day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Quy tụ và tập hợp trí thức tham gia xây dựng tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển và phồn vinh

I. MỘT VÀI NHẬN THỨC VỀ TRI THỨC VÀ TRÍ THỨC

Tri thức và trí thức: 2 khái niệm khác nhau, nhưng rất nhiều người nhầm lẫn. 

1. Tri thức: Có nhiều lý luận nhưng hiện không có một định nghĩa nào về tri thức được tất cả chấp nhận. Tri thức - kiến thức (knowledge) bao gồm những kiến thức, thông tin, sự hiểu biết, hay kỹ năng có được nhờ trải nghiệm, thông qua giáo dục hay tự học hỏi. Trong tiếng Việt, “tri” lẫn “thức” đều có nghĩa là “biết”. Tri thức có thể chỉ sự hiểu biết về một đối tượng cả mặt lý thuyết và thực hành. 

Tôi đồng tình với khái niệm - Tri thức là một dạng tổng hợp kiến thức lý lẽ hiểu biết, cảm nhận, kinh nghiệm, giá trị, thông tin… trong ngữ cảnh giúp tạo khuôn khổ cho việc đánh giá và tiếp nhận những kinh nghiệm và thông tin đó. 

2. Trí thức: Khái niệm “trí thức” được dùng khá phổ biến, nhưng cắt nghĩa rõ khái niệm “trí thức” phức tạp hơn. Gần đây đã có rất nhiều bài viết, nhưng vẫn có điều chưa thật rõ và thống nhất khái niệm “trí thức”. Tôi thuận theo khái niệm chung nhất, rằng: Trí thức là người học hành có kiến thức sâu rộng về một hay nhiều lĩnh vực hơn sự hiểu biết của mặt bằng chung của xã hội ở từng thời kỳ và phục vụ có ích cho xã hội.

- Có lý lẽ cho rằng; một người học xong cao đẳng (Associate), đại học (Bachelor’s & Engineer’s) hoặc cao hơn là Thạc sĩ hay Tiến sĩ (Master’s & Doctor’s), làm việc trí óc, có thể gọi là có trí thức. Nhưng thực tế, học vấn mới chỉ là điều kiện cần, mà chưa đủ. Muốn thành một người trí thức hoàn toàn, quan trọng là phải sử dụng có hiệu quả tri thức trong đời sống xã hội. Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến trình độ học vấn tối thiểu của trí thức trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Đó là: “Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức”…“Muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái tri thức đó áp dụng vào trong thực tế”. 

Theo từ điển bách khoa, từ điển phổ thông, theo các nhà kinh điển và các bài viết gần đây thì “Trí thức” được hiểu là những người lao động trí óc, có học vấn cao... Trên thực tế, có những người bằng cấp không cao nhưng do tư chất thông minh, lại chịu học hỏi nên có vốn tri thức khá sâu sắc và có nhiều sáng tạo được ghi nhận trong những lĩnh vực chuyên môn nhất định. Lịch sử và thực tế từng chứng minh và ghi công nhiều tên tuổi lớn chưa học hết bậc đại học đã có những đóng góp xuất sắc cho khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật hay lĩnh vực quản lý kinh tế xã hội. Ngược lại, cũng có không ít người có bằng cấp cao nhưng không phát huy được... thậm chí còn gây cho xã hội bức xúc, phản cảm. Một người học đầy mình, có kiến thức đông tây kim cổ nhưng nếu thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu đạo đức, vô cảm với nỗi đau đồng loại, thì vẫn không phải là một trí thức. 

Ngày nay, trình độ dân trí, trình độ khoa học và công nghệ đã được nâng cao hơn rất nhiều.

Các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh tham gia đóng góp ý kiến tại Hội thảo tư vấn phản biện và giám định xã hội về: Nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; đề xuất khâu đột phá và một số nhiệm vụ trọng tâm phục vụ xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030

- Một nghiên cứu gần đây đưa ra trí thức có 5 đặc điểm khá tổng quát. Nhưng có một tư liệu khác, nêu trí thức có tới 7 đặc trưng; đại ý là: Trí thức nói chung rất ham học, ham đọc… nên luôn tiếp cận được cái mới, trình độ không ngừng được nâng cao; Trí thức là người luôn sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm; ít khi chịu rập khuôn theo công thức sẵn có… nhờ đó trí thức đóng vai trò nhân tố quan trọng thúc đẩy khoa học công nghệ, văn hóa nghệ thuật, kinh tế xã hội phát triển; Trí thức là người luôn có thói quen lật lại vấn đề, vậy trí thức thường hay có ý kiến phản biện… song ý kiến phản biện, nhất là những ý kiến quá thẳng thắn dễ gây phản ứng tiêu cực. Vì thế, người phản biện cũng cần chọn cách nói, thời điểm nói thích hợp để tính thuyết phục của ý kiến mình được cao hơn; Trí thức khi đã tin điều gì một cách có căn cứ thì thường rất trung thành với niềm tin đó… đây là một biểu hiện cực đoan của trung thành; Trí thức thường có hoài bão vươn lên những đỉnh cao, vị trí nổi bật trong xã hội. Người trí thức nói chung trọng danh hơn trọng lợi, thậm chí không ít người trọng danh hơn cả mạng sống của mình. Nhưng quá trọng danh có thể dẫn đến hiếu danh; Trí thức thường khảng khái, tự trọng… phẩm hạnh này thành nguyên tắc sống: Giàu sang không làm hư hỏng, nghèo khó không khiến đổi lòng, quyền uy không khuất phục nổi. Tuy vậy, trong cuộc sống, cần phân biệt lòng tự trọng với thói sĩ diện. Nhưng tự tô vẽ hư danh cho mình, tạo cho mình vỏ bọc và khư khư bảo vệ nó, đó là sĩ diện, đó là trái với lòng tự trọng; Trí thức thường cư xử lịch thiệp… sự bộc trực khi tỏ bày chính kiến về những vấn đề lớn, nhưng trong đời sống hằng ngày, người trí thức thường khiêm tốn, nhún nhường, tránh những va chạm nhỏ, tránh làm mếch lòng người khác. 

Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 ghi: Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội. Một nghiên cứu gần đây đưa ra định nghĩa: “Trí thức là những người thuộc tầng lớp đặc thù của xã hội, có phương thức lao động trí óc phức tạp mang tính sáng tạo cao, có khả năng tư duy độc lập, đem trình độ học vấn và trình độ chuyên môn áp dụng vào thực tiễn góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội”.

Tầng lớp trí thức của nước ta hiện nay là con đẻ của chế độ cách mạng, phần lớn làm việc cho bộ máy Đảng, Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công, các tập đoàn kinh tế của nhà nước hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối; trong số trí thức, đảng viên chiếm tỷ trọng khá lớn. Ở Doanh nghiệp ngoài nhà nước nhiều người chủ cũng là đảng viên, có thể nói, họ là tầng lớp giới chủ đỏ. Tất cả trên là đội ngũ trí thức, là trí thức đỏ, chứ không còn là tầng lớp trí thức nguyên nghĩa. Như vậy, cơ cấu đội ngũ trí thức phong phú, đa dạng, từ các nhà lãnh đạo, công chức, viên chức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ, giới chủ doanh nghiệp… và theo luật lao động đã nhiều người hưu trí. 

Có tài liệu nêu công tác phát triển đội ngũ trí thức ở nước ta còn mang nặng yếu tố tự phát, thiếu bài bản, thiếu tính hệ thống, liên hoàn, đồng bộ, không có sự kết hợp hài hòa giữa đào tạo và sử dụng nên đội ngũ trí thức tài năng, chất lượng cao còn chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa cả về số lượng và chất lượng. Tình trạng thiếu hụt cán bộ tài năng trong khoa học, công nghệ, kinh doanh và lãnh đạo, quản lý… đang trở thành nguy cơ làm suy giảm khả năng cạnh tranh và kìm hãm nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) đất nước.

II. QUY TỤ VÀ TẬP HỢP TRÍ THỨC THAM GIA XÂY DỰNG TỈNH PHÚ THỌ NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN PHỒN VINH

1. Theo tài liệu gần đây, đội ngũ trí thức tỉnh Phú Thọ có 62.619 người, chiếm xấp xỉ 90% đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (trong đó, trình độ đại học có 48.179 người, chiếm 76,9%, trình độ thạc sĩ có 5.149 người, chiếm 8,2%, trình độ tiến sĩ trở lên có 557 người, chiếm 0,9%). Nhận thức tầm quan trọng của đội ngũ trí thức, Tỉnh uỷ - HĐND - UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức làm việc và phát huy cống hiến tài năng, góp phần phát triển KT - XH của tỉnh. 

Tỉnh Phú Thọ là một địa phương sớm thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp hội) và nâng cấp cơ quan thường trực chuyên trách tương đương một Sở trực thuộc UBND tỉnh. Vai trò của Liên hiệp hội ngày càng được phát huy trong việc: Tập hợp, đoàn kết, phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (KH&CN) trong tuyên truyền, phổ biến kiến thức; trong hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội; tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật; các diễn đàn, hội thảo KHCN… nâng cao vị thế, chủ động phối hợp với các sở, ngành, cơ quan liên quan có nhiều đóng góp chung vào sự phát triển KT - XH của tỉnh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn tồn tại là: Đội ngũ trí thức của tỉnh mỏng; cơ chế, chính sách đào tạo, sử dụng trí thức chưa đồng bộ, quan tâm đến bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao chưa nhiều; việc sử dụng tôn vinh những trí thức thực sự có tài năng chưa tốt, nhưng lại lãng phí trí thức...; vẫn còn thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, thiếu chuyên gia giỏi ở một số lĩnh vực; số lượng đề tài khoa học nghiên cứu và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân trên địa bàn tỉnh còn ít, chất lượng còn mức độ; hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, cơ chế chính sách, các dự án phát triển KT - XH còn hạn chế (Thực ra có việc tham gia nhưng chưa được cơ quan có trách nhiệm tôn trọng).

2. Để tiếp tục phát huy trí tuệ, sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh Phú Thọ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trong thời gian tới cần phải:

2.1- Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của các cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và cả trong đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ trí thức KH&CN đối với mục tiêu phát triển KT - XH, đảm bảo an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là trong giai đoạn hiện nay (Triển khai Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 09/7/2024 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới).

2.2- Tiếp tục hoàn thiện về cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ, tôn vinh các trí thức KH&CN có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt, cống hiến với sự phát triển của tỉnh. Bảo đảm các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ, tiền lương để trí thức yên tâm công tác, nhất là trí thức ở những vùng sâu, vùng núi khó khăn. Quản lý, sử dụng trí thức, điều động, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn, quy định, phù hợp với năng lực, chuyên môn; đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Quan tâm đến những cán bộ trẻ có triển vọng để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn kế cận cho tỉnh. 

2.3- Đẩy mạnh công tác vận động trí thức KH&CN phát huy sáng tạo. Tạo môi trường và những điều kiện thuận lợi nhất để trí thức được phát huy năng lực bản thân, cống hiến cho xã hội. Thường xuyên thực hiện công tác thi đua, khen thưởng nhằm tôn vinh những trí thức giỏi, tài năng, có nhiều cống hiến. Nên có chính sách động viên tập hợp phù hợp cả với những trí thức tuy “hưu trí” nhưng còn sức khỏe trí tuệ sáng, sử dụng có tính đặc thù áp dụng riêng cho đối tượng đặc biệt này, tham gia các hoạt động KHKT đóng góp trí tuệ xây dựng quê hương.

2.4- Cần phải chú ý lắng nghe tôn trọng ý kiến phản biện của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, để đưa ra những quyết định đúng đắn, chính xác, mang lại lợi ích lớn nhất cho địa phương, đất nước.

2.5- Coi trọng nâng cao vai trò và trách nhiệm của liên hiệp hội trong: Quy tụ, đoàn kết và phát huy tốt vai trò, sức mạnh của đội ngũ trí thức KH&CN trên địa bàn tỉnh; tích cực tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội; triển khai các hoạt động nghiên cứu, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao dân trí; khuyến khích, tổ chức các Hội thi sáng tạo kỹ thuật, Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam và Giải thưởng Hùng Vương về KH&CN; tham gia góp ý những luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và địa phương… đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển KT - XH, đảm bảo quốc phòng an ninh của tỉnh.