day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Giải pháp bảo tồn và phát triển các làng nghề làm bánh truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, góp phần phát triển du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam

Phú Thọ là vùng đất cội nguồn của Dân tộc Việt Nam, với hàng nghìn năm lịch sử từ thời đại Hùng Vương dựng nước cho đến ngày nay đã tạo cho tỉnh Phú Thọ một truyền thống, bề dày lịch sử, văn hóa gắn liền với đời sống của người dân vùng Đất Tổ. Chính từ lịch sử, truyền thống văn hóa của đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã tạo cho mỗi vùng, mỗi địa phương có nhiều làng nghề, sản phẩm đặc sản, đặc trưng, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, trong đó có các sản phẩm bánh truyền thống. Nhiều sản phẩm bánh truyền thống trên địa bàn tỉnh gắn liền lịch sử, văn hóa thời đại Hùng Vương như: Bánh chưng, bánh giầy và một số sản phẩm đặc trưng mang tính chỉ dẫn địa lý, mang đậm nét văn hóa, tâm hồn của người Việt như: Bánh nẳng, bánh đúc, bánh bột lọc, bánh tai, bánh gai, bánh sắn… Tính đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 75 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 4 làng nghề làm bánh truyền thống với 360 hộ gia đình tham gia. Một số làng nghề gắn với các địa danh lịch sử như: Làng cổ Hùng Lô (Việt Trì) với nghề làm bánh chưng, bánh giầy; làng Mộ Chu Hạ (Bạch Hạc, Việt Trì) với sản phẩm bánh giầy; làng Hiền Lương (Hạ Hòa) với sản phẩm bánh ót, bánh sắn; làng Sỏi (Thạch Sơn, Lâm Thao) với các sản phẩm bánh bột lọc, bánh cuốn cão…

Giã bánh giầy tại làng Mộ Chu Hạ, phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì

Ngoài ra, tại 8 huyện, thành, thị đã có 13 cơ sở sản xuất bánh truyền thống tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, kết quả đã có 16 sản phẩm đạt 3 sao; bên cạnh 4 làng nghề làm bánh truyền thống và 13 chủ thể sản phẩm OCOP nêu trên còn có hàng trăm hộ gia đình sản xuất một số sản phẩm bánh truyền thống nằm rải rác ở huyện, thành, thị. Về doanh thu đạt từ 5,5 - 42 tỷ đồng/làng nghề/năm. Sản phẩm bánh truyền thống được các hộ gia đình tự bán đến khách hàng hoặc thông qua một số doanh nghiệp, đại lý, cá nhân kinh doanh, phân phối; thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở tại các địa phương trong tỉnh và một số lượng nhỏ được tiêu thụ ở ngoài tỉnh. Những thế mạnh trên, hiện nay đang được các địa phương khai thác, trở thành một hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng hàng hoá, phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày của một bộ phận người tiêu dùng và khách du lịch khi đến với Phú Thọ.

Tuy nhiên, sản phẩm bánh truyền thống của tỉnh tuy phong phú nhưng phần lớn chưa tạo thành hàng hóa có quy mô lớn, chưa có nhãn hiệu, thương hiệu mạnh, ít người biết đến; số lượng sản phẩm bánh truyền thống được tạo lập, bảo hộ sở hữu trí tuệ còn ít, đến nay mới có 6 sản phẩm của 6 làng nghề, chủ thể kinh doanh xây dựng bảo hộ sở hữu trí tuệ; nhiều sản phẩm chưa có đổi mới, sáng tạo, chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã chưa phong phú để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng (nhất là làm quà tặng du lịch). Chưa khai thác, phát huy tiềm năng của các làng nghề, chủ thể sản xuất bánh truyền thống phục vụ du lịch; cơ sở hạ tầng, quy mô, sản phẩm, kỹ năng làm du lịch của làng nghề bánh truyền thống còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách và các đơn vị lữ hành... Bên cạnh đó, sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm bánh, kẹo trên thị trường, trong khi hầu hết các sản phẩm bánh truyền thống của tỉnh chưa theo kịp xu thế hội nhập và phát triển; đặc biệt là nguồn nhân lực trẻ không muốn gắn bó với nghề truyền thống mà có xu hướng tìm kiếm việc làm khác cho thu nhập cao hơn; hầu hết các sản phẩm bánh truyền thống sử dụng nguyên liệu tươi, thời hạn sử dụng và bảo quản ngắn, chưa có công nghệ bảo quản tối ưu để đáp ứng thời gian vận chuyển đi xa phục vụ thị trường ngoài tỉnh; các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ trong phạm vi địa phương trong tỉnh hoặc các vùng phụ cận.

Một số sản phẩm bánh truyền thống trưng bày tại Hội thảo "Giải pháp bảo tồn và phát triển các làng nghề làm bánh truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, góp phần phát triển du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam"

Từ những khía cạnh đã nêu, tháng 9 năm 2024, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện và giám định xã hội về: “Giải pháp bảo tồn và phát triển các làng nghề làm bánh truyền thống trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, góp phần phát triển du lịch về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”.

Trước khi tổ chức hội thảo, Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng tại một số làng nghề, chủ thể sản xuất bánh truyền thống tại một số địa phương; nghiên cứu kết quả tham gia Chương trình OCOP của một số chủ thể trên địa bàn tỉnh.

Ngày nay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao, nhu cầu thưởng thức, sử dụng các sản phẩm bánh truyền thống trong các dịp lễ, tết, tiệc - cỗ cưới hỏi và trong sinh hoạt hàng ngày... của người dân từ các vùng nông thôn đến các khu vực đô thị ở trong nước, nước ngoài có xu hướng ngày càng tăng và dự báo sẽ tăng mạnh thời gian tới. Nhiều người dân ở trong tỉnh, trong nước mong muốn được sử dụng các sản phẩm bánh truyền thống của tỉnh Phú Thọ. Vì vậy, tiềm năng, cơ hội, dư địa phát triển đối với các sản phẩm bánh truyền thống của tỉnh còn rất lớn. Trước những tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc thù, làng nghề đặc trưng truyền thống của tỉnh; đồng thời nhằm khai thác, phát huy giá trị các sản phẩm bánh truyền thống của tỉnh đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, du lịch của tỉnh; tại Hội thảo các chuyên gia, nhà khoa học thống nhất đề xuất một số giải pháp sau: 

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện


Từng địa phương và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo rà soát, lập danh mục các làng nghề, cơ sở, chủ thể sản xuất bánh truyền thống và các sản phẩm bánh chủ lực, có tính tiềm năng, lợi thế, có tính đặc trưng, độc đáo, đặc sản gắn với giá trị văn hóa, lịch sử cần bảo tồn, phát triển, có khả năng xây dựng, phát triển thành sản phẩm hàng hóa, có tiềm năng thị trường trong tỉnh, trong nước và quốc tế để xây dựng các đề án, kế hoạch triển khai thực hiện. Tập trung nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và chủ thể; đồng thời tăng cường hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, giải quyết kiến nghị của các địa phương, các chủ thể sản xuất; định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện.

Hai là, gắn bảo tồn, phát triển làng nghề sản xuất bánh truyền thống với Chương trình OCOP và định hướng phát triển du lịch của tỉnh

Tập trung phát triển các sản phẩm bánh truyền thống gắn với Chương trình OCOP và định hướng phát triển du lịch của tỉnh, góp phần phát huy giá trị kinh tế, lưu giữ, bảo tồn các tri thức bản địa, giá trị cộng đồng, văn hóa, lịch sử gắn với chỉ dẫn địa lý của từng vùng miền. Trước mắt, tập trung ưu tiên hỗ trợ 13 cơ sở bánh truyền thống và 16 sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP để duy trì và đẩy mạnh phát triển; từng bước nâng hạng sản phẩm, phấn đấu có từ 3 - 5 sản phẩm bánh truyền thống của tỉnh đạt OCOP cấp quốc gia.

Đối với các làng nghề, cơ sở, sản phẩm bánh truyền thống có tiềm năng, lợi thế, có nhu cầu thị trường, các địa phương và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ để mở rộng sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Các sản phẩm có quy mô sản xuất nhỏ tổ chức phân loại để có giải pháp hỗ trợ phù hợp. Chú trọng xây dựng, phát triển các sản phẩm gắn với du lịch trải nghiệm tại các địa phương.

Ba là, tăng cường hỗ trợ thông qua các cơ chế, chính sách hiện hành

Các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Liên minh Hợp tác xã, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ và các ngành liên quan rà soát quy định, chính sách hiện hành của Chính phủ và của tỉnh như các Nghị định: Số 55/2015/ NĐ-CP ngày 09/6/2015, số 116/2018/ NĐ-CP ngày 07/9/2018, số 52/2018/NĐ CP ngày 12/4/2018, số 57/2018-NĐ-CP ngày 17/4/2018, số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ; Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết số 22/2021/ NQ-HĐND ngày 09/12/2021 của HĐND tỉnh; kết hợp với nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề, chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn, du lịch, khuyến nông, khuyến công, các chương trình khoa học công nghệ... để tham mưu giúp Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, các ngành, các địa phương triển khai hỗ trợ đối với các làng nghề, chủ thể sản xuất bánh truyền thống của tỉnh.

Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất

Đổi mới công nghệ, máy móc, trang thiết bị sản xuất trên cơ sở kết hợp sử dụng phương thức truyền thống với cơ giới hoá ở các công đoạn sản xuất bánh truyền thống; công nghệ nhằm tăng thời gian bảo quản và sử dụng sản phẩm; công nghệ sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; công nghệ nhằm cải thiện điều kiện sản xuất theo hướng sạch, thân thiện với môi trường.

Năm là, tăng cường công tác truyền thông, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ gắn phục vụ phát triển du lịch


Đẩy mạnh, đa dạng hoá tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng của các địa phương, của tỉnh, của quốc gia về các sản phẩm bánh truyền thống chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của tỉnh Phú Thọ; rà soát, lựa chọn một số hộ trong làng nghề có tiềm năng như: Cơ sở sản xuất bánh làng Xốm (Hùng Lô, Việt Trì) với nghề làm bánh chưng, bánh giầy; làng Mộ Chu Hạ (Bạch Hạc, Việt Trì) với sản phẩm bánh giầy; làng Hiền Lương (Hạ Hòa) với sản phẩm bánh ót, bánh sắn; làng Sỏi (Thạch Sơn, Lâm Thao) với sản phẩm bánh bột lọc, cuốn cão… để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm phục vụ khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm và mua sản phẩm.


Cải tiến, đa dạng quy cách, bao bì, mã, nâng cao chất lượng sản phẩm hươ đến phục vụ nhu cầu mua sắm, cho khách du lịch tại các khu, điể nhất là các sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP. 

Sáu là, phát huy và nhân rộng nghệ nhân làm bánh truyền thống

Quan tâm, phát huy vai trò của các nghệ nhân, thợ giỏi trong công tác đào tạo, truyền nghề cho lực lượng kế cận; từng bước nâng cao kỹ năng nghề, kiến thức về khoa học kỹ thuật, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế sản phẩm, kỹ năng quản trị, kinh tế, maketing, sáng tạo sản phẩm góp phần vừa giữ được nét truyền thống vừa đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của thị trường; khơi dậy lòng yêu nghề, tìm tòi sáng tạo trong việc bảo tồn, phát triển sản phẩm bánh truyền thống, nhất là thế hệ trẻ tại các chủ thể sản xuất bánh truyền thống.

Bảy là, phát huy nội lực các làng nghề, cơ sở sản xuất bánh truyền thống

Phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tự thân vận động theo xu thế phát triển; có khát vọng, có mục tiêu và hiệu quả kinh doanh; tích cực học hỏi trang bị kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm quản trị, quản lý, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh; mạnh dạn đề xuất các ý tưởng, đề án phát triển để kiến nghị đến các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ.

Tin tưởng rằng với các giải pháp phù hợp, các làng nghề làm bánh truyền thống của tỉnh nói chung và các sản phẩm bánh truyền thống của tỉnh Phú Thọ nói riêng sẽ phát triển và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường; tham gia đóng góp hiệu quả vào Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.