day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Tư, 15/05/2019, 10:00 (GMT+7)
Trong những năm qua, thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN), cùng với sự nỗ lực, tâm huyết của đội ngũ các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, sự cố gắng của các tổ chức, cá nhân và nhân dân, sự nghiệp KH&CN của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã huy động được các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân trong quá trình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào thực tiễn. Một trong những đóng góp quan trọng trong thời gian qua chính là kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước. Giai đoạn 2010 - 2018, tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận, ứng dụng các kết quả nghiên cứu để triển khai 46 nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước, gồm: 30 nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn miền núi; 05 nhiệm vụ thuộc chương trình 68; 01 nhiệm vụ thuộc chương trình KC - 06; 03 đề tài độc lập, 01 dự án độc lập; 01 nhiệm vụ độc lập; 02 nhiệm vụ Quỹ gen; 01 nhiệm vụ về công nghệ viễn thám; 01 nhiệm vụ cấp thiết; 01 chương trình phối hợp giữa UBND tỉnh Phú Thọ và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
1. Kết quả đạt được
- Về cơ bản Phú Thọ vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn; do đó việc đề xuất và huy động nguồn ngân sách sự nghiệp KHCN Trung ương phục vụ cho việc ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ KHKT vào thực tiễn, nhất là trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản là rất cần thiết và là một nguồn lực quan trọng.
- Các nhiệm vụ đều khẳng định được tính cấp thiết, sự phù hợp trước khi thực hiện. Các hồ sơ, tài liệu như thuyết minh; báo cáo tổng kết và các tài liệu liên quan đều được các Hội đồng nghiệm thu đánh giá đảm bảo theo các quy định.
- Phương thức thực hiện đã có sự đổi mới là lấy doanh nghiệp làm trung tâm, có 24/46 nhiệm vụ do các doanh nghiệp chủ trì, qua đó đã góp phần đẩy nhanh, trực tiếp việc ứng dụng các công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn sản xuất.
- Một số nhiệm vụ đã lựa chọn được những công nghệ phù hợp, xây dựng được mô hình ứng dụng hướng vào giải quyết những vấn đề như nâng cao năng suất, chất lượng và đa đạng hóa các sản phẩm có tiềm năng; hình thành các ngành nghề mới nhằm phát huy các lợi thế của địa phương; có kết quả nghiên cứu đã được đăng trên các tập san khoa học uy tín của quốc tế,…
- Một số nhiệm vụ đã giải quyết được những vấn đề KHCN cơ bản cả ở tầm vĩ mô và ở phạm vi địa phương, doanh nghiệp như đã khẳng định được cơ sở khoa học, khẳng định có hiệu quả trong thực tiễn làm cơ sở rút kinh nghiệm và quyết định triển khai ở phạm vi phù hợp.
- Thông qua một số nhiệm vụ đã góp phần nâng cao năng lực quản lý, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước của một số cơ quan chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ; tăng cường thêm cơ sở vật chất hạ tầng KHCN cho tỉnh, tạo lập một số nhãn hiệu tập thể, tạo ra một số sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu của xã hội,…
2. Tồn tại, hạn chế
- Số nhiệm vụ KHCN có quy mô lớn, có tầm ảnh hưởng sâu rộng, có khả năng đột phá để tạo ra các sản phẩm chủ lực cho tỉnh chưa nhiều, không có nhiệm vụ có chuyển giao công nghệ từ nước ngoài.
- Tỷ lệ nhiệm vụ do doanh nghiệp chủ trì đạt xấp xỉ 50%, tuy nhiên vẫn còn khiêm tốn so với yêu cầu thực tiễn. Tỷ lệ các nhiệm vụ chưa cân đối, còn phân tán, trong đó phần lớn thuộc lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, các lĩnh vực khác còn hạn chế; mức độ đầu tư về nguồn lực ít, chưa có trọng tâm; một số nhiệm vụ mới chỉ giải quyết vấn đề trước mắt của doanh nghiệp, ngành, địa phương.
- Một số quy trình, công nghệ lựa chọn để chuyển giao tại một số nhiệm vụ nhất là nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn miền núi chưa có tính khả thi cao, hoặc chưa thật sự phù hợp với điều kiện của tỉnh. Có nhiệm vụ thấy rõ không khả quan ngay khi triển khai; có nhiệm vụ lựa chọn nguyên liệu đầu vào cho dây truyền công nghệ chưa phù hợp, hiệu quả kinh tế không cao,…
- Hàm lượng KHCN của một số nhiệm vụ thấp; một số nhiệm vụ chỉ mang tính ứng dụng quy mô nhỏ, chưa tương xứng với nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước.
- Hiệu quả kinh tế - xã hội ở một số nhiệm vụ đạt thấp; vấn đề hình thành chuỗi giá trị sản phẩm từ các nhiệm vụ còn hạn chế, số nhiệm vụ tạo ra các sản phẩm có hiệu quả kinh tế - xã hội không nhiều, chủ yếu dừng lại ở phạm vi xây dựng mô hình. Tính bền vững và việc nhân rộng kết quả nghiên cứu tại một số nhiệm vụ không cao, thậm chí có nhiệm vụ không còn duy trì hoạt động, hoặc còn duy trì nhưng không phát huy hiệu quả; một số nhiệm vụ nếu không được tiếp tục hỗ trợ kinh phí từ Nhà nước sẽ không còn phát huy tác dụng.
- Việc sơ kết, tổng kết nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả còn hạn chế. Việc sử dụng tài sản, trang thiết bị được Nhà nước hỗ trợ ở một số nhiệm vụ hiệu quả chưa cao; có trường hợp thiết bị, dây truyền sản xuất sau khi nhiệm vụ kết thúc không còn hoạt động.
- Công tác kiểm tra, giám sát của các cấp quản lý đối với các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước triển khai trên địa bàn tỉnh hiệu quả chưa cao. Việc gắn kết trách nhiệm trong việc duy trì, nhân rộng kết quả, tính bền vững của nhiệm vụ sau khi nghiệm thu, kết thúc còn hạn chế. Tỷ lệ các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước tham gia giải thưởng KHCN của tỉnh, giải thưởng Hùng Vương về KHCN rất thấp và ít có công trình đạt giải do không có tính bền vững, chưa được nhân rộng để mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội trong thực tiễn.
3. Đề xuất giải pháp
3.1. Giải pháp về tổ chức quản lý
- Nâng cao chất lượng khâu xác định, tuyển chọn nhiệm vụ; các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước cần đáp ứng quy định tại Điều 3, 5, 6, 7, 8, 12 - Thông tư số 07/2014/TT-BKHCN ngày 26/5/2014 của Bộ KH&CN, trong đó cần tập trung vào những vấn đề ưu tiên, trọng tâm, gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh xem xét mục tiêu, nội dung thì tính cấp thiết, tính ứng dụng, tính bền vững, khả năng nhân rộng kết quả là những tiêu chí cơ bản để tuyển chọn.
- Tăng cường vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về KHCN trên địa bàn tỉnh, của Hội đồng KHCN tỉnh, Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ và Hội đồng đánh giá, nghiệm thu. Các Hội đồng KHCN, Hội đồng tư vấn cần phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan để tổ chức thực hiện đảm bảo trình tự quy định, làm việc công tâm, khách quan, có chất lượng; việc bố trí các Hội đồng tư vấn, chuyên gia phản biện phải phù hợp với từng lĩnh vực cụ thể để thẩm định, lựa chọn những nhiệm vụ có tính khả thi, có khả năng tạo đột phá cho những ngành, sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó nên tập trung ưu tiên như:
+ Gắn các chương trình, nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước nói riêng và các nhiệm vụ KHCN nói chung của tỉnh với các khâu đột phá, các chương trình trọng điểm và ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
+ Tập trung vào các chương trình trọng điểm quốc gia như: Chương trình công nghệ sinh học quốc gia; chương trình sản phẩm quốc gia (lúa gạo, chè, nấm,...); chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chương trình nghiên cứu khoa học phát triển kinh tế và quản lý kinh tế ở Việt Nam,...
- Nghiên cứu để xây dựng, ban hành quy định cụ thể trách nhiệm các Hội đồng KHCN, các thành viên Hội đồng tư vấn, thẩm định, nghiệm thu, cơ quan chuyển giao và các tổ chức, cá nhân chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ. Trong đó, cần gắn chặt chẽ trách nhiệm với kết quả cuối cùng của nhiệm vụ.
- Thường xuyên tổ chức đánh giá hiệu quả các nhiệm vụ KHCN hoặc xây dựng cơ chế kiểm tra sau khi nhiệm vụ kết thúc (cơ chế hậu kiểm tra). Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra đối với các nhiệm vụ KHCN, sớm phát hiện những bất cập hoặc xem xét kiến nghị dừng nhiệm vụ nếu không khả thi hoặc gây lãng phí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ.
- Xem xét, điều chỉnh các chương trình, chiến lược KHCN của tỉnh, định hướng nghiên cứu, ứng dụng đúng; từ đó tập trung thực hiện, tạo đột phá, tránh dàn trải hoặc phân tán nhỏ lẻ nguồn kinh phí và tránh tách rời giữa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ KHCN.
- Đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội về các chủ trương, định hướng phát triển KHCN của tỉnh, vai trò của KHCN đối với sản xuất, kinh doanh của địa phương, doanh nghiệp.
- Phát huy vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đối với các nhiệm vụ KHCN.
3.2. Giải pháp về cơ chế, chính sách
- Tăng cường và áp dụng rộng rãi cơ chế đặt hàng, khoán sản phẩm, kinh phí cho các tổ chức, cá nhân chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ. Bảo đảm mức hỗ trợ kinh phí phù hợp để tương xứng với nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nhất là doanh nghiệp đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ KHCN nhằm mục tiêu đổi mới phương thức sản xuất theo hướng công nghệ hiện đại, công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm tạo ra từ các nhiệm vụ. Hạn chế tối đa các cơ quan hành chính, sự nghiệp chủ trì các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước.
- Kiến nghị với các Bộ: KH&CN, Tài chính sớm xem xét, cải thiện:
+ Nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình tuyển, chọn các nhiệm vụ KHCN bảo đảm chặt chẽ, chất lượng.
+ Cải thiện và đơn giản hóa thủ tục hành chính nhất là khâu đăng ký, thẩm định, phê duyệt, ký kết hợp đồng; thủ tục giải ngân, thanh, quyết toán đối với nhiệm vụ KHCN.
+ Có chính sách hỗ trợ một phần tài chính cho các nhiệm vụ sau khi kết thúc nếu cần thiết nhằm duy trì và nhân rộng kết quả vào thực tiễn (đây cũng là một cơ chế để kiểm chứng hiệu quả nhiệm vụ).
- Tổ chức Hội chợ KHCN tỉnh Phú Thọ để trưng bày, quảng bá các kết quả, sản phẩm, mô hình từ các nhiệm vụ KHCN để khắc phục tình trạng hoạt động KHCN hình thức, kém chất lượng, chỉ tranh thủ nguồn vốn hoặc nghiệm thu xong chỉ lưu giữ hồ sơ.
- Đẩy mạnh phát triển thị trường KHCN nhằm phát triển doanh nghiệp KHCN; khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ phát triển KHCN gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN.
3.3. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Cần lựa chọn các đơn vị, doanh nghiệp, chủ nhiệm nhiệm vụ có đủ năng lực, điều kiện thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chủ động về tài chính của cơ quan chủ trì và của chủ nhiệm nhiệm vụ theo Thông tư số 08/2017/TT-BKHCN ngày 26/6/2017 của Bộ KH&CN.
- Gắn các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học trong các nhiệm vụ KHCN cấp Nhà nước với việc xây dựng đội ngũ chuyên gia, đào tạo cán bộ, kỹ thuật viên có uy tín của tỉnh trên các lĩnh vực, góp phần vào thực hiện khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
- Tỉnh cần có chiến lược thu hút, nhận chuyển giao công nghệ từ các viện nghiên cứu KHCN và từ các công ty, tập đoàn nước ngoài nhằm đáp ứng các yêu cầu về đổi mới, hội nhập và thị trường quốc tế. Nghiên cứu để hằng năm tổ chức các hoạt động kết nối với một số cơ quan, nhà khoa học (có chọn lọc và phù hợp với từng ngành, nghề, lĩnh vực) để nghiên cứu, phát triển ngay trên địa bàn tỉnh với tài trợ của Trung ương và các tổ chức quốc tế.
3.4. Đẩy mạnh ứng dụng kết quả của các nhiệm vụ sau khi nghiệm thu
- Các nhiệm vụ sau khi kết thúc cần có cơ chế bàn giao cho cơ quan, địa phương có trách nhiệm quản lý, theo dõi, đánh giá, nhân rộng kết quả và phổ biến công nghệ.
- Các cơ quan chủ trì triển khai ứng dụng và báo cáo kết quả ứng dụng của nhiệm vụ sau nghiệm thu. Cần sớm sửa đổi quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN của tỉnh về xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và đời sống, hình thành giai đoạn tiếp theo sau khi nhiệm vụ kết thúc để có cơ sở tiếp tục hỗ trợ triển khai trong thực tiễn.
- Đẩy mạnh việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm tạo ra từ các nhiệm vụ KHCN để phát huy tối đa hiệu quả trong thực tiễn.
Trước xu thế phát triển của thế giới và nhu cầu phát triển của xã hội vai trò của KHCN càng trở nên quan trọng và quyết định; tin tưởng rằng với các chủ trương, chiến lược phát triển KHCN của tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân, các chuyên gia, nhà khoa học, sự nghiệp KHCN của tỉnh sẽ đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.