day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh

HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH PHÚ THỌ

Tên hội: Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ

Đại hội lấn thứ: I.  Nhiệm kỳ: 2017-2022.  Năm Đại hội: 2017

Chủ tịch: Nguyễn Mạnh Thản.  Nam (nữ): Nam.  Điện thoại: 0982881 097

Phó Chủ tịch: Nguyễn Hồng Sơn.  Nam (nữ): Nam.  Điện thoại: 0978768888

Phó Chủ tịch: Phạm Gia Lý.  Nam (nữ): Nam.  Điện thoại: 0972966868

Phó Chủ tịch: Kiều Đức Thuận.  Nam (nữ): Nam.  Điện thoại: 0989555888

Phó Chủ tịch: Mai Thanh Chung.  Nam (nữ): Nam.  Điện thoại: 0913282886

Địa chỉ: SN 381a, đường Tiên Dung, Tiên Cát, Việt Trì, Phú Thọ.

Điện thoại: 

Email: manhthanaovu@gmail.com

ĐIỀU LỆ HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH PHÚ THỌ

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG: TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1: Tên gọi:

1.1. Tên tiếng Việt:      HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNHPHÚ THỌ

1.2. Tên tiếng Anh:     PHU THOPROVINCE’S BUSINESS ASSOCIATION

1.3. Tên viết tắt:                   PTBA

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích:

2.1. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ (gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức xã hội nghề nghiệp của các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

2.2. Hiệp hội là tổ chức tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh nhằm mục đích đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và đất nước.

2.3. Hiệp hội là đầu mối thúc đẩy và phát triển quan hệ cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh với các cơ quan quản lý nhà nước; thúc đẩy các quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học công nghệ với các tổ chức trong và ngoài nước trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.

2.4. Hiệp hội là tổ chức tập hợp sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh; là cầu nối cho sự hợp tác kinh tế giữa các Hội viên là doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế nhằm mục đích nâng cao khả năng sản xuất- kinh doanh, năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế.

2.5. Hiệp hội là tổ chức thành viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ  và vừa Việt Nam (VINASME)

Điều 3: Tư cách pháp nhân:

3.1. Hiệp hội có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản tại ngân hàng, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của Hiệp hội trước pháp luật.

3.2. Hiệp hội có biểu trưng riêng theo quy định của pháp luật.

Điều 4: Lĩnh vực và phạm vi hoạt động

4.1. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ, bảo vệtrong các hoạt động kinh doanh của Hội viên.

4.2. Hiệp hội có trụ sở tại tỉnh Phú Thọ, hoạtđộng trong phạm vi địa bàn tỉnh; được đăng ký hoạt động Chi nhánh, Văn phòng đại diện trong và ngoài nước.

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, PHƯƠNG THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA HIỆP HỘI

Điều 5. Chức năng của Hiệp hội

5.1. Hiệp hội đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của Hội viên trong quá trình hoạt động kinh doanh với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo pháp luật. Hoà giải việc tranh chấp giữa các Hội viên.

5.2. Thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, sự liên kết giữa các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp. Xúc tiến và hỗ trợ các hoạt động thương mại, đầu tư, liên kết, hợp tác, khoa học - công nghệ và các hoạt động sản xuất- kinh doanh khác của các doanh nghiệp ở Việt Nam và nước ngoài.

Điều 6. Nhiệm vụ của Hiệp hội:

A. Nhiệm vụ chung:

6.1. Tổ chức các diễn đàn, đối thoại, các cuộc tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước để trao đổi thông tin, ý kiến về các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

6.2. Tiến hành những hoạt động cần thiết để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong các quan hệ kinh doanh trong nước và ngoài nước.

6.3. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện theo luật pháp; nâng cao trách nhiệm xã hội, văn hoá doanh nghiệp; xây dựng quan hệ lao động hài hoà, bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động xã hội khác phù hợp với mục tiêu của Hiệp hội.

6.4. Liên kết-Hợp tác với các Hiệp hội khác trong và ngoài tỉnh, trong và ngoài nước, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các tổ chức khác phù hợp với mục đích của Hiệp hội.

6.5. Tiến hành các hoạt động xây dựng, quảng bá, nâng cao uy tín của doanh nghiệp; thúc đẩy các hoạt động hỗ trợ phát triển, hoạt động liên kết; cung cấp thông tin, hướng dẫn và tư vấn cho doanh nghiệp tổ chức nghiên cứu, khảo sát thị trường, hội nghị hội thảo, triển lãm, quảng cáo.... Tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư; đón tiếp các đoàn công tác của các tổ chức trong và ngoài nước tìm kiếm và tiếp cận môi trường đầu tư của tỉnh.

6.6. Hướng dẫn doanh nghiệpđăng ký và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ trong và ngoài nước.

6.7. Giúp các doanh nghiệpHội viên giải quyết bất đồng, tranh chấp thông qua thương lượng, hoà giải.

6.8. Tiến hành những nhiệm vụ khác nhằm thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích và chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội vì quyền lợi và sự phát triển của Hiệp hội và của các Hội viên.

B. Nhiệm vụ gắn với công tác quản lý nhà nước:

6.9. Tập hợp các ý kiến của Hội viên để phản ánh, kiến nghị và tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước các vấn đề về cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường hoạt động sản xuất- kinh doanh trong tỉnh.

6.10. Tham gia xây dựng và thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia các hội nghị, hội thảo, đoàn đàm phán trong và ngoài nước theo quy định.

6.11. Thực hiện các nhiệm vụ được uỷ quyền của Lãnh đạo tỉnh trong phát triển kinh tế, thương mại, quan hệ với các tổ chức phi Chính phủ và các tổ chức trong và ngoài nước.

6.12. Tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước cùng lãnh đạo tỉnh nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp trong tỉnh với các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

6.13. Tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấnđể phát triển nguồn nhân lực trong kinh doanh; tiến hành các chương trình khảo sát, điều tra, đánh giá về tình hình hoạt động, nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó tham mưu cho các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp.

6.14. Tham gia hoạt động bình chọn, tuyên dương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu hàng năm để khen thưởng, biểu dương cấp tỉnh, theo lĩnh vực; cấp quốc gia ( Phòng Thương mại và Công nghiêp Việt Nam-VCCI) hoặc quốc tế.

Điều 7. Quyền hạn của Hiệp hội:

7.1. Đại diện cho Hội viên trong các mối quan hệ có liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Hiệp hội.

7.2. Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Hiệp hội và Hội viên. Tổ chức phối hợp hoạt động giữa các Hội viên vì lợi ích cuả Hiệp hội, hoà giải tranh chấp trong nội bộ các doanh nghiệp của Hiệp hội.

7.3. Tham gia ý kiến vào các văn bản có liên quan tới hoạt động của Hiệp hội, kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề liên quan của Hiệp hội.

7.4. Tuyên truyền mục đích hoạt động của Hiệp hội.

7.5. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội.

7.6. Được lập và gây quỹ của Hiệp hội trên cơ sở hội phí của Hội viên và các nguồn tài trợ khác. Được nhận sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách khi thực hiện các hoạt động theo chức năng quản lý nhà nước giao. Được nhận các nguồn tài trợ hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

7.7. Khen, thưởng và đề xuất khen thưởng các Hội viên có thành tích với UBND tỉnh vào dịp 13 tháng 10 hàng năm (kỷ niệm ngày doanh nhân Việt Nam); các hoạt động khen thưởng khác theo chương trình cấp tỉnh, cấp quốc gia.

CHƯƠNG III

HỘI VIÊN, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA HỘI VIÊN

Điều 8. Hội viên:

A. Tiêu chuẩn Hội viên:

8.1. Tổ chức, cá nhân tán thành điều lệ của hiệp hội, tự nguyện tham gia, có đơn xin gia nhập và được Ban Thường trực đồng ýsẽ trở thành hội viên của Hiệp hội. Hội viên là các đối tượng dưới đây:

8.2. Doanh nghiệp, doanh nhân, các tổ chức sản xuất kinh doanh, thuộc mọi thành phần kinh tế (cả trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) đang hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc có trụ sở chính trên địa bàn tỉnhPhú Thọ (kể cả Chi nhánh, Văn phòng đại diện các địa phương khác trên địa bàn tỉnh).

8.3. Các chuyên gia, các tổ chức chuyên môn khác ở trong và ngoài nước có khả năng thực hiện các nhiệm vụ của Hiệp hội.

8.4. Các tổ chức, cá nhân có uy tín, có đóng góp đặc biệt vào việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Hiệp hội.

B. Thủ tục gia nhập hội: khi gia nhập Hiệp hội, Hội viên phải có hồ sơ gồm:

8.5. Đơn đăng ký gia nhập Hiệp hội (theo mẫu)

8.6. Bản sao hợp lệ Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

8.7. Tài liệu giới thiệu về tổ chức, doanh nghiệp, trích yếu về cá nhân.

Điều 9. Quyền lợi của Hội viên:

9.1. Nhận được sự hỗ trợ của Hiệp hội thông qua tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn hoặc dịch vụ trong sản xuất-kinh doanh. Nhận được sự giúp đỡ khi gặp rủi ro.

9.2. Được cung cấp thông tin về cơ chế, chính sách, luật pháp, kinh tế, thị trường, khoa học kỹ thuật và các thông tin khác.

9.3. Được tham gia các chương trình đào tạo khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, đào tạo khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề theo chương trình của trung ương và địa phương.

9.4. Được đảm bảo trước pháp luật khi quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Hội viên và các doanh nghiệp bị xâm hại.

9.5. Được tham gia thảo luận, đề xuất, kiến nghị các vấn đề thuộc cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan; được tham gia thảo luận, biểu quyết các công việc của Hiệp hội.

9.6. Được quyền ứng cử, đề cử vào các vị trí lãnh đạo của Hiệp hội.

9.7. Được xét khen thưởng, hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức liên quan khen thưởng tương xứng với các thành tích hoặc đóng góp.

9.8. Tham gia vào các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần và vật chất của Hội viên (tương trợ, thăm hỏi…).

Điều 10. Nghĩa vụ của Hội viên:

10.1. Chấp hành đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Điều lệ, quy chế, nghị quyết của Hiệp hội.

10.2. Tham gia các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hiệp hội.

10.3. Đoàn kết, hợp tác với các Hội viên trong Hiệp hội cùng thực hiện các mục tiêu chung của cộng đồng và vì lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp.

10.4. Tham gia các cuộc họp, thảo luận của Hiệp hội. Thông tin kịp thời về Hiệp hội hoặc Hội viên các nội dung liên quan đến công tác Hiệp hội hoặc Hội viên.

10.5. Đóng góp hội phí theo quy định của Hiệp hội.

Điều 11. Chấm dứt tư cách Hội viên:

Hội viên không còn tư cách Hội viên trong các trường hợp sau:

11.1. Doanh nghiệp bị đình chỉ hoặc chấm dứt hoạt động; giải thể hoặc phá sản.

11.2. Bị kết án hoặc mất quyền công dân.

11.3. Hội viên có nguyện vọng và có đơn xin rút khỏi Hiệp hội.

11.4. Vắng mặt 03(ba) kỳ họp liên tục không có lý do hoặc không đóng Hội phí 02 (hai)  năm liên tục theo quy định của Hiệp hội.

Điều 12. Hội phí:

12.1. Hội phí được đóng hàng  năm.

12.2. Mức thu phí được tính toán cụ thể căn cứ theo tình hình hoạt động, được công khai, thảo luận và thống nhất theo quy chế củaHiệp hội.

Điều 13. Tính kế thừa của Hội viên:

13.1. Pháp nhân mới được thành lập trên cơ cở  sáp nhập nhiều Hội viên hoặc chia tách, đổi mới hoặc sắp xếp lại doanh nghiệp, đã là Hội viên của Hiệp hội, nếu không có yêu cầu gì khác thì đương nhiên là Hội viên của Hiệp hội.

13.2. Hội viên của các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp thành viên hoặc là các đơn vị thành viên của các doanh nghiệp cấp trên mà doanh nghiệp đó đã hoặc chưa là Hội viên của Hiệp hội thì đều có thể trở thành Hội viên của Hiệp hội nếu tự nguyện gia nhập và được Ban Thường trực chấp thuận.

CHƯƠNG IV

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ HIỆP HỘI

Điều 14. Đại hội nhiệm kỳ, hội nghị thường kỳ và Đại hội bất thường:

14.1. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hiệp hội là Đại hội toàn thể hoặc Đại hội đại biểu.

14.2. Nhiệm kỳ Đại hội 5 năm.

14.3. Hội nghị thường kỳ được tổ chức hàng năm để đánh giá kết quả hoạt động của năm, xác định nhiệm vụ và phương hướng hoạt động của năm tới.

14.4. Đại hội bất thường được triệu tập khi ít nhất có 2/3 (hai phần ba) tổng số Uỷ viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số Hội viên chính thức đề nghị.

Điều 15. Nội dung chủ yếu quyết định tại Đại hội:

15.1. Đánh giá kết quả hoạt động của nhiệm kỳ trước.

15.2. Phương hướng hoạt động của Hiệp hội.

15.3. Bầu Ban lãnh đạo, Ban kiểm tra Hiệp hội.

15.4. Đổi tên Hiệp hội, sửa đổi Điều lệ (nếu có).

15.5. Gia nhập Liên hiệp các hội cùng hoặc khác lĩnh vực (nếu có).

15.6. Chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể Hiệp hội (nếu có).

15.7. Tài chính của Hiệp hội.

Điều 16. Nguyên tắc biểu quyết tại Đại hội:

16.1. Đại hội có thể biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Việc quy định hình thức biểu quyết được Đại hội quyết định.

16.2. Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được trên 50% (quá một nửa) đại biểu chính thức có mặt tại Đại hội tán thành.

Điều 17. Ban Chấp hành:

17.1. Ban Chấp hành do Đại hội nhiệm kỳ bầu ra, gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội và các Uỷ viên.

17.2. Ban Chấp hành là đại diện cho các Hội viên theo cơ cấu ngành nghề, cơ cấu khu vực hoặc địa bàn theo đề án nhân sựĐại hội quy định sau khi lấy ý kiến thống nhất tại Đại hội.

17.3. Ban Chấp hành họp 6 tháng/ một lần do Ban Thường vụ triệu tập, khi cần thiết lấy ý kiến các vấn đề của Hiệp hội, Ban Chấp hành có thể tổ chức họp bất thường.

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành:

18.1. Tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Đại hội.

18.2. Quyết định chương trình hoạt động, kế hoạch tài chính hàng năm của Hiệp hội.

18.3. Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Kiểm tra. Thông qua quy chế làm việc, nhiệm vụ các chức danh.

18.4. Thông qua báo cáo trình trước Đại hội.

18.5. Triệu tập Đại hội theo quy định của Điều lệ, quyết định xoá tên Hội viên khi Hội viên vi phạm nghiêm trọng pháp luật hoặc Điều lệ Hiệp hội.

18.6. Quyết định của Ban Chấp hành được thông qua khi có trên 50% (quá 1/2) Uỷ viên trong Ban Chấp hành nhất trí tán thành.

Điều 19. Ban Thường vụ:

19.1.  Ban Thường vụ là cơ quan quản lý và điều hành mọi hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành Hiệp hội.

19.2. Số lượng Ủy viên Ban Thường vụ không quá 1/3 số lượng Ban Chấp hành.

19.3. Ban Thường vụ họp 3 tháng/ một lần do Ban Thường trực triệu tập,quyết định của Ban Thường vụ được thông qua khi có trên 50% ý kiến tán thành. Khi cần thiết lấy ý kiến các vấn đề quan trọng của Hiệp hội, Ban Thường vụ có thể tổ chức họp bất thường do Chủ tịch Hiệp hội quyết định.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn Ban Thường vụ:

20.1.  Tổ chức thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành. Báo cáo trước Ban Chấp hành về việc thực hiện nhiệm vụ công tác của mình.

20.2. Chuẩn bị nội dung và báo cáo phục vụ cho các kỳ họp của Ban Chấp hành.

20.3. Phê duyệt Quy chế hoạt động của Ban Thường vụ và Ban Thường trực Hiệp hội.

20.4. Phê chuẩn việc thành lập các cơ quan chuyên môn và các tổ chức trực thuộc Hiệp hội.

 

20..5. Phê duyệt quyết toán tài chính hàng năm của Hiệp hội. Thông qua kế hoạch và báo cáo tài chính hàng năm của Hiệp hội trình Ban Chấp hành.

Điều 21. Ban Thường trực:

21.1. Ban Thường trực do Ban Chấp hành bầu ra từ các Uỷ viên Ban Chấp hành gồm có Chủ tịch, các Phó Chủ tịch. Số lượng Ban Thường trực không quá ½ số lượng Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội.

21.2. Ban Thường trực là cơ quan thường trực, chỉ đạo, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Hiệp hội, của Ban Chấp hành, của Ban Thường vụ.

21.3. Ban Thường trực họp 01 tháng/một lần, quyết định của Ban Thường trực được thông qua khi có trên 50% ý kiến tán thành. Họp Thường trực bất thường do Chủ tịch Hiệp hội quyết định.

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường trực:

22.1. Tổ chức chỉ đạo thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ.

22.2. Hướng dẫn các Chi hội, các đơn vị trực thuộc và các Hội viên hoạt động.

22.3. Chuẩn bị chương trình nội dung hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Đại hội.

22.4. Quản lý và sử dụng tài chính, tài sản của Hiệp hội theo quy định của Điều lệ, nghị quyết của Đại hội, nghị quyết cuả Ban Chấp hành và theo quy định của pháp luật.

22.5. Xem xét, đề nghị Ban Chấp hành,Ban Thường vụ khen thưởng, kỷ luật đối vớiHội viên. Đề nghị nhà nước khen thưởng Hội viên.

22.6. Trình Ban Chấp hành,Ban Thường vụ xem xét quyết định nhân sự và chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức trực thuộc.

22.7. Tổ chức thăm hỏi Hội viên và gia đình Hội viên (theo quy chế của Hiệp hội), quyết định các hoạt động từ thiện (theo nghị quyết của Đại hội).

Điều 23. Ban Kiểm tra:

23.1. Ban Kiểm tra được đại hội nhiệm kỳ bầu ra, gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Uỷ viên.

23.2. Trưởng ban được bầu tại Đại hội phải là Uỷ viên Ban Thường vụ của Hiệp hội. Chức danh Phó Trưởng ban phải là Uỷ viên Ban Chấp hành được bầu tại Hội nghị Ban Chấp hành họp kỳ đầu tiên sau Đại hội.

Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Kiểm tra:

24.1. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện điều lệ, nghị quyết của Đại hội và Ban Chấp hành.

24.2. Giám sát kiểm tra hoạt động tài chính của Hiệp hội.

24.3. Kiến nghị với Ban Chấp hành các hình thức kỷ luật đối với Hội viên, các uỷ viên Ban Kiểm tra được mời tham dự các cuộc họp Ban Chấp hành, nhưng không được tham gia biểu quyết.

24.4. Giải quyết các khiếu nại và tố cáo của Hội viên (trong phạm vi Hiệp hội).

24.5. Báo cáo trước Đại hội về kết quả hoạt động, phương hướng hoạt động của công tác kiểm tra.

Điều 25. Đơn vị trực thuộc:

Hiệp hội có các Chi hội cơ sở (hoặc đơn vị trực thuộc) tại các địa phương, sinh hoạt theo địa phương hoặc khu vực; Chi nhánh, Văn phòng đại diện trong nước và ngoài nước.

Điều 26. Bộ máy điều hành hoạt động:

26.1. Chủ tịnh Hiệp hội do Ban Chấp hành bầu ra, là người đứng đầu Ban Chấp hành, là người đại diện chính thức cho Hiệp hội trước pháp luật. Có trách nhiệm lãnh đạo mọi hoạt động cuả Hiệp hội theo thẩm quyền.

26.2. Các Phó Chủ tịch do Ban Chấp hành bầu ra, được phân công phụ trách theo lĩnh vực hoặc một số công việc cụ thể. Thay mặt Chủ tịch giải quyết công việc khi được ủy quyền.

26.3.Tổng thư ký do Ban Thường trực đề cử trình Chủ tịch Hiệp hội quyết định.

Tổng thư ký hoạt động theo Quy chế Hiệp hội ban hành; điều hành công việc của Văn phòng Hiệp hội, giúp Ban Thường trực,Ban Thường vụ và Chủ tịch giải quyết công việc hằng ngày; giúp Ban Thường trực,Ban Thường vụ và Chủ tịch điều phối hoạt động của các Ban chuyên môn, các tổ chức trực thuộc. Tổng thư ký có chức năng, nhiệm vụ sau:

26.4.  Tổ chức thực hiện nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Thường trựcHiệp hội;

26.5.Quản lý sử dụng con dấu, tài sản, tài chính của Hiệp hội theo quy định của Điều lệ và nghị quyết của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Ban Thường trực.

CHƯƠNG V

TÀI CHÍNH CỦA HIỆP HỘI

Điều 27. Các nguồn thu:

27.1. Hội phí do Hội viên đóng góp.

27.2. Tài trợ của Hội viên là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Hiệp hội.

27.3. Hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (nếu có).

Điều 28. Các khoản chi:

28.1. Chi tiền lương, phụ cấp cho bộ máy quản lý (có quy chế cụ thể).

28.2. Văn phòng phẩm, mua sắm tài sản (nếu có).

28.3. Chi phí hội nghị, hội thảo, tập huấn hoạt động dịch vụ tư vấn.

28.4. Thăm hỏi Hội viên và gia đình Hội viên.

28.5. Đóng góp xã hội từ thiện và các khoản khác.

CHƯƠNG VI

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 29. Khen thưởng:

29.1. Hội viên có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, trong xây dựng Hiệp hội, chấp hành đầy đủ chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, tùy theo thành tích được Hiệp hội khen thưởng và đề xuất các cơ quan, đơn vị các cấp khen thưởng.

29.2. Các đơn vị, cá nhân ngoài tổ chức Hiệp hội có đóng góp quan trọng cho Hiệp hội được xem xét khen thưởng hàng năm.

Điều 30. Kỷ luật:

30.1.Người lợi dụng danh nghĩa Hiệp hội để hoạt động trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nghiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

30.2. Hội viên vi phạm pháp luật, điều lệ, nghị quyết của Hiệp hội làm ảnh hưởng đến uy tín, gây thiệt hại về vật chất của Hiệp hội, được xem xét và có hình thức kỷ luật phù hợp.

CHƯƠNG VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 31. Hiệu lực thi hành:

31.1. Điều lệ Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Phú Thọ gồm 7 chương, 30 điều, được đại hội thông qua ngày.....tháng..11 .năm 2017.

31.2. Điều lệ có giá trị thực hiện kể từ ngày có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh.

31.3. Điều lệ chỉ được sửa đổi tại Đại hội đại biểu hoặc toàn thể sau khi được Đại hội có ý kiến thông qua. Điều lệ sửa đổi, bổ sung chỉ có giá trị thực hiện sau khi được UBND tỉnh phê duyệt.

31.4. Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức hướng dẫn, triển khai thực hiện Điều lệ này./.