day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Một số định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tỉnh Phú Thọ

Phú Thọ là tỉnh có vị trí địa lý, giao thông thuận lợi, là mảnh đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, vùng đất hiện đang lưu giữ nhiều giá trị tài nguyên du lịch nhân văn và du lịch tự nhiên vô cùng phong phú. Trong những năm qua, nguồn tài nguyên du lịch bước đầu đã được khai thác để phát triển du lịch nhưng hiệu quả đạt được chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân là do du lịch Phú Thọ chưa thực sự có những sản phẩm du lịch đa dạng phong phú, các sản phẩm đặc thù có lợi thế cạnh tranh trong khu vực để thu hút khách du lịch và phát triển du lịch sâu rộng và bền vững. Xuất phát từ thực tế đó, cần có những định hướng đúng và những giải pháp thiết thực hơn trong việc khai thác các nguồn tài nguyên du lịch thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc thù tạo nên một thị trường du lịch hấp dẫn, thu hút du khách góp phần đưa du lịch có những bước phát triển đột phá, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững của tỉnh Phú Thọ.

Có nhiều khái niệm về sản phẩm du lịch, trong đó: “Sản phẩm du lịch là sự kết hợp những dịch vụ và phương tiện vật chất trên cơ sở khai thác các tiềm năng du lịch nhằm cung cấp cho du khách một khoảng thời gian thú  vị, một kinh nghiệm du lịch trọn vẹn và sự hài lòng”. (Từ điển du lịch - Tiếng Đức NXB Berlin 1984). Theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hiệp Quốc (UNWTO), “Sản phẩm du lịch là sự tổng hợp của 3 nhóm yếu tố cấu thành: hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; tài nguyên, môi trường du lịch và dịch vụ, quản lý, hình ảnh du lịch”. Như vậy sản phẩm du lịch bao gồm những yếu tố hữu hình (hàng hóa) và vô hình (dịch vụ) để cung cấp cho khách hay nó bao gồm hàng hóa, các dịch vụ và tiện nghi phục vụ khách du lịch. Sản phẩm du lịch đặc thù là sản phẩm du lịch hội đủ các yếu tố cấu thành trên và có được yếu tố khác biệt, hấp dẫn, độc đáo duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn cho một lãnh thổ một điểm đến du lịch; với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu sự mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo trong cách thức  xây dựng và khả năng khai thác sản phẩm du lịch đặc thù để phục vụ du khách.

Căn cứ đặc điểm tài nguyên du lịch là yếu tố quan trọng quyết định đối với phát triển sản phẩm du lịch và các điều kiện có liên quan, Quy hoạch phát triển Du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó xác định hướng phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính đặc thù cho từng vùng du lịch mà Phú Thọ có lợi thế phát triển là:

- Sản phẩm du lịch văn hóa - Lễ hội: Tập trung phát huy tiềm năng thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh; du lịch về nguồn gắn với các lễ hội tiêu biểu đặc biệt khai thác giá trị 02 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại: Hát Xoan Phú Thọ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ. Hướng tới xây dựng Thành phố Việt Trì trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Hát Xoan tại Đình cổ Hùng Lô

- Sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí: Tập trung khai thác giá trị của mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy để xây dựng các sản phẩm du lịch tắm khoáng nóng, tắm bùn. Nghỉ dưỡng chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, khu vui chơi giải trí...

Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh Thanh Thủy với sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, tắm khoáng, nghỉ dưỡng

- Sản phẩm du lịch sinh thái, danh thắng: Khai thác giá trị cảnh quan thiên nhiên, hệ động thực vật hang động, suối, thác nước, du lịch cộng đồng người Dao, người Mường tại Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Du lịch Vườn quốc gia Xuân Sơn

- Sản phẩm du lịch MICE (du lịch gắn với sự kiện như thể thao, hội nghị, hội thảo, hội chợ...). Du lịch tham quan, mua sắm tại các làng nghề truyền thống, nơi có sản vật đặc trưng...

Mặc dù đã có định hướng cho hoạt động phát triển sản phẩm du lịch đặc thù theo từng địa phương nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm du lịch, tuy nhiên trong thực tế việc phát triển các sản phẩm du lịch tỉnh Phú Thọ còn gặp nhiều khó khăn hạn chế. Ngoài Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh Thanh Thủy với sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, tắm khoáng, nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ đảm bảo các yếu tố cơ bản cấu thành nên một sản phẩm du lịch còn hầu hết các điểm tham quan du lịch trên địa bàn tỉnh các sản phẩm du lịch chưa được hoàn thiện, chưa hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch phần lớn mới dừng lại ở yếu tố tài nguyên du lịch tự nhiên hoặc tài nguyên du lịch nhân văn, chưa được đầu tư xây dựng các yếu tố về hạ tầng kỹ thuật du lịch  cảnh quan môi trường du lịch (hệ thống đường giao thông thuận lợi, dễ tiếp cận điểm đến, bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, nơi đón tiếp khách, điểm nghỉ dừng chân phục vụ khách du lịch, hạ tầng viễn thông, cảnh quan môi trường không gian xanh vườn hoa cây cảnh đẹp khác biệt tạo hiệu ứng điểm tham quan…) cũng như yếu tố về dịch vụ, quản lý, hình ảnh sản phẩm (môi trường du lịch an toàn, thân thiện mến khách; các dịch vụ bổ trợ phong phú, đa dạng; hình ảnh tuyên truyền giới thiệu về sản phẩm hấp dẫn bắt mắt…) đặc biệt thiếu tính đặc thù, tính khác biệt của sản phẩm (tính khác biệt, đặc thù của sản phẩm có thể là một trong những yếu tố cấu thành nên sản phẩm có những nét độc đáo riêng, cũng có thể là cách thức xây dựng, quản lý, khai thác sản phẩm có những nét độc đáo riêng biệt tạo sự thỏa mãn mong đợi của khách… cũng tạo nên yếu tố đặc thù của sản phẩm) do vậy sản phẩm du lịch Phú Thọ chưa có lợi thế cạnh tranh cao để có thể thu hút hấp dẫn khách du lịch. 

Xuất phát từ thực tế đó đề xuất một số giải pháp mang tính định hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù trên địa bàn tỉnh Phú Thọ như sau:

Việc xây dựng sản phẩm du lịch phải xuất phát từ sự phát triển của các thị trường khách du lịch. Thị trường khách du lịch giữ một vai trò rất quan trọng, là một yếu tố quyết định cho sự phát triển của du lịch, sự tồn tại và phát triển bền vững của sản phẩm du lịch. Trong nền kinh tế thị trường, chúng ta cần sản xuất và bán những gì mà thị trường có nhu cầu, chứ không phải sản xuất và bán những gì chúng ta có. Đối với ngành du lịch cũng vậy, chúng ta cần phải nghiên cứu tâm lý, sở thích, nhu cầu, khả năng thu nhập và mức chi tiêu cho du lịch của các thị trường khách du lịch, đặc biệt là những thị trường trọng điểm. Trên cơ sở nghiên cứu đó, kết hợp với những yếu tố sẵn có  như tài nguyên du lịch và khả năng đáp ứng như cơ sở hạ tầng, hệ thống các dịch vụ… để xây dựng những sản phẩm và dịch vụ du lịch mà các thị trường khách du lịch có nhu cầu sử dụng. Đây là điều kiện tiên quyết để xây dựng các sản phẩm du lịch đạt hiệu quả cao.

Tăng cường công tác xúc tiến du lịch, quảng bá tiềm năng du lịch thu hút các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư  đầu tư vào lĩnh vực du lịch xây dựng và phát triển các dòng sản phẩm du lịch đặc thù, có thế mạnh đối với Phú Thọ, có chính sách ưu đãi đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Để xây dựng sản phẩm du lịch cơ quan quản lý nhà nước về du lịch có vai trò định hướng dòng sản phẩm, xây dựng quy hoạch, đầu tư hạ tầng du lịch đến các điểm, tư vấn, hướng dẫn xây dựng sản phẩm, hỗ trợ bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực du lịch, khi có sản phẩm du lịch hoàn thiện thì có trách nhiệm hỗ trợ tuyên truyền quảng bá giới thiệu sản phẩm. Việc xây dựng sản phẩm phải do doanh nghiệp du lịch đầu tư xây dựng và khai thác phát triển sản phẩm du lịch. Như vậy trong xây dựng sản phẩm du lịch, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư có vai trò quyết định, không có doanh nghiệp, không có cộng đồng dân cư việc xây dựng sản phẩm du lịch không đạt hiệu quả, thiếu tính bền vững.

Khi xây dựng sản phẩm du lịch các nhà đầu tư cần nghiên cứu kỹ tài nguyên du lịch của địa phương nhằm xác định được một cách cụ thể tính độc đáo, duy nhất, nguyên bản và tính đại diện của tài nguyên du lịch để lựa chọn xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Khảo sát học tập kinh nghiệm xây dựng sản phẩm những điểm đến hoạt động du lịch hiệu quả để vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với điều kiện tự nhiên tài nguyên du lịch văn hóa – xã hội của địa phương cũng như thị hiếu, nhu cầu của thị trường khách du lịch để có được một sản phẩm du lịch  đặc thù phát triển bền vững không trùng lặp, rập khuôn với sản phẩm khác sẽ tạo được sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch. Trong xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù đặc biệt là các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái cần đặt mục tiêu bảo tồn, gìn giữ phát huy tài nguyên du lịch xây dựng môi trường sinh thái môi trường du lịch có tính bền vững có trách nhiệm với môi trường và xã hội có sự tham gia tích cực của cộng đồng..

Tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch một số khu, điểm du lịch trong Quy hoạch du lịch đã phê duyệt theo thứ tự ưu tiên, tránh dàn trải tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tăng cường công tác xúc tiến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch mới, sản phẩm du lịch đặc thù. Đối với các điểm du lịch tại 03 trung tâm du lịch với các sản phẩm du lịch hiện có đề xuất UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ hạ tầng du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch hoàn thiện  có đầy đủ các điều kiện đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch và định hướng, tư vấn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng tạo nét riêng biệt, đặc thù của sản phẩm như:

+ Xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa – làng nghề điểm đến Đình Hùng Lô, đầu tư bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng, khuôn viên cảnh quan sân vườn đình Hùng Lô, khu vực đón tiếp khách, hỗ trợ bảo tồn nhà cổ có thể khai thác dịch vụ homestay, khuyến khích một số hộ dân tổ chức dịch vụ ẩm thực với các đặc sản địa phương; hỗ trợ các hộ sản xuất kinh doanh nghề có thể xây dựng mô hình trình diễn nghề, không gian trải nghiệm cho khách du lịch tham gia gói bánh trưng, làm kẹo, làm mì tạo nét đặc trưng của sản phẩm...

+ Trên dọc hai bên tuyến đường Quế Hoa từ ngã ba cổng Đền Hùng, qua miếu Lãi Lèn, đình Thét, đến Đình Hùng Lô đề nghị xây dựng dự án đầu tư cảnh quan môi trường khuôn viên cây cảnh, trồng hoa theo mùa; các điểm dừng chân, bán hàng lưu niệm, sản vật đặc trưng của địa phương mang bản sắc văn hoá làng Xoan cổ, với thiết kế tôn vinh, tạo không gian  Xoan trên tuyến đường nối từ ngã ba cổng đền Hùng đến Hùng Lô phục vụ khách du lịch, nhằm khai thác hiệu quả điểm văn hóa Miếu Lãi Lèn, Đình Hùng Lô gắn với giá trị di sản VHPVT Hát Xoan Phú Thọ.

+ Hoàn thiện các điều kiện, dịch vụ bổ trợ các điểm đến trong hành trình Citytour Việt Trì để khai thác sản phẩm du lịch Citytour Việt Trì phục vụ khách du lịch. Để từng bước xây dựng thành phố Việt Trì, trở thành thành phố Lễ hội nên duy trì tổ chức Lễ hội đường phố hàng năm, đổi mới hình thức hình ảnh tuyên truyền và tiếp cận của khách du lịch; đề xuất tổ chức chợ đêm cuối tuần kết hợp tuyến phố đi bộ tại khu vực trung tâm TP. Quảng Trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang. Sớm hoàn thiện các khu chức năng của công viên Văn Lang, đề xuất xây dựng biểu tượng mô hình của công viên Văn Lang thể hiện nét đặc trưng, khác biệt có qui mô tạo điểm nhấn của điểm đến để khách du lịch ghi hình kỷ niệm tạo hiệu ứng tốt giới thiệu điểm đến, nên khai thác tài nguyên mặt nước Công viên Văn Lang xây dựng sản phẩm du lịch đi thuyền dọc hồ nước nghe hát dân ca gắn với hát Xoan Phú Thọ tạo sản phẩm du lịch phục vụ khách.  

+ Tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn: Đề xuất tập trung kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế nhà văn hoá cộng đồng cùng với sân tổ chức sự kiện như: Mô hình nhà văn hoá cộng đồng xã Nghĩa An (Thị xã Nghĩa lộ, tỉnh Yên Bái), hỗ trợ các hộ dân các trang thiết bị phục vụ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ, tuyên truyền thu hút khách du lịch cho 3 - 5 hộ dân mỗi năm xây dựng mô hình hoạt động du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái trải nghiệm tại Vườn quốc gia Xuân Sơn phục vụ nhu cầu ăn, nghỉ, các dịch vụ ngâm chân, tắm lá thuốc người Dao, sinh hoạt cùng người dân, trải nghiệm một ngày làm nông dân… phục vụ khách du lịch. Ngoài việc đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật du lịch của điểm đến; mô hình quản lý khai thác các tài nguyên thiên nhiên rừng, hang động, thác nước; môi trường du lịch xanh sạch đẹp… để tạo tính đặc thù của sản phẩm, nét đặc trưng khác biệt so với sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng các địa phương đề xuất tạo môi trường tài nguyên du lịch rừng nguyên sinh với cảnh quan đẹp, nghiên cứu trồng các loại hoa đặc trưng phù hợp với thổ nhưỡng nở theo mùa trong năm, xây dựng mô hình biểu tượng đặc trưng của Vườn Quốc gia tạo hình ảnh đẹp cho khách đến thăm quan và ghi hình lưu niệm là một kênh tuyên truyền quảng bá điểm đến để thu hút khách rất hữu hiệu; nghiên cứu xây dựng hệ thống cọn nước, cối giã gạo có quy mô tạo nét đặc thù riêng biệt của sản phẩm, những món ăn ẩm thực đặc sản địa phương như gà nhiều cựa, cá suối, vịt suối với cách chế biến đặc trưng vùng miền cũng tạo nên nét riêng biệt của sản phẩm sẽ có sức hấp dẫn  thu hút khách du lịch.

+ Khu Du lịch nước khoáng nóng Thanh Thủy: Tư vấn định hướng doanh nghiệp xây dựng sản phẩm nghỉ dưỡng tắm khoáng cần gìn giữ nguồn tài nguyên nước, trú trọng xây dựng sản phẩm có chất lượng, gần gũi với thiên nhiên. Trong khu vực cần kết hợp sản phẩm nghỉ dưỡng tắm khoáng với sản phẩm du lịch văn hóa Đền Lăng Xương, sản phẩm du lịch trải nghiệm làng nghề nông nghiệp, hình thành chợ quê cuối tuần phục vụ nhu cầu mua sắm cung cấp sản phẩm nông nghiệp an toàn, sản vật địa phương của khách sau chuyến thăm quan du lịch tại Thanh Thủy góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh Thanh Thủy đang khai thác sản phẩm vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, tắm khoáng nóng với thị trường khách du lịch nghỉ cuối tuần, khách du lịch học sinh sinh viên nên nghiên cứu xu hướng phát triển, nhu cầu thị hiếu của 02 dòng khách du lịch đầu tư xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù khác biệt trong vùng như: Sản phẩm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ spa cao cấp và sản phẩm du lịch trải nghiệm, kỹ năng sống cho học sinh sinh viên.

+ Tại mỗi địa phương, trên cơ sở nghiên cứu, xác định tiềm năng, giá trị tiêu biểu của tài nguyên du lịch lựa chọn xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng miền xây dựng sản du lịch hoàn thiện hội tụ các yếu tố cấu thành nên sản phẩm du lịch, nghiên cứu xây dựng tính khác biệt của sản phẩm tạo hiệu ứng hấp dẫn thu hút khách du lịch. Ví dụ: Trên địa bàn tỉnh rất nhiều địa phương đang lưu giữ dấu ấn lịch sử của những truyền thuyết thời Hùng Vương, những danh nhân gắn với cuộc cách mạng đi vào sử sách của dân tộc có thể khai thác xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tái hiện truyền thuyết, tôn vinh những danh nhân, tạo dựng các “không gian lưu niệm” để cho du khách nghiên cứu, tham quan, tạo lập một vườn tượng theo tuyền thuyết, danh nhân nổi tiếng. Có không gian lưu niệm sẽ làm cho du khách hiểu thêm về mảnh đất cội nguồn dân tộc.

Trong xu thế hiện nay, du khách thường kết hợp nhiều loại hình du lịch trong một chuyến tham quan du lịch của họ. Sẽ không có một đối tượng du khách nào thuần túy lựa chọn sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái hay du lịch nghỉ dưỡng trong một kỳ nghỉ của mình. Vì thế, đa dạng hóa loại hình sản phẩm du lịch của một điểm đến là hết sức cần thiết đáp ứng nhu cầu thị hiếu của thị trường khách du lịch. Mặt khác, du lịch hiện đại không đơn thuần chỉ đi tham quan, ngắm cảnh, mà còn có các hoạt động bổ sung như mua sắm, thưởng thức đặc sản địa phương, trải nghiệm những điều mới lạ tại điểm đến. Vì thế, nếu chỉ đơn thuần tạo thêm điểm đến cho du khách mà không làm mới nội dung hoạt động tại các điểm đến, có những sản phẩm mới, sản phẩm du lịch đặc thù có sức cạnh tranh với các dịch vụ bổ trợ phong phú nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách thì sẽ rất khó hấp dẫn du khách, khó kéo dài thời gian lưu trú của họ và đặc biệt là khó lôi kéo thu hút du khách trở lại thêm những lần sau.

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù chính là việc xây dựng “thương hiệu điểm đến du lịch”, xây dựng được các sản phẩm du lịch đặc thù theo vùng miền sẽ tạo nên chuỗi du lịch hấp dẫn, không chỉ hạn chế được tình trạng nhàm chán về hoạt động du lịch mà còn tạo thành khu du lịch mạnh về điểm đến hấp dẫn, dịch vụ, cơ sở hạ tầng hoàn thiện, từ đó giảm được giá tour và du khách có nhiều cơ hội trong việc lựa chọn điểm đến tạo ấn tượng thu hút du khách, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch, tăng mức chi tiêu bình quân của khách tại điểm đến sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Sự liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cần nỗ lực chung và quyết tâm từ các nhà quản lý, chính quyền, người dân địa phương, đặc biệt sự vào cuộc tích cực của các doanh nghiệp du lịch có tiềm lực đầu tư là động lực phát triển du lịch mỗi địa phương và góp phần tích cực phát triển thương hiệu du lịch Phú Thọ.