day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, sáng kiến, giải pháp gắn với hoạt động thực tiễn

“Nghiên cứu khoa học là hoạt động khám phá, phát hiện, tìm hiểu bản chất, quy luật của sự vật, hiện tượng tự nhiên, xã hội và tư duy; sáng tạo giải pháp nhằm ứng dụng vào thực tiễn. Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được cơ sở công nhận, có tính mới, đã được áp dụng và mang lại lợi ích thiết thực”.

Hoạt động nghiên cứu khoa học giúp ích trong việc tiếp cận và vận dụng các phương pháp nghiên cứu khoa học; củng cố, mở rộng kiến thức, tiếp cận những thông tin mới liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu; nâng cao khả năng phân tích, tổng hợp; phát triển và rèn luyện kỹ năng tư duy sáng tạo, kỹ năng thuyết trình; rèn luyện năng lực làm việc độc lập và làm việc theo nhóm; thiết lập các mối quan hệ phối hợp… Nghiên cứu khoa học có thể giúp giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cộng đồng và xã hội, mang lại lợi ích cho nhiều người. 

Quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới" và Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới". Những năm vừa qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và hướng dẫn nghiệp vụ công tác hội của Hội Luật gia Việt Nam, các tổ chức Luật gia trong tỉnh đã tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, gắn kết chặt chẽ công tác hội với nhiệm vụ của cơ quan, của ngành và địa phương. Hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác được tăng cường và đạt kết quả thiết thực, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các lĩnh vực công tác. 

Cụ thể: Công tác nghiên cứu khoa học của các Luật gia trong cơ quan khối nội chính tỉnh và cấp huyện (Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, tư pháp…) được quan tâm chỉ đạo triển khai thường xuyên, đạt được kết quả đáng ghi nhận. Các đề tài nghiên cứu khoa học và sáng kiến, giải pháp đều gắn chặt chẽ với hoạt động thực tiễn, phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Hội Luật gia tỉnh, Hội Luật gia các huyện, thành, thị, Chi hội Luật gia các sở, ban, ngành đã triển khai thực hiện thành công một số đề tài, nhiệm vụ khoa học; tổ chức được nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, phổ biến các kết quả nghiên cứu, sáng kiến và kinh nghiệm thực tiễn. Điểm nổi bật là các tổ chức Hội và hội viên đã chủ động nghiên cứu, tích cực tham mưu cho lãnh đạo cơ quan đề xuất với Sở Khoa học và Công nghệ phê duyệt đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở; đồng thời trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh để phục vụ công tác chuyên môn; điển hình là các đề tài: "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng thi hành án phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, có tiền án trên địa bàn tỉnh Phú Thọ"; "Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, đề xuất các giải pháp thực thi hiệu quả nguyên tắc bình đẳng, dân chủ trong quá trình tranh tụng tại các phiên toà hình sự nhằm nâng cao chất lượng xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay"; "Đánh giá thực trạng, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án"; "Nghiên cứu giải pháp nâng cao kiến thức, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ Hòa giải viên ở cơ sở "… Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Hội Luật gia tỉnh đã thực hiện hoàn thành 2 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở: "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh" và "Nghiên cứu, đề xuất giải pháp xây dựng và duy trì bền vững cấp xã đạt "Chuẩn tiếp cận pháp luật" đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Phú Thọ".  

Trong công tác nghiên cứu khoa học và sáng kiến giải pháp, Chi hội Luật gia Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh là đơn vị tích cực triển khai đạt hiệu quả cao. Lãnh đạo VKSND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích các Luật gia nghiên cứu khoa học pháp lý và đề xuất sáng kiến, giải pháp phục vụ công tác kiểm sát. Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, yêu cầu công tác, Chi hội Luật gia VKSND tỉnh và các Chi hội Luật gia VKSND cấp huyện tích cực hưởng ứng triển khai thực hiện. Hằng năm, bình quân mỗi đơn vị có từ 2 đến 5 sáng kiến, giải pháp hữu ích. Riêng năm 2024, VKSND tỉnh thực hiện hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học: “Công tác kiểm sát thi hành án hình sự tại tỉnh Phú Thọ - Thực trạng và giải pháp”. Kết quả đã được Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá đạt xuất sắc và triển khai áp dụng vào công tác của VKSND hai cấp trong tỉnh có hiệu quả.     

Nhìn chung các đề tài, nhiệm vụ khoa học, sáng kiến giải pháp của các ngành, các tổ chức Luật gia đều xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Các giải pháp đưa ra đều có tính khả thi, được áp dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả thiết thực; qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đồng thời tăng cường phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị về "Tăng cường lãnh đạo công tác bảo đảm an ninh quốc gia trong tình hình mới"; Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới" và Chương trình hành động số 07-CTr/TU, ngày 24/02/2011 của Tỉnh uỷ Phú Thọ thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW của Bộ Chính trị.  

Đ/c Hồ Đình Lưỡng, Ủy viên Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh trao tặng Bằng khen của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam cho Hội Luật gia tỉnh

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội Luật gia các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hội trong thời gian tới, mỗi tổ chức Hội và hội viên cần quán triệt, thực hiện tốt Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới" và Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 30/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới". Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, không ngừng trau dồi, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, nắm chắc hiểu sâu pháp luật, tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng công tác, có phương pháp làm việc khoa học, sáng tạo, linh hoạt; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm; tham gia tích cực vào quá trình xây dựng ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật trong xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin pháp luật, ý thức thượng tôn pháp luật của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. 

Chú trọng nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý. Tích cực nghiên cứu khoa học, đề xuất sáng kiến, giải pháp gắn với hoạt động thực tiễn; tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, giám sát việc thi hành pháp luật. Củng cố, phát triển tổ chức hội và hội viên, xây dựng đội ngũ Luật gia có phẩm chất đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, nhiệt tình tâm huyết, "giỏi chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý... Mỗi Luật gia là một tuyên truyền viên pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống và hướng về cơ sở". Phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, là chỗ dựa pháp lý tin cậy của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân; góp phần xây dựng tỉnh Phú Thọ giàu đẹp, văn minh, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.