day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Sáu, 02/06/2023, 02:00 (GMT+7)
Bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp là một trong năm cánh hoa an sinh xã hội, góp phần bù đắp tổn thất cho người lao động tham gia BHXH bắt buộc khi không may gặp rủi ro.
Năm 2016 trong khi đang vệ sinh gầm máy in kỹ thuật số (loại máy in to dùng in gạch) tại nhà máy, anh Hoàng Anh Sơn (Nông Trang, Việt Trì, Phú Thọ) - công nhân Nhà máy gạch thuộc Công ty Cổ phần CMC Phú Thọ không may bị tai nạn lao động. Thời điểm đó cuộc sống bị xáo trộn rất lớn, cả gia đình gần như “điêu đứng” vì anh là lao động chính trong nhà. Thu nhập chính của hai vợ chồng anh chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt hằng ngày. Sau khi anh bị tai nạn lao động và phải nghỉ việc để điều trị dài ngày, nhờ được hưởng một phần chi phí khám, chữa bệnh từ tấm thẻ BHYT cùng sự hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN, gánh nặng chi phí đã vơi đi rất nhiều.
Anh Sơn kể trước đây không tìm hiểu nhiều về các chế độ bảo hiểm, khi công ty yêu cầu đóng những khoản gì thì thực hiện theo, nhưng sau khi bị tai nạn lao động và được hỗ trợ từ quỹ BHXH anh mới thấy việc tham gia BHXH bắt buộc có ý nghĩa rất quý giá khi gặp sự cố không may. Với kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 31%, anh Sơn được hưởng trợ cấp bảo hiểm TNLĐ-BNN hằng tháng với mức hưởng bằng 30% lương cơ sở tại thời điểm anh Sơn bị tai nạn lao động và hàng tháng còn được nhận thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm TNLĐ-BNN. Sau nhiều lần được điều chỉnh theo các kì tăng lương cơ sở của Nhà nước, hiện tại, mỗi tháng anh được nhận số tiền trợ cấp là 638.900 đồng. “Tôi thấy rất may mắn vì đã tham gia BHXH tại Công ty. Nhờ đó tôi được hưởng trợ cấp tai nạn lao động khi không may xảy ra rủi ro. Số tiền trợ cấp hàng tháng tuy không lớn nhưng ổn định lâu dài, đã tạo động lực cho bản thân và gia đình, từ đó hiểu rõ những lợi ích khi tham gia BHXH.” - Anh chia sẻ.
Dù không mong muốn nhưng những rủi ro trong công việc ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, cuộc sống của rất nhiều NLĐ. Khi ấy, bảo hiểm TNLĐ-BNN rất có ý nghĩa với người lao động trong hoàn cảnh khó khăn, nhằm chia sẻ gánh nặng và phòng ngừa cho người lao động và thân nhân trước những rủi ro về TNLĐ-BNN, chính sách bảo hiểm TNLĐ - BNN sẽ ngày càng phát huy hiệu quả, bảo vệ sức khỏe, tính mạng NLĐ, hỗ trợ doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, góp phần đảm bảo an toàn, trật tự, phát triển xã hội.
Theo Bà Phạm Thị Phương Lan, Trưởng phòng Chế độ BHXH (BHXH tỉnh Phú Thọ): “Căn cứ theo quy định tại Điều 43, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi đáp ứng điều kiện sau: Người lao động bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc giờ làm việc nhưng đang thực hiện công việc theo yêu cầu hoặc người lao động tai nạn trên quãng đường di chuyển từ nơi làm việc đến nhà và ngược lại với tuyến đường hợp lý; người lao động bị suy giảm khả năng lao động tối thiểu 5% sau tai nạn. Công tác giải quyết hưởng chế độ TNLĐ-BNN đối với người lao động luôn được cơ quan BHXH đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng người, đúng quy định. Ngoài việc chi trả chế độ cho NLĐ bị TNLĐ-BNN, quỹ bảo hiểm TNLĐ-BNN hằng năm còn dành nguồn thu để chi hỗ trợ cho các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về TNLĐ-BNN; chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị TNLĐ-BNN nhằm chia sẻ gánh nặng, bù đắp một phần hoặc thay thế thu nhập cho NLĐ khi không may gặp biến cố".