day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Năm, 09/01/2025, 10:04 (GMT+7)
HỘI TIN HỌC TỈNH PHÚ THỌ
Tên Hội: Hội Tin học tỉnh Phú Thọ
Tên giao dịch tiếng Anh: Phutho Infomation and Communication Technology Association
Tên viết tắt: PHUTHO ICT
Đại hội lần thứ: IV. Nhiệm kỳ: 2019 - 2024. Năm Đại hội: 2019
Chủ tịch: Lê Quang Thắng. Nam (nữ): Nam. Điện thoại:
Phó Chủ tịch: Nguyễn Hữu Việt. Nam (nữ): Nam. Điện thoại: 0983 523 666
Phó Chủ tịch: Nguyễn Hùng Cường. Nam (nữ): Nam. Điện thoại: 0972 595 102
Phó Chủ tịch: Đinh Tiến Hồng. Nam (nữ): Nam. Điện thoại:
Địa chỉ: Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Phú Thọ.
Điện thoại: 0984321234
Email: cuongdxvn@gmail.com
ĐIỀU LỆ HỘI TIN HỌC TỈNH PHÚ THỌ
Chương I
TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH
Điều 1. Tên gọi
Hội lấy tên là Hội Tin học tỉnh Phú Thọ.
Điều 2. Tôn chỉ, mục đích
1. Hội Tin học tỉnh Phú Thọ (sau đây gọi tắt là Hội) là tổ chức tự nguyện của các cá nhân, tập thể hoạt động nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng, sản xuất, kinh doanh dịch vụ trong lĩnh vực Công nghệ thông tin – Truyền thông (sau đây gọi tắt là CNTT-TT) và những quan tâm đóng góp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển CNTT-TT trên địa bàn tỉnh.
2. Mục đích của Hội là tập hợp lực lượng để góp phần đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, phổ biến, ứng dụng và phát triển CNTT-TT phục vụ sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc và phạm vi hoạt động
1. Hội Tin học tỉnh Phú Thọ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính.
2. Hội Tin học tỉnh Phú Thọ hoạt động trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, tuân thủ pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là hội thành viên của Hội Tin học Việt Nam và là thành viên của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Thọ.
Chương II
NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN
Điều 4. Các nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu của Hội
1. Động viên tinh thần tích cực sáng tạo của hội viên nhằm thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT; sử dụng hiệu quả những thành tựu của CNTT-TT phục vụ công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, đồng thời giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của các hội viên trong hoạt động CNTT-TT.
2. Tổ chức và giúp đỡ hội viên trong các hoạt động liên kết kinh tế - khoa học và ứng dụng CNTT-TT, các loại hình sản xuất dịch vụ CNTT-TT qua đó góp phần tạo thêm việc làm cho hội viên.
3. Tạo điều kiện cho hội viên nâng cao trình độ nghiệp vụ bằng nhiều hình thức khác nhau (như mở các lớp bồi dưỡng chuyên đề, các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật về CNTT-TT, trao tặng các giải thưởng CNTT-TT). Tạo điều kiện cho các đối tượng công tác, học tập, nghiên cứu và ứng dụng CNTT-TT trong lĩnh vực kinh tế, đời sống và sản xuất.
4. Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức quần chúng khác để kiến nghị, đề xuất về chính sách phát triển và ứng dụng CNTT-TT; về phương hướng, kế hoạch, biện pháp và tổ chức thực hiện; về nội dung chương trình giảng dạy về CNTT-TT ở các cấp; giới thiệu những hội viên có năng lực vào các tổ chức nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng CNTT-TT của Nhà nước.
5. Tư vấn phản biện, giám định xã hội các dự án, công trình đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT của Nhà nước và xã hội.
6. Tích cực tham gia các hoạt động của Hội Tin học Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Phú Thọ.
Chương III
HỘI VIÊN
Điều 5. Hội viên
1. Công dân nếu tán thành tôn chỉ và mục đích, điều lệ của Hội Tin học tỉnh Phú Thọ đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT, nhiệt tình ửng hộ và tham gia nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh và ứng dụng CNTT-TT, tự nguyện tham gia các hoạt động của Hội đều có thể gia nhập Hội Tin học tỉnh Phú Thọ.
2. Hội viên tập thể, các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT trên địa bàn tỉnh, có tư cách pháp nhân, có quy mô hoạt động liên tỉnh hoặc toàn quốc có đại diện ở tỉnh Phú Thọ tán thành các tôn chỉ, mục đích và Điều lệ hội có thể xin gia nhập Hội.
3. Việc công nhận hội viên cá nhân và tập thể do Ban chấp hành Hội xem xét quyết định.
Điều 6. Quyền lợi của hội viên
1. Hội viên cá nhân
a) Tham gia mọi sinh hoạt của Hội, thảo luận và biểu quyết mọi mặt công tác của hội, bầu cử và ứng cử vào Ban chấp hành Hội.
b) Kiến nghị với Hội và các tổ chức của Hội để đợc giúp đỡ, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ CNTT-TT. Được hội tạo điều kiện đưa các kết quả nghiên cứu, ứng dụng CNTT-TT, các sáng chế, phát minh vào sản xuất, đời sống. Ưu tiên công bố các kết quả trong các ấn phẩm của Hội.
c) Được cung cấp thường xuyên các thông tin về tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực CNTT-TT, tiếp xúc, gặp gỡ, trao đổi với những người làm CNTT-TT ở trong và ngoài nước nhằm nâng cao trình độ, khả năng thực hiện các công trình nghiên cứu, phát triển ứng dụng CNTT-TT.
d) Được cấp thẻ “Hội viên Hội Tin học tỉnh Phú Thọ” và sử dụng thẻ này khi tham gia các sinh hoạt và hoạt động của Hội.
e) Được Hội bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng.
f) Được xin ra khỏi Hội bất cứ khi nào có nguyện vọng. Trường hợp xin ra khỏi Hội phải nộp lại thẻ hội viên cho tổ chức của Hội nơi mình tham gia sinh hoạt.
2. Hội viên tập thể
a) Tham gia sinh hoạt, thảo luận, biểu quyết mọi công việc chung của Hội.
b) Được cấp giấy chứng nhận “Hội viên tập thể của Hội”.
c) Được Hội tạo mọi điều kiện thuận lợi trong hoạt động và được hưởng các quyền lợi khác do Hội quy định.
Điều 7. Nghĩa vụ của hội viên
1. Tuân thủ Điều lệ hội, thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Hội. Tích cực hoạt động và thực hiện các nhiệm vụ đựơc Hội phân công.
2. Thường xuyên tham gia công tác tuyên truyền, phát triển hội viên mới.
3. Đóng Hội phí đầy đủ.
Chương IV
TỔ CHỨC HỘI
Điều 8. Tổ chức của Hội
Gồm Chi hội và các hội viên.
Điều 9. Đại hội Hội tin học
1. Hình thức lãnh đạo cao nhất của hội là Đại hội Hội, 5 năm Hội tiến hành Đại hội 01 lần toàn thể hội viên của Hội. Trong trường hợp đặc biệt Ban chấp hành Hội có thể triệu tập Đại hội bất thường khi có 2/3 tổng số Ủy viên Ban chấp hành Hội hoặc 1/2 tổng số hội viên chính thức đề nghị.
2. Nhiệm vụ của Đại hội Hội Tin học:
a) Thông qua báo cáo của Ban chấp hành Hội.
b) Định hướng phát triển và phương hướng hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ tiếp theo.
c) Thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội.
d) Quyết định số lượng Ủy viên Ban Chấp hành và số lượng hội viên của Hội.
e) Quyết định việc gia nhập các tổ chức quốc gia, khu vực cùng lĩnh vực hoạt động theo quy định của pháp luật.
f) Xem xét và thông qua báo cáo tài chính của Hội.
3. Nguyên tắc biểu quyết của Hội
a) Đại hội có thể biểu quyết bằng giơ tay hoặc bỏ phiếu kín, việc quyết định hình thức biểu quyết do Đại hội quyết định.
b) Việc phát biểu thông qua các quyết định của Đại hội (trừ trường hợp sửa đổi Điều lệ) phải được sự tán thành của hơn 1/2 số hội viên có mặt.
Điều 10. Ban chấp hành Hội
1. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Hội (viết tắt là BCH). BCH là cơ quan cao nhất của Hội giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội.
2. Trong thời gian giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội, việc thay đổi, bổ sung ủy viên trong BCH phải đựơc hơn 2/3 số ủy viên BCH hội biểu quyết tán thành. Việc biểu quyết có thể tiến hành bằng nhiều hình thức khác nhau: Giơ tay, bỏ phiếu kín, thư,… Hình thức cụ thể do BCH quy định và phải đựơc 1/2 số lượng ủy viên BCH tán thành.
3. Số lượng ủy viên BCH được bổ sung hoặc thay thế nhiều nhất bằng 1/5 số lượng ủy viên BCH Hội đã được Đại hội ấn định cho mỗi nhiệm kỳ.
4. Quyền hạn và nhiệm vụ của BCH
a) Tổ chức thực hiện nghị quyết của Đại hội;
b) Lãnh đạo toàn bộ công tác của Hội giữa 2 kỳ đại hội;
c) Tổ chức thực hiện các công việc chuẩn bị cho Đại hội;
d) Tổ chức thực hiện các công việc chuẩn bị cho họp BCH 03 tháng 01 lần và họp toàn thể hội viên 01 năm 01 lần;
e) Quyết định quy chế hoạt động của BCH;
f) Bầu cử các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch Hội và trưởng các ban chuyên môn (nếu có);
g) Quyết định việc thành lập và giải thể các chi hội;
h) Quyết định việc thành lập hoặc giải thể các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội.
Chương V
TÀI SẢN, TÀI CHÍNH CỦA HỘI
Điều 11. Tài sản của Hội
1. Tài sản của Hội gồm: Tài sản do Nhà nước hỗ trợ, tài sản tự có của Hội, tài sản thuê dài hạn (nếu có). Toàn bộ tài sản phải được thể hiện đầy đủ trong sổ sách kế toán của Hội.
2. Văn phòng Hội chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ và sử dụng đúng mục đích và hiệu quả.
3. Nếu tài sản bị hư hỏng, không thể sửa chữa để tiếp tục sử dụng thì Văn phòng Hội làm thủ tục thanh lý trình Chủ tịch Hội quyết định.
Điều 12. Tài chính của Hội
1. Năm tài chính của Hội bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.
2. Đại hội Hội Tin học quy định những nguyên tắc cơ bản về hoạt động tài chính của Hội. Ban chấp hành Hội có nhiệm vụ tổ chức xây dựng và ban hành quy chế tài chính cho Hội đảm bảo tuân thủ các quy định quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.
Điều 13. Nguồn thu của Hội
1. Hội phí của hội viên (Mức thu hội phí của hội viên do Ban chấp hành hội qui định).
2. Thu từ các đề tài, dự án do Hội chủ trì.
3. Thu từ các hoạt động tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4. Thu từ các hoạt động liên kết với các tổ chức, đơn vị khác ngoài Hội.
5. Thu từ các hoạt động quảng cáo.
6. Thu từ các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo quy định hiện hành của Chính Phủ.
7. Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước.
Điều 14. Các khoản chi của Hội
1. Chi hoạt động thường xuyên của Hội.
2. Chi mua tài sản, thiết bị.
3. Chi cho các đề tài nghiên cứu (nếu có và được phê duyệt).
4. Chi cho các hoạt động do Hội chủ trì hoặc tham gia chủ trì.
5. Hỗ trợ cho các chi hội thành viên (nếu điều kiện kinh phí cho phép)
6. Chi cho công tác khen thưởng của Hội.
Chương VI
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 15. Khen thưởng
Các tập thể, cá nhân hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác nghiên cứu, ứng dụng CNTT-TT hay công tác của Hội sẽ được Hội khen thưởng. Các công trình, nghiên cứu, ứng dụng các phát minh sáng kiến xuất sắc sẽ được Hội đề nghị lên cấp cao hơn xác nhận và khen thưởng.
Điều 16. Kỷ luật
1. Hội viên nào vi phạm nghị quyết và Điều lệ Hội, làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự Hội thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị phê bình, khiển trách hoặc không công nhận là hội viên.
2. Nếu gây thiệt hại đến tài sản và tài chính của Hội thì phải bồi hoàn theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
Chương VII
SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ VÀ GIẢI THỂ HỘI
Điều 17. Sửa đổi Điều lệ
Đại hội Hội Tin học là hình thức duy nhất của Hội tin học Phú Thọ có thể sửa đổi Điều lệ Hội. Việc sửa đổi Điều lệ phải được 2/3 hội viên tán thành và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt mới có hiệu lực thi hành.
Điều 18. Giải thể Hội
1. Hội ngừng hoạt động hay giải thể khi có quyết định của Đại hội và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định.
2. Mọi thủ tục giải thể tiến hành theo đứng quy định của Nhà nước.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 19. Hiệu lực thi hành
1. Bản Điều lệ Hội Tin học tỉnh Phú Thọ gồm 8 chương, 19 điều đã được Đại hội lần III Hội Tin học tỉnh Phú Thọ thông qua năm 2013 và có hiệu lực thi hành theo quyết định của Giám đốc sở Nội Vụ tỉnh Phú Thọ.
2. Ban chấp hành Hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ này.