day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Ba, 05/12/2017, 02:00 (GMT+7)
Tôi quen biết PGS. TS Cao Văn vào khoảng 13 - 14 năm trước, khi anh trong vai trò Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương dự một hội nghị do Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường tổ chức. Điều đầu tiên mà tôi ghi nhớ hình ảnh một nhà giáo có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ - trình độ mà Phú Thọ đang rất hiếm - vừa trở về từ Đại học Thái Nguyên để tiếp tục cống hiến cho quê hương, là chiếc kính cận trên gương mặt còn lưu giữ nét thư sinh, mặc dù Cao Văn khi đó đã 46 tuổi. Sau này, Cao Văn ngày càng thuyết phục tôi bởi lối ăn nói lưu loát và mực thước, cứ như nhà khoa học này đã từng qua "lò" sư phạm.
Cao Văn được đào tạo và trưởng thành từ Khoa Chăn nuôi Thú y, Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Tốt nghiệp thủ khoa, anh được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Quá trình 23 năm gắn bó với các thầy cô, các đồng nghiệp và bao lớp sinh viên là quãng thời gian không dài nhưng cũng đủ để chàng trai đến từ quê hương Đất Tổ bước qua cửa ải "tứ thập nhi bất hoặc", tự khẳng định năng lực và trí tuệ.
Cùng sẻ chia nỗi khó khăn, thiếu thốn của một thời bao cấp, nhà giáo Cao Văn và các đồng nghiệp đã cùng nhau phấn đấu và vượt lên để định hình diện mạo của Khoa Chăn nuôi - Thú y; không chỉ truyền đạt cho sinh viên tri thức, phương pháp nghiên cứu mà còn hình thành ở họ ngọn lửa đam mê khoa học, sẵn sàng dấn thân, sẵn sàng chấp nhận vượt qua để đi tới thành công. Sau một thời gian giảng dạy, Cao Văn được nhà trường cử đi đào tạo Tiến sĩ ở Bun-ga-ri. Hơn hai ngàn ngày làm nghiên cứu sinh và cộng tác viên nghiên cứu khoa học ở Viện Nghiên cứu gia cầm thuộc Viện Hàn lâm Nông nghiệp Bun-ga-ri là thời gian vô cùng có ý nghĩa đối với nghiên cứu sinh Cao Văn. Không chỉ được tiếp nhận tri thức một cách đầy đủ, có hệ thống; người nghiên cứu sinh điển trai đến từ Việt Nam còn học được ở những người thầy, những đồng nghiệp nước bạn tư duy và phương pháp nghiên cứu khoa học tiên tiến của châu Âu. Viện Hàn lâm khoa học Nông nghiệp nước bạn với những người thầy đáng kính như GS.TS Ivan Mikhailop Svetanop đã dìu dắt, tạo điều kiện và môi trường để Cao Văn phát triển năng lực nghiên cứu độc lập. Ngoài việc bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về "Nghiên cứu sử dụng những dòng mỳ giàu protein là nguồn thức ăn cơ bản cho khẩu phần nuôi gà thịt tại Bungari", Cao Văn còn là tác giả của 17 công trình nghiên cứu, bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học của nước bạn... Với thành tựu này cùng những tích lũy trong thời gian làm cộng tác viên nghiên cứu khoa học ở Bungari, chẳng bao lâu sau khi trở về Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên công tác, Tiến sĩ Cao Văn được đề bạt làm Phó trưởng khoa Khoa Chăn nuôi - Thú y, được phong học hàm Phó Giáo sư.
PGS.TS Cao Văn tâm sự: Từ sự gợi ý của một số đồng chí lãnh đạo tỉnh và khát vọng muốn góp phần phát triển giáo dục đào tạo của quê hương mà năm 2003 tôi chuyển về công tác ở Trường Đại học Hùng Vương. Với thực tiễn hơn 20 năm giảng dạy và nghiên cứu ở Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, tôi muốn được góp phần nhỏ bé của mình cho Đại học Hùng Vương. Hoàn thành tốt vai trò tham mưu, giúp việc trên cương vị Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo đại học, năm 2008, PGS.TS Cao Văn được cấp trên và tập thể đội ngũ trí thức của trường tin tưởng giao trọng trách Hiệu trưởng Đại học Hùng Vương. Đây là nhiệm vụ nặng nề bởi nền tảng giáo dục đại học của trường mới chỉ là sự bắt đầu nhưng cũng là cơ hội để người thuyền trưởng của "con tàu Đại học Hùng Vương" hiện thực hóa những ý tưởng đã manh nha và ấp ủ.
Với cương vị Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường, PGS.TS. Cao Văn đã tham mưu cho Đảng uỷ nhà trường và UBND tỉnh về phương hướng phát triển trường, hoàn thành xây dựng "Quy hoạch phát triển trường Đại học Hùng Vương, giai đoạn 2011- 2020, định hướng đến năm 2030" được UBND tỉnh phê duyệt tháng 11 năm 2012; xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao giai đoạn 2012 - 2020; xây dựng cơ sở vật chất trường, mở các ngành nghề đào tạo phù hợp; chỉ đạo việc xác định mục tiêu đào tạo, quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề, mở các ngành, chuyên ngành mới; nghiên cứu đề xuất các biện pháp nhằm cải tiến và hoàn thiện nội dung, chương trình, quy trình, giáo trình, phương pháp đào tạo và quản lý chất lượng đào tạo đại học và sau đại học; quản lý, chỉ đạo xây dựng các hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường... Nhà trường quan tâm xây dựng đội ngũ, coi đây là tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo. Một số sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, có triển vọng từ các trường được nhận về bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ giảng dạy. Trường kiên trì thực hiện chiến lược đào tạo nâng cao gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật cả ở trong nước và nước ngoài đối với một số cán bộ có thâm niên giảng dạy. Vì thế hơn 10 năm qua, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy của Đại học Hùng Vương đã được đổi mới rõ rệt; có thêm 50 người trình độ tiến sĩ và hàng trăm thạc sĩ khoa học. Cùng với đội ngũ cán bộ giảng dạy đủ tầm, nhà trường chú trọng việc biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, nghiên cứu hình thành một hệ thống giáo trình đồng bộ và tiên tiến. Theo phương hướng xây dựng trường đại học đa ngành, đa cấp; PGS.TS Cao Văn đã cùng tập thể Ban lãnh đạo nhà trường cơ cấu lại các ngành, chuyên ngành đào tạo, kết hợp giữa đào tạo đại học với đào tạo cao đẳng; giữ vững và nâng cao chất lượng các ngành học mà nhà trường có thế mạnh; đồng thời nắm bắt nhu cầu xã hội, mở ra đào tạo các chuyên ngành mới, đáp ứng công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương. Đặc biệt, Đại học Hùng Vương được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép mở và cấp bằng các mã ngành đào tạo sau đại học; điều này là một trong những minh chứng khẳng định chất lượng và năng lực đào tạo của nhà trường.
Không chỉ là một địa chỉ đào tạo có uy tín và thương hiệu, Đại học Hùng Vương còn là một trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Nghiên cứu khoa học trở thành hoạt động thường xuyên, sôi nổi của cán bộ, giảng viên, sinh viên; trong đó PGS.TS Cao Văn và một số cán bộ luôn thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu, dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu khoa học, xứng đáng là những cánh chim đầu đàn.
Nhằm khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học, Trường Đại học Hùng Vương đã có những chính sách và quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi của cán bộ, giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học và đã thu hút được đông đảo đội ngũ thực hiện các đề tài, dự án khoa học công nghệ. Nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ dài hạn và cho từng năm học; xây dựng những nhiệm vụ khoa học trọng tâm trong năm, xây dựng kế hoạch thẩm định các đề tài, dự án khoa học các cấp, đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên, xây dựng kế hoạch về kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học. Nhờ đó, công tác triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học đi vào nề nếp và đạt được hiệu quả cao, khuyến khích được đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng viên, sinh viên nhà trường tham gia.
Từ năm 2003 đến nay, nhà trường đã thực hiện thành công 20 đề tài, dự án và đang thực hiện mới 5 đề tài, dự án cấp nhà nước và cấp tỉnh; 88 đề tài trọng điểm; 776 đề tài cấp trường; 1.109 đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên. Trong số đó có rất nhiều đề tài được ứng dụng vào sản xuất và thực tiễn cuộc sống. Nhà trường đã biên soạn được nhiều giáo trình, bài giảng phục vụ cho giảng dạy. Đặc biệt, về công bố các công trình nghiên cứu khoa học; cán bộ, giảng viên Trường Đại học Hùng Vương đã vươn tới các "sân chơi", diễn đàn khoa học trong xu thế hợp tác, hội nhập. Mỗi năm, có nhiều bài viết của cán bộ, giảng viên nhà trường được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế. Giảng viên trẻ của trường đã tham gia các hội thảo khoa học quốc gia, khu vực và liên trường đại học. Với vai trò Chủ tịch Hội đồng biên tập, PGS.TS Cao Văn, Trường Đại học Hùng Vương xuất bản Tạp chí Khoa học - công nghệ, có nội dung và hình thức ngày càng được nâng cao.
Trong những đề tài do giảng viên và sinh viên nhà trường thực hiện, đã có nhiều công trình đạt giải cấp Bộ, giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Thọ. Năm 2012 có 3/4 công trình của giảng viên, trong đó có 2 công trình của sinh viên tham gia xét tặng giải thưởng Tài năng khoa học trẻ Việt Nam đều đạt giải, và Trường Đại học Hùng Vương xếp hạng 10 trong 32 trường đại học tham gia tranh giải. Cũng trong năm 2012, Nhà trường vinh dự nhận Bằng khen do Bộ Khoa học và Công nghệ và Trung ương Đoàn trao tặng tại Lễ tuyên dương tài năng khoa học trẻ Việt Nam và trao giải thưởng Quả cầu vàng với thành tích xuất sắc đạt được thực hiện đề tài “Nghiên cứu, sử dụng hỗn hợp thân cây sắn làm thức ăn chăn nuôi bò trong vụ Đông Xuân”.
Trong quá trình công tác, bên cạnh vai trò là thầy giáo yêu nghề, yêu trò, tận tâm với công tác giảng dạy, PGS.TS Cao Văn còn là nhà khoa học nhiệt tình, đầy đam mê sáng tạo. Công việc quản lý một trường đại học đa ngành, đa cấp chiếm hầu hết thời gian làm việc, nhưng Cao Văn vẫn dành tâm huyết cho nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, PGS.TS Cao Văn đã từng là chủ nhiệm nhiều đề tài cấp Bộ, dự án cấp Nhà nước và đề tài cấp Tỉnh. Trong số đó phải kế đến đề tài cấp Bộ "Nghiên cứu sử dụng ngô protein chất lượng cao làm thức ăn hạt cơ bản trong hỗn hợp thức ăn của một số vật nuôi" được tiến hành vào năm 2003. Đây là đề tài được đánh giá rất cao về ý nghĩa thực tiễn, tạo nên một trong những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Hùng Vương nói chung và PGS.TS Cao Văn nói riêng. Đề tài cấp tỉnh Phú Thọ, "Dự báo nhu cầu lao động phân theo cơ cấu các ngành kinh tế chủ yếu của tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020" do PGS. TS Cao Văn làm chủ nhiệm được thực hiện từ năm 2009 đến 2010 đã có những dự báo khoa học về xu hướng phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam và tỉnh Phú Thọ trong giai đoạn 2010 - 2015 và dự báo đến năm 2020.
Sinh ra từ làng quê trung du, trở về cống hiến cho quê hương, trong nghiên cứu khoa học, PGS. TS Cao Văn luôn trăn trở với những đề tài hướng đến sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân. Những năm qua, nhiều tỉnh miền núi phía Bắc coi phát triển chăn nuôi trâu bò là một trong những chương trình kinh tế nông nghiệp trọng điểm. Để giúp bà con nông dân phát triển chăn nuôi bò một cách bền vững, có thêm những phương pháp kỹ thuật đơn giản mà lại hiệu quả trong chăn nuôi, PGS. TS Cao Văn cùng nhóm nghiên cứu đã triển khai thực hiện thành công đề tài nghiên cứu "Một số phương pháp chế biến, bảo quản phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn nuôi trâu bò trong vụ Đông - Xuân". Đề tài đã góp phần giải quyết tình trạng thiếu thức ăn cho trâu bò, nhất là trong mùa giá rét.
Trong 2 năm từ giữa năm 2012 đến giữa năm 2014, PGS.TS Cao Văn tiếp tục cùng các cộng tác viên đã miệt mài nghiên cứu, thực hiện triển khai đề tài cấp tỉnh "Nghiên cứu xây dựng quy trình sản xuất giống và thử nghiệm nuôi thương hiệu cá Chạch sông tại tỉnh Phú Thọ". Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh đã đánh giá rất cao giá trị và ý nghĩa thực tiễn của đề tài và đã xếp loại đề tài đạt xuất sắc. Đề tài đã xây dựng thành công quy trình thuần dưỡng cá bố mẹ trong điều kiện nuôi nhân tạo; xây dựng thành công quy trình cho cá bố mẹ sinh sản nhân tạo và hoàn thiện quy trình sản xuất cá giống; xây dựng thành công quy trình nuôi vỗ cá chạch thương phẩm trong ao nước tĩnh. Nhóm nghiên cứu đã sản xuất thành công hơn 3 vạn cá giống để thả tái tạo nguồn lợi thủy sản tại sông Bứa, sông Thao và sông Đà; đồng thời chuyển giao hơn 1 vạn cá giống cho các hộ nuôi trồng thủy sản tại Phú Thọ và Tuyên Quang. Tham dự hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh, đề tài này đã được Ban Tổ chức trao giải ba.
Dấu ấn trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của PGS.TS Cao Văn còn thể hiện ở việc biên soạn giáo trình, viết sách chuyên khảo. Tiêu biểu như: Giáo trình Dược lý học thú y và giáo trình Sinh lý học vật nuôi do PGS.TS Cao Văn là đồng tác giả đã được NXB Nông nghiệp, HN xuất bản năm 2004 và năm 2006. Tiếp đó, năm 2014, cuốn Từ điển Anh - Việt Chăn nuôi Thú y do PGS.TS Cao Văn chủ biên đã được xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam. Đây là cuốn sách tra cứu giản lược những thuật ngữ về ngành Chăn nuôi, Thú y mang tính tổng hợp, phổ cập, là cuốn sách mang tính chất tham khảo nhưng đầy hấp dẫn và có giá trị tư liệu cao. Năm 2017 này, PGS.TS Cao Văn vào tuổi 60 nhưng nhiệt huyết khoa học như vẫn đang độ thanh xuân. Ông tiếp tục đồng chủ biên 3 cuốn giáo trình gồm: Vi sinh vật học chăn nuôi, Vi sinh vật học đại cương, Chăn nuôi dê, thỏ.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, PGS. TS Cao Văn còn công bố rất nhiều các công trình nghiên cứu của mình trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trong nước và quốc tế; tham gia nhiều hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế.
Đối với mỗi cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường, PGS.TS Cao Văn không chỉ là một cán bộ quản lý giáo dục tận tụy, một người thầy giỏi, mà là một tấm gương về đạo đức, lối sống và niềm đam mê cống hiến, tinh thần tìm tòi sáng tạo. Bởi thế ông đã được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, được công nhận là Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, UBND tỉnh tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tôn vinh là trí thức tiêu biểu năm 2015. Tận mắt chứng kiến sự "thay da, đổi thịt" của Trường Đại học Hùng Vương hiện nay, mới thấy hết những nỗ lực phấn đấu không biết mệt mỏi của lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên nhà trường, trong đó có một phần công lao không nhỏ của PGS.TS -NGƯT - Hiệu trưởng Cao Văn. Ông đã cùng tập thể Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường, đề ra những chủ trương mang tính đột phá trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, để xây dựng Trường Đại học Hùng Vương phát triển bền vững, xứng đáng là trường đại học đa ngành, đa cấp đầu tiên trên quê hương Đất Tổ.