day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Tư, 24/05/2023, 12:00 (GMT+7)
Với kinh nghiệm của bản thân trên 20 năm có điều kiện gián tiếp, trực tiếp làm công tác: Vận động, tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức tại Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật và hội chuyên ngành, tôi có một số suy nghĩ, đề xuất để cùng nhau trao đổi, nhằm làm tốt hơn về nhiệm vụ hết sức quan trọng và cũng rất đặc biệt này.
Theo tôi, ở đây có cặp phạm trù rất rõ ràng, quan hệ mật thiết lẫn nhau, đó là: Cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ vận động, tập hợp, đoàn kết và đối tượng được vận động. Trong khuôn khổ của bài viết này, tác giả chỉ tham vọng giới hạn ở hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, các hội thành viên.
Trước hết, chúng ta phải tìm hiểu kỹ đặc điểm của đối tượng mà chúng ta sẽ vận động, đó là đội ngũ trí thức, những người mà như xã hội hiểu là “có học”, hay như Nghị quyết TW 7, khóa X đã nêu khá đầy đủ “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu trí thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Mặt khác, khi nói về trí thức, Lênin còn làm rõ thêm: “Sản phẩm của trí thức không phải chỉ là những phát minh sáng chế, những công thức toán học, hóa học, những giống mới… phản biện xã hội cũng là sản phẩm trí thức đích thực, nhưng tất nhiên không phải chỉ là sản phẩm và trách nhiệm riêng của tầng lớp trí thức. Song trí thức với những đặc thù của mình phải là tầng lớp đi tiên phong trong hoạt động này. Không lên tiếng đóng góp cho xã hội tiến bộ thì đó chỉ là trí thức nửa mùa” (Lênin - về trí thức Nga - NXB Hà nội 2009). Có thể khái quát lại, nội hàm của đội ngũ trí thức tựu chung ở bốn đặc điểm cơ bản sau:
- Có trình độ chuyên môn sâu về một, hoặc nhiều lĩnh vực.
- Môi trường làm việc sử dụng trí óc (chất xám).
- Sản phẩm tạo ra có tính sáng tạo, đổi mới.
- Họ là những người luôn có trách nhiệm với xã hội, thông qua các hoạt động: Góp ý xây dựng, kiến nghị, đề xuất để tiếp thu, cải tiến cho công việc tốt hơn. Hay nói cụ thể hơn: Tư vấn, phản biện và giám định xã hội, là thiên chức của người trí thức.
Nói tóm lại trí thức với các đặc điểm nêu trên, để vận động, tập hợp được họ phát huy được tiềm năng, thế mạnh đóng góp nhiều nhất cho xã hội, rất cần một phương thức hợp lý, khoa học của các tổ chức hội trí thức chuyên ngành.
Sứ mệnh của các hội trí thức, là tập hợp, đoàn kết, động viên và tạo môi trường thuận lợi để đội ngũ trí thức đông đảo, cả đương chức, về hưu, cả trong cơ quan nhà nước hay các thành phần kinh tế ngoài xã hội. Tổ chức hội là đầu mối liên hệ với các cơ quan, chính quyền các cấp trong hệ thống chính trị, để huy động đội ngũ này, phát huy ý thức trách nhiệm với xã hội, sử dụng kiến thức chuyên môn sâu, kinh nghiệm thực tiễn phong phú tham mưu, tư vấn, phản biện xã hội cho các cấp, các ngành trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó là phổ cập truyền bá kiến thức nhằm nâng cao nhận thức về khoa học, công nghệ, cũng như các lĩnh vực xã hội khác cho người dân. Đây là chức năng, nhưng cũng là tiềm năng, thế mạnh riêng có của hội và của các hội viên. Tuy nhiên do đặc điểm của hầu hết các hội thành viên là tổ chức xã hội nghề nghiệp (trừ một số ít các hội đặc thù), hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện theo tôn chỉ mục đích của điều lệ hội, trên cơ sở lòng yêu nghề nghiệp, tâm huyết và trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và cao hơn là với tổ quốc của các hội viên! (đây cũng chính là đặc thù của người trí thức như đã nêu ở phần trên). Bên cạnh các điểm mạnh của hội, chúng ta cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm còn yếu, hạn chế của hội, đó là:
1. Vai trò, vị thế của hội nói chung và hội trí thức nói riêng trong nhận thức của xã hội hiện nay, còn nhiều bất cập, (so với ngay cả trong hệ thống chính trị của nhà nước ta hiện nay). Chúng ta chỉ có thể vận động, tuyên truyền, thuyết phục khơi dậy niềm cảm hứng… (biện pháp mềm, một số tài liệu dùng khái niệm: Hội vận!), không thể lãnh đạo điều hành theo kiểu: Yêu cầu, chấp hành… như các cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội khác!
2. Bộ máy kiêm nhiệm, đa số là cán bộ về hưu, sức khỏe yếu, cán bộ trẻ ít hào hứng tham gia công tác hội.
3. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ công việc hàng ngày không có, kinh phí hoạt động phải tự túc, chế độ thi đua khen thưởng cũng chưa tương xứng và kịp thời (đặc biệt các hình thức khen cao như huân huy chương…). Như vậy cả hai yếu tố: Vật chất và tinh thần đều không đáp ứng, nhất là thời buổi kinh tế thị trường hiện nay. Rõ ràng chỉ còn động lực duy nhất cho trí thức - các hội viên của hội hoạt động có lẽ là từ đặc điểm của họ: Tâm huyết với nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội?
Từ những phân tích trên, đương nhiên vận hành hội phải có cách đi (phương thức) và hoạt động với nội dung thích hợp:
Về Phương thức:
Chủ yếu phải là vận động, thuyết phục để khơi dậy các đặc điểm của người trí thức (tâm huyết với nghề nghiệp đã được đào tạo một cách bài bản, kinh nghiệm dày dạn trải qua trong thực tiễn, trách nhiệm với xã hội và độc lập, sáng tạo trong công việc…), thông qua các hoạt động nổi bật của hội để thu hút họ tham gia. Chúng ta tránh xu hướng hình thức phô trương chạy theo số lượng, chạy theo thành tích chung chung mà không thực chất công việc (khoa học là khách quan - trung thực - cụ thể và chính xác). Mặt khác cũng phải tránh quan điểm cực đoan hành chính hóa trong các sinh hoạt, hoạt động thường xuyên của hội.
Về nội dung:
- Đối với các hội thành viên: Trong khả năng và điều kiện có hạn, chọn những công việc và nhiệm vụ có tác động lan tỏa, nhưng lại gắn với chuyên môn sâu của đội ngũ hội viên. Kinh nghiệm của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ, hơn 10 năm qua đã chọn chương trình điều tra, khảo sát, cùng các địa phương lập hồ sơ khoa học các cây cổ thụ có giá trị trên địa bàn, đề nghị Hội đồng Cây di sản Việt Nam xét tôn vinh cây di sản Việt Nam. Đây là chương trình có ý nghĩa xã hội, khoa học và nhân văn sâu sắc, qua đó đã nâng cao vị thế, mối quan hệ của hội và các hội viên với hầu hết các địa phương trong tỉnh, được dư luận hết sức hoan nghênh, người dân đồng tình ủng hộ. Không nên ôm đồm và tránh trùng lặp với các nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước cùng lĩnh vực (cũng cùng mục đích nhưng cách tiếp cận của hội là gián tiếp: Đóng góp, phản ảnh, tham mưu, cộng tác tập huấn phổ biến kiến thức chuyên ngành cho người dân… chứ không thể thanh tra, kiểm tra).
- Đối với cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, ngay từ tên gọi của nó cũng đã toát lên khái niệm một cơ quan hoàn chỉnh phải bao gồm: Cơ quan thường trực (có thể ví như bộ não) và các hội thành viên (các bộ phận của cơ thể) - kết quả hoạt động phải là kết quả của cả hệ thống tổ chức này. Do vậy mọi hoạt động (nhân lực, vật lực) của cơ quan thường trực phải ưu tiên hướng về cơ sở (nơi trực tiếp tập hợp đội ngũ trí thức), các thành viên, thường trực, nên tham gia trực tiếp một hội, tùy theo chuyên môn, để nắm bắt thông tin sâu sát và cũng để trau dồi kinh nghiệm cụ thể về phương pháp hội vận. Mặt khác cơ quan thường trực với chức năng và điều kiện của mình, cần nghiên cứu, đề xuất với lãnh đạo tỉnh, TW để xây dựng ban hành các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, động viên trí thức trong hoàn cảnh của tỉnh Phú Thọ, như khen thưởng, đãi ngộ đặc thù… Bên cạnh đó, cơ quan thường trực cần quan tâm về mọi mặt cho công tác tư vấn, phản biện, giám định xã hội để phát huy thế mạnh của đội ngũ trí thức và nâng cao vị thế của tổ chức. Cũng cần phải nói thêm, mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách để khuyến khích nội dung này, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn nhiều trở ngại cả trong nhận thức, lẫn hành động của các cấp, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh cần là tổ chức đi tiên phong trong lĩnh vực này. Cụ thể: Hàng năm lựa chọn những vấn đề xã hội quan tâm, để xin chủ trương cho tham gia (theo chúng tôi hiện nay có rất nhiều vấn đề). Thường xuyên có kế hoạch về mọi mặt, nhằm xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia đủ tâm, đủ tầm cho nhiệm vụ tư vấn, phản biện, thông qua các hoạt động này cũng là dịp tập hợp đội ngũ trí thức một cách hiệu quả.