day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Quản lý chất thải nhựa trong kinh tế tuần hoàn

Quản lý rác thải nhựa hiện nay đang trở thành vấn đề cấp bách trên toàn thế giới khi số lượng rác thải nhựa ngày càng gia tăng gây áp lực môi trường sống. Với tính tiện dụng và giá thành hợp lý, việc sản xuất và sử dụng sản phẩm nhựa, sản phẩm nhựa dùng một lần đã phổ biến thời gian qua. Với tính bền vững và tính không hòa tan, tác động của rác thải nhựa có thể ảnh hưởng hàng trăm đến hàng ngàn năm, tác động đến quyền và lợi ích của thế hệ hiện tại và tương lai. Quản lý ô nhiễm rác thải nhựa không chỉ là nghĩa vụ cá nhân mà của cả xã hội.

Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ tham gia chương trình hành động hạn chế rác thải nhựa

Vấn đề đặt ra cần phải có biện pháp, công cụ hữu hiệu để quản lý chất thải nhựa nhằm giải quyết, hướng tới mục tiêu vì một tương lai bền vững. Kinh tế tuần hoàn được coi là một trong những giải pháp để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa bằng cách giữ lại những giá trị của nhựa trong nền kinh tế, giảm phát thải nhựa ra môi trường. Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy các mô hình tái sử dụng một cách sáng tạo: Thiết kế sản phẩm theo hướng giữ lại giá trị cao nhất trong quá trình tái chế nhựa; xử lý hiệu quả hàm lượng hóa chất trong nhựa nhằm thúc đẩy tái sử dụng, tái chế an toàn nhựa; phát triển các giải pháp quản lý chất thải an toàn, bền vững. Để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn nhựa cần có sự đồng thuận và tham gia của tất cả các bên liên quan bao gồm nhà cung cấp vật liệu nhựa, nhà sản xuất bao bì, các doanh nghiệp xử lý và tái chế chất thải nhựa và cộng đồng dân cư. Đồng thời, cần có cách tiếp cận tổng thể và toàn diện từ toàn cầu đến quốc gia, bao gồm cơ chế hợp tác chung giữa các quốc gia đến cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp về giải quyết ô nhiễm nhựa. Ngoài ra, cần phát triển hạ tầng kỹ thuật, công nghệ và thiết kế sản phẩm phù hợp phục vụ cho hệ sinh thái thu gom, tái chế sản phẩm nhựa nhằm tạo cơ sở cho các doanh nghiệp, khối tư nhân sẵn sàng đầu tư với tầm nhìn dài hạn.

Mô hình "Chợ dân sinh hạn chế rác thải nhựa" với nội dung đổi chai nhựa đã qua sử dụng lấy nước sát khuẩn tay do Huyện đoàn Lâm Thao triển khai

Báo cáo hiện trạng chất thải nhự  năm 2022 đã thống kê khối lượng chất thải nhựa phát sinh mỗi năm tại Việt Nam là 2,9 triệu tấn. Trong đó, khối lượng chất thải nhựa phát sinh ở đô thị là 1,6 triệu tấn, phát sinh ở nông thôn là 1,3 triệu tấn. Tổng lượng rác thải nhựa  được thu gom là 2,4 triệu tấn, trong đó chỉ có 0,9 triệu tấn rác thải nhựa được phân loại cho tái chế và 0,77 triệu tấn rác được tái chế. Tổng thất thoát chất thải nhựa vào môi trường là 0,42 triệu tấn, thất thoát ra môi trường nước khoảng 0,07 triệu tấn. Hiện nay, Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có những hành động mạnh mẽ nhằm giảm ô nhiễm chất thải nhựa. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Chỉ thị số 41/CT-TTg ngày 01/12/2020 về một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn (trong đó có vi nhựa); Luật Bảo vệ môi trường 2020 với những quy định cụ thể liên quan đến giảm thiểu chất thải nhựa và chất thải nhựa đại dương, quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất... Trong ngành du lịch cũng đã có một số quy định về bảo vệ môi trường và giảm sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện chưa có dự án điều tra, thống kê về khối lượng chất thải nhựa phát sinh và thu gom, xử lý. Tuy nhiên, thực trạng phát sinh và thành phần, tính chất của chất thải nhựa phát sinh tại Phú Thọ cơ bản tương đồng với số liệu điều tra, đánh giá về chất thải nhựa toàn quốc. Kết quả điều tra, khảo sát cho thấy, túi ni lông chiếm phần lớn thành phần chất thải nhựa, phổ biến là nhựa dùng 1 lần, bao bì thực phẩm. Chất thải nhựa chiếm tỷ lệ khoảng 12% trong tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, lượng chất thải nhựa này bị nhiễm bẩn chéo từ các thành phần hữu cơ, gây khó khăn cho công tác tái chế và tái sử dụng. Trong thời gian qua, công tác quản lý rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được tăng cường. Hưởng ứng Phong trào chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch số 5196/KH-UBND ngày 14/11/2018 tổ chức phát động phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 22/8/2019 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; UBND tỉnh đã ban hành Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 – 2020 và giai đoạn 2021 - 2025,… đều nhằm mục tiêu vận động người dân hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, thực hiện phân loại, thu gom, xử lý rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Căn cứ Kế hoạch, Đề án của UBND tỉnh, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các huyện, thành, thị, các Sở, ban, ngành, UBMT Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã khẩn trương ban hành Kế hoạch, Thông tri nhằm phát động, triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động với những nội dung cụ thể tới toàn thể các đơn vị trực thuộc, cộng đồng dân cư để cùng hành động, hưởng ứng hiệu quả phong trào “Chống rác thải nhựa”; triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường, bước đầu đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa. Các biện pháp, hình thức giảm thiểu rác thải nhựa được áp dụng chủ yếu thông qua công tác tuyên truyền, khuyến khích các trung tâm mua sắm, hộ kinh doanh, tiểu thương trong chợ, hộ kinh doanh buôn bán tạp hóa, dịch vụ ăn uống hạn chế sử dụng bao bì nilon; khuyến khích thay thế bao bì nhựa bằng giấy, lá, lạt, túi phân hủy sinh học để gói sản phẩm, hạn chế cốc, hộp xốp, ống hút nhựa sử dụng một lần; hạn chế bày bán các sản phẩm nhựa dùng một lần trong chợ, cửa hàng tạp hóa, dịch vụ ăn uống, trung tâm mua sắm; khuyến khích các hộ gia đình, cá nhân sử dụng làn, giỏ, túi sử dụng nhiều lần khi đi mua sắm; khuyến khích các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ công nghiệp thực hiện giảm thiểu nguyên liệu đầu vào từ nhựa, phân loại rác tại nguồn và không sử dụng sản phẩm nhựa trong hoạt động của cơ sở; khuyến khích các đơn vị hành chính, trụ sở cơ quan, đơn vị không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, sự kiện…

Ngành Y tế Phú Thọ phát động Vệ sinh tay và Giảm thiểu rác thải nhựa

Lượng chất thải sinh hoạt nói chung, chất thải nhựa nói riêng sẽ tiếp tục tăng cao cùng với tỷ lệ gia tăng dân số và mức sống đô thị do sự phát triển của ngành công nghiệp nhựa và thói quen tiêu dùng, đòi hỏi phải có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và tận dụng nguồn tài nguyên rác để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn. Để thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải nhựa, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện, nhằm đảm bảo đạt mục tiêu do Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Giải quyết ô nhiễm nhựa là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế nhằm quản lý, xử lý chất thải nhựa, biến thách thức nhựa thành cơ hội trên cơ sở phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức ứng dụng công nghệ cao, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu. Trong thời gian tới, để giảm thiểu ô nhiễm nhựa cần ưu tiên thực hiện một số giải pháp gồm: Giảm sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; thu gom, phân loại và tái chế chất thải nhựa; tuyên truyền, chuyển đổi nhận thức sử dụng các sản phẩm nhựa; xây dựng quy định kỹ thuật về đánh giá khối lượng chất thải nhựa phát sinh; điều tra thành phần chất thải nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, sự đồng bộ trong việc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương và sự hưởng ứng mạnh mẽ của toàn thể nhân dân sẽ góp phần xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa theo đúng mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đã đề ra.