day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Ba, 19/06/2018, 03:00 (GMT+7)
An toàn thực phẩm (ATTP) luôn là mối quan tâm của toàn xã hội và chưa bao giờ vấn đề ATTP được xã hội quan tâm đặc biệt như hiện nay. Nhiều loại bệnh tật, tác động đến sức khỏe con người, hay các vụ việc vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về ATTP gây bức xúc trong dư luận xã hội; theo số liệu của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có trên 582 triệu ca mắc phải 1 trong 22 căn bệnh truyền qua thực phẩm, trên 351.000 người chết có liên quan đến ATTP. Đã có ý kiến phát biểu cho rằng: “Chưa bao giờ con đường từ dạ dầy đến nghĩa địa lại nhanh và dễ dàng như bây giờ”. Đây là một trong những cảnh báo về cuộc sống đầy rủi ro, an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân liên quan trực tiếp đến vấn đề ATTP. Trước thực trạng trên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh đã phối hợp với các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học ở trong tỉnh, Trung ương để tổ chức Hội thảo khoa học về chủ đề: “Thực trạng an toàn thực phẩm hiện nay ở Việt Nam - Giải pháp đặt ra đối với tỉnh Phú Thọ”. Hội thảo đã thống nhất nhận định, đánh giá và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị chính như:
I. THỰC TRẠNG AN TOÀN THỰC PHẨM HIỆN NAY
1. Kết quả đạt được
- Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước nói chung và ở tỉnh Phú Thọ nói riêng đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề ATTP; đã xây dựng và ban hành hệ thống các Luật, văn bản quy phạm, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chủ trương, kế hoạch hành động, Chỉ thị,... phục vụ công tác quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh.
- Hệ thống quản lý Nhà nước về ATTP được hình thành từ Trung ương đến địa phương, đã kiện toàn các Ban chỉ đạo ATTP các cấp; năng lực trong hệ thống quản lý Nhà nước về ATTP từng bước được nâng lên, hệ thống kiểm nghiệm đã phát huy hiệu quả trong kiểm nghiệm, phân tích mẫu phục vụ quản lý; công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm ATTP được tăng cường; việc khắc phục các sự cố về ATTP cơ bản đảm bảo kịp thời.
- Công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nâng cao kiến thức và thực hành về ATTP được quan tâm; nhận thức cũng như các kiến thức về ATTP của cộng đồng, nhất là người tiêu dùng từng bước được nâng cao.
- Công tác quy hoạch vùng sản xuất, chăn nuôi, thủy sản, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đảm bảo các điều kiện ATTP được quan tâm ưu tiên phát triển và mở rộng, đã góp phần thúc đẩy sản xuất, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn về lương thực, thực phẩm trong khu vực và trên thế giới. Năm 2015, nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã xuất khẩu đến gần 120 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nước có yêu cầu, tiêu chuẩn cao như Mỹ, Nhật, các nước EU, Hàn Quốc,...; nhiều loại nông sản như: gạo, chè, cà phê, hạt tiêu,... đã có thương hiệu mạnh trên thế giới.
2. Một số hạn chế, bất cập
Bên cạnh các kết quả đã đạt, thực trạng ATTP ở Việt Nam và ở tỉnh Phú Thọ nổi lên một số vấn đề bất cập sau:
- Ngộ độc thực phẩm và các bệnh lý do tác động của thực phẩm không an toàn diễn ra ngày một phức tạp và gia tăng. Từ năm 2011 đến 2016, cả nước đã ghi nhận hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 30.000 người mắc, trong đó có 164 người chết (trung bình gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và gần 30 người chết do ngộ độc thực phẩm mỗi năm). Riêng năm 2017, cả nước ghi nhận 139 vụ ngộ độc thực phẩm với 3.869 người mắc, số người tử vong là 24 (chưa kể các tác động tiềm ẩn đến sức khỏe do thực phẩm không an toàn gây ra).
- Tỷ lệ tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật trong trồng trọt, kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, tình trạng ô nhiễm vi sinh vật trên các nông sản còn chiếm tỷ lệ cao. Tình trạng vi phạm các quy định về ATTP, nhất là đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình,… vẫn còn diễn biến phức tạp, số lượng cơ sở thực phẩm được kiểm soát đủ điều kiện đạt tỷ lệ thấp.
- Việc cố tình sử dụng các chất phụ gia, phẩm mầu, hóa chất độc hại, chất cấm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng như việc sử dụng salbutamol, vàng ô, sản xuất cà phê bằng lõi pin, sử dụng thuốc an thần, tiêm tạp chất,... gây bức xúc và hoang mang trong dư luận xã hội.
- Việc kiểm soát ATTP theo chuỗi còn hạn chế, mới chủ yếu tập trung nguồn lực cho công tác kiểm soát điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm của cơ sở; hoạt động phân tích, đánh giá và quản lý nguy cơ đối với ATTP chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn chưa thực hiện được nhiều; quản lý ATTP đối với rau, quả, thịt, sản phẩm thịt tươi sống, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật còn hạn chế (có trên 80% số cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh Phú Thọ chưa đảm bảo yêu cầu ATTP).
- Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP còn thụ động, chưa kiên quyết, chưa bảo đảm tính răn đe. Trong năm 2017, cả nước đã thành lập 22.441 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 625.060 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuy nhiên chỉ phát hiện 123.914 cơ sở vi phạm (chiếm 19,8%). Riêng tỉnh Phú Thọ, giai đoạn 2012 - 2017 ngành Y tế đã kiểm tra 52.398 cơ sở, phát hiện 526 cơ sở vi phạm (chỉ chiếm 1%); số lượng xử lý các vụ việc, cơ sở vi phạm của các lực lượng liên ngành còn chiếm tỷ lệ thấp,...
- Tâm lý lo ngại, suy giảm niềm tin của cộng đồng về ATTP đang trở nên phổ biến; người tiêu dùng không biết đâu là thực phẩm an toàn, đâu là thực phẩm không an toàn hoặc đánh đồng là tất cả đều là thực phẩm không an toàn.
3. Nguyên nhân
3.1. Nguyên nhân khách quan
- Ở nước ta, sản xuất và chế biến thực phẩm chủ yếu ở quy mô nhỏ, lẻ; với 10 triệu hộ nông dân, có 10 triệu hộ đều tham gia vào quá trình sản xuất - tiêu dùng; với trên 500.000 cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, trong đó có 85% là quy mô vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, sản xuất theo mùa vụ. Đã gây khó khăn trong công tác quản lý và kiểm soát chất lượng.
- Nhận thức của một bộ phận người dân chưa được đầy đủ; ý thức, đạo đức xã hội của một số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm còn kém; nhiều cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, quy chuẩn về ATTP trong các khâu sản xuất ban đầu đến khâu bảo quản, sơ chế và chế biến,…
3.2. Nguyên nhân chủ quan
3.2.1. Đầu mối quản lý ATTP còn nhiều hạn chế, bất cập và chồng chéo
- Công tác quản lý Nhà nước về ATTP ở Việt Nam hiện nay do 3 Bộ cùng thực hiện, gồm: Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 19 đầu mối tham gia. Tại tỉnh Phú Thọ, có 3 Sở cùng quản lý thực hiện, gồm: Sở Y tế, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- So sánh hệ thống quản lý giữa Việt Nam và các nước EU qua bảng sau:
TT |
Chỉ tiêu |
EU |
Việt Nam |
1 |
Số lượng cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm soát |
1 cơ quan gồm 3 hệ thống: 1. AT sức khỏe động vật trên cạn và AT thực phẩm sản phẩm động vật trên cạn; 2. AT sức khỏe thực vật trên cạn và AT thực phẩm sản phẩm thực vật trên cạn; 3. AT sức khỏe thủy sản và AT thực phẩm thủy sản. |
19 cơ quan cho ba hệ thống: 1. AT thực phẩm: 13 cơ quan; 2. AT sức khỏe động vật trên cạn và thủy sản: 3 cơ quan 3. AT sức khỏe thực vật trên cạn và thủy: 3 cơ quan. |
2 |
Các nội dung chuyên môn của cùng một lĩnh vực |
Một cơ quan gồm 3 hệ thống: 1. AT sức khỏe động vật trên cạn và AT thực phẩm sản phẩm động vật trên cạn 2. AT sức khỏe động vật trên cạn và AT thực phẩm thực vật trên cạn 3. AT sức khỏe thủy sản và AT thực phẩm thủy sản |
Nhiều cơ quan: 1. ATTP giao theo sản phẩm, cho 3 Bộ. 2. Một chuyên ngành: An toàn thực phẩm thủy sản: Xuất khẩu - Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản; Nhập khẩu - Cục Thú y 3. An toàn sức khỏe thủy sản |
3 |
Chức năng của cơ quan thực thi nhiệm vụ về ATTP |
Cơ quan kiểm soát Nhà nước về ATTP không có chức năng chỉ đạo và quản lý sản xuất độc lập |
Một số trường hợp (Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Tổng cục Thủy sản) và các Chi cục ở địa phương (Chi cục Chăn nuôi và thú y; Chi cục Trồng trọt và BV thực vật; Chi cục Thủy sản) vừa là cơ quan chỉ đạo sản xuất vừa là cơ quan kiểm soát nhà nước về ATTP. |
Qua đó, cho thấy sự chồng chéo, trùng lặp về phân công quản lý dẫn đến sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan chưa chặt chẽ, không gắn kết trong kiểm soát mối nguy an toàn cho sức khỏe động vật, thực vật và ATTP, khó khăn kiểm soát theo chuỗi “từ trang trại đến bàn ăn” hoặc “từ ao nuôi đến bàn ăn”, hoặc không đảm bảo sự minh bạch trong công tác kiểm soát, quản lý do vừa là cơ quan chỉ đạo sản xuất, vừa là cơ quan kiểm soát ATTP, cuối cùng là không thực hiện được chủ trương 1 việc chỉ do 1 cơ quan làm và chịu trách nhiệm.
3.2.2. Việc ban hành Luật, các văn bản quy phạm pháp luật, dưới luật, nhất là thông tư hướng dẫn còn chồng chéo và phức tạp
- Hệ thống văn bản pháp luật về ATTP hiện nay ở Việt Nam được đánh giá là rất phức tạp, chồng chéo, một số tiêu chuẩn, quy chuẩn còn lạc hậu. Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2017 đã có 191 văn bản cơ quan Trung ương ban hành (09 Luật, 36 Nghị định, 115 Thông tư), 453 TCVN về thực phẩm, 119 quy chuẩn quốc gia về thực phẩm và 6 quy định về kỹ thuật ATTP; ở 63 tỉnh thành đã ban hành trên 1.253 văn bản quản lý, quy phạm pháp luật liên quan.
- So sánh hệ thống pháp luật giữa Việt Nam và các nước EU qua bảng sau:
TT |
Chỉ tiêu |
EU |
Việt Nam |
1 |
Cấp ban hành văn bản |
Chỉ có 1 cấp ban hành là: - Nghị viện EU, Không có văn bản cấp dưới (các Chính phủ, các Bộ của các nước thành viên). |
Do 3 cấp ban hành là: 1. Quốc hội: Luật 2. Chính phủ: Nghị định 3. Các Bộ: Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật. |
Luật của EU sau khi ban hành thực hiện được ngay; ở Việt Nam có Luật nhưng chưa thể áp dụng, phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Mặt khác, văn bản của Bộ nào do Bộ đó xây dựng, việc phối hợp xây dựng văn bản không tốt, cũng như chất lượng, năng lực xây dựng các văn bản quy phạm còn hạn chế, dẫn đến có nội dung mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Thông tư của các Bộ, thậm chí là mâu thuẫn với Luật hoặc không khả thi trong thực tiễn. Do đó, việc thực thi ở địa phương đối với các doanh nghiệp, nhất là các hộ cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ, lẻ rất khó khăn. Việc áp dụng Luật chưa triệt để, các chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, dẫn đến các vi phạm vẫn xảy ra và lặp lại,…
3.2.3. Năng lực, chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý ATTP chưa đồng bộ và chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn
- Hiện nay, Việt Nam chưa có cơ sở đào tạo chuyên sâu về ATTP, chưa xây dựng được giáo trình ATTP thống nhất, chưa chuẩn hóa được tiêu chuẩn của cán bộ làm ATTP,…
- So sánh công tác đào tạo, tuyển dụng giữa Việt Nam và các nước EU qua sau:
TT |
Chỉ tiêu |
EU |
Việt Nam |
1 |
Đào tạo kiến thức và tuyển chọn cán bộ quản lý ATTP |
1. Có giáo trình duy nhất cho từng lĩnh vực và được cập nhật. 2. Cán bộ: Tốt nghiệp lớp 12 trở lên, đào tạo 6 tháng đến 2 năm, thi đạt kết quả được nhận vào làm việc 3. Định kỳ đào tạo lại và thi tuyển để sàng lọc |
1. Chưa có giáo trình thống nhất cho từng lĩnh vực 2. Bài thi tuyển công chức rất sơ sài về ATTP. 3. Mới chú trọng đến bằng cấp: chưa xem xét đến chuyên ngành đào tạo và hiểu biết cụ thể |
3.2.4. Chưa phát huy sức mạnh của truyền thông, báo chí
Vai trò của báo chí chưa được phát huy tốt; việc tuyên truyền, cung cấp thông tin còn nặng về nội dung tiêu cực, chưa có thông tin đầy đủ về thực phẩm an toàn dẫn đến tâm lý lo lắng trong xã hội, thậm chí làm ảnh hưởng đến sản xuất và chưa kết nối được thực phẩm an toàn với người tiêu dùng; chưa có nhiều hỗ trợ để phân biệt thực phẩm an toàn và không an toàn; chưa thật sự khuyến khích, động viên các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn.
3.2.5. Chưa phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể
Các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp còn thiếu các điều kiện để tham gia vào công tác bảo đảm ATTP; chưa thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội.
II. GIẢI PHÁP VÀ KIẾN NGHỊ
1. Giải pháp
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cho các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với các nước có lợi thế công nghệ, tiêu chuẩn ATTP cao. Vì vậy, vấn đề đảm bảo ATTP sẽ tiếp tục là một chủ đề nóng, cấp bách cần có sự tham gia, vào cuộc của mọi tổ chức, cá nhân. Đề nghị một số giải pháp chính sau:
1.1. Quan điểm, cách tiếp cận đối với vấn đề ATTP
Trong thời gian qua, quan điểm, cách tiếp cận về ATTP là kiểm soát “Từ trang trại đến bàn ăn” hoặc “Từ ao nuôi đến bàn ăn”. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại cần nâng tầm và có quan điểm mới là “Kiểm soát từ nguồn nguyên vật liệu đầu vào của sản xuất, chế biến đến bàn ăn”. Tức là, sản phẩm cuối cùng đến tay người tiêu dùng phải được kiểm soát theo chuỗi (từ các sản phẩm đầu vào của quá trình sản xuất), có xuất xứ, đủ tiêu chuẩn, có thể truy xuất nguồn gốc.
1.2. Giải pháp ở tầm vĩ mô
- Một là: Nhà nước cần sớm thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATTP ở Việt Nam theo hướng:
+ Kiểm soát ATTP theo 3 chuỗi: i) An toàn sức khỏe động vật trên cạn và an toàn thực phẩm sản phẩm động vật trên cạn; ii) An toàn sức khỏe thực vật trên cạn và an toàn thực phẩm sản phẩm thực vật trên cạn; iii) An toàn sức khỏe thủy sản và an toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản.
+ Các quy định của pháp luật cần: Đảm bảo tính công bằng (giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu); đảm bảo tính minh bạch (mọi quy định về ATTP phải dựa trên cơ sở khoa học, với các loại mối nguy phải dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ, đảm bảo tính công khai, dễ tiếp cận quy định.
- Hai là: Về hệ thống tổ chức, đầu mối quản lý ATTP
+ Trước mắt: Rà soát để thu gọn đầu mối của các Bộ (Sở) không để quá nhiều và mâu thuẫn, chồng chéo như hiện nay; trong một Bộ (Sở) cần có một cơ quan chủ trì; thành lập Văn phòng chung cho cả 3 Bộ (Sở) thực hiện cả 3 nội dung là An toàn cho sức khỏe người sử dụng thực phẩm (ATTP) - An toàn sức khỏe động vật (trên cạn, dưới nước) - An toàn sức khỏe thực vật (trên cạn, dưới nước).
+ Lâu dài: Nên có một cơ quan đảm nhận nhiệm vụ chung về ATTP, cơ quan này có thể trực thuộc Bộ NN&PTNT (Sở NN&PTNT) hoặc trực thuộc Chính phủ (UBND tỉnh), thực hiện 5 nhiệm vụ sau: i) Kiểm soát An toàn sức khỏe động vật trên cạn và An toàn thực phẩm sản phẩm động vật trên cạn; ii) Kiểm soát An toàn sức khỏe thực vật trên cạn và An toàn thực phẩm sản phẩm thực vật trên cạn; iii) Kiểm soát An toàn sức khỏe thủy sản và An toàn thực phẩm sản phẩm thủy sản; iv) Điểm hỏi đáp SPS; v) Huấn luyện, đào tạo, tuyển dụng.
- Ba là: Sớm xây dựng giáo trình và tài liệu phổ biến kiến thức về ATTP, bao gồm: i) Tài liệu đào tạo về ATTP; ii) Tài liệu nâng cao về ATTP cho cán bộ trong hệ thống; iii) Tài liệu đào tạo cho cán bộ thực thi nhiệm vụ ATTP cho các cơ sở thuộc chuỗi sản xuất, kinh doanh thực phẩm; iv) Tài liệu tập huấn cho cơ quan truyền thông; v) Tài liệu phổ biến kiến thức ATTP cho người tiêu dùng.
- Bốn là: Tuyển chọn, sàng lọc đội ngũ cán bộ liên quan đến ATTP: Bố trí thời gian, kinh phí để cán bộ liên quan đến ATTP được đào tạo, thi tuyển để làm việc trong hệ thống. Kết hợp với đào tạo, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cơ quan truyền thông và người tiêu dùng.
- Năm là: Xã hội hóa công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm: Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực kiểm nghiệm theo yêu cầu của cơ quan nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp. Việc tách các hoạt động kiểm nghiệm và xét nghiệm ra khỏi cơ quan quản lý nhà nước sẽ đảm bảo tính khách quan, góp phần thực hiện chủ trương giảm số người hưởng lương từ ngân sách của Đảng và Nhà nước.
1.3. Giải pháp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
1.3.1. Về cơ chế, chính sách
- Các cơ quan chức năng cần rà soát các văn bản còn hiệu lực trên địa bàn tình, làm cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh và Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh bổ sung, loại bỏ những thủ tục chồng chéo (trong thẩm quyền hoặc kiến nghị Quốc hội, Chính phủ) sửa đổi những nội dung bất cập, chồng chéo.
- Tăng cường kiểm soát ATTP theo chuỗi; phát triển chính sách hỗ trợ các mô hình chuỗi giá trị thực phẩm theo quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
- Đẩy mạnh quy hoạch vùng sản suất thực phẩm an toàn, chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, chợ đầu mối nông sản,... Khuyến khích phát triển công nghệ chế biến nông sản, thực phẩm theo hướng tăng giá trị, áp dụng tiêu chuẩn về ATTP nhất là đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nhỏ lẻ - hộ gia đình.
1.3.2. Về tổ chức, thực hiện
- Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị vào công tác đảm bảo ATTP.
- Trên cơ sở Nghị quyết TW6, nghiên cứu để kiện toàn cơ quan quản lý nhà nước về ATTP để khắc phục mô hình cũ, chồng chéo như hiện nay. Cần có đầu mối thống nhất (như mô hình của TP Hồ Chí Minh), trên cơ sở sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, phát huy hiệu quả các trang thiết bị hiện có.
- Đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong kiểm soát ATTP đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản; thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể; giám sát chặt chẽ việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV, TY, chất kích thích, chất cấm,..; tăng cường năng lực hệ thống giám sát, phòng ngừa ngộ độc; xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, hàng giả, kém chất lượng, vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa, hạn sử dụng, nguồn gốc nhập lậu và gian lận thương mại; đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm gắn với thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.
1.3.3. Phát huy vai trò của truyền thông, báo chí
Đẩy mạnh thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi, nhận thức trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm. Thông tin phản ánh cần kịp thời, trung thực; phê phán mạnh mẽ những vi phạm về ATTP, đồng thời biểu dương những mô hình, sản phẩm, thực phẩm an toàn, góp phần quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, doanh nghiệp; hạn chế các thông tin gây hoang mang trong dư luận, tác động xấu đến phát triển và ổn định xã hội.
1.3.4. Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đảm bảo ATTP
- Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực ATTP, đa dạng các nguồn lực tài chính và một số khâu dịch vụ kỹ thuật phục vụ quản lý chất lượng ATTP.
- Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp như: Mặt trận Tổ quốc, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ,... vai trò của các doanh nghiệp trong công tác vận động, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và tư vấn, phản biện và giám định xã hội về ATTP.
- Dự kiến, đề nghị UBND tỉnh giao cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật chủ trì, phối hợp với các Sở: Y tế, Công thương, NN&PTNT; các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng Chương trình “Bữa ăn an toàn” trên địa bàn thành phố Việt Trì với sự tham gia của 5 nhà: Nhà quản lý, nhà Khoa học, nhà báo, nhà sản xuất và người tiêu dùng.
1.3.5. Về nguồn lực đảm bảo ATTP
Chuẩn hóa tiêu chuẩn, năng lực, đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, tăng cường tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý, kiểm soát ATTP và các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo ATTP.
2. Kiến nghị
- Kiến nghị UBND tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét và sử dụng các ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội trên đây của Liên hiệp hội. Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ đối với các nội dung liên quan đến hệ thống Luật, tổ chức bộ máy quản lý về ATTP thuộc thẩm quyền của Trung ương.
- Kiến nghị Hội đồng nhân dân tỉnh: Thường trực và các Ban của HĐND tỉnh xây dựng các kế hoạch giám sát chuyên đề về việc hiện các chủ trương, chính sách và nội dung liên quan đến đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.