day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Một số vấn đề trong phát triển làng nghề ở Phú Thọ

Khái niệm Làng nghề gắn liền với đời sống người dân, nhất là ở khu vực nông thôn. Sản xuất ở làng nghề góp phần tăng thu nhập, giải quyết lao động nông nhàn, hạn chế ly hương, tận dụng được các tiềm năng, kỹ năng gia truyền để tạo ra các sản phẩm có tính đặc thù cao mà nơi khác khó có được. Làm thế nào để Làng nghề tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế đang là câu hỏi cần những đáp án thỏa đáng.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 75 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận và trên 500 làng có nghề. Trong đó, nhóm làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm chủ yếu với 58%; nhóm làng nghề thủ công mỹ nghệ chiếm 26%; còn lại là nhóm làng nghề cây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng. Các làng nghề đã thu hút 9.542 hộ gia đình, 17 doanh nghiệp và 12 HTX tham gia, giải quyết việc làm cho 21.623 lao động ở khu vực nông thôn, trong đó lao động thường xuyên trên 15.000 người. Tổng doanh thu các làng nghề đạt 1.249 tỷ đồng, bình quân 16,7 tỷ/1 làng nghề. Đến nay đã hình thành được một số doanh nghiệp, HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề; một số làng nghề hoạt động có hiệu quả như: Chế biến nông sản thực phẩm Đoàn Kết, Mộc Vân Du, Chè Đá Hen... Hoạt động làng nghề đã tạo ra khối lượng sản phẩm đáng kể với nhiều mặt hàng phong phú, đa dạng; góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn theo hướng CNH, HĐH; xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, làng nghề Phú Thọ cũng có nhiều khó khăn hạn chế, đó là: Phát triển sản xuất theo kiểu tự phát, chưa có thị trường ổn định, còn hạn chế về dự báo cung - cầu, về vốn, công nghệ, thiết bị sản xuất, trình độ kỹ thuật và quản lý, tay nghề... Sản phẩm do các làng nghề sản xuất phần lớn còn manh mún, nhỏ lẻ, nghèo nàn, kém hấp dẫn, chất lượng chưa đồng đều, giá thành cao, sức cạnh tranh kém… Nhiều hộ vẫn làm thủ công, máy móc cũ kỹ, thô sơ, năng suất thấp. Lao động tại các làng nghề không ổn định, số lượng nghệ nhân, thợ giỏi ít; chủ yếu là lao động phổ thông, người hết tuổi lao động hoặc tranh thủ làm thêm và đang có xu hướng giảm dần hoặc chuyển dịch sang các lĩnh vực khác. Cơ sở hạ tầng nhiều làng nghề bị xuống cấp, mặt bằng sản xuất chật hẹp, chưa đủ kho tàng chứa nguyên liệu và sản phẩm. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề còn ở mức cao và khá phổ biến. Công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm làng nghề chưa mạnh, quy mô nhỏ theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, chưa có chiến lược quảng bá chung cho các sản phẩm …

Thực tế quá trình hội nhập, có những làng nghề đã tìm ra hướng đi riêng, từng bước củng cố, lớn mạnh dần và vươn xa. HTX sản xuất và chế biến Chè Đá Hen tại xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê được thành lập năm 2017 trên nền tảng “Làng nghề sản xuất và chế biến chè Đá Hen” với ngành nghề sản xuất và chế biến chè xanh. Năm 2018, HTX đã đăng ký nhãn hiệu sản phẩm chè Đá Hen và đẩy mạnh quảng bá, phát triển thương hiệu sản phẩm của mình. Với sự quan tâm hỗ trợ, tư vấn và định hướng của Liên minh HTX và cấp ủy, chính quyền địa phương, nỗ lực của các thành viên HTX đã mở rộng quy mô sản xuất, nâng cấp được 400m2 nhà xưởng. Từ chỗ chỉ có 20 lồng sao, 20 máy vò nhỏ và tách cẫng thủ công, đến nay HTX đã có 45 lồng sao, 40 máy vò, 15 máy tách cẫng và 1 máy hút chân không; nâng cấp 7 máy sao lăn, 7 máy vò với công suất lớn và 7 lò tiết kiệm nhiệt. Tổng sản lượng chè xanh của HTX trung bình mỗi năm khoảng 390 tấn khô, trong đó hàng nội tiêu khoảng 4 tấn, còn lại là hàng xuất khẩu sang các nước lân cận; doanh thu đạt 15 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 40 - 45 lao động/năm; thu nhập bình quân đạt 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Làng nghề mộc Việt Tiến, xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao với hơn 60 hộ, mỗi năm xuất bán ra thị trường gần 5.000 sản phẩm bàn ghế, giường, tủ, đồ thờ. Trải qua quá trình phát triển, làng nghề dần đầu tư đổi mới công cụ, ứng dụng công nghệ, cải tiến mẫu mã để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Song song với duy trì nghề mộc dân dụng, những năm gần đây, xu hướng làm nhà cổ đang trở lại, tạo điều kiện thuận lợi để làng nghề phát triển.

Tuy nhiên, cũng có những làng nghề trong tỉnh không theo kịp với quá trình thay đổi, nhu cầu của thị trường nên dần bị thu hẹp, mai một và có nguy cơ mất đi. Nhưng, ngay cạnh Làng nghề Mộc Việt Tiến, Làng nghề Ủ ấm Sơn Vi lại đang “teo tóp” bởi với nhiều gia đình, ủ ấm không còn là vật dụng cần thiết, đã có các loại ấm, bình giữ nhiệt tiện dụng hơn nhiều. Do vậy, hiện tại làng nghề chỉ còn 7 hộ với khoảng 20 lao động thường xuyên làm nghề. Trong khi nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng đang là nhu cầu của người tiêu dùng thì Làng nghề tương Dục Mỹ liền kề Làng nghề Ủ ấm Sơn Vi có thêm cơ hội phát triển, vẫn duy trì được quy mô sản xuất. Rõ ràng, ở những nơi này, nhu cầu thị trường quyết định sự phát triển của làng nghề.

Một trở ngại khác cho sự phát triển của các làng nghề là hiện nay, lao động trẻ không còn “mặn mà” với nghề truyền thống của cha ông nên chuyển hướng sang các ngành nghề khác có thu nhập cao hơn… Làng nghề Đan lát Ba Đông, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy đang gặp khó khăn về tiếp cận thị trường, “bí” đầu ra sản phẩm. Các sản phẩm của làng nghề bị “thất thế” trước sự cạnh tranh của những mặt hàng chất liệu mới, mẫu mã đa dạng. Bởi vậy, số hộ tham gia làng nghề từ thời điểm mới được công nhận đến nay đã giảm từ gần 300 hộ xuống còn trên 40 hộ với trên 100 lao động…

Làm thế nào để tồn tại và phát triển trong thời kỳ hội nhập không chỉ là bài toán đặt ra đối với các làng nghề truyền thống, mà còn của cả nền kinh tế khi ngày càng có thêm nhiều hiệp định thương mại được Chính phủ Việt Nam ký kết với nước ngoài.

Để phát triển các làng nghề của Phú Thọ, xin đề xuất một số giải pháp sau:

- Tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành chức năng với kế hoạch phát triển làng nghề gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; xác định vai trò của chính quyền cấp huyện, cấp xã và các tổ chức, cá nhân tham gia OCOP là quan trọng, là yếu tố quyết định đối với sự phát triển của làng nghề trong thời gian tới.

- Xây dựng quy hoạch tổng thể các làng nghề, xác định cụ thể các làng nghề, sản phẩm chủ lực, có tính đặc trưng, đặc sản của từng địa phương, có khả năng trở thành sản phẩm hàng hóa có quy mô lớn, có tiềm năng thị trường trong tỉnh, trong nước và xuất khẩu để tập trung xây dựng các Đề án phát triển, gắn với Chương trình OCOP. Song song, Nhà nước cần tạo điều kiện cho các làng nghề truyền thống tiếp cận được các thông tin về công nghệ, khoa học - kỹ thuật, thị trường; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các làng nghề tham gia hội chợ, triển lãm, hội thảo… để họ tiếp cận thông tin, ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất, quản lý chất lượng, biến các sản phẩm làng nghề trở thành hàng hóa thương mại.

- Rà soát các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách hiện hành của Chính phủ để ban hành các cơ chế, chính sách đối với làng nghề phù hợp với đặc thù của tỉnh như: Chính sách về tín dụng, đất đai (cần có cơ chế, chính sách giao đất, hợp đồng cho thuê đất để các cơ sở sản xuất ở làng nghề truyền thống có thể mở rộng quy mô); hỗ trợ chuyển đổi mô hình hoạt động làng nghề, trong đó có việc chuyển từ hộ sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác thành doanh nghiệp; chính sách về khoa học công nghệ, khuyến công, khuyến nông, xúc tiến thương mại, xử lý ô nhiễm môi trường; hỗ trợ đào tạo nghề; vinh danh nghệ nhân, thợ giỏi; tôn vinh nghề, làng nghề truyền thống…

- Phát triển vùng nguyên liệu cho các làng nghề sản xuất, đảm bảo cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề ổn định phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Với những nguyên liệu là sản phẩm nông nghiệp, trong điều kiện diện tích đất phục vụ cho sản xuất nguyên liệu ngày càng thu hẹp cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại để tăng năng suất sản xuất nguyên liệu. Các làng nghề nên ký kết hợp đồng với đối tác, trong đó ràng buộc những điều khoản cụ thể, rõ ràng để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và giá cả.

- Các làng nghề chủ động nghiên cứu thị trường, đưa ra các sản phẩm đặc sắc mang dấu ấn riêng, mới, kết hợp một cách hợp lý giữa truyền thống và công nghệ hiện đại, sử dụng công cụ tiên tiến trong quá trình sản xuất, để tăng năng suất, mẫu mã phong phú hơn nhưng vẫn giữ được nét tinh xảo, đặc trưng truyền thống. Tổ chức liên kết trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng phát triển thương hiệu, xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm.

- Phát triển du lịch làng nghề gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong mỗi làng nghề, gắn kết các làng nghề với những điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Giới thiệu những sản phẩm đặc sắc của làng nghề ở một số khu du lịch, các trạm dừng chân, hội nghị trong và ngoài tỉnh để tìm các doanh nghiệp, đại lý ký kết, tiêu thụ sản phẩm.

- Lồng ghép các chương trình khuyến công, khuyến nông, xây dựng nông thôn mới, các chương trình KHCN,… để hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo kiến thức về kỹ thuật, thiết kế sản phẩm làng nghề, kỹ năng quản trị, kinh tế, thương mại cho trưởng làng nghề, giám đốc doanh nghiệp, hợp tác xã; động viên, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi bồi dưỡng, truyền nghề cho lao động trẻ.

- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, vận động doanh nghiệp, hộ sản xuất trong các làng nghề thực hiện quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, gắn sản xuất với bảo vệ môi trường. Sớm điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại làng nghề và các cơ sở sản xuất theo từng loại hình sản xuất; xây dựng phương án hỗ trợ các làng nghề xử lý ô nhiễm môi trường. Đối với một số làng nghề gây ô nhiễm môi trường trong một số khâu nhất định cần di dời những khâu trong chuỗi công đoạn sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư. Đối với những làng nghề truyền thống gây ô nhiễm môi trường nặng nề thì cần hình thành các cụm công nghiệp tập trung để bố trí làng nghề; hàng năm thực hiện kiểm tra, hướng dẫn việc chấp hành quy định của pháp luật về BVMT nhất là các làng nghề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống là một việc làm có ý nghĩa và cần thiết. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của mỗi làng nghề truyền thống, cần sự chung tay hỗ trợ nhiều hơn các cấp, ngành và địa phương. Có như vậy, nghề và làng nghề truyền thống sẽ có cơ hội phát triển.