day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới

Thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, quy định pháp luật và các văn bản, chỉ đạo điều hành về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Qua đó, đã tạo môi trường ngày một thuận lợi, nhiều cơ hội mới xuất hiện, đón ngày càng nhiều các dòng đầu tư có chọn lọc ở trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực khác nhau. Mục tiêu tổng quát của Chính phủ là cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh hậu dịch Covid 19, vấn đề địa chính trị toàn cầu; tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả trong tình hình mới.

Một góc quy hoạch thành phố Việt Trì (ảnh sưu tầm)

Đối với tỉnh Phú Thọ, nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ 03 nhiệm kỳ gần đây đã đặc biệt quan tâm đến các giải pháp để phát huy nội lực, lợi thế, khai thác tiềm năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện; đặc biệt, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh là khâu đột phá, bao trùm phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với 5 mục tiêu, 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp; đồng thời các cấp, các ngành, các địa phương đã tích cực, chủ động thực hiện khâu đột phá với 33 nhiệm vụ cụ thể.

Đội ngũ trí thức khoa học công nghệ tỉnh Phú Thọ đánh giá rất cao kết quả đạt được trong thực hiện khâu đột phá của tỉnh như: (1). Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 3 năm (2021 - 2023) đạt 7,29%; (2). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 đạt 118,7 nghìn tỷ đồng, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 2,126 tỷ USD (đầu tư mới và bổ sung vốn); (3). Thành lập mới 2.800 doanh nghiệp, lũy kế có 11.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ngày một lớn mạnh, có khát vọng, không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa kinh doanh; (4). Số lao động tạo việc làm mới giai đoạn 2021 - 2023 đạt 51,6 nghìn lao động; (5). Các chỉ số xếp hạng có nhiều khởi sắc, nhiều chỉ số đứng tốp đầu các tỉnh, thành trong cả nước như: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) xếp 24/63 tỉnh, thành, nằm trong tốp 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp 10/63 tỉnh, thành; chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp thứ 18/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 08/63 tỉnh, thành.

Chuyên gia, nhà khoa học chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo Giải pháp đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025 do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì tổ chức

Năm 2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thực hiện nhiệm vụ tư vấn phản biện và giám định xã hội về “Giải pháp đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025” tại Văn bản số 1223/UBND-KGVX ngày 10/4/2023. Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và tập hợp gần 60 chuyên gia, nhà khoa học, trí thức hiện đang công tác tại các cơ quan Trung ương, trong và ngoài tỉnh tham gia thực hiện nhiệm vụ. Với mong muốn đóng góp trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, trí thức Đất Tổ, chung tay cùng với các cấp, các ngành quyết tâm xây dựng tỉnh Phú Thọ là tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đề xuất một số nhóm giải pháp chủ yếu đẩy mạnh thực hiện khâu đột phá về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới:

Sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh để tiếp tục chỉ đạo thực hiện các giải pháp đột phá và hướng đi đột phá để thực hiện thành công khâu đột phá của tỉnh

Với vị trí là vùng Đất Tổ, vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, do đó thời gian tới tỉnh có thể nghiên cứu, tham vấn thêm ý kiến các chuyên gia để xem xét, đề xuất với Bộ Chính trị, Chính phủ về cơ chế đặc thù đối với tỉnh Phú Thọ như một số tỉnh, thành đã thực hiện nhằm hiện thực hóa mục tiêu lớn đó là: Phát huy tinh thần cả nước chung sức, chung lòng hướng về vùng Đất Tổ - Phát triển Phú Thọ là nhiệm vụ chung của đất nước, của quốc gia, dân tộc. Thông qua cơ chế đột phá, đặc thù cùng với việc kiến tạo những hướng đi mới, cách làm đột phá, từ đó sẽ tạo thêm động lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nói chung và góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói riêng như: (1). Đề xuất cơ chế đặc thù, thử nghiệm một số cơ chế, chính sách mới để phát triển một số dự án lớn, một số công trình du lịch về với Đất Tổ tầm quốc gia. (2). Thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng thành phố Việt Trì sớm trở thành Thành phố Lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, phát triển đô thị thông minh, đô thị xanh, đô thị sáng tạo,... là đô thị dẫn dắt phát triển và đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư, nhất là đón đầu được các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ số, hay như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút, đón đầu các nhà đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn đang có cơ hội rất lớn ở Việt Nam. (3). Phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao thông qua một số sản phẩm, lợi thế của tỉnh như phát triển quy mô, chất lượng, thương hiệu đối với cây chè kết hợp kiến tạo một số khu du lịch sinh thái tầm cỡ quốc gia, quốc tế như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc đã thành công; hay như phát triển cây ăn quả, nấm, dưa lưới trong nhà kính, công nghiệp nuôi trồng tảo xoắn,... Chỉ phát triển công nghiệp ở những nơi nông nghiệp không còn phát huy hiệu quả. (4). Những bất lợi hiện tại có thể chuyển sang hướng phát triển khác, hướng phát triển mới; thông qua những hướng đi mới, cách làm mới trước mắt có thể chưa có kết quả nhưng sẽ tạo tiền đề cho những đột phá ở giai đoạn sau.

Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý Nhà nước phục vụ cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Phú Thọ cần tiếp tục bám sát khung chính sách kinh tế Việt Nam 2018 - 2035, tầm nhìn đến 2045, gắn với chiến lược phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Ngoài định hướng, mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp làm động lực cho phát triển kinh tế - xã hội thì tỉnh Phú Thọ cần quan tâm khai thác tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, thổ nhưỡng của vùng Trung du để phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp công nghệ cao, lấy nông nghiệp làm bệ đỡ cho nền kinh tế, nhất là trong việc giải quyết việc làm, ổn định và bảo đảm an sinh xã hội; nâng mức thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng trung bình của cả nước. Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cần tiếp tục đổi mới theo hướng chuyển từ nền hành chính Nhà nước sang nền hành chính phục vụ, hỗ trợ, kiến tạo và đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn. Bên cạnh việc nâng cao các chỉ số như CPI, PAR INDEX, SIPAS, PAPI để đứng trong tốp đầu các tỉnh, thành thì tỉnh cần quan tâm đến chất lượng điều hành, chất lượng phục vụ doanh nghiệp theo phương châm môi trường pháp lý tốt và toàn diện, hạ tầng kỹ thuật tốt và phục vụ doanh nghiệp tốt, từ đó làm thước đo, cải thiện thực chất các chỉ số thành phần, từng khía cạnh môi trường đầu tư kinh doanh. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả, kết quả thật chất về xây dựng và vận hành chính quyền điện tử, chính quyền số và chuyển đổi số. Sớm triển khai và hoàn thành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp (Hà Nội gọi là phần mềm "Một cửa"). Ứng dụng này sẽ tạo ra thay đổi đột phá trong cải cách hành chính, bảo đảm hoạt động của chính quyền công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là công cụ hỗ trợ để công tác chỉ đạo, điều hành của hệ thống chính quyền tỉnh Phú Thọ được kịp thời, thống nhất, xuyên suốt; đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả dựa trên cơ sở dữ liệu và công nghệ số. Tiếp tục chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp của Ban vận động xúc tiến đầu tư của tỉnh. Xây dựng ban hành Quy chế đón, tiếp, hướng dẫn các doanh nghiệp, nhà đầu tư áp dụng trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm góp phần tạo thành phong trào quảng bá tiềm năng, chung tay phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào tỉnh. Định kỳ, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tổ chức hiệu quả hoạt động đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, điều chỉnh các chính sách về những vấn đề chung, hoặc từng chuyên đề như: Vốn; mặt bằng cho sản xuất, thuế; thanh tra, kiểm tra, thủ tục hành chính,…

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ thu hút đầu tư và nhu cầu phát triển của doanh nghiệp

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các khu, cụm công nghiệp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 của tỉnh. Song song với xây dựng các khu, cụm công nghiệp có quy mô lớn, cần sớm nghiên cứu, tham khảo để xây dựng các đề án, cơ chế đặc thù đối với các khu công nghiệp này, những vấn đề vượt thẩm quyền có thể sớm nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tỉnh Phú Thọ, tăng sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư. Bên cạnh việc đẩy mạnh thu hồi, giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp đang triển khai; căn cứ Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 để tiếp tục chuẩn bị mặt bằng, thủ tục xúc tiến xây dựng các Khu công nghiệp mới, quy mô lớn mới song song với phát triển các trục kinh tế, các trục kết nối hạ tầng của tỉnh. Chủ động phối hợp với các tỉnh lân cận trong phát triển hạ tầng, từ các tỉnh lân cận hướng về Phú Thọ; phấn đấu xóa bỏ khoảng cách giữa Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang với Vĩnh Phúc, Hà Nội, Thái Nguyên bằng các kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật, mặt bằng sản xuất kinh doanh,…

Phát triển mạnh mẽ số lượng doanh nghiệp và phát huy năng lực nội tại của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh

Trong xu thế phát triển và cạnh tranh địa kinh tế mạnh mẽ ở cả phạm vi quốc tế và trong nước, vấn đề phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư tiếp tục phải trở thành một chiến lược không chỉ ở nhiệm kỳ này mà còn phải ở các nhiệm kỳ tiếp theo. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục hành động, phát huy nội lực, khắc phục các rào cản để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, mở rộng thu hút đầu tư. Song song với việc thu hút doanh nghiệp lớn, nhà đầu tư lớn (FDI), trong bối cảnh hiện tại cũng như lâu dài, tỉnh Phú Thọ cần quan tâm phát triển, thu hút cả về số lượng và chất lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh và trong nước; hỗ trợ nuôi dưỡng, phát triển các doanh nghiệp nội tại trong tỉnh để trở thành các doanh nghiệp lớn trong tương lai như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Hiện tại, tỉnh Phú Thọ mới đạt 11.600 doanh nghiệp đăng ký thành lập tức bằng 1,3% số doanh nghiệp của cả nước và chưa có doanh nghiệp lớn; mặt khác theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh, số doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2022 chỉ đạt 5.693 doanh nghiệp. Như vậy sẽ rất khó để giúp Phú Thọ tự thân phát triển. Do đó, để đạt được mức bình quân chung về số doanh nghiệp ở khu vực ASEAN (80 - 100 người dân/01 doanh nghiệp), tỉnh Phú Thọ cần quan tâm, hỗ trợ phát triển lên mức 12.000 - 15.000 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh thực chất trong những năm tiếp theo, thông qua việc phát huy tiềm năng, năng lực nội tại của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, gắn với phát triển các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn, làng nghề truyền thống và gắn với chương trình phát triển OCOP của tỉnh. Phấn đấu đến 2030 tầm nhìn 2050, tỉnh Phú Thọ có số lượng doanh nghiệp bình quân trong nhóm 15 tỉnh cao nhất cả nước; có một số doanh nghiệp lớn dẫn dắt và góp phần phát triển các doanh nghiệp vệ tinh.

Quan tâm điều chỉnh một số cơ chế, chính sách phục vụ môi trường đầu tư kinh doanh

(1). Hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ và dễ áp dụng, dễ triển khai.

(2). Có cơ chế, chính sách, cơ sở hạ tầng đột phá, vượt trội của tỉnh để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

(3). Thủ tục hành chính, thanh tra, kiểm tra, phòng cháy, chữa cháy, môi trường đầu tư phải thông thoáng, chung tay hướng dẫn doanh nghiệp.

(4). Các cấp, các ngành cùng đồng hành, hỗ trợ trong việc tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, kịp thời giải quyết kiến nghị cho doanh nghiệp.

(5). Dễ dàng hơn trong việc tiếp cận chính sách tài chính, tín dụng có ưu đãi.

(6). Nguồn lao động cần được đào tạo sát thực tế, hỗ trợ đào tạo nghề thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động.

 (7). Thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch, sàn giao dịch việc làm, hội chợ lao động để xử lý nhu cầu "người cần việc" và "việc cần người".

Phát huy vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân

Từng bước quan tâm, xây dựng Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các Hội thành viên ngang tầm nhiệm vụ, có vai trò, vị thế, có tiếng nói để thật sự trở thành cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền, phục vụ chiến lược cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư của tỉnh. Tiếp tục xem xét để đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh được tham dự các kỳ họp của UBND tỉnh liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội nhằm kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách, phản ánh kiến nghị, đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, các nhà đầu tư đến các cơ quan lãnh đạo, quản lý của tỉnh.

Đối với Hiệp hội Doanh nghiệp và các Hội thành viên: Tăng cường kết nối doanh nghiệp (gồm cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI). Phát huy vai trò là cầu nối, tập hợp các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp để kiến nghị, đề xuất với các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý nhà nước. Thường xuyên tổ chức, mời các chuyên gia về quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh diễn giảng tại các diễn đàn phát triển doanh nghiệp, các khóa đào tạo về kinh tế, kỹ năng quản lý, quản trị cho doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân: Phát huy tinh thần, khát vọng phát triển, tinh thần đổi mới, sáng tạo và mạnh dạn đề xuất các ý tưởng, các kiến nghị với các cấp lãnh đạo, các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tin tưởng rằng, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với phát triển doanh nghiệp, phát triển nông nghiệp bền vững và phát huy các bản sắc văn hóa Đất Tổ và dân tộc; đồng thời với sự quyết liệt trong chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc tích cực của nhân dân và toàn xã hội, tỉnh Phú Thọ sẽ đạt tiếp tục đạt được những kết quả cao hơn trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Hướng tới tầm nhìn phát triển tỉnh Phú Thọ đến năm 2025 là “Tỉnh phát triển ở khu vực phía Bắc, nằm trong nhóm các tỉnh phát triển của cả nước. Là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ và du lịch hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc; là nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng” (trích trong Quyết định số 1579/QĐ-TTG ngày 05/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Phú Thọ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050).