day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Chương trình sản xuất lương thực tỉnh Phú Thọ - Những vấn đề đặt ra

Sản xuất lương thực của tỉnh được xác định là một chương trình trọng điểm nhằm bảo đảm vững chắc lương thực tại chỗ, phục vụ phát triển ngành chăn nuôi, là cơ sở để xây dựng nông thôn mới bền vững, góp phần ổn định an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh Phú Thọ. Sản xuất cây lương thực có hạt (lúa, ngô) chiếm tỷ trọng lớn, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Mục tiêu cơ bản đến năm 2015 sản lượng lương thực (cây có hạt) đạt 460 - 470 ngàn tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 330 - 340 kg/người/năm. Trong 2 năm 2012 - 2013, việc triển khai thực hiện Chương trình lương thực đã đạt được các kết quả quan trọng. Các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và có nhiều sáng tạo. Tuy nhiên, cũng còn không ít khó khăn, tồn tại, hạn chế và thách thức cần tiếp tục phải giải quyết cho những năm tiếp theo.

Vì vậy, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) thực hiện nhiệm vụ tư vấn, giám định xã hội Chương trình sản xuất lương thực thuộc Chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm trong 2 năm 2012 - 2013 trên địa bàn tỉnh, nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành những vấn đề cần thiết nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình sản xuất lương thực, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Phương pháp thực hiện chủ yếu là phương pháp chuyên gia và tổ chức Hội đồng tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Kết hợp nghiên cứu các hồ sơ, tài liệu có liên quan với điều tra, khảo sát thực địa, đánh giá kết quả triển khai thực hiện tại hiện trường; tham vấn ý kiến của chính quyền địa phương và nhân dân tại các vùng sản xuất lương thực chính trên địa bàn tỉnh.

Kết quả đánh giá khẳng định, Chương trình sản xuất lương thực của tỉnh tiếp tục được quan tâm, đã được ngành nông nghiệp và chính quyền các cấp tập trung thực hiện, kết quả 2 năm thực hiện cơ bản đạt mục tiêu đề ra, đảm bảo anh ninh lương thực nội tỉnh, góp phần phát triển các ngành, nghề khác. Việc tổ chức thực hiện Chương trình nghiêm túc, có nhiều đổi mới, sáng tạo, tạo nhiều chuyển biến tích cực. Đã quan tâm xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch sản xuất hàng vụ, hàng năm, thực hiện điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung các quy hoạch. Việc ứng dụng tiến bộ KHKT được đẩy mạnh, công tác giống được chú trọng, các loại giống mới, giống chất lượng cao được sử dụng rộng rãi; việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác được đẩy mạnh như thâm canh lúa cải tiến SRI, gieo thẳng, bón phân NPK theo quy trình khép kín, sử dụng phân vi sinh, phân bón lá, cơ giới hóa các khâu làm đất, thu hoạch (vò, tách hạt),… bước đầu hình thành được những vùng sản xuất tập trung, một số mô hình cánh đồng mẫu lớn. Thực hiện có kết quả công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực, củng cố hệ thống khuyến nông cơ sở, tập huấn, đào tạo và tuyên truyền, nâng cao trình độ sản xuất của người nông dân. Đã huy động được các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Các chính sách hỗ trợ sản xuất lương thực được thực hiện, như hỗ trợ giống lúa lai, ngô lai, hỗ trợ áp dụng giống lúa lai kết hợp biện pháp thâm canh lúa cải tiến SRI, gieo thẳng bằng giàn sạ có quy mô liền vùng, liền thửa… Việc thực hiện các chính sách đã góp phần giảm bớt khó khăn của người nông dân, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng lúa ngô.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hội đồng tư vấn xác định còn có một số tồn tại, hạn chế như sau:

- Năng suất cả 2 loại cây trồng lúa và ngô tuy đạt cao hơn các năm trước nhưng chưa đạt so với Kế hoạch số 1652/KH-UBND của UBND tỉnh (năm 2012 năng suất lúa thấp hơn KH 1,4 tạ/ha, năm 2013 thấp hơp KH 1,11 tạ/ha).

- Diện tích ngô đông giảm liên tục trong 2 năm 2012 - 2013, trong khi nước ta phải nhập khẩu khá nhiều ngô. Các địa phương trong tỉnh chưa tìm ra được giải pháp hiệu quả, khả thi cho việc mở rộng diện tích ngô đông. Một số nơi có sáng kiến tập trung ruộng đất với diện tích lớn cho 1 số người có điều kiện đầu tư mượn để tổ chức sản xuất ngô đông, đã khắc phục được tình trạng manh mún, tập trung lao động, tiết kiệm chi phí, cho hiệu quả cao hơn; tuy nhiên chưa được nghiên cứu, đánh giá để thực hiện thành phong trào.

- Việc bón phân thâm canh lúa, ngô chủ yếu là phân hóa học, phân hữu cơ sử dụng rất ít, nhiều nơi hầu như không có, nhất là đối với các xã đồng bằng. Tình trạng nông dân lạm dụng phân bón hóa học và thuốc hóa học trừ sâu bệnh ngày càng tăng, các loại bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng phần lớn không được thu gom và tiêu hủy đã ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe nông dân. Nguồn phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ) chủ yếu là đốt hoặc vứt bỏ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường, đồng thời giảm độ phì của đất và làm giảm khả năng chống chịu của cây trồng.

- Hiệu quả sản xuất lúa, ngô chưa cao, lợi nhuận thu được sau khi hạch toán đầy đủ các chi phí đạt rất thấp, nhiều nơi không có lãi, thậm chí lỗ. Điển hình như huyện Lâm Thao năm sản xuất lúa được mùa cũng chỉ lãi từ 200 - 300 ngàn đồng/sào/vụ. Do vậy, có một bộ phận nông dân không mặn mà với sản xuất lúa, ngô.

- Việc chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả như diện tích cao hạn, khó nước và thấp trũng còn chậm và gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

- Cơ giới hóa sản xuất lúa mới chỉ thực hiện rộng rãi được ở khâu làm đất, tuốt hạt và xay sát. Khâu thu hoạch (cắt) tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp, các khâu còn lại như làm mạ, gieo cấy, bón phân, phun thuốc BVTV… vẫn thủ công là chính. Đối với sản xuất ngô cơ bản vẫn làm thủ công (trừ khâu chế biến).

- Cơ cấu giống lúa, ngô của tỉnh hiện nay có quá nhiều giống, thực tế tại nhiều xã có hơn chục giống lúa và ngô được người dân sử dụng trong cùng 1 vụ trên cùng một cánh đồng, điều này gây ra rất nhiều khó khăn, lãng phí cho công tác cung ứng giống, công tác chỉ đạo sản xuất như thời vụ, bảo vệ thực vật…

- Hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất (Thủy lợi và giao thông) tuy đã được đầu tư song vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng kỹ thuật đồng ruộng còn rất hạn chế (giao thông, thủy lợi nội đồng và liên vùng), tình trạng úng ngập hoặc hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương vẫn thường xuyên xảy ra, nhiều diện tích chưa chủ động tưới tiêu, gây khó khăn cho việc dồn đổi ruộng đất và áp dụng đồng bộ TBKT, thâm canh tăng năng suất, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng và năng suất cây trồng.

- Một bộ phận nông dân thiếu kiến thức về các tiến bộ KHKT trong sản xuất lúa, ngô; việc đầu tư thâm canh cho cây lúa, ngô còn hạn chế, chưa phát huy tốt ưu thế của các giống lúa lai, ngô lai; việc thực hiện lịch thời vụ, các biện pháp kỹ thuật làm đất ải, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh… Của một số hộ nông dân chưa theo hướng dẫn. Một số nơi tập quán canh tác sản xuất của nông dân chậm đổi mới, còn làm theo cung cách cũ.

- Việc quy hoạch, vận động các hộ nông dân dồn đổi ruộng đất, liên kết hình thành các vùng sản xuất tập trung có quy mô liền vùng, liền thửa để áp dụng đồng bộ các TBKT mới và đưa cơ giới hóa vào sản xuất còn chậm và gặp nhiều khó khăn, nên việc thực hiện chính sách hỗ trợ sử dụng giống lúa lai áp dụng kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến SRI hoặc gieo thẳng bằng giàn sạ có quy mô liền vùng, liền thửa từ 3 ha trở lên còn thấp.

- Các chính sách hỗ trợ giống, biện pháp thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm, tiếp cận vốn, hỗ trợ khắc phục rủi ro trong sản xuất còn hạn chế, nguồn lực chưa tương xứng với tầm quan trọng của sản xuất lương thực; có lúc có nơi chưa phù hợp (Như việc hỗ trợ giống bằng sản phẩm không theo nhu cầu, đặc điểm thực tế vụ mùa, địa hình địa phương).

- Công tác nghiên cứu và tổ chức sản xuất hạt giống lúa lai F1 chưa thực hiện được, chủ yếu là khảo nghiệm, trình diễn và cung ứng giống. 100 % giống lúa lai phụ thuộc vào bên ngoài, trong đó giống của Trung Quốc là chủ yếu. Do vậy, vấn đề an ninh giống không thực sự bền vững, nhất là khi nguồn cung bị ảnh hưởng hoặc khi có thiên tai lớn xảy ra.

- Chưa hình thành mối liên kết đồng bộ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, mới chủ yếu liên kết ở khâu cung ứng vật tư đầu vào nhưng cũng rất lỏng lẻo.

- Vấn đề đào tạo phát triển nguồn nhân lực cho chương trình lương thực còn nhiều hạn chế. Khuyến nông cơ sở còn nhiều khó khăn trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ. Do vậy, vai trò của cán bộ khuyến nông cơ sở ở nhiều nơi khá “mờ nhạt”, khuyến nông cơ sở và cộng tác viên khuyến nông hoạt động chưa hiệu quả.

Hiện nay, các tỉnh thành phố trong cả nước đang triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Để Chương trình sản xuất lương thực của tỉnh trong những năm tới đạt kết quả cao, Hội đồng tư vấn đề xuất một số giải pháp sau:

1. Về tổ chức, chỉ đạo, điều hành sản xuất

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện thắng lợi Chương trình lương thực, nhằm thúc đẩy việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp.

- Nghiên cứu, tìm giải pháp có hiệu quả để thực hiện việc dồn đổi, tích tụ ruộng đất gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để hình thành vùng chuyên canh sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.

- Duy trì và mở rộng diện tích ngô đông, nghiên cứu giải pháp cho thuê mượn đất để sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, rút kinh nghiệm để mở ra diện rộng. Cần quy hoạch, lựa chọn các vùng thuận lợi về giao thông, nguồn nước tưới và vùng có chăn nuôi đại gia súc, gia súc, gia cầm phát triển để tập trung chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất ngô đông, nhằm tận dụng tối đa các sản phẩm của cây ngô đông để phục vụ chăn nuôi (thân lá xanh + hạt ngô) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

- Thực hiện các giải pháp đồng bộ đảm bảo chủ động tưới tiêu phục vụ sản xuất, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để dồn đổi, tích tụ ruộng đất.

- Chỉ đạo mở rộng diện tích làm lúa tái sinh (lúa chét) ở cả 2 vụ xuân và mùa ở những nơi có điều kiện và không ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông.

- Chỉ đạo chặt chẽ lịch thời vụ, kết hợp chặt chẽ việc cấp nước với chỉ đạo thực hiện cơ cấu trà và thời vụ gieo cấy.

- Về cơ cấu giống: Ở mỗi tiểu vùng hoặc trên cùng một cánh đồng, trên một vàn đất nên bố trí cùng 1 loại giống hoặc hạn chế số lượng giống sử dụng thông qua các biện pháp hành chính, chính sách và kỹ thuật.

- Tăng cường liên kết, ký hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp với các doanh nghiệp sản xuất giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón (nhất là với Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao) theo hình thức mua trả chậm.

- Quản lý chặt chẽ các mô hình trình diễn của các Công ty theo các quy định tại Pháp lệnh số 15/2004/PL-UBTVQH11 ngày 24/3/2004 về giống cây trồng, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo sản xuất lương thực của tỉnh.

- Tăng cường thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, tạo liên kết 4 nhà bền vững.

- Tăng cường chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương củng cố, xây dựng các hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác.

2. Về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật và an ninh giống

a) Công tác  giống

- Tăng cường sử dụng các giống lúa lai sản xuất được trong nước thay thế nhập khẩu để giảm giá thành. Trong vòng vài năm tới tiếp tục duy trì khoảng 50 % diện tích lúa lai, sau đó giảm diện tích lúa lai, duy trì ở mức 35 - 40 % diện tích là phù hợp, tăng diện tích lúa thuần có năng suất và chất lượng tốt, có khả năng chống chịu, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Đối với giống lúa thuần chỉ nên sử dụng giống xác nhận, không sử dụng thóc thịt làm giống. Hướng dẫn nông dân sử dụng hợp lý giống lúa thuần nguyên chủng để nhân ra giống xác nhận, từ đó mới đưa vào sản xuất, tránh lãng phí chi phí về giống, nâng cao hiệu quả sản xuất. Trên cơ sở đó xây dựng thành công hệ thống giống cộng đồng góp phần bảo đảm an ninh giống bền vững tại các địa phương.

- Lựa chọn các giống có năng suất và chất lượng tốt, đặc biệt là ngắn ngày và có khả năng tái sinh khỏe như CXT 30 để kết hợp làm lúa chét (đối với diện tích không làm vụ đông) hoặc bố trí vụ đông sớm.

- Nghiên cứu dự phòng một số giống lúa phù hợp để chủ động đáp ứng trong mọi tình huống, đảm bảo an ninh giống.

- Tiếp tục sử dụng các giống ngô lai có tiềm năng năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện của tỉnh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Khuyến khích các đơn vị liên kết với người dân sản xuất và cung ứng giống ngô lai tại tỉnh.

b) Tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và tư duy kinh tế mới

- Hướng dẫn kỹ thuật làm lúa chét trên những diện tích phù hợp, làm tăng sản lượng lúa mà không tăng áp lực làm vụ đông.

- Tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh lúa, ngô (SRI, gieo thẳng bằng giàn xạ, làm mạ khay; bón phân NPK khép kín, phân bón qua lá, phân dúi sâu; trồng ngô mật độ cao, làm đất ngô tối thiểu; IPM…).

- Đẩy mạnh ứng dụng sản phẩm công nghệ sinh học trong nông nghiệp nhằm xử lý các phế phẩm nông nghiệp, giải quyết vấn đề phân bón hữu cơ, bảo vệ độ phì đất, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón dúi sâu ở miền núi để nâng cao hiệu quả sản xuất. (Theo cách làm của tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang).

- Hướng dẫn nông dân biết quản lý chuỗi giá trị để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa giúp người sản xuất lúa có lãi.

3. Về đầu tư

 Quan tâm đầu tư phát triển nông nghiệp nói chung và chương trình sản xuất lương thực nói riêng. Tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng hạ tầng nông nghiệp nội đồng, nội vùng, trước hết ở những địa bàn có thể tạo cơ hội cho người dân dồn đổi ruộng đất, mở rộng sản xuất vụ đông, mở rộng cánh đồng mẫu lớn.

4. Về cơ chế, chính sách

- Nghiên cứu bố trí 1 cán bộ xã chuyên trách nông nghiệp và/hoặc tăng thù lao cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở.

- Tăng cường hỗ trợ, thúc đẩy các dịch vụ nông nghiệp nói chung và dịch vụ sản xuất cây lương thực nói riêng (vốn, tín dụng; vật tư đầu vào, tiêu thụ sản phẩm; làm đất, tưới tiêu, thu hoạch, bảo vệ thực vật, chế biến; đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật…). Trong đó, chú trọng chỉ đạo củng cố, xây dựng và hỗ trợ các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoạt động theo hướng kinh doanh, dịch vụ tổng hợp gồm: giống, vật tư phân bón, thuốc BVTV, bảo vệ sản xuất, thủy lợi, làm đất, làm mạ, bảo vệ thực vật, thu hoạch, chế biến, điện, nước sạch, thu gom rác thải…để tận dụng tối đa cơ sở vật chất và nhân lực của các hợp tác xã.

- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ phát triển mạ khay theo hướng khép kín từ khâu cung ứng giống, đến khâu làm mạ, cấy, tiến tới cơ giới hóa khâu này, tạo điều kiện giải phóng sức lao động, tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ và cơ cấu giống.

- Nghiên cứu đề xuất dự án kèm theo chính sách hỗ trợ phục tráng và xây dựng mô hình sản xuất giống lúa nếp địa phương và lúa thuần chất lượng cao tại cộng đồng (theo hình thức tổ hợp tác, nhóm hộ nông dân, hợp tác xã) phục vụ nhu cầu tại địa phương và xây dựng quỹ giống cộng đồng bền vững.

- Khuyến khích và quan tâm hỗ trợ đầu tư những mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đối với cả cây lúa và cây ngô thành công, điều chỉnh thường xuyên trong chỉ đạo để rút bài học kinh nghiệm cho các địa phương trong tỉnh.

Có thể nói, sản xuất lương thực của tỉnh Phú Thọ còn rất nhiều việc phải làm, nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho người dân, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, tổ chức khoa học thực hiện những mục tiêu, ý tưởng của mình. Từ đó tiếp tục tạo ra những đổi mới ngay trên đồng ruộng của mình.