day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Tư, 21/08/2024, 04:00 (GMT+7)
Định hướng du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn là một trong 5 dòng sản phẩm chủ đạo trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Các sản phẩm du lịch nông nghiệp mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp ở khắp các địa phương của cả nước trong thời gian gần đây đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch vùng miền và đặc biệt là góp phần tăng trưởng lượng khách, mang lại sinh kế mới cho người dân ở các vùng nông thôn. Phú Thọ là một địa phương có nhiều tiềm năng, điều kiện phát triển loại hình du lịch nông nghiệp cả về tài nguyên và các nguồn lực khác. Song, trên thực tế, loại hình sản phẩm này mới chỉ manh nha hình thành và mới chỉ dừng ở cấp độ tham quan. Để có thể phát triển được loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp như một trong các sản phẩm mang lại nguồn lợi kinh tế - xã hội cho địa phương, cần có những nghiên cứu, tìm hiểu thấu đáo và những bàn luận mang tính giải pháp phù hợp. Bài viết này tập trung vào một số nội dung liên quan đến vấn đề phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao ở tỉnh Phú Thọ.
Một số vấn đề lí luận
Về mặt thuật ngữ và khái niệm, theo Henry (2015): Du lịch nông nghiệp là du lịch với mục đích chuyến thăm có trọng tâm là nông nghiệp, cụ thể là với cây trồng, vật nuôi. Du lịch tại các trang trại cho phép nông dân đa dạng hóa các hoạt động của họ trong khi nâng cao giá trị của sản phẩm và tài sản của họ.
Theo quan điểm của Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR), du lịch nông nghiệp là một trong các loại hình du lịch nông thôn (Rural tourism) bao gồm: Du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Trong đó, du lịch canh nông hay du lịch nông nghiệp chính là hình thức du lịch tại các khu trang trại trồng trọt hoặc chăn nuôi với những hoạt động trải nghiệm tham gia canh tác, thưởng thức các sản phẩm nông sản, có thể có lưu trú tại chỗ. Loại hình này tương đối phát triển và trở thành sản phẩm đặc trưng của nhiều địa phương như du lịch canh nông ở Thái Nguyên, Hội An, Đăk Lăk, Lâm Đồng, đồng bằng sông Cửu Long… với các trang trại sản xuất rau, hoa, trà, cà phê, hoa quả…
Như vậy, có thể hiểu khái quát du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tại các khu vực sản xuất nông nghiệp và hướng đến các trải nghiệm liên quan đến sản xuất nông nghiệp.
Xét ở góc độ sản phẩm, theo Luật Du lịch 2017, sản phẩm du lịch nông nghiệp là tập hợp các dịch vụ trên cơ sở khai thác giá trị tài nguyên du lịch liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh tế nông nghiệp và môi trường nông thôn để thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.
Hiện trạng và các điều kiện phát triển du lịch nông nghiệp ở Phú Thọ
Tài nguyên và các điều kiện phát triển
Phú Thọ có nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp có thể nói là khá dồi dào. Với quỹ đất nông nghiệp rộng lớn khoảng 297,3 nghìn ha và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi cho nền nông nghiệp phát triển đa dạng. Điều kiện khí hậu tương đối ôn hòa, ít thiên tai bão lũ trực tiếp ảnh hưởng như các khu vực lân cận. Điều kiện thổ nhưỡng cũng tương đối thuận lợi cho việc canh tác, sản xuất nông nghiệp với cơ cấu cây trồng, vật nuôi đa dạng (lúa, hoa màu, cây ăn quả, thảo dược, cây công nghiệp…). Trên nền tảng đó, Phú Thọ có một danh mục nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sắc như chè, bưởi, mì gạo, thịt chua, tương…
Bên cạnh tài nguyên, tỉnh Phú Thọ cũng có nhiều điều kiện thuận lợi để có thể phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nói chung. Cùng với chủ trương phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, hạ tầng xã hội ngày càng được đầu tư đồng bộ, đặc biệt là hệ thống giao thông từ đô thị cho tới các vùng nông thôn. Điều kiện nhân lực du lịch nông nghiệp (người dân các khu vực nông thôn) có nhiều thuận lợi với đặc thù về sự hiếu khách, nhiệt tình, hồn hậu, chịu thương chịu khó. Đặc biệt, điều kiện về xu thế nhu cầu du lịch hiện nay là một yếu tố quan trọng. Đó là xu thế hướng về khu vực nông thôn với không gian khoáng đạt, cảnh quan tự nhiên đẹp, nếp sống sinh hoạt văn hóa làng quê trở thành một lợi thế so sánh với cuộc sống ồn ào và ngày càng chật chội, ô nhiễm đa chiều ở thành thị. Lượng khách quan tâm tới các sản phẩm du lịch mang lại giá trị về sức khỏe thể chất và tinh thần như thực phẩm sạch, không khí trong lành, nhịp sống chậm... ngày càng gia tăng, trong đó ở sản phẩm du lịch nông nghiệp, đặc biệt là sản phẩm nông nghiệp bền vững đã bao hàm và hướng tới những giá trị đó.
Hiện trạng và những hạn chế
Nhìn toàn cảnh từ điều kiện phát triển cho tới các lợi thế tài nguyên và nắm bắt được xu thế, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã tích cực tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hoạt động du lịch ở khu vực nông thôn với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch tham quan, trải nghiệm ngày càng được biết đến nhiều hơn. Các điểm du lịch cộng đồng, sinh thái, văn hóa được công nhận (Điểm du lịch cộng đồng Bản Dù; điểm du lịch sinh thái cộng đồng Bản Cỏi; điểm du lịch sinh thái Thác Ngọc ở Vườn quốc gia Xuân Sơn và điểm du lịch cộng đồng Hùng Lô, Bạch Hạc, Hạ Hòa). Các chương trình du lịch tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề nông nghiệp có tiềm năng trên địa bàn tỉnh được quan tâm (làng nghề làm bánh chưng, bánh giầy, bún, miến ở Hùng Lô (thành phố Việt Trì); làng nghề nón lá Gia Thanh (huyện Phù Ninh); làng nghề tương làng Bợ (huyện Thanh Thủy); làng nghề nuôi cá lồng trên sông Đà, đồi chè Long Cốc (huyện Tân Sơn), vườn bưởi Đoan Hùng (huyện Đoan Hùng), tham quan chu trình sản xuất các sản phẩm từ cây chè, cây bưởi… Tuy nhiên, hoạt động trải nghiệm chủ yếu dừng ở mức tham quan.
Về công tác đào tạo nhân lực, các cơ quan quản lý nhà nước kết hợp với các tổ chức xã hội nghề nghiệp (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội du lịch tỉnh Phú Thọ) đã rất nỗ lực trong việc hỗ trợ công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhân lực du lịch cộng đồng thông qua các lớp tập huấn, các chuyên đề bồi dưỡng cả về kiến thức và nghiệp vụ du lịch. Năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ đã mở khóa tập huấn “Nâng cao kiến thức về công tác làm du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới” dành cho các đối tượng là cán bộ phòng nông nghiệp huyện, cán bộ xã và các hộ gia đình tại các điểm triển khai mô hình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp có nhu cầu liên kết phát triển du lịch nông thôn. Mục tiêu của khóa học là đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhiều khóa lớp bồi dưỡng nghiệp vụ đa dạng cho nhiều đối tượng liên quan đến hoạt động du lịch ở các địa điểm có hoạt động du lịch nông thôn như Long Cốc, Xuân Sơn. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm nhất chính là nhận thức về du lịch và việc nâng cao năng lực làm du lịch cộng đồng còn gặp nhiều hạn chế. Đối chiếu trên cả 3 khu vực (Hùng Lô, Long Cốc, Xuân Sơn), vấn đề này có nhiều khác biệt, chênh lệch lớn. Ở Hùng Lô, người dân sẵn sàng tham gia vào hoạt động du lịch song do chưa có hoạt động lưu trú và sản phẩm du lịch mới chỉ dừng ở tham quan trải nghiệm trong vòng 1 nửa ngày là phổ biến nên còn hạn chế trong việc tham gia cũng như đầu tư, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nhân lực. Ở Long Cốc, hoạt động du lịch mới bắt đầu diễn ra trong một vài năm trở lại đây với việc phát hiện và “đánh thức” tiềm năng về cảnh quan độc đáo. Sản phẩm du lịch hầu như còn nguyên sơ, dừng lại ở việc tham quan, check-in, ngắm cảnh, chụp ảnh, ít lưu trú và chưa có dịch vụ bổ sung giữ chân khách lưu trú. Tuy nhiên, tâm thế của người dân lại đặc biệt sẵn sàng, tích cực, chủ động nhất so với cả 3 khu vực. Khu vực Xuân Sơn tuy có hoạt động du lịch nhiều năm nay (ít nhất khoảng 10 năm trở lại đây) được đầu tư về điểm đến (hạ tầng, cảnh quan...) đặc biệt là nhân lực nhiều hơn cả. Nhưng nhận thức cũng như tâm thế trong du lịch của người dân còn rất hạn chế, thiếu tính chủ động, không sẵn sàng và ngại thay đổi.
Du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch đơn lẻ yêu cầu nhiều điều kiện đặc thù trong phát triển, không chỉ điều kiện về tài nguyên mà còn rất nhiều yếu tố khác. Trước tiên là vấn đề nhận thức xã hội về du lịch nông nghiệp. Các đối tượng liên quan trong hoạt động du lịch nông nghiệp bao gồm người quản lí, người làm nông nghiệp, người làm dịch vụ, khách du lịch… Nhận thức của tất cả các bên về vấn đề phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nói riêng và du lịch nông thôn nói chung chưa thực sự đồng bộ và đúng mức. Các cơ quan quản lí nhà nước liên quan (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương…) chưa có sự gắn kết cần thiết trong việc tìm hướng đi cho loại hình sản phẩm du lịch nông nghiệp ở Phú Thọ cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc thù của tỉnh. Kèm theo đó là các vấn đề cơ chế chính sách (nông thôn, nông nghiệp, kinh doanh du lịch…). Đặc biệt, sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp mới chỉ ở mức manh nha, chưa được đầu tư nghiên cứu, xây dựng, phát triển. Ví dụ, Long Cốc là điểm đến mới được chú ý trên bản đồ du lịch vùng Đất Tổ với cảnh quan các đồi chè đặc biệt ngoạn mục. Tuy nhiên, sản phẩm du lịch hiện tại đã và đang được khai thác chủ yếu là photo tour (chương trình du lịch nhiếp ảnh/săn ảnh) mà chưa có sản phẩm du lịch nông nghiệp trải nghiệm hoạt động sản xuất gắn với cây chè đặc thù. Đối với các địa điểm khác có chè, lúa, bưởi… trên địa bàn tỉnh cũng vậy. Cũng từ hạn chế về sản phẩm, việc tiếp cận thị trường (quảng bá, nguồn khách) cũng là một vấn đề cần đặt ra.
Một số giải pháp phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp chất lượng cao ở tỉnh Phú Thọ
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 gắn với cơ cấu lại sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hướng tới xây dựng Phú Thọ trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Đó cũng là một nền tảng thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp. Với lợi thế về tài nguyên và các điều kiện phát triển như đã phân tích ở trên, Phú Thọ là địa phương có thể mở rộng, tập trung đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp chất lượng cao như một trong các sản phẩm du lịch trọng tâm. Điều đó cần một hệ thống giải pháp từ vĩ mô cho tới vi mô và cần tới sự tham gia, vào cuộc của nhiều bên liên quan.
Giải pháp về cơ chế
Trước tiên, cần có cơ chế gắn kết hoạt động du lịch với sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm và điểm đến OCOP mang đặc thù nông nghiệp vùng trung du Đất Tổ. Phú Thọ có danh mục hàng trăm sản phẩm OCOP với nhiều sản phẩm tiêu biểu được đông đảo du khách yêu thích như Chè đinh Hoài Trung, chè búp tím Thanh Ba, bánh chưng - bánh giầy Đất Tổ, bưởi Đoan Hùng, mì gạo Hùng Lô, thịt chua Trường Foods, tương hoa lúa, cá thính Phù Ninh… Tuy nhiên việc gắn kết các sản phẩm này với du lịch cần phải chú trọng vào hoạt động, quy trình sản xuất để nâng cao hàm lượng trải nghiệm cho du khách như đối với coffee tour của Đà Lạt, du lịch trang trại của Mộc Châu, chè Thái Nguyên… Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng mạng lưới điểm OCOP du lịch rộng rãi hơn như một cách chỉ dẫn cho hoạt động du lịch nông nghiệp từ sản phẩm đến nơi sản xuất.
Thứ hai là tạo điều kiện hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh du lịch nói chung và du lịch nông nghiệp, nông thôn nói riêng. Cụ thể, mỗi đối tượng liên quan như cơ quan quản lí nhà nước, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân… trong hoạt động du lịch nông nghiệp đều cần được quan tâm, có những cơ chế thuận lợi trong liên kết, đề xuất ý tưởng, hiện thực hóa các dự án, kế hoạch về xây dựng và phát triển sản phẩm. Ví dụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được chủ động trong kết nối các bên liên quan, tổ chức giáo dục, tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ cho người dân làm du lịch nông nghiệp, tổ chức nghiên cứu, khảo sát các nguồn lực, tài nguyên, điều kiện để xây dựng sản phẩm, quản lí hoạt động kinh doanh, tổ chức lấy ý kiến phản hồi để thiết kế, vận hành, điều chỉnh các sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn. Doanh nghiệp được tạo thuận lợi trong thủ tục đăng kí kinh doanh, mặt bằng, cơ chế hoạt động. Người dân được tuyên truyền về các vấn đề pháp lý đảm bảo tính hợp pháp và bền vững khi tham gia vào hoạt động du lịch tại địa bàn nơi cư trú của mình.
Giải pháp về sản phẩm du lịch nông nghiệp
Nhìn từ góc độ kinh tế, vấn đề sản phẩm luôn là yếu tố cốt lõi trong phát triển một lĩnh vực. Sản phẩm du lịch của tỉnh Phú Thọ hiện nay đang đối diện với nhiều yêu cầu, một mặt đa dạng hóa sản phẩm, mặt khác cần đặc trưng hóa các sản phẩm đặc thù của vùng Đất Tổ. Việc xây dựng thêm một số các loại hình du lịch mới trong đó có sản phẩm du lịch trải nghiệm nông nghiệp nông thôn hiện nay cũng là một trong các định hướng phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, để có thể hiện thực hóa định hướng đó, chúng ta cần xác định và lựa chọn nhiều giải pháp phù hợp. Trước hết, cần xây dựng các mô hình sản phẩm nông nghiệp hấp dẫn, đặc sắc gắn với lợi thế về nông nghiệp của tỉnh như chè Long Cốc (Tân Sơn), Thanh Sơn, Phú Hộ (thị xã Phú Thọ)…, bưởi (Đoan Hùng), cam quýt (Tân Sơn)… Thứ hai, có thể kết hợp khai thác sản phẩm du lịch nông nghiệp với các sản phẩm du lịch khác đã có thương hiệu và thế mạnh như du lịch di sản, du lịch tâm linh và nâng cao hàm lượng văn hóa trong sản phẩm du lịch. Ví dụ: Thiết kế các chương trình trải nghiệm đặc thù với ý tưởng chủ đề “tinh hoa văn hóa lúa nước và công lao của các Vua Hùng”; thiết kế chương trình du lịch trải nghiệm di sản đặc thù khai thác giá trị các truyền thuyết thời Hùng Vương như trải nghiệm xuống đồng cấy lúa đầu xuân (với truyền thuyết Vua Hùng dạy dân cấy lúa); trải nghiệm hoạt động sản xuất, sinh hoạt của nhà nông từ thu hoạch lúa cho tới sơ, chế biến (với sự tích bánh chưng, bánh giầy); các chương trình du lịch giáo dục trải nghiệm nông nghiệp dành cho học sinh, sinh viên…
Đặc biệt, tính chất của các sản phẩm du lịch nông nghiệp cần phải tập trung nâng cấp từ cấp độ tham quan lên cấp độ tham gia. Ví dụ các chương trình trải nghiệm tham gia hoạt động/quy trình tìm hiểu, nghiên cứu, chọn, ươm giống, thu hoạch và sơ chế, chế biến, thưởng thức chè (Viện Khoa học Kĩ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Long Cốc, Thanh Sơn); chương trình trải nghiệm các sản phẩm khác nhau từ cây bưởi, quả bưởi (Đoan Hùng), tham gia các khâu trong quy trình sản xuất các sản phẩm OCOP.
Giải pháp về nguồn nhân lực
Nhân lực là yếu tố đặc biệt quan trọng cấu thành sản phẩm du lịch nông nghiệp. Nếu du lịch nông thôn có đối tượng nhân lực rộng từ cả cộng đồng dân cư thì chủ thể tham gia du lịch nông nghiệp chủ yếu tập trung vào đối tượng là người trực tiếp làm nông nghiệp. Cần tập trung mọi biện pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức của đối tượng này để họ chủ động, tích cực và sẵn sàng tham gia hoạt động đào tạo cũng như hoạt động du lịch; khuyến khích và huy động sự hỗ trợ, tham gia của cộng đồng xã hội (các cơ sở đào tạo, các chuyên gia đào tạo, tư vấn chuyên môn, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, cá nhân…) vào hoạt động giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn và tư vấn chuyên môn cho cộng đồng trong việc bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên du lịch nông nghiệp, môi trường cảnh quan sinh thái nông thôn tại điểm du lịch, tìm tòi, thiết kế những sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách hơn.
Giải pháp về liên kết phát triển du lịch
Liên kết trong phát triển du lịch là một yêu cầu mang tính tất yếu của thời đại. Yêu cầu này nhấn mạnh yếu tố các bên liên quan trong mọi lĩnh vực xã hội. Cần gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa các bên liên quan trên cơ sở ràng buộc trách nhiệm và quyền lợi, đảm bảo nguyên tắc “Thường xuyên trao đổi tham khảo ý kiến cộng đồng địa phương và các đối tượng có liên quan trong quá trình hoạt động phát triển du lịch”. Việc liên kết cần bắt đầu từ hoạt động quản lí chuyên môn từ cấp tỉnh. Trong Thông báo số 215 của Văn phòng UBND tỉnh Phú Thọ ngày 20/3/2024 về Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc (Viện) đã có nội dung chỉ đạo liên quan đến việc cần phải có sự liên kết này. Cụ thể là “Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị, địa phương có liên quan: Phối hợp với Viện nghiên cứu, xây dựng và phát triển các điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm vùng chè trên địa bàn tỉnh; hướng tới phát triển thành trung tâm văn hóa chè Phú Thọ”. Trên cơ sở đó, Viện cũng đang phối hợp với doanh nghiệp du lịch xây dựng không gian và mô hình du lịch trải nghiệm hoạt động nghiên cứu, nhân giống, chăm sóc và sản xuất, chế biến cây chè ngay tại không gian rộng và đẹp của Viện tại xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ. Tuy nhiên, việc liên kết còn phải được chú trọng hơn cả chiều ngang và dọc. Liên kết giữa các đối tượng liên quan từ quản lí nhà nước đến doanh nghiệp, người dân làm nông nghiệp, cộng đồng dân cư; liên kết từ việc nghiên cứu xây dựng sản phẩm cho tới đào tạo nhân lực, quảng bá, tiếp cận thị trường…
Với nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch nông thôn nói chung và nông nghiệp nói riêng, Phú Thọ cần xác định và thực thi một hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện cho việc đa dạng hóa và đặc trưng hóa cũng như nâng cao chất lượng cho sản phẩm du lịch nông nghiệp như một hướng đi triển vọng và lợi thế của vùng Đất Tổ.