day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

GS. Trần Đình Long – Cả đời hiến kế giúp nông dân

Hiện ông là Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam (LHHVN), sinh ra và lớn lên tại quê hương Cẩm Khê, Phú Thọ. Suốt cả cuộc đời ông quyết tâm dành trọn niềm tâm huyết cho việc nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp, gẫn gũi với nông dân.

Năm 1967, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinev, ông về nước làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội; một năm sau đó, ông chuyển công tác về giảng dạy tại trường Đại học Nông Nghiệp II, đã bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1979 và bảo vệ  luận án Tiến sỹ Khoa học năm 1983 tại Liên bang Nga. Với niềm đam mê nghiên cứu và sự nỗ lực hết mình, ông đã chính thức được trao bằng Viện sĩ Viện hàn lâm Khoa học Nông nghiệp toàn Liên Bang Nga năm 1993. Tiếp đó, ông được phong hàm Phó giáo sư (năm 1996) và Giáo sư ngành Nông nghiệp - chuyên ngành Di truyền Chọn giống cây trồng (năm 2002). Trong suốt quá trình công tác, Giáo sư Trần Đình Long đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như : Giám đốc Trung tâm giống cây trồng Việt Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, Phó viện trưởng Viện khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam và nay là Chủ tịch Hội giống cây trồng Việt Nam, Ủy viên Trung ương Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Trung ương UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng tạo được dấu ấn riêng trong cả công tác quản lý và nghiên cứu khoa học. Các đề tài nghiên cứu khoa học do ông chủ trì không chỉ mang tính đúc kết, khai phá mà còn giàu tính thực tiễn, tính ứng dụng cao. Một số Đề tài và Dự án cấp Nhà nước mà ông chủ trì còn đạt loại xuất sắc như: Chọn tạo giống cây trồng cạn lấy hạt và biện pháp thâm canh (KN-01-11:1991-1995), chọn tạo giống đậu đỗ (KHCN-08-02: 1996-2000), nghiên cứu tuyển chọn giống và phát triển Vừng - Hướng dương (2001-2004)...Giáo sư Trần Đình Long cũng chính là "cha đẻ" của 22 giống cây trồng mới, trong đó có 09 giống đậu tương, 03 giống Đậu xanh, giống Lúa VX 83, giống Đại mạch Api, giống Vừng V6, giống Khoai lang VX 37, giống cỏ ngọt ST 88, các giống này hiện đang được phát triển trong sản xuất trên hầu hết các vùng sinh thái của nước ta. Trong đó có 02 giống được cấp bằng bảo hộ quyền tác giả là Lạc L23 và Đậu tương ĐT26. Ngoài nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống cây trồng mới; ông còn dành nhiều tâm huyết để viết sách khoa học được các đồng nghiệp, độc giả đánh giá cao. Đến nay, ông đã xuất bản 17 cuốn sách khoa học gồm ba giáo trình được đưa vào giảng dạy trong trường đại học là Tế bào học, giáo trình di truyền học thực vật, giáo trình cao học chọn giống cây trồng cùng nhiều cuốn sách hữu ích cho nhà nông như: cây đậu xanh, cây đậu tương, kỹ thuật đạt năng suất lạc cao ở Việt Nam, Cultivation and Utilization of Stevia...Đã tham gia đào tạo cho rất nhiều thế hệ kỹ sư, thạc sỹ, tiến sĩ nông nghiệp. Các thế hệ học trò được ông đào tạo đã và đang phục vụ rất tốt cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn ở nước ta. Nhiều người trong số họ đã trở thành các GS, PGS, và các cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Với những cống hiến to lớn góp phần phát triển nền nông nghiệp, kinh tế xã hội nước nhà nói chung, ông đã vinh dự được nhận nhiều Huân huy chương, Bằng khen của Bộ trưởng, của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch nước, Huân chương Hữu nghị LB Nga (năm 2000).

Giờ đây, với cương vị là Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, ông đã tập hợp được lực lượng cán bộ KHKT và quản lý trong lĩnh vực giống cây trồng để hướng vào việc nghiên cứu, tổng kết, phổ biến áp dụng các thành tựu KHKT, công nghệ và quản lý vào sản xuất giống cây trồng cùng  tham gia vào công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng. Góp phần chọn tạo ra rất nhiều giống cây trồng mới được công nhận là giống quốc gia hoặc giống Tiến bộ kỹ thuật góp phần tích cực vào việc tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Ngoài ra, với vai trò của người “Thuyền trưởng” Hội giống cây trồng cũng đã mở các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật chọn tạo, sản xuất nhân giống, sản xuất hạt giống và thương mại hóa giống. Đề nghị Hợp phần giống cây trồng DANIDA và các tổ chức quốc tế khác như APSA, ISTA, Trung tâm rau đậu Châu Á (AVRDC) giúp đỡ mở các lớp tập huấn ngắn hạn cho các địa phương và các doanh nghiệp giống cây trồng. Hội cũng đã làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật về giống cây trồng trên phạm vi cả nước…