day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ - Những vấn đề thực tiễn đặt ra và đề xuất giải pháp

Hạnh phúc của nhân dân là một trong những chỉ dẫn quan trọng đối với quản trị quốc gia, hạnh phúc là thước đo đúng đắn của tiến bộ xã hội và là một quan điểm rất nhân văn, một định hướng lớn của Đảng và Nhà nước. Việc đánh giá khách quan, khoa học mức độ hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ so với các tỉnh trong vùng Trung du và miền núi phía Bắc (TD&MNPB) để làm cơ sở đề xuất các giải pháp nhằm không ngừng nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trong tỉnh thời gian tới là rất cần thiết.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc;… nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”, đây là lần đầu tiên khái niệm về chỉ số hạnh phúc được đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, trở thành mục tiêu phấn đấu của toàn xã hội, là khát vọng phát triển của đất nước, là chuẩn mực tối cao của gia đình Việt Nam. Hiện nay, trên thế giới đã có một số nước và tổ chức quốc tế nghiên cứu, đánh giá và công bố chỉ số hạnh phúc quốc gia như: 

* Chỉ số “Tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH) của Bhutan, gồm 9 tiêu chí: (1). Sức khỏe tâm lý; (2). Sử dụng thời gian; (3). Sức sống cộng đồng; (4). Giáo dục; (5). Đa dạng văn hóa và khả năng phục hồi; (6). Đa dạng sinh thái và khả năng phục hồi; (7). Sức khoẻ; (8). Mức sống; (9). Quản trị tốt.

* Báo cáo Hạnh phúc thế giới (WHR) của Mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững (SDSN) thuộc Liên hợp quốc phối hợp với Viện nghiên cứu Trái đất thuộc Đại học Columbia, Mỹ, thực hiện đo lường công bố chỉ số hạnh phúc của các quốc gia, vùng lãnh thổ, gồm 8 tiêu chí: (1). GDP bình quân đầu người tính theo sức mua ngang giá; (2). Số năm sống khỏe mạnh so với tuổi thọ trung bình; (3). Hỗ trợ xã hội; (4). Tự do lựa chọn cuộc sống; (5). Sự rộng lượng; (6). Nhận thức về tham nhũng; (7). Phản ứng tích cực; (8). Phản ứng tiêu cực.

* Báo cáo chỉ số Hạnh phúc hành tinh (HPI) thuộc Quỹ Kinh tế mới (NEF) có trụ sở chính tại Vương quốc Anh thực hiện, gồm 3 tiêu chí: (1). Mức độ hài lòng cuộc sống; (2). Tuổi thọ trung bình; (3). Dấu chân sinh thái (tức tình trạng khai thác tài nguyên phục vụ cho cuộc sống).

Điểm hạnh phúc các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á

Đối với Việt Nam, theo Báo cáo Hạnh phúc Thế giới (WHR), năm 2023, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đứng vị trí thứ 65 trên thế giới và thứ 4 tại khu vực Đông Nam Á (có biểu đồ minh họa). Năm 2024, theo công bố vào ngày 20/3/2024, Việt Nam đứng thứ 54 trong tổng số 143 quốc gia/ vùng lãnh thổ được khảo sát, tăng 11 bậc so với năm 2023, trong khu vực Châu Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Sinagpore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Đây là thứ hạng cao nhất của Việt Nam kể từ năm 2015. Đứng đầu năm 2024 là Phần Lan, đây là năm thứ 7 liên tiếp Phần Lan được xếp hạng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, theo sau là Đan Mạch và Iceland. Đáng chú ý, Mỹ không nằm trong top 20 nước hạnh phúc nhất thế giới khi tụt xuống thứ 23; đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn nhất thế giới không nằm trong top 20 kể từ khi được công bố thường niên năm 2012. 

Theo kết quả đề tài khoa học cấp Bộ về “Nghiên cứu, xây dựng chỉ số hạnh phúc quốc gia của Việt Nam” được Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiệm thu đã đưa ra khái niệm, các chỉ tiêu, phương pháp tính toán và thang điểm để áp dụng, tính chỉ số hạnh phúc cho cả nước, các vùng, các tỉnh ở nước ta. Theo đó: Chỉ số hạnh phúc Quốc gia của Việt Nam (tiếng Anh là Vietnam’s National Happiness Index - Viết tắt là VNHI) là một chỉ số tổng hợp, phản ánh mức độ hạnh phúc của toàn dân tộc Việt Nam, được tính toán trên cơ sở kết quả của 4 nhóm chỉ tiêu: (1). Kinh tế - vật chất - việc làm (gọi chung là kinh tế), (2). Xã hội; (3). Môi trường; (4). Hiệu quả quản trị và hành chính công của phạm vi cả nước đến một năm nhất định. 

Trong 4 nhóm chỉ tiêu trên, có 11 chỉ tiêu cụ thể sau:

+ Về kinh tế có 4 chỉ tiêu, gồm: (1). Thu nhập quốc gia (GNI) bình quân: Đạt ngưỡng nước thu nhập cao do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố áp dụng cho năm nghiên cứu (được thay thế bằng chỉ tiêu Thu nhập bình quân đầu người khi áp dụng tính chỉ số hạnh phúc cho từng vùng, từng tỉnh); (2). Tỷ lệ lao động có việc làm trong nền kinh tế: Đạt 100%; (3). Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố: Đạt 100%; (4). Tỷ lệ hộ có đồ dùng lâu bền: Đạt 100%.

+ Về xã hội có 4 chỉ tiêu, gồm: (5). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo: Đạt 50%; (6). Tuổi thọ trung bình: Đạt 80 tuổi; (7). Tỷ lệ nghèo đa chiều: Từ 2,5% trở xuống; (8). Hệ số bất bình đẳng về phân phối thu nhập: 0,3000 lần.

+ Về môi trường có 2 chỉ tiêu, gồm: (9). Tỷ lệ diện tích rừng hiện có so với diện tích đất lâm nghiệp: Đạt 100%; (10). Tỷ lệ dân số được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh (HVS): Đạt 100%.

+ Về hiệu quả quản trị hành chính và dịch vụ công có 1 chỉ tiêu, gồm: (11). Hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI) không có trọng số: 80 điểm.

Theo đó, chỉ số hạnh phúc Quốc gia của Việt Nam (Hn) được đo theo thang điểm 100 và được phân thành bốn mức độ sau: (1). Chưa hạnh phúc: Chỉ số Hn đạt dưới 50 điểm; (2). Tương đối hạnh phúc: Chỉ số Hn đạt từ 50 đến dưới 70 điểm; (3). Hạnh phúc: Chỉ số Hn đạt từ 70 đến dưới 90 điểm; (4). Rất hạnh phúc: Chỉ số Hn đạt từ 90 - 100 điểm. Đối với tỉnh Phú Thọ, theo kết quả nghiên cứu, tính toán của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Cục Thống kê tỉnh và Hội Thống kê tỉnh năm 2020 và năm 2022, kết quả như sau: 

- Năm 2020: Chỉ số hạnh phúc của tỉnh đạt 66,7 điểm (mức tương đối hạnh phúc), xếp thứ 3 trong 14 tỉnh vùng TD&MNPB, sau tỉnh Thái Nguyên (đạt 69,59 điểm - thứ nhất) và tỉnh Bắc Giang (đạt 68,82 điểm - thứ hai). 

+ Trong 11 chỉ tiêu, có 04/11 chỉ tiêu còn đạt thấp so với giá trị chuẩn, đó là: Thu nhập bình quân đầu người đạt 21,56% so mức giá trị chuẩn; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,40% so mức giá trị chuẩn; Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố đạt 63,84% so mức giá trị chuẩn; Hiệu quả quản trị hành chính và dịch vụ công đạt 52,93% so mức giá trị chuẩn; 

+ Có 02/11 chỉ tiêu đạt thấp hơn của vùng TD&MNPB, đó là: Tỷ lệ lao động có việc làm thấp hơn vùng TD&MNPB là 0,33%; Hiệu quả quản trị hành chính và dịch vụ công thấp hơn là 0,77 điểm; 

+ Có 05/11 chỉ tiêu đạt thấp hơn cả nước, đó là: Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 11,0 triệu đồng; Tỷ lệ nghèo đa chiều cao hơn 1,0%; Hiệu quả quản trị hành chính và dịch vụ công thấp hơn 0,44 điểm; Tuổi thọ trung bình thấp hơn 0,3 tuổi; Tỷ lệ hộ có đồ dùng lâu bền thấp hơn 0,19%.

Năm 2022: Chỉ số hạnh phúc của tỉnh đạt 70,68 điểm - tăng 3,98 điểm so với năm 2020 (đạt mức hạnh phúc). Giữ vị trí thứ 3 trong 14 tỉnh vùng TD&MNPB, đứng sau Bắc Giang (đạt 73,45 điểm - thứ nhất), Thái Nguyên (đạt 72,58 điểm - thứ hai). Năm 2022, Bắc Giang đã vượt lên trên Thái Nguyên.

+ Trong 11 chỉ tiêu, có 04/11 chỉ tiêu còn đạt thấp so với giá trị chuẩn, đó là: Thu nhập bình quân đạt thấp nhất 25,77% so mức giá trị chuẩn; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 66,42% so mức giá trị chuẩn; Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố đạt 68,21% so mức giá trị chuẩn; PAPI đạt 55,31% so mức giá trị chuẩn.

+ Còn 03/11 chỉ tiêu đạt thấp hơn cả nước, đó là: Thu nhập bình quân đầu người thấp hơn 9,1 triệu đồng; Tuổi thọ trung bình của dân số thấp hơn 0,11 tuổi; Tỷ lệ hộ có đồ dùng lâu bền thấp hơn 0,2%.

Kết quả đạt được thứ hạng xếp bậc về chỉ số hạnh phúc của tỉnh Phú Thọ trong vùng TD&MNPB nêu trên đã khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và sự vào cuộc, hưởng ứng tích cực của toàn xã hội trong thời gian qua.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp với Cục Thống kê tỉnh và Hội Thống kê tỉnh tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội “Nghiên cứu, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, trí thức và đại biểu tại Hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội về “Nghiên cứu, đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ”, Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất giải pháp góp phần tiếp tục nâng cao, cải thiện chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới:

Một là, về quan điểm, định hướng chỉ đạo: Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thời gian qua, một số tỉnh, thành đã đề cập đến quan điểm, định hướng gắn với xây dựng, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân. Tiêu biểu như tỉnh Yên Bái đã chọn chỉ số hạnh phúc để đưa vào Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh và trở thành một trong các chỉ tiêu pháp lệnh của tỉnh Yên Bái, nhiệm kỳ 2020 - 2025; các nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể đã được giao cho các cấp, các ngành liên quan triển khai thực hiện; đến nay, tỉnh Yên Bái đã triển khai và đạt được một số kết quả bước đầu. Do đó, kiến nghị Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, xem xét đưa chỉ số hạnh phúc vào Văn kiện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030, góp phần đưa chỉ số hạnh phúc trở thành quan điểm, định hướng, cơ sở pháp lý nhất quán trong triển khai, tổ chức thực hiện đến năm 2030 và những năm tiếp theo; đồng thời xem xét, quyết định chọn “Chỉ số hạnh phúc” là chỉ tiêu pháp lệnh của tỉnh từ năm 2025, trong đó giao các chỉ tiêu cụ thể cho các cấp, các ngành thực hiện. 

Hai là, về mục tiêu phấn đấu: Mục tiêu đến năm 2030: Phấn đấu giữ vững Phú Thọ là tỉnh hạnh phúc, có chỉ số năm sau cao hơn năm trước và thuộc nhóm ba tỉnh có chỉ số hạnh phúc cao nhất vùng TD&MNPB. Mục tiêu đến năm 2045: Phấn đấu Phú Thọ là tỉnh rất hạnh phúc và thuộc nhóm ba tỉnh có chỉ số hạnh phúc cao nhất vùng TD&MNPB.

Ba là, về nhiệm vụ và giải pháp: Các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực để nâng cao kết quả 04 chỉ tiêu còn đạt thấp đến năm 2022 so với giá trị chuẩn như: (1). Thu nhập bình quân đầu người; (2). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo; (3). Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố; (4). Hiệu quả quản trị hành chính, dịch vụ công gắn với thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau: Nâng cao thu nhập bình quân đầu người của toàn tỉnh; Nâng cao chất lượng lao động trên địa bàn tỉnh; Khuyến khích, đồng thời có chính sách, tạo điều kiện cho hầu hết các hộ gia đình được ở loại nhà kiên cố; Nâng cao hiệu quả quản trị và hành chính công; Định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá chỉ số hạnh phúc của tỉnh để làm cơ sở đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ và giải pháp cho năm tiếp theo.

Với sự quan tâm chỉ đạo, quyết tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương, tin tưởng thời gian tới, chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn tỉnh Phú Thọ sẽ ngày càng được giữ vững, cải thiện và nâng cao, từng bước phấn đấu là tỉnh rất hạnh phúc đến năm 2045 góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XIX và những nhiệm kỳ tiếp theo, đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.