day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Tư, 21/08/2024, 03:00 (GMT+7)
Công nghệ sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ sử dụng dây chuyền thiết bị cơ giới tạo túi bầu tự hủy với nguyên liệu 100% chất hữu cơ như: Mùn cưa, vỏ keo, vỏ lạc, trấu hun, xơ dừa... Ưu điểm của công nghệ bầu hữu cơ siêu nhẹ là trọng lượng bầu chỉ bằng 25% so với bầu đất, rễ cây con cuốn chặt trong bầu hữu cơ, khi mang trồng rừng người dân sẽ tiết kiệm công vận chuyển cây giống đến lô trồng rừng. Cấu tạo vỏ bầu có khả năng tự phân giải theo thời gian do đó quá trình trồng rừng không mất thời gian cho việc rạch túi bầu hoặc bóc vỏ bầu, hạn chế tối đa tổn thương bộ rễ, từ đó rút ngắn thời gian phục hồi của cây con. Công nghệ sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy sử dụng dây chuyền thiết bị cơ giới nên năng suất đóng bầu ươm cao hơn gấp 4 lần so với đóng bầu thủ công, giúp tiết kiệm chí phí nhân công. Mặt khác, việc sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy thực hiện trong nhà xưởng nên không bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết mưa nắng. Các nguyên liệu tạo bầu có giá thể tơi xốp, đủ dinh dưỡng, làm cho cây sinh trưởng tốt, đây cũng là nguồn nguyên liệu có thể tận dụng sẵn có của địa phương. Đồng thời, mở ra cơ hội phát triển sản xuất cây giống theo quy mô công nghiệp, chủ động được cây giống cho kế hoạch trồng rừng. Việc sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy áp dụng cơ giới hóa đang là xu thế phát triển sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao hiện nay.
Để hoàn thiện quy trình và áp dụng thành công trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, năm 2021 Trường Đại học Hùng Vương được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh “Xây dựng mô hình sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy quy mô công nghiệp phục vụ sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Phú Thọ”. Dự án được Trường Đại học Hùng Vương phối hợp với Công ty TNHH đầu tư và phát triển dịch vụ nông lâm nghiệp Phú Thọ triển khai trên địa bàn huyện Yên Lập từ năm 2021. Kết quả đánh giá của cơ quan chuyên môn, các mục tiêu chung của Dự án đảm bảo kế hoạch, tiến độ và kết quả triển khai dự án được đánh giá mang lại hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng. Một số kết quả chính của dự án như sau:
- Nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật xử lý giá thể hữu cơ để sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ, đó là sử dụng chế phẩm Tricoderma với thành phần Tricoderma bacillus 109CFU/g, liều lượng sử dụng 1kg/1 tấn nguyên liệu, ủ trong thời gian 1 tháng đối với giá thể hữu cơ làm tăng chỉ tiêu dinh dưỡng và hạn chế nấm bệnh của hỗn hợp giá thể, giúp tăng tỷ lệ sống, sinh trưởng về đường kính gốc, chiều cao, số lá, rễ cấp 1, chiều dài rễ và chất lượng cây giống (đối với dòng keo lai mô BV16 và BV32).
- Tiến hành các thí nghiệm về tốc độ vòng quay trục xoắn nhồi bầu và độ ẩm giá thể; nhiệt độ hàn túi bầu và độ ẩm giá thể; thời gian hàn và độ ẩm giá thể, từ đó xác định được các thông số kỹ thuật của máy đóng bầu và độ ẩm nguyên liệu trong sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ, đó là tốc độ vòng quay trục xoắn 900 vòng/phút, nhiệt độ hàn túi 145-1500C, thời gian hàn túi 2 giây, độ ẩm nguyên liệu 60-70% sẽ đảm bảo chất lượng bầu tốt nhất và công suất đạt trên 3000 bầu/giờ.
- Xây dựng thành công mô hình sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ tự huỷ công suất 2.000.000 bầu/năm, tương ứng 3.000-3.500 bầu/giờ. Số lượng bầu hữu cơ siêu nhẹ sản xuất được của dự án là 120.000 bầu, kích thước bầu 3,5cm x 7,0cm, độ bền bảo quản trên 12 tháng.
- Xây dựng thành công mô hình sản xuất cây giống keo lai sử dụng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy tại xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Sau 6 tháng tuổi, giống keo BV16 có tỷ lệ sống 93,4%, tỷ lệ xuất vườn đạt 88,27%, giống keo BV32 tương ứng là 91,4% và 87,21%; tỷ lệ cây bị sâu bệnh hại không đáng kể trên cả hai giống, trọng lượng bầu cây giống hữu cơ bằng 25% bầu đất, sản xuất được 105.000 cây giống keo lai mô đạt tiêu chuẩn xuất vườn theo TCVN 11570-2:2016.
- Dự án cũng đã xây dựng thành công mô hình trồng rừng keo lai mô cây giống sản xuất bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy có quy mô 4,0 ha tại huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ. Sau 18 tháng trồng, đối với giống BV16 có tỷ lệ sống đạt 92,1%, tỷ lệ cây tốt đạt 80,8%, đường kính gốc đạt 7,02 cm, chiều cao cây đạt 6,59m; đối với giống BV32 có tỷ lệ sống đạt 91,7%, tỷ lệ cây tốt đạt 81,3%, đường kính gốc đạt 7,17 cm, chiều cao cây đạt 6,86m. Các kết quả này được so sánh với các chỉ tiêu của diện tích trồng rừng keo lai từ cây giống sản xuất bằng bầu đất cho thấy tỷ lệ sống cao hơn, sinh trưởng tốt hơn (về đường kính gốc, chiều cao và đường kính tán), tỷ lệ sâu bệnh hại thấp hơn.
- Dựa trên kết quả các thí nghiệm, sản xuất thử các mô hình, dự án đã hoàn thiện được 03 quy trình kỹ thuật:
Quy trình kỹ thuật sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ bằng máy, bao gồm 09 bước: 1. Chuẩn bị nguyên liệu (vỏ keo, mùn cưa, vỏ lạc, trấu, xơ dừa, túi bầu, khay đựng bầu); 2. Xử lý nguyên liệu (nghiền vỏ keo, vỏ lạc bằng máy nghiền, làm sạch mùn cưa, loại bỏ gỗ vụ, tạp chất, hun vỏ trấu); 3. Ủ nguyên liệu (phối trộn vỏ keo, mùn cưa, vỏ lạc với chế phẩm sinh học Tricoderma bacillus, liều lượng 1kg/tấn nguyên liệu trong 1 tháng); (4). Phối trộn nguyên liệu tạo giá thể ruột bầu hữu cơ siêu nhẹ (phối trộn trấu hun và xơ dừa với nguyên liệu ủ); (5). Điều chỉnh độ ẩm giá thể hữu cơ 60-70%; (6). Khởi động hệ thống máy đóng bầu; (7) Điều chỉnh các thông số kỹ thuật của hệ thống máy đóng bầu; (8) Sản xuất bầu; (9) Xếp bầu vào khay hoặc thùng chứa. Quy trình này được cải tiến và hoàn thiện hơn so với các quy trình đã có về kỹ thuật: Chỉ thực hiện nghiền và khử nấm với các nguyên liệu vỏ keo, mùn cưa và vỏ lạc; xử lý nấm bằng Tricoderma bacillus. Sử dụng các máy liên hoàn giữa dồn túi bầu và cắt bầu, không trải qua giai đoạn ngâm bầu trước khi cắt, bầu tạo ra khô, nhỏ gọn thuận tiện cho cất trữ, bảo quản.
Quy trình kỹ thuật sản xuất cây giống keo lai bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy gồm 4 bước: 1. Xây dựng vườn ươm (Đảm bảo theo tiêu chuẩn vườn ươm cây giống lâm nghiệp theo QĐ số 3588/QĐ-BNN-KHCN ngày 03/9/2022); 2. Chuẩn bị cây mầm, bầu ươm, khay ươm, dụng cụ vườn ươm (Cây mầm đảm bảo theo tiêu chuẩn TCVN 11570-2:2016; bầu ươm đường kính 3,5cm, cao 7,0cm tròn đều; Khay nhựa loại 50 lỗ, kích thước 540 x 280 mm, độ sâu lỗ 45mm); 3. Cấy cây và chăm sóc vườn cây giống; (4) Cây giống xuất vườn (đảm bảo theo tiêu chuẩn TCVN 11570-2:2016).
Quy trình kỹ thuật trồng rừng keo lai mô cây giống sản xuất bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy, gồm 6 bước: (1) Chọn lập địa trồng rừng keo lai (Đảm bảo tiêu chuẩn TCVN 11366-1:2016); (2) Xử lý thực bì và làm đất (xử lý thực bì trước khi trồng ít nhất 1 tháng; hố trồng có kích thước tối thiểu 30 x 30 x 30 cm; bón lót 300 g phân NPK (5:10:3) + 50g vôi bột/hố); (3) Trồng rừng (Cây giống có đường kính cổ rễ từ 0,3 – 0,4 cm, chiều cao 25-35 cm, cây cứng cáp, có từ 10 lá trở lên, không sâu bệnh; mật độ trồng 2.000 cây/ha; trồng vào ngày râm mát, mưa nhỏ, đất trong hố phải đủ ẩm). (4) Chăm sóc rừng (Năm thứ nhất: trồng dặm, phát thực bì, xới vun gốc, tỉa thân; Năm thứ hai: phát thực bì, xới đất, bón thúc; tỉa thân phụ, tỉa cành; Năm thứ ba: Phát thực bì, cỏ dại). (5) Phòng trừ sâu bệnh hại (thực hiện theo quy trình kỹ thuật của Bộ NN&PTNT). (6) Bảo vệ rừng (thường xuyên kiểm tra, bảo vệ rừng, phát dọn thực bì phòng chống cháy rừng).
- Ngoài ra dự án cũng đã đào tạo được 05 cán bộ kỹ thuật, tập huấn cho 100 người dân sản xuất kinh doanh cây giống lâm nghiệp tại huyện Phù Ninh và huyện Yên Lập về các kỹ thuật sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ (chuẩn bị nguyên liệu, xử lý nguyên liệu, sản xuất bầu, cất trữ, bảo quản bầu), sản xuất cây giống lâm nghiệp bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ, trồng rừng keo lai cây giống sản xuất bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ. Qua các lớp tập huấn đã cung cấp cho người dân đầy đủ kiến thức để có thể áp dụng nhân rộng mô hình. Trường Đại học Hùng Vương tổ chức 01 hội thảo khoa học về công nghệ sản xuất cây giống keo lai bằng bầu hữu cơ siêu nhẹ và khả năng ứng dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bầu hữu cơ siêu nhẹ tự hủy quy mô công nghiệp phục vụ sản xuất cây giống lâm nghiệp chất lượng cao tại tỉnh Phú Thọ” có tính thực tiễn, khả thi cao, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng phát triển sản xuất cây lâm nghiệp, phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các hộ trồng rừng, kinh doanh cây giống có cơ hội được tiếp cận, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, kinh doanh, mang lại giá trị cao về kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành lâm nghiệp tỉnh.