day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Các giải pháp nhằm tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Tại Phú Thọ, tỷ lệ nông dân sử dụng phân bón vô cơ trong sản xuất nông, lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn so với việc sử dụng phân bón hữu cơ. Để thay đổi thói quen này, cần có những giải pháp đồng bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp sản xuất phân bón và người dân.

Thực trạng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông, lâm nghiệp

Theo số liệu Tổng quan thực trạng sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Phú Thọ cho thấy sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, đặc biệt là việc sử dụng phân bón để tăng năng suất cây trồng của tỉnh nhà. Tuy nhiên, phân bón vô cơ vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn hẳn so với phân bón hữu cơ. Theo thống kê từ các doanh nghiệp sản xuất phân bón tại địa phương, tỷ lệ tiêu thụ phân bón vô cơ luôn chiếm ưu thế trong canh tác nông nghiệp. Lý do chính là phân bón vô cơ dễ sử dụng và cho hiệu quả nhanh chóng. Trong khi đó, phân bón hữu cơ, mặc dù có nhiều lợi ích lâu dài cho đất và môi trường, nhưng chi phí có thể cao hơn và hiệu quả không ngay lập tức, khiến nhiều nông dân e ngại.

Sự thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp bền vững, an toàn, theo hướng hữu cơ, tuần hoàn và nhận thức của người dân trong sử dụng phân bón hữu cơ

Theo thống kê, lượng phân bón vô cơ tiêu thụ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện chiếm tỷ trọng trên 90% tổng lượng phân bón sử dụng trong nông nghiệp, trong khi phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón hữu cơ khoáng) chỉ chiếm dưới 10%. Điều này phản ánh một thực tế là phân bón vô cơ vẫn được ưu chuộng do những lợi thế về tính hiệu quả nhanh chóng trong canh tác, dù có một số nhược điểm về môi trường và sức khỏe đất. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhận thức của người dân về việc sử dụng phân bón hữu cơ đã có sự thay đổi rõ rệt. Sự thay đổi này một phần nhờ vào các chương trình, chính sách của tỉnh và các cơ quan chức năng, cũng như các hình thức truyền thông tuyên truyền hiệu quả về lợi ích của phân bón hữu cơ. Nhiều nông dân đã bắt đầu tiếp cận các mô hình canh tác bền vững, với việc sử dụng phân bón hữu cơ để cải tạo và bảo vệ sức khỏe đất, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường.

Trong đó, mô hình sản xuất nông nghiệp xanh - sạch, sử dụng phân bón hữu cơ và phân bón giảm phát thải, đang dần được phổ biến. Các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân đã bắt đầu nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc duy trì chất lượng đất và sức khỏe cây trồng thông qua việc sử dụng phân bón hữu cơ đúng cách.

Cũng theo báo cáo tổng quan của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ, sản lượng phân bón hữu cơ tiêu thụ tại Phú Thọ đã có xu hướng tăng dần trong vài năm qua. Người dân bắt đầu chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, cải tạo đất thông qua việc sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, đồng thời hạn chế sử dụng phân bón hóa học quá mức, điều này không chỉ giúp nâng cao năng suất mà còn bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Ảnh hưởng của việc sử dụng phân bón vô cơ quá mức trong canh tác

Mặc dù phân bón vô cơ mang lại hiệu quả nhanh chóng trong canh tác, nhưng việc sử dụng quá mức phân bón vô cơ có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực. Một số tác hại điển hình bao gồm:

Thứ nhất, lãng phí và giảm hiệu quả kinh tế: khi sử dụng phân bón vô cơ không đúng cách, nông dân có thể gặp phải tình trạng lãng phí vì không tối ưu hóa được lượng phân bón sử dụng, dẫn đến chi phí đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp.

Thứ hai, ngộ độc nông sản và ảnh hưởng sức khỏe: sử dụng phân bón hóa học dư thừa có thể dẫn đến việc tồn dư hóa chất trong sản phẩm nông sản, gây nguy cơ ngộ độc cho người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Thứ ba, ô nhiễm môi trường: các chất hóa học trong phân bón vô cơ dư thừa trong đất có thể bị rửa trôi vào nguồn nước, gây ô nhiễm đất và nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và chất lượng nước uống.

Thứ tư, ngộ độc đất trồng và giảm sức khỏe đất: sử dụng phân bón vô cơ quá mức và không kiểm soát về lâu dài có thể làm giảm độ phì nhiêu của đất, dẫn đến tình trạng đất thoái hóa, mất vi sinh vật có lợi và làm giảm khả năng giữ nước và chất dinh dưỡng của đất.

Thứ năm, tăng phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu: việc sử dụng phân bón hóa học vô cơ không kiểm soát góp phần làm tăng lượng khí CO2 và N2O trong không khí, góp phần vào quá trình biến đổi khí hậu.

Giải pháp nâng cao nhận thức và hỗ trợ nông dân từ Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

Nhằm góp phần thay đổi nhận thức của nông dân, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã và đang triển khai nhiều hoạt động nhằm khuyến khích nông dân sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp. Cụ thể:

Tổ chức hội nghị tập huấn: đã tổ chức trên địa bàn tỉnh nhà nhiều lượt hội nghị tập huấn, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón hữu cơ khoáng, hữu cơ khoáng-vi sinh và các phân bón vi sinh nhằm cung cấp thông tin về lợi ích của phân bón hữu cơ, hữu cơ-vi sinh đối với đất và cây trồng.

Triển khai mô hình sử dụng phân bón hữu cơ khoáng, hữu cơ khoáng-vi sinh: các mô hình sản xuất nông nghiệp sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh đã được triển khai tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Gần đây nhất trong năm 2024 đã tổ chức mô hình trình diễn phân bón Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao 3-5-2+2S+TE, phân bón NPK-S*M1 vi sinh Lâm Thao và NPK-S*M1 vi sinh Lâm Thao 12-5-10+14S cho cây lúa tại xã Lam Sơn, huyện Tam Nông và Xã Tứ Xã, huyện lâm Thao. Các mô hình này giúp nông dân có thể tham quan, học hỏi và áp dụng những phương pháp canh tác bền vững.

Chính sách hỗ trợ nông dân: Công ty có chính sách hỗ trợ nông dân tỉnh nhà sử dụng phân bón hữu cơ-vinh, hữu cơ khoáng thông qua hình thức chậm trả, giúp nông dân giảm bớt gánh nặng tài chính khi chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ.

Cánh đồng lúa trong mô hình trình diễn phân bón của Supe Lâm Thao tại xã Tứ xã, huyện Lâm Thao

Đề xuất chính sách hỗ trợ từ nhà nước

Để tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung một số giải pháp chính sách sau:

Hỗ trợ tài chính và tín dụng: cung cấp các khoản vay ưu đãi, tín dụng dài hạn để nông dân đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, bao gồm cả việc sử dụng phân bón hữu cơ và các công nghệ canh tác bền vững.

Khuyến khích mô hình nông nghiệp hữu cơ: chính quyền cần tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình nông nghiệp hữu cơ, các hợp tác xã, tổ hợp tác áp dụng phương pháp canh tác này, bao gồm việc hỗ trợ quảng bá sản phẩm hữu cơ.

Chính sách giảm thuế đối với phân bón hữu cơ: cần có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất phân bón xanh, sạch, góp phần bảo vệ môi trường.

Sử dụng phân bón hữu cơ trong canh tác nông nghiệp là xu hướng tất yếu để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Để thay đổi tư duy của nông dân về việc sử dụng phân bón hữu cơ, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của các cấp, các ngành, trong đó vai trò của doanh nghiệp sản xuất phân bón. Với trách nhiệm của mình, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đã, đang và sẽ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm phân bón hữu cơ mới, cung cấp các giải pháp canh tác xanh, nâng cao sức khỏe đất, giảm phát thải, góp phần xây dựng nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục tổ chức các mô hình trình diễn, tổ chức các hội nghị tập huấn và các chính sách khác để hỗ trợ nông dân tỉnh nhà trong việc chuyển đổi canh tác, nhằm giúp người nông dân làm giàu bền vững từ chính mảnh đất của mình, đồng thời chung tay vì một nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.