day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Vai trò Liên hiệp hội trong phát triển nền kinh tế tri thức

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) được ví là ngôi nhà chung của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ, vì vậy có vai trò quan trọng trong phát triển nền kinh tế tri thức thời kỳ công nghiệp 4.0.

Kinh tế tri thức - xu thế thời đại

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ (KH&CN) hiện nay phát triển như vũ bão nhất là công nghệ thông tin (CNTT) đã tác động mạnh vào nền kinh tế thế giới làm biến đổi sâu sắc về cơ cấu, chức năng và phương thức hoạt động, tạo một bước ngoặt chuyển nền kinh tế công nghiệp chủ yếu dựa vào máy móc, thiết bị, tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn, lao động... sang nền kinh tế mới chủ yếu dựa vào tri thức và thông tin. Tri thức và thông tin trở thành yếu tố sản xuất quan trọng hơn cả vốn, lao động. 

Theo Giáo sư viện sĩ Đặng Hữu - Kinh tế tri thức (KTTT) là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quan trọng nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài ra khái niệm nền kinh tế tri thức còn nhiều cách gọi khác nhau như: Nền kinh tế thông tin, kinh tế số, kinh tế mạng, kinh tế sáng tạo. Tuy quan niệm KTTT có khác nhau, song các nhà khoa học cơ bản thống nhất một số đặc trưng chính sau:

- Cơ cấu kinh tế được chuyển đổi từ sản xuất hàng loạt hàng hóa công nghiệp (vật thể) quy chuẩn hóa; sang sản xuất ra sản phẩm tri thức (có hàm lượng trí tuệ cao), thông tin (phi vật thể). Từ sản phẩm công nghiệp càng dùng giá trị càng thấp, thải ra gây ô nhiễm môi trường sang sản phẩm dùng nhiều, chia sẻ nhiều, giá trị càng tăng.

- Tri thức trở thành lực lượng sản xuất (LLSX) trực tiếp là vốn quý nhất và là nguồn lực quan trọng nhất quyết định sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Hàm lượng tri thức (chất xám) trong sản phẩm ngày càng cao, quyền sở hữu trí tuệ, tài sản vô hình quan trọng hơn tài nguyên, đất đai, tài sản hữu hình. Ai có nhiều tài sản trí tuệ, nhiều thông tin mới, người đó sẽ chiến thắng.

- Thông tin trở thành tài nguyên quan trọng nhất, CNTT, mạng internet được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, mạng thông tin đa phương tiện được thiết lập, phủ khắp mọi nơi, kết nối với hầu hết các tổ chức, gia đình, cá nhân.

- Sản xuất công nghệ trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, tiêu biểu nhất và tiên tiến nhất. Từ sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyển dần sang tổ chức sản xuất phân tán theo cấu trúc mạng và linh hoạt theo yêu cầu khách hàng.

- Lao động trí thức chiếm tỷ trọng cao, sự sáng tạo đổi mới thường xuyên là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển. Học, học thường xuyên, học suốt đời là đặc điểm nổi bật và nhiệm vụ trọng tâm của xã hội và nền KTTT.

- Mọi hoạt động của nền KTTT đều liên quan đến vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, có tác động sâu sắc đến nhiều mặt của đời sống xã hội trong mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

Qúa trình nghiên cứu, sáng tạo không ngừng nghỉ của con người

Nền KTTT là xu thế tất yếu của thế giới đã hình thành và là hiện thực ở một số nước công nghiệp phát triển. Ngay những năm 70 của thế kỷ 20 các nước có nền kinh tế và KHCN phát triển đã đề ra những chương trình, chiến lược nhằm hướng nền kinh tế của nước mình phát triển theo những đặc trưng chính của nền KTTT, đầu tư lớn cho KHCN. Mỗi năm, Mỹ chi hằng trăm tỷ USD, Nhật chi 3% GDP cho nghiên cứu triển khai KH&CN. Các nước Đức, Anh, Pháp, Ý, Hàn Quốc, Singapore... đầu tư đẩy mạnh hoạt động các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, năng lượng mới...

Ở Việt Nam, các đặc trưng của KTTT từng bước được vận dụng đưa thành chủ trương, chính sách của Đảng với các mức độ phù hợp theo thời gian. Ngay sau khi thống nhất đất nước đã đi tắt đón đầu bằng KHCN để nhanh chóng tiến kịp các nước trong khu vực. Chủ trương tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng KHKT là then chốt để công nghiệp hóa - hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ 20 đã xác định cùng với giáo dục và đào tạo KHCN là quốc sách hàng đầu, phát triển CNTT, mạng internet, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ mới tiên tiến; xây dựng, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng thu hút nhân tài, đội ngũ trí thức, nhà khoa học có trình độ cao, chất lượng cao. Dành 2% tổng chi thường xuyên đầu tư phát triển KHCN, tạo điều kiện cần thiết cho phát triển KTTT để có thể rút ngắn quá trình CNH-HĐH đất nước.

Nhiều hội thảo khoa học ở tầm quốc gia xác định KTTT là xu thế tất yếu của thời đại, là cơ hội vàng chưa từng có để phát triển đất nước; phát triển KTTT gắn với CNH HĐH để rút ngắn quá trình CNH-HĐH; KTTT cho ta cơ hội nắm bắt và vận dụng sáng tạo những tri thức mới, cách thức sản xuất kinh doanh mới để đổi mới, cấu trúc lại nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, XIII của Đảng đã nêu rõ phải đầu tư mạnh mẽ phát triển KHCN, KTTT để góp phần sớm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Vai trò của Liên hiệp hội 

Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, Đảng ta đã khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế…” (NQ 27-NQ/TW). Thực tiễn trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ trí thức luôn là lực lượng được Đảng, Nhà nước tin cậy giao cho vai trò tiên phong thực hiện những nhiệm vụ nặng nề và vinh quang. Trong xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là thời kỳ công nghiệp 4.0 thì vai trò của Liên hiệp hội với phát triển nền KTTT càng quan trọng gấp bội. Trong đó cần tập trung một số biện pháp sau:

Thứ nhất, tuyên truyền, quảng bá trong đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ xu thế tất yếu của KTTT, để đổi mới tư duy, nhận thức; tư duy về thời đại mới, tiến cùng thời đại, toàn cầu hóa - hội nhập quốc tế và phát triển bền vững. Tri thức, thông tin, sức sáng tạo là nguồn lực và động lực quan trọng nhất để tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội. Coi tri thức là nguồn gốc của mọi của cải, phát triển tài sản vô hình, coi trọng tài sản trí tuệ (sở hữu trí tuệ, thương hiệu, phần mềm...) hơn tài sản hữu hình.

Thứ hai, tiếp tục phát triển và ứng dụng rộng rãi CNTT, mạng internet trong mọi lĩnh vực đời sống - xã hội, cải cách hành chính gắn với tin học hình thành chính quyền điện tử. Xây dựng bộ máy chính quyền Nhà nước có trách nhiệm hơn, dân chủ hơn, công khai minh bạch hơn.

Thứ ba, tiếp tục chính sách khuyến khích bồi dưỡng đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao, thu hút trí thức, trọng dụng nhân tài. Liên kết các tổ chức KHCN, chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước qua mạng - để đưa thông tin dữ liệu, thực tiễn KTXH, những kỳ vọng phát triển, những vấn đề cần giải quyết của đất nước/địa phương, theo cơ chế đặt hàng, khoán kinh phí đến sản phẩm KHCN cuối cùng.

Thứ tư, tiếp tục phát triển KHCN, phát huy vai trò KHCN hướng đến các đặc trưng nền KTTT, thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới, tri thức mới, nâng cao trình độ công nghệ, nắm bắt và làm chủ công nghệ cao. Xây dựng tiềm lực KHCN mạnh, đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo đáp ứng đặc trưng của nền KTTT, hình thành xã hội học tập.

Thứ năm, thực hiện sáng tạo, phù hợp thực tiễn đất nước/địa phương các chủ trương, chính sách phát triển KTTT Việt Nam trong giai đoạn hội nhập. Cấu trúc lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng lẫn chiều sâu, tăng thu hút FDI, thương mại quốc tế có chọn lọc, tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu… Hoàn thiện và chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường đầy đủ và định hướng XHCN. Tích cực và mạnh mẽ trong toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.