chưa có các doanh nghiệp, cơ sở quy mô sản xuất hữu cơ (chủ yếu nhỏ lẻ, sản xuất hữu cơ ở các mức độ khác nhau), chưa có sản phẩm nào được chính thức dán nhãn nông nghiệp hữu cơ, việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ còn khá mới và rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe khi áp dụng, trong khi đa số người dân vẫn chưa hiểu biết về sản phẩm hữu cơ; giá thành sản phẩm nông nghiệp hữu cơ còn cao; chưa có chính sách khuyến khích, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là không có thị trường ngoài tỉnh và quốc tế, công tác phổ biến, tuyên truyền, tập huấn về nông nghiệp hữu cơ chưa được đẩy mạnh...
Sau khi được cung cấp những thông tin, kiến thức cơ bản về nông nghiệp hữu cơ, thực trạng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; dự thảo Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019-2025, các đại biểu đã thảo luận, tập trung phân tích, đánh giá thực trạng nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh, dự báo triển vọng, cơ hội, khó khăn, thách thức, tư vấn, đề xuất các giải pháp và cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả trên địa bàn tỉnh trong những năm tới như: Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về vai trò của sản phẩm hữu cơ; nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, người sản xuất, người tiêu dùng và cả nhà quản lý về việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất, giám sát, chứng nhận NNHC; Quy hoạch, xác định các vùng và các sản phẩm hữu cơ, trong đó ưu tiên cho các sản phẩm đặc sản, đặc hữu của địa phương như chè trung du búp tím, Rau sắng, Bưởi Đoan Hùng, Hồng Hạc trì… Hoặc ưu tiên đơn đặt hàng của các nước có nhu cầu cao về sản phẩm hữu cơ các giống cây con thích hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh Phú Thọ; coi khoa học công nghệ là động lực trực tiếp để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hữu cơ; giải pháp về sản xuất theo chuỗi, có xuất xứ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng; tiếp xúc thương mại và xây dựng thương hiệu sản phẩm ưu tiên nguồn lực (nhân lực, kinh phí, cơ sở hạ tầng) thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài để có thương hiệu và thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ...