day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Năm, 09/01/2025, 09:55 (GMT+7)
HỘI LUẬT GIA TỈNH PHÚ THỌ
Tên hội: Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ
Đại hội lần thứ: VI, nhiệm kỳ 2019 - 2024. Năm Đại hội: 2019
Chủ tịch: Đỗ Đình Chữ. Nam (nữ): Nam. Điện thoại: 0912 231 748
Phó Chủ tịch Thường trực: Đinh Xuân Trường. Nam (nữ): Nam. Điện thoại: 0912 389 068
Phó Chủ tịch: Trần Thị Nhung. Nam (nữ): Nữ.
Địa chỉ: Tổ 40, khu 4, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ
Số điện thoại: 02103 858 312 - Fax: 02103 858 312
Email: hoiluatgiaphutho@gmail.com
ĐIỀU LỆ HỘI LUẬT GIA TỈNH PHÚ THỌ
LỜI NÓI ĐẦU
Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ là tổ chức Chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức thống nhất, tự nguyện của các luật gia trong toàn tỉnh.
Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Chương I
TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI LUẬT GIA TỈNH PHÚ THỌ
Điều 1. Tôn chỉ, mục đích của Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ
Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ đoàn kết, tập hợp rộng rãi các luật gia đã và đang làm công tác pháp luật trong cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức văn hoá, tổ chức giáo dục, đơn vị vũ trang nhân dân, tự nguyện tự do, dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quyền tự do dân chủ của nhân dân, góp phần xây dựng nền khoa học pháp lý, xây dựng Nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh.
Điều 2. Biểu tượng của Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ
Biểu tượng Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ (là biểu tượng chung của Hội Luật gia Việt Nam) hình tròn có hai đường viền màu xanh đậm, phía trên là hình tượng cờ đỏ sao vàng năm cánh, dưới dòng chữ “ Hội Luật gia Việt Nam”, ở giữa có hình tượng cán cân công lý đặt trên quyển sách mở có hàng số “1995” (năm thành lập Hội Luật gia Việt Nam); ở đường vòng cung có hình tượng hai bông lúa vàng.
Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ
Hội Luật gia tỉnh Phú thọ có những nhiêm vụ, quyền hạn sau đây:
1. Tập hợp vào Hội những người đã và đang công tác pháp luật theo quy định tại điều 1 của Điều lệ này: Xây dựng Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng tổ chức và nghề nghiệp .
2. Tham gia xây dựng pháp luật, nghiên cứu khoa học pháp lý; tham gia giám sát việc thực hiện pháp luật, kiến nghị với các cơ quan nhà nước những vấn đề về xây dựng và thi hành pháp luật.
3. Tham gia tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật cho hội viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân;
4. Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý theo quy định của Pháp luật
5. Tham gia một số hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật; tham gia các chương trình, dự án, đề tài nguyên cứu, phản biện và giám định xã hội theo đề nghị của các cơ quan nhà nước;
6. Phối hợp hoạt động và làm nghĩa vụ thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ
7.Tham gia các hoạt động chính trị, pháp lý phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
8. Phản ảnh tâm tư nguyện vọng của giới luật gia Việt Nam với Đảng, Nhà nước, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, động viên tinh thần và quan tâm đến lợi ích của hội viên, làm cho hội viên gắn bó với Hội;
9. Xuất bản tập san nội bộ đáp ứng yêu cầu hoạt động đối nội đối ngoại của Hội, theo quy định của pháp luật.
10. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của hội viên theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội,bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hội và hội viên phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội
11. Quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của Hội theo quy định của pháp luật và Điều lệ Hội.
Chương II
HỘI VIÊN HỘI LUẬT GIA TỈNH PHÚ THỌ
Điều 4. Tiêu chuẩn hội viên
Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức tốt đã hoặc đang làm công tác pháp luật trong cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 1 của Điều lệ này với thời gian từ ba năm trở lên, tán thành điều lệ Hội đều có thể được gia nhập Hội.
Công dân Việt Nam không có điều kiện hoặc không đủ tiêu chuẩn trở thành hội viên chính thức của Hội, tán thành Điều lệ Hội, có công đóng góp cho Hội và tự nguyện xin vào Hội có thể được công nhận là Hội viên danh dự của Hội.
Điều 5. Điều kiện, thủ tục kết nạp hội viên
Công dân Việt Nam có đầy đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 4 cuả Điều lệ này muốn gia nhập Hội phải tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội gửi chi hội luật gia cơ sở, kèm theo sơ yếu lý lịch. Chi hội Luật gia cơ sở xem xét đề nghị Ban Thường vụ hội luật gia cấp trên quyết định (đối với cấp huyện thì do Ban Chấp hành quyết định)
Điều 6. Nhiệm vụ của Hội viên
Hội viên có những nhiệm vụ sau đây:
1. Chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Điều lệ, Nghị quyết, Quyết định của Hội.
2. Thực hiện các công việc được tổ chức Hội giao;
3. Tham gia xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật;
4. Sinh hoạt và đóng hội phí đầy đủ theo quy định của Hội.
5. Giữ gìn uy tín của Hội, không được lấy danh nghĩa hội viên và sử dụng thẻ hội viên để thực hiện những hành vi phương hại đến uy tín, danh dự và lợi ích của Hội.
Điều 7. Quyền của hội viên
1. Hội viên có những quyền sau đây:
a) Được cấp thẻ hội viên; được ứng cử, đề cử và bầu cử người vào cơ quan lãnh đạo của các cấp hội.
b) Thảo luận và biểu quyết các vấn đề của Hội trong các hội nghị do Hội tổ chức
c) Tham gia các hoạt động khác của Hội;
d) Giám sát các hoạt động của Hội, đề xuất ý kiến về đổi mới, phát triển, mở rộng hoạt động của Hội;
đ) Được cung cấp những thông tin về pháp luật, bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về nghề nghiệp
e) Yêu cầu Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hội viên;
g) Khiếu nại quyết định của lãnh đạo Hội, tố cáo các hành vi xâm phạm quyền, lợi ích của Hội viên và tổ chức Hội theo qui định pháp luật và Điều lệ Hội.
h) Được chuyển nơi sinh hoạt Hội do chuyển nơi làm việc hoặc nơi cư trú.
2. Hội viên danh dự được hưởng quyền và nghĩa vụ như hội viên chính thức của hội, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của hội và không được bầu cử, ứng cử vào Ban lãnh đạo, ban Kiểm tra Hội.
3. Hội viên muốn xin ra khỏi Hội thì gửi đơn cho Ban Chấp hành Hội nơi hội viên sinh hoạt xem xét, quyết định.
Chương III
TỔ CHỨC CỦA HỘI LUẬT GIA TỈNH PHÚ THỌ
Điều 8. Hệ thống tổ chức của Hội
1. Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ được tổ chức từ tỉnh đến cơ sở gồm:
a) Hội Luật gia tỉnh;
b) Hội Luật gia huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Hội luật gia cấp huyện);
c) Chi hội Luật gia cơ sở.
2. Việc thành lập, phê duyệt điều lệ của Hội Luật gia ở địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định theo qui định của Pháp luật.
3. Việc thành lập Chi hội Luật gia cơ sở do Ban Thường vụ Hội luật gia cấp tỉnh quyết định thành lập.
Điều 9. Cơ quan lãnh đạo của các cấp Hội
1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội Luật gia tỉnh là Đại hội đại biểu toàn tỉnh. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp Hội luật gia là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên.
2. Đại hội cấp nào do Ban chấp hành cấp đó triệu tập. Đại hội được tiến hành khi có hai phần ba số đại biểu được triệu tập có mặt.
3. Giữa hai kỳ Đại hội, cơ quan lãnh đạo của các cấp Hội là ban Chấp hành do đại hội bầu ra.
4. Đại hội có thể họp bất thường khi có ít nhất hai phần ba số uỷ viên Ban chấp hành yêu cầu.
Điều 10. Bầu cử, công nhận Ban Chấp hành của Hội
1. Việc bầu cử uỷ viên Ban Chấp hành hội, Chi hội được tiến hành theo nguyên tắc bỏ phiếu kín. Số lượng uỷ viên Ban Chấp hành do Đại hội quyết định.
2. Ban Chấp hành Hội cấp dưới do Đại hội bầu ra phải được Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành Hội cấp trên trực tiếp công nhận
3. Trong trường hợp cần thiết, Ban Chấp hành Hội, Chi hội được quyền bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành, nhưng không được vượt quá 20% số lượng uỷ viên Ban Chấp hành đã được Đại hội quyết định.
Chương IV
CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CỦA CÁC HỘI LUẬT GIA CẤP TỈNH, HUYỆN VÀ CÁC CHI HỘI LUẬT GIA CƠ SỞ
Điều 11. Đại hội của các Hội luật gia cấp tỉnh, huyện và chi hội luật gia cơ sở
1. Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể của các Hội Luật gia cấp tỉnh, huyện và các Chi hội Luật gia cơ sở do Ban Chấp hành Hội, Chi hội cùng cấp triệu tập năm năm một lần.
Đại hội bất thường có thể được triệu tập khi có ít nhất hai phần ba số uỷ viên Ban Chấp hành Hội, Chi hội yêu cầu.
Nhiệm vụ của Đại hội
a) Thảo luận báo cáo của Ban Chấp hành về kết quả thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ vừa qua và quyết định phương hướng hoạt động của Hội, Chi hội nhiệm kỳ tới.
b) Bầu ban Chấp hành, ban Kiểm tra với số lượng uỷ viên do Đại hội quyết định.
c) Thảo luận văn kiện của Ban Chấp hành Hội cấp trên và bầu đại biểu đi dự đại hội cấp trên (nếu có).
d) Quyết định các vấn đề khác theo quy định của Điều lệ Hội.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh
1.Ban Chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Quyết định số lượng uỷ viên Ban Thường vụ Hội Luật gia cấp tỉnh; bầu bãi nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, uỷ viên Ban Thường vụ; Bầu bổ sung uỷ viên Ban Chấp hành; uỷ viên Ban Thường vụ; đề nghị bãi nhiệm uỷ viên Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp tỉnh;
b) Thành lập văn phòng và các ban chuyên môn của Hội Luật gia cấp tỉnh;
c) Xây dựng kế hoạch và chương trình hoạt động nhằm thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu luật gia toàn quốc, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương hội ; Ban thường vụ Trung ương hội và Nghị quyết Đại Hội Luật gia cấp tỉnh;
d) Thành lập, giải thể các Chi hội Luật gia trực thuộc và các ban chuyên môn của Hội Luật gia cấp tỉnh;
2. Ban Chấp hành Hội luật gia cấp tỉnh họp thường kỳ ba thành một lần và có thể họp bất thường khi có ít nhất hai phần ba số ủy viên Ban Thường vụ hoặc có ít nhất một phần ba ủy viên Ban Chấp hành yêu cầu.
Cuộc họp tiến hành có ít nhất hai phần ba số ủy viên Ban Chấp hành Hội tham gia.
Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ Hội Luật cấp tỉnh
1. Ban Thường vụ Hội Luật gia cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Cử Ban Thường vụ gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, ủy viên thư ký để điều hành hoạt động thường xuyên của Hội Luật gia cấp tỉnh;
b) Xây dựng kế hoạch và chương trình hoạt động của Hội Luật gia cấp tỉnh; phân công các Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách công tác của Hội; hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp tỉnh;
c) Quyết định công nhận việc thành lập tổ chức, công nhận Ban Chấp hành và kết nạp hội viên thuộc mình quản lý trực tiếp;
d) Khen thưởng, đề nghị khen thưởng tổ chức, hội viên luật gia của địa phương có thành tích xuất sắc;
đ) Quyết định xử lý kỷ luật đối với tổ chức, hội viên thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ Hội;
e) Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động theo định kỳ (ba tháng, sáu tháng, một năm) lên Trung ương Hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương.
2. Ban Thường vụ Hội Luật gia cấp tỉnh họp thường kỳ ba tháng một lần và có thể họp bất thường.
Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp huyện.
1. Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, ủy viên thường trực để điều hành hoạt động thường xuyên giữa các kỳ họp của Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp huyện; bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành; xem xét, đề nghị bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên Thường trực, ủy viên Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp huyện:
b) Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu cấp trên, Nghị quyết, quyết định của ban Chấp hành Hội cấp trên; thực hiện Nghị quyết Đại hội cấp mình.
c) Hướng dẫn kiểm tra hoạt động của các Chi hội Luật gia trực thuộc;
d) Khen thưởng, đề nghị Hội cấp trên khen thưởng tổ chức, hội viên, cán bộ thuộc quyền quản lý của mình có thành tích xuất sắc;
đ) Quyết định công nhận Chi Hội Luật gia trực thuộc; xử lý kỷ luật đối với Chi hội Luật gia trực thuộc hoặc hội viên Chi hội Luật gia trực thuộc vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội;
e) Báo cáo thường xuyên tình hình tổ chức và hoạt động của Hội lên Hội Luật gia cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan ở địa phương;
2. Ban Chấp hành Hội Luật gia cấp huyện họp thường kỳ ba tháng một lần và có thể họp bất thường.
Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành Chi hội Luật gia cơ sở
1. Ban Chấp hành Chi hội Luật gia cơ sở có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Lãnh đạo hội viên thực hiện nghị quyết, quyết định của Ban chấp hành Hội cấp trên, thực hiện các nhiệm vụ và quyền của hội viên theo quy định tại Điều 6 và Điều 7 của Điều lệ này;
b) Làm thủ tục đề nghị kết nạp hội viên theo quy định tại Điều 5 của Điều lệ này;
c) bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên; quan tâm,thăm hỏi, giúp đỡ hội viên;
d) Khen thưởng, đề nghị khen thưởng hội viên có thành tích; đề nghị xử lý kỷ luật đối với hội viên vi phạm pháp luật, Điều lệ Hội; xem xét, quyết định đối với đề nghị của Hội viên xin ra nhập khỏi hội;
đ) Báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động lên Ban Chấp hành Hội cấp trên trực tiếp theo quy định.
2. Ban Chấp hành Chi hội Luật gia cơ sở họp bất thường ba tháng một lần và có thể họp bất thường./.