day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Năm, 11/04/2024, 04:00 (GMT+7)
Nguyễn Quang Bích (1832 - 1890), quê quán ở làng Trình Phố - nay thuộc xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Ông đỗ đầu khoa Kỷ Tỵ (1869) với học vị Đình Nguyên Hoàng giáp. Được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm quan với chức Tế tửu Quốc tử giám, sau đó làm Tuần phủ Hưng Hóa (Phú Thọ sau này). Ông là người họ Ngô, khi làm quan trong triều đình nhà Nguyễn ông đã đổi sang họ Nguyễn.
Đầu những năm 80 của thế kỷ XIX, thực dân Pháp sau khi chinh phục các tỉnh phía Nam, đã tiến đánh các tỉnh phía Bắc Việt Nam, chỉ sau một thời gian ngắn chúng đã chiếm được thành Hà Nội. Năm 1884, thực dân Pháp cho 7000 quân có pháo binh và tàu chiến yểm trợ tiến đánh thành Hưng Hóa - thủ phủ cuối cùng của nhà Nguyễn. Lúc đó triều đình nhà Nguyễn đã ký hiệp ước Patơnốt - chịu sự bảo hộ của Pháp, nên đã ra lệnh triệu hồi Nguyễn Quang Bích về kinh. Nhưng ông đã không chấp hành lệnh của triều đình, trả lại ấn tín, quyết tâm tử thủ tại thành Hưng Hóa. Do lực lượng địch quá mạnh, ông đã phải cùng binh lính phá vòng vây đưa quân về Tiên Động (thuộc xã Tiên Lương - huyện Cẩm Khê) phát động khởi nghĩa. Ông đã được rất nhiều sĩ phu và nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc ủng hộ. Cuộc kháng chiến của Nguyễn Quang Bích đã gây cho địch nhiều tổn thất và làm chậm quá trình bình định của chúng.
Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích còn khích động phái chủ chiến trong triều đình Huế làm cuộc binh biến và Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Khi cuộc khởi nghĩa nổ ra, Vua Hàm Nghi đã sắc phong cho Nguyễn Quang Bích làm Hiệp biện đại học sĩ, Lễ bộ Thượng thư, Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần. Sau khi được sắc phong, Ngô Quang Bích đã có kế hoạch mở rộng cuộc khởi nghĩa từ Tiên Động lên Nghĩa Lộ, lập triều đình kháng chiến và đón Vua Hàm Nghi ra Bắc. Cuộc khởi nghĩa cuối cùng thất bại, nhưng đã để lại những trang sử oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX.
Để đánh giá toàn diện cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích, có thể khái quát thành một số đặc điểm tiêu biểu sau đây:
1. Là cuộc khởi nghĩa khởi đầu cho phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX
Chỉ sau khi cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích được phát động, phái chủ chiến đứng đầu là Tôn Thất Thuyết mới có động lực làm cuộc binh biến rồi đưa Vua Hàm Nghi đi lánh nạn. Vua Hàm Nghi đã hạ chiếu Cần Vương, động viên các văn thân, sĩ phu có tinh thần yêu nước đứng lên lãnh đạo nhân dân tiếp tục cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ đó, hàng loạt các cuộc khởi nghĩa nổ ra trong suốt thời gian cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, khiến thực dân Pháp phải mất thời gian dài mới bình định được quá trình thống trị của chúng.
2. Phong trào phát triển rộng khắp vùng Tây Bắc và có nhiều ông Đề, ông Đốc, ông Lãnh tham gia
Với uy tín của Nguyễn Quang Bích, sau khi phát động cuộc khởi nghĩa đã có rất nhiều đội dân binh ở vùng Tây Bắc tham gia. Điển hình là đội quân của Sa Văn Nội ở Mộc Châu; Nông Văn Quang ở Văn Bàn, Văn Chấn; Cầm Bun Hoan ở Thuận Châu và Đèo Văn Toa ở Phong Thổ đều có từ 600 đến hơn 1000 tay súng (tài liệu của PGS.TS Phạm Văn Lực - Đại học Tây Bắc). Ngoài ra, còn các đội quân của Cầm Văn Thanh ở Lai Châu, Cẩm Hánh, Cẩm Tám ở Mường Lò; Đặng Phúc Thành ở Ba Khe; Lãnh Năm, Lãnh Tế ở Đại Lịch; Đổng Phúc Thịnh ở Văn Bàn… đều có trên dưới 100 tay súng… Ở khu vực Phú Thọ, Vĩnh Phúc các hào lý tham gia cuộc khởi nghĩa rất đông, họ là những ông Đề, ông Đốc, ông Lãnh ở các địa phương như: Đề Kiều, Đốc Ngữ, Tán Áo, Tán Dật, Đề Mạc, Đề Cương, Đề Thành, Đốc Dị, Lãnh Khanh, Tổng Khảm, Cử Cắng, Chánh Rửng, Đốc Kình, Lãnh Mai, Lãnh Đa, Đốc Hậu,…
3. Cuộc khởi nghĩa có nhiều nhà khoa bảng và sĩ phu tham gia
Ngoài thủ lĩnh là Đình nguyên Hoàng giáp Nguyễn Quang Bích, phong trào còn tập hợp được nhiều nhà khoa bảng và sĩ phu tham gia như: Thủ khoa Nguyễn Quang Hoan, Cử nhân Trần Ngọc Dư (Thái Bình), Tiến sĩ Tống Duy Tân (Thanh Hóa), Bố chánh - cử nhân Nguyễn Văn Giáp (Sơn Tây), Cử nhân Nguyễn Cao, Cử nhân Ngô Quang Huy (Bắc Ninh), Cử nhân Nguyễn Văn Cắng (Thanh Ba), Cử nhân Nguyễn Hội (Sơn Tây), Cử nhân Nguyễn Tốn Hoằng (Hà Tĩnh), Cử nhân Hoàng Bật Đạt (Thanh Hóa), Tiến sĩ Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng (Nghệ An).
4. Cuộc khởi nghĩa có nhiều lãnh đạo là người các dân tộc thiểu số tham gia
Cuộc khởi nghĩa đã tập hợp được nhiều đội quân của các dân tộc thiểu số tham gia. Tiêu biểu là các ông Lãnh Năm, Lãnh Tế, Lãnh Kim, Vương Văn Doãn, Sa Văn Nội, Nông Văn Quang, Đào Chinh Lục, Cẩm Hánh, Cẩm Tám, Cầm Bun Hoan, Cầm Văn Thanh, Đào Triển Lộc, Đèo Văn Toa, Đèo Văn Trì, Đổng Phúc Thịnh, Quách Tất Ngân, Đặng Phúc Thành, Hà Nguyên Đặng, Đốc Thục, Đốc Nhung, Giàng-Nủ-klâu… có cả một số người nước ngoài cùng tham gia cuộc khởi nghĩa như Chu Thiết Nhai, Lưu Vĩnh Phúc, Lý Phúc, Từ Tiến Ích (Trung Quốc)…
5. Cuộc khởi nghĩa có nhiều trận đánh lớn nhỏ
Địa bàn của cuộc khởi nghĩa khá rộng, phải đối phó với những trận càn quét của thực dân Pháp, nên đã có tới hàng trăm trận đánh lớn nhỏ với kẻ thù, điển hình là ba trận đánh lớn thực dân Pháp phải huy động đến hàng nghìn quân viễn chinh, cấp sư đoàn, có đại bác và tàu chiến yểm trợ. Đó là trận đánh thành Hưng Hóa, Pháp phải huy động tới 7000 quân do ba viên tướng chỉ huy. Trận thứ hai ở Thanh Mai, thực dân Pháp phải huy động tới 5000 quân để càn quét; trận thứ ba ở Nghĩa Lộ, Pháp huy động 1000 quân. Ở những trận này, tuy thực dân Pháp đều giành chiến thắng nhưng chúng cũng phải chịu tổn thất nặng nề.
6. Khởi nghĩa Tiên Động có vùng ảnh hưởng và sức lan tỏa rộng lớn
Cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Quang Bích có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa trong cả vùng Tây Bắc, Trung Châu và Việt Bắc. Từ Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tuyên Quang… đến cả vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Các ông Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Phạm Bành ở Thanh Hóa; Nguyễn Xuân Ôn, Phan Đình Phùng ở Nghệ An đều tìm đến Tiên Động để bàn bạc với Nguyễn Quang Bích mưu kế đánh giặc. Tôn Thất Thuyết một đại thần triều đình phái chủ chiến cũng đã đến Tiên Động gặp Nguyễn Quang Bích (Hiện nay tại Đền thờ Nguyễn Quang Bích vẫn còn lưu bút tích của Tôn Thất Thuyết).
Từ Tiên Động Nguyễn Quang Bích ra bản hiệu triệu gửi tới Chánh lãnh binh các tỉnh toàn Bắc Kỳ kêu gọi hướng nghĩa đồng loạt nổi lên chống giặc cứu nước.
7. Cuộc khởi nghĩa thể hiện đường lối chiến tranh nhân dân rất sớm
Các tướng giỏi của ông thường được ông cử đi gây dựng căn cứ các vùng miền tạo ra nhiều căn cứ chống giặc, chứ không co cụm vào một cứ điểm. Thể hiện như việc ông cử Tán Thuật về Hưng Yên phục dựng lại phong trào Bãi Sậy; cử ông Đinh Gia Quế, Tống Duy Tân về Thanh Hóa dựng căn cứ Hùng Lĩnh; Nguyễn Tử Ngôn về Ninh Bình, Nam Định; Đề Kiều được ông cử về chốt chặn ở Rừng Già núi Đọi Đèn; Đốc Ngữ về Khả Cửu, Thanh Sơn chặn con đường huyết mạch lên Tây Bắc; Đề Thành chốt chặn ở Hiền Quan, Ngọc Tháp; Đề Mạc chốt chặn ở Hạ Hòa; Lãnh Khanh và Lãnh Toát ở Ngòi Lao; Bố Giáp ở Tuần Quán; Tán Áo chốt ở Tuy Lộc, Tổng Khảm đưa quân lên chốt ở Đầm Rôm… Nhưng khi cần quy tập ông vẫn có thể tập hợp lại, như cuộc dời binh lên Nghĩa Lộ, các tướng như Bố Giáp, Đề Thành, Đề Mạc, Đề Dị, Lãnh Doãn, Đề Kiều, Nguyễn Tử Ngôn vẫn được tập trung về Tiên Động để đưa binh lên Mường Lò xây dựng đại bản doanh chuẩn bị cho việc đón Vua Hàm Nghi ra Bắc. Khi đưa quân lên Nghĩa Lộ, Nguyễn Quang Bích vẫn cài một lực lượng khá mạnh ở lại đủ sức bảo vệ căn cứ như các tướng Tán Áo, Tán Dật, Lãnh Khanh, Cử Cắng để bảo vệ chiến khu Tiên Động. Với đường lối chiến tranh nhân dân, nên khi chủ tướng mất phong trào vẫn không bị dập tắt mà vẫn bùng phát mọi nơi, bởi nghĩa quân có sự tác chiến độc lập, hậu cần tại chỗ và lợi dụng địa hình địa thế núi rừng, tạo một địa bàn rộng lớn, căng địch ra đánh, tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu của địch nên đã giành được nhiều thắng lợi.
8. Cuộc khởi nghĩa có chiến lược quân sự rõ ràng và cách đánh độc đáo
Cố Giáo sư Trung tướng Nguyễn Đình Ước, Viện trưởng Viện chiến lược quân sự viết: “Về chiến lược quân sự, ông (tức Nguyễn Quang Bích) là người chủ trương lấy núi rừng Thượng Du, Tây Bắc làm căn cứ chống giặc, dùng lối đánh “du binh” và lối đánh “du kích”. Ta đã thấy khá hiệu quả trong cách đánh của các tướng như Đề Thành, Đề Kiều, Đề Mạc, Đốc Dị, Tán Dật (đã dùng cả vũ khí như chông tre, địa lôi tự tạo… và lối đánh “du binh”. Hai đội quân chuyên đánh “vận động chiến” của Đốc Ngữ và Bố Giáp; Đội quân của Bố Giáp hoạt động suốt dọc sông Thao, sông Chảy, sông Lô có lúc sang cả Tuyên Quang, lúc lên Yên Bái rồi vòng về Nghĩa Lộ, Hòa Bình. Đội quân của Đốc Ngữ hoạt động vùng Thanh Sơn, Phú Thọ, Hòa Bình, có lúc vào cả Thanh Hóa. Hai đơn vị này như “hai quả đấm thép”, có lúc địch đã huy động cả binh đoàn đến 5000 quân mà vẫn bị thất bại bởi nghĩa quân lúc ẩn lúc hiện, tránh chỗ mạnh, đánh vào chỗ sơ hở của địch. Trong cuộc Cần Vương cứu nước, phần lớn đều xây dựng cứ điểm cố định như Ba Đình, Bãi Sậy, Hố Chuối… thì cuộc khởi nghĩa Tây Bắc đã dùng lối đánh đánh như kiểu “Vận động chiến” sau này “ (kỷ yếu hội thảo khoa học năm 2011 tại Việt Trì Phú Thọ - trang 11)… Đây là lối đánh mà sau này các chiến lược gia quân sự gọi là “Tập kích”, nghĩa quân lúc ẩn lúc hiện gây cho địch bất ngờ, là sự độc đáo và cũng là đặc điểm, khác với các phong trào Cần Vương ở các nơi khác thường co cụm lại một khu vực, nên dễ bị tiêu diệt…
Cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích cuối thế kỷ XIX thể hiện tinh thần yêu nước, bất khuất của nhân dân vùng Tây Bắc, đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta hôm nay và mai sau. Để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ cần thực hiện một số đề xuất như sau:
- Đưa nội dung lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nguyễn Quang Bích vào giảng dạy ở các bậc phổ thông cùng với phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX.
- Mở rộng quy hoạch khu tưởng niệm Nguyễn Quang Bích ở Tiên Động để trở thành điểm tham quan du lịch của tỉnh.
- Đầu tư thêm kinh phí tôn tạo khu tưởng niệm Nguyễn Quang Bích ngày càng khang trang, bề thế hơn để tri ân đối với một lãnh tụ xuất sắc của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược cuối thế kỷ XIX.