day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Đôi điều suy nghĩ về phản biện xã hội

Trong phản biện xã hội, bên cạnh ý kiến của các nhà khoa học, một lực lượng đóng vai trò rất quan trọng đó là báo chí. Với đặc thù nghề nghiệp của mình, báo chí có khả năng trực tiếp thực hiện cũng như tạo ra những cơ hội, diễn đàn để nhân dân tham gia nhận xét, thẩm định, đánh giá, góp ý cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước... Những phân tích, nhận định của đội ngũ này luôn là một nguồn căn cứ quý báu cho các quyết định, các bước đi trong xây dựng, quản lý và phát triển xã hội.

Phản biện xã hội là một hiện tượng tất yếu trong đời sống chính trị - xã hội. Khái niệm này được sử dụng ở nhiều nước từ lâu, nhưng ở nước ta những năm gần đây mới được quan tâm, thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu, nhất là sau khi “phản biện xã hội” được chính thức ghi trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X.

Phản biện là sự tranh luận, tức là đưa ra lập luận để làm rõ đúng - sai; trong phản biện phải hội đủ các luận cứ thực tiễn, khoa học để làm rõ cái đúng, cái sai của vấn đề đang tranh luận. Trong phản biện không chỉ là bác bỏ, phủ định, mà có thể có cả sự bổ sung, làm rõ hơn vấn đề ở góc độ, phương diện khác nhau. Do đó, không thể đồng nhất phản biện với phản bác, bài xích. Phản biện có nội hàm rộng hơn phản bác; phản bác chỉ là một khả năng, một tình huống có thể có trong phản biện.

Trên cơ sở đó, có thể hiểu phản biện xã hội là sự phản biện của xã hội, tức là sự biện luận, thẩm định, đánh giá của các lực lượng xã hội đối với những chủ trương, chính sách, đề án, dự án xã hội... liên quan đến quyền lợi và đời sống của các thành viên trong xã hội. Như vậy, phản biện xã hội là tiếng nói nhận thức của xã hội, của các lực lượng xã hội. Đó là những lập luận có chứng cứ nhằm phát hiện, bổ sung, chứng minh, khẳng định hoặc bác bỏ, phủ định một chủ trương, chính sách hay đề án xã hội được công bố hay đang hình thành.

Phản biện xã hội và phản biện khoa học có những điểm giống và khác nhau rất quan trọng. Phản biện khoa học là một khái niệm khoa học, đòi hỏi phải có sự hoàn chỉnh một cách tương đối của các lập luận và đặc biệt, đề cao tính khách quan. Phản biện trong lĩnh vực hoạt động khoa học của các nhà khoa học nhằm đi đến chân lý, khẳng định sự đúng đắn của các lý thuyết, phát minh khoa học. Còn phản biện xã hội không nhất thiết phải có sự hoàn chỉnh của các lập luận; đặc biệt là, mặc dù cũng coi trọng tính khách quan, phản biện xã hội còn có thuộc tính xã hội, phản ánh quyền lợi kinh tế - chính trị - xã hội của các chủ thể phản biện. Phản biện xã hội muốn có chất lượng, phải dựa trên phản biện khoa học. Nếu không có cơ sở khoa học, thì phản biện xã hội sẽ thiếu tính thuyết phục.

Là một khái niệm chính trị - xã hội, phản biện xã hội về thực chất là sự phản biện của nhân dân. Nhân dân là chủ thể của phản biện xã hội với hai tư cách: Với tư cách là người chủ, nhân dân có quyền giám sát đối với mọi hoạt động của Nhà nước; với tư cách là đối tượng chịu sự quản lý của Nhà nước, nhân dân có quyền bảo vệ những lợi ích, quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình trước những chủ trương, chính sách, đề án của Nhà nước chưa đáp ứng đầy đủ hoặc xâm phạm các quyền lợi đó.

Mặt khác, phản biện xã hội là một hoạt động khoa học làm cho các hành vi chính trị, kinh tế và xã hội trở nên ít chủ quan hơn, tức là sự xung đột của các nhóm lợi ích đã được điều chỉnh thông qua thảo luận và thoả thuận. Phản biện góp phần điều chỉnh các khuynh hướng kinh tế, văn hoá, chính trị, làm cho các khuynh hướng đó trở nên khoa học hơn, đúng đắn hơn và gần với đời sống con người hơn.

So với trưng cầu dân ý, phản biện hoàn toàn khác về chất. Trưng cầu dân ý là hỏi dân. Phản biện không phải là hỏi dân. Phản biện không phải là nhân dân trả lời mà là nhân dân nói tiếng nói của mình. Và tiếng nói ấy được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp bằng trí tuệ, bằng sự thông hiểu lẫn cả dự đoán về sự xung đột lợi ích khi tiến hành một hành động xã hội. Về bản chất chính trị, phản biện là một quyền tự do được xây dựng trên cơ sở quyền tự do ngôn luận. Nếu không xác lập quyền phản biện tức là quyền tự do ngôn luận, mà trưng cầu dân ý thì chỉ có hai khả năng: gật và lắc. Nhưng cả gật và lắc đều diễn ra trong im lặng. Im lặng không phải là ngôn luận. Nếu trưng cầu dân ý là đi tìm sự đồng thuận đơn giản thì phản biện là đi tìm sự đồng thuận có chất lượng khoa học.

Phản biện là trạng thái chuyên nghiệp của quá trình thảo luận, cho nên nếu không xây dựng nền văn hoá thảo luận thì không thể có nền văn hoá phản biện mà chỉ có nền văn hoá chống đối. Trong khi cần hiểu rằng phản biện không phải là chống đối. Tuy nhiên, khất lần phản biện tức là tạo điều kiện cho chống đối bộc phát. Chống đối phát triển thêm một chút là thành phá phách. Những vụ việc chống người thi hành công vụ, sử dụng vũ khí trái phép diễn ra ở một vài nơi thời gian qua là những minh chứng cho điều đó. Phản biện xã hội chính là biện pháp thay thế sự chống đối xã hội, hay nói cách khác, cần phải thay thế tự do cãi cọ bằng tự do ngôn luận. Cần phải hướng dẫn những sự cãi cọ bản năng trở thành những cuộc thảo luận chuyên nghiệp mà biểu hiện cao nhất của nó là phản biện, thì mới có thể có một xã hội ổn định và phát triển.

Để có được phản biện xã hội tốt cũng cần có những điều kiện cơ bản: Thứ nhất, cần phải thực thi tự do ngôn luận. Muốn có phản biện xã hội thì trước hết xã hội phải có thói quen thảo luận, mà muốn tạo thói quen thảo luận cho xã hội thì nhất thiết phải tạo cho xã hội cảm hứng nói, tức là thực thi quyền tự do ngôn luận để khích lệ xã hội tham gia vào những cuộc thảo luận hoặc tranh luận trên quy mô xã hội về tất cả các vấn đề. Khi xã hội được huấn luyện thông qua những cuộc thảo luận như vậy thì xã hội mới có đủ năng lực để phản biện những vấn đề hệ trọng khác, vì khi nói đến phản biện xã hội tức là phản biện những vấn đề hệ trọng của đời sống chính trị. Thứ hai, phản biện xã hội cần có sự tham gia của hai lực lượng: lực lượng thứ nhất là để nói một cách chuyên nghiệp - giới báo chí, và lực lượng thứ hai là để nghĩ một cách chuyên nghiệp - giới trí thức. Phản biện xã hội, nếu không có sự tham gia của hai lực lượng này thì quá trình còn lại là quá trình phản ứng xã hội chứ không phải là phản biện xã hội. Thứ ba, phải coi sự phát triển dân trí là động lực phát triển của xã hội. Trước khi làm cho dân chúng trở thành những người có chất lượng chính trị tốt thì phải giúp họ trở thành người tốt đã...

Trong quá trình phản biện xã hội, không ít khó khăn, lực cản cần vượt qua: Thứ nhất là sự e ngại sẽ nảy sinh cái gì đó bất ổn, ảnh hưởng đến vị thế của cá nhân hay cơ quan quyền lực. Thứ hai là sự khó chịu với ai trái ý, bất đồng chính kiến với mình. Thứ ba là ngại mất thời gian, ngại tốn tiền bạc.

Còn một vật cản nữa, vô hình nhưng nặng nề và bất chấp, đó là do “tư duy nhiệm kỳ”, do bệnh thành tích nên làm lấy được, mặc cho dự án chưa có sự đồng thuận của cấp trên chứ đừng nói tới phản biện xã hội.

Không phải là không được thực hiện, nhưng đã đến lúc phản biện xã hội phải thành nguyên tắc trong quá trình chuẩn bị và thông qua các quyết định liên quan đến cuộc sống, quyền lợi của đông đảo mọi người.

Trong phản biện xã hội, bên cạnh ý kiến của các nhà khoa học, một lực lượng đóng vai trò rất quan trọng đó là báo chí. Với đặc thù nghề nghiệp của mình, báo chí có khả năng trực tiếp thực hiện cũng như tạo ra những cơ hội, diễn đàn để nhân dân tham gia nhận xét, thẩm định, đánh giá, góp ý cho các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thực tế đã chứng tỏ điều đó. Để phản biện tốt, nhà báo phải có tính độc lập cao trong tác nghiệp, phải dũng cảm và có bản lĩnh. Báo chí phải khuyến khích, động viên nhân dân tham gia rộng rãi trên các diễn đàn cả trên báo viết và trên báo điện tử. Báo chí phải khai thác được những “túi khôn” trong nhân dân là những nhà khoa học, những chuyên gia trong các lĩnh vực của đời sống, là những người đã nghỉ hưu không còn sự ràng buộc về trách nhiệm, về quyền lực. Những phân tích, nhận định của đội ngũ này luôn là một nguồn căn cứ quý báu cho các quyết định, các bước đi trong xây dựng, quản lý và phát triển xã hội.

--------------------------

Tài liệu tham khảo:

(1) Nguyễn Trần Bạt. Tạp chí The Journal of Global Issues & Solutions năm 2007 của Nhà xuất bản “Bibliotheque: World Wide International Publishers.

(2) GS,TSKH Phan Đình Diệu: Phản biện xã hội là chuyện tự nhiên.

(3) ThS Vũ Thị Như Hoa. Nhận thức về phản biện xã hội.

(4) Lê Kiên. Phản biện xã hội - nhân tố quan trọng của phát triển.

TS. Trần Đăng Tuấn. Nguyên Phó Tổng giám đốc Thường trực Đài Truyền hình Việt Nam. Phản biện xã hội.