day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Năm, 12/10/2023, 03:00 (GMT+7)
Cây xanh là một trong những thành phần hết sức quan trọng của môi trường tự nhiên, sự biến đổi của hệ thực vật có thể làm thay đổi căn bản chất lượng của môi trường sống xung quanh ta. Trải qua những biến cố của thiên nhiên, tác động của thời gian, biến đổi khí hậu, sự tiến hóa của các loài và đặc biệt là sự tác động của con người… Hệ sinh vật, trong đó có cây xanh xung quanh ta đã có những biến đổi rất nhiều so với hàng ngàn năm về trước cả về số lượng, chủng loại cũng như các kiểu hình. Xu hướng chung là ngày càng mất đi tính đa dạng, một số loài đã bị tuyệt chủng, một số đang có nguy cơ biến mất hoặc chỉ còn một vài cá thể đơn lẻ. Tình trạng suy thoái đa dạng sinh học, làm mất cân bằng hệ sinh thái tự nhiên đang diễn ra phổ biến ở khắp mọi nơi trên trái đất. Tuy nhiên khác với các sinh vật khác, cây xanh có khả năng tồn tại với tuổi thọ rất cao, có loài sống tới hàng trăm năm, thậm chí vài ngàn năm. Theo tạp chí “Người bảo vệ”, cây Ma Thu Salem trên sa mạc ở bang Califonia (Mỹ) được xác định là cây có tuổi thọ cao nhất thế giới, với 4771 năm tuổi (thân cây đếm được 4950 vòng tuổi). Nhưng kỷ lục này tới năm 2004 đã bị phá vỡ để xác lập một kỷ lục mới, tại vùng núi Fulufialet của Thụy Điển đã phát hiện cây Van Sam thuộc họ lá Kim chỉ cao 5m, nhưng bằng phương pháp phân tích sử dụng nguyên tố C14, các nhà khoa học đã xác định được tuổi thọ của cây tới 9.500 năm!
Tại Việt Nam có cây Dã Hương ở Lục Ngạn - Bắc Giang, cây Trò ở vườn quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình cũng vào nhóm cây ngàn tuổi. Đặc biệt tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ năm 2011 chúng ta đã phát hiện được cây Táu cổ, theo thần phả ghi lại cây cũng đã có trên 2.000 năm tuổi (các nhà khoa học Việt Nam đánh giá, đây là một trong những cây có tuổi đời cao nhất được phát hiện cho tới nay).
Đứng trước cây chúng ta tự hỏi: Biết bao mùa xuân của đất trời đã kết lắng trong cây? Biết bao biến cố của thời gian, những thăng trầm của lịch sử đất nước, của địa phương đã diễn ra dưới tán cây? Đó thực sự là chứng nhân của lịch sử tự nhiên, lịch sử xã hội của một địa phương, một vùng đất, của nhiều thế hệ con người. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi nơi cây mọc lại được gắn với các giá trị văn hóa tâm linh, hoặc sự kiện lịch sử nổi bật. Lúc này cây xanh thực sự trở thành biểu tượng được trân trọng, tôn vinh, giữ gìn và bảo vệ của cả cộng đồng. Đó chính là di sản để lại cho các thế hệ mai sau!
Như vậy giá trị của cây xanh không chỉ là vật chất đơn thuần, mà còn cao hơn thế, nhân văn hơn thế là giá trị tâm hồn, tình cảm thiêng liêng của con người giành cho một sinh vật đặc biệt này.
Tuy nhiên theo khảo sát ban đầu của chúng tôi, đa số các cây đại thụ hiện nay, “Sức khỏe” các “Cụ” đều có vấn đề, cần phải có quy chế bảo vệ và chăm sóc đặc biệt. Điều gì sẽ xảy ra khi một mai những báu vật này không còn nữa? Quá khứ là điểm tựa của hiện tại, tương lai, đánh mất quá khứ là đánh mất tất cả.
Cây thị 500 năm tuổi tại xã Tân Phương - huyện Thanh thủy
Chương trình “Vinh danh cây Di sản Việt Nam” do Trung ương Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam khởi xướng và phát động đã được 11 năm. Phú Thọ là địa phương bắt nhịp chậm 1 năm (tới nay là 10 năm). Tuy nhiên đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ: Tính đến hết năm 2020 đã có 67 cây xanh được công nhận là cây Di sản Việt Nam (trong đó có 2 cụm cây) với địa bàn trải rộng tại 11/13 huyện thị của tỉnh. Đặc biệt Phú Thọ vinh dự có cây Di sản Việt Nam (cây Táu Bạc được công nhận là cây có tuổi thọ cao nhất hiện nay gần 2.200 năm tuổi).
Có ý kiến cho rằng: Mỏ vàng ngày càng cạn kiệt, nhưng chúng tôi từ kinh nghiệm 10 năm qua cho rằng tiềm năng ẩn chứa còn nhiều, nếu chịu khó vẫn có thể phát hiện ra kim cương! Đặc biệt là từ những yêu cầu của người dân, của con em thành đạt đi xa nhớ về quê hương giới thiệu, đề nghị… Từ đây một câu hỏi đặt ra: Tại sao chương trình lại lan tỏa và có sức sống bền vững như vậy? Theo chúng tôi xuất phát từ chính bản chất: Khoa học - Nhân văn và tính xã hội sâu sắc của chương trình “Vinh danh cây Di sản Việt Nam”.
1. Về tính khoa học
Như chúng ta đã biết, cây xanh có vai trò đặc biệt quan trọng với môi trường sống quanh ta, bảo vệ cây xanh là bảo vệ môi trường, bảo vệ cuộc sống của tất cả chúng ta. Mặt khác bảo tồn quỹ gen, bảo tồn sự đa dạng sinh học… chính là một nội dung quan trọng của chương trình. Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường luôn quan tâm đến vấn đề biến động của môi trường tự nhiên, tham gia với vai trò là hạt nhân của chương trình là chính xác.
2. Tính nhân văn
Có lẽ ít có nơi nào trên thế giới có đặc điểm như ở Việt Nam ta, đó là mỗi làng quê hình như đều có gắn với một bóng cây cổ thụ nào đó, mỗi người dân đều có ít nhiều kỷ niệm của cuộc đời từ nơi sinh ra. Câu ca dao xưa vẫn dìu dặt bên ta:
“Cây đa bến nước sân đình
Xa quê càng thấy quê mình đẹp hơn”
Do vậy, mỗi lần tổ chức sự kiện lễ vinh danh cây Di sản Việt Nam tại địa phương nào, thì đó thực sự là ngày hội môi trường - hình thức tuyên truyền ý thức về bảo vệ môi trường dễ thấm vào lòng người nhất. Ngoài ra, sự kiện còn là ngày hội của đoàn kết toàn dân với cả nghĩa bóng và nghĩa đen. Ở những địa phương có cây xanh được tôn vinh thì niềm tự hào đối với lịch sử của quê hương được khơi dậy, nâng cao và họ càng phấn khởi tin tưởng vào tương lai; truyền thống của quê nhà, tình làng nghĩa xóm càng thêm sâu nặng…
3. Tính xã hội hóa sâu rộng
Theo quy luật lô gic của sự vật: Chủ trương nào được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, thì sẽ xã hội hóa được phong trào. Hầu hết các chi phí (dù rất ít) cho các nội dung của chương trình đều được huy động từ nguồn xã hội hóa bởi con em địa phương thành đạt, các nhà tài trợ (thậm chí là lãnh đạo địa phương) …
Một số địa phương đã vận động đóng góp kinh phí tu bổ, xây dựng khuôn viên làm khu vui chơi, tham quan di tích như: Xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì; xã Sơn Thủy, xã Tân Phương, huyện Thanh Thủy… Sắp tới đây, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh Phú Thọ sẽ đề xuất xây dựng 1 tour du lịch: Thăm các cây Di sản Việt Nam trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (bởi lẽ hầu hết các cây Di sản Việt Nam đều gắn với một di tích lịch sử nổi bật của địa phương. Do đặc điểm này, cây Di sản và di tích lịch sử (di sản văn hóa vật thể) là cộng sinh, chỉ có thể làm cho nhau tốt hơn chứ không triệt tiêu nhau.
Tuy nhiên, để chương trình được tiếp tục triển khai một cách sâu rộng, hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị: Cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo cơ chế động viên, khuyến khích của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp, trước hết là các cơ quan có liên quan như: Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND các địa phương, cho xứng với tầm ảnh hưởng sâu rộng của chương trình (hiện nay đã có trên 50 tỉnh thành trong cả nước tham gia). Bên cạnh đó Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường cũng phải khẩn trương cùng các địa phương có cây Di sản, lập hồ sơ “sức khỏe” của từng cây, để có kế hoạch nghiên cứu các giải pháp chữa bệnh cho cây, vì hiện nay đa số các “Cụ cây” đều có vấn đề về sức khỏe cần được chăm sóc, bảo tồn. (Trong số 67 cây đã có 04 cây chết do bị bệnh). Dự kiến một chương trình với các nội dung chi tiết về “Bảo tồn cây Di sản Việt Nam” sẽ được xây dựng và triển khai trong thời gian tới, song song cùng với chương trình “Vinh danh cây Di sản Việt Nam.