day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Chuyển đổi số góp phần nâng tầm sản phẩm OCOP

Tỉnh Phú Thọ hiện có hơn 300 sản phẩm OCOP. Trong những năm gần đây, việc ứng dụng chuyển đổi số đã và đang góp phần nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, trở thành động lực để các sản phẩm OCOP phát huy hiệu quả kinh tế cao.

Các sản phẩm Chè Long Cốc của Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc đều được dán tem truy xuất nguồn gốc tạo thuận lợi cho khách hàng khi tra cứu thông tin về sản phẩm

Các chủ thể sản phẩm OCOP đã chủ động áp dụng chuyển đổi số trong các giai đoạn sản xuất, chế biến và quảng bá sản phẩm như áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc kết hợp mã QR, giới thiệu sản phẩm thông qua mạng xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử.

Bà Lê Thị Hồng Phương - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Trà UT  (huyện Thanh Ba) - doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP 5 sao Chè búp tím Thanh Ba cho biết: Từ năm 2023, Công ty đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào khâu quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như: giaothương.net.vn, tiktok, lazada, shopee, youtube, facebook, tiki. Nhờ đó, sản phẩm được nhiều khách hàng biết đến, tăng doanh thu hằng năm cho Công ty. Sản lượng xuất khẩu bình quân 1.500 - 1.700 tấn thành phẩm/năm. Doanh thu bình quân khoảng 40 - 50 tỷ đồng, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế của địa phương. Trong thời gian tới, cùng với mở rộng quy mô sản xuất, tiếp cận khoa học công nghệ, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng quảng bá trên các kênh thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm Chè búp tím của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Trà UT (huyện Thanh Ba) được quảng bá trên sàn giaothương.net.vn

Những năm gần đây, các sản phẩm mì gạo như mì phở, mì dưa hấu, mì rau củ quả, hộp mì quà tặng cao cấp của Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô (thành phố Việt Trì) được người tiêu dùng đánh giá cao nhờ đặc tính sợi mì dai, ngon, thơm hương vị đồng quê. Tháng 1/2025, sản phẩm “Mì gạo Hùng Lô” của hợp tác xã đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao.

Sản xuất mỳ gạo tại Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô

Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc Hợp tác xã Mỳ gạo Hùng Lô cho biết: Để mở rộng thị trường, từ năm 2021, Hợp tác xã đã phát triển kênh kinh doanh online qua các sàn thương mại điện tử, các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, tiếp cận rộng rãi người tiêu dùng trong và ngoài nước. Năm 2024, trung bình mỗi tháng hợp tác xã tiêu thụ 50 - 60 tấn mì gạo, doanh thu đạt hơn 20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động với thu nhập 6,5 triệu đồng/người/tháng. Qua đó, góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của thành viên hợp tác xã và người dân làng nghề Hùng Lô.

Bên cạnh việc quảng bá sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội, trong thời gian qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất và tiêu thụ thông qua tem điện tử truy xuất nguồn gốc các sản phẩm OCOP đã được chú trọng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sản phẩm đã được gắn tem truy xuất nguồn gốc, góp phần khẳng định uy tín và nâng tầm thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Giám đốc Hợp tác xã sản xuất chè an toàn Long Cốc (xã Long Cốc, huyện Tân Sơn) Phạm Thị Hạnh cho biết: Việc dán tem truy xuất nguồn gốc giúp các đơn vị sản xuất, nhà cung cấp có cơ hội thông tin đến người tiêu dùng về quy trình sản xuất, chất lượng, quy chuẩn hàng hóa. Ngoài ra, khi dán tem truy xuất nguồn gốc, người bán buộc phải hiểu rõ về quy trình sản xuất của từng sản phẩm để có thể giải đáp các thắc mắc của khách hàng khi có nhu cầu. Đây cũng là điều kiện cho các sản phẩm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong thời kỳ hội nhập, giúp quảng bá và nâng tầm thương hiệu, bảo vệ lợi ích cho hợp tác xã chúng tôi và người tiêu dùng.