day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ

Với những giá trị nổi bật toàn cầu, ngày 24/11/2011, Hát Xoan - Phú Thọ của Việt Nam đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại tại Hội nghị lần thứ 6 của Ủy ban liên Chính phủ về Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO tổ chức tại Bali - Indonesia.

Hiện nay, nghệ thuật Hát Xoan đang mai một theo thời gian vì nhiều lí do. Để bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hát Xoan, ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian tiến hành nghiên cứu sưu tầm, biên tập xuất bản 6.000 đĩa CD, VCD và 3.000 cuốn sách Hát Xoan Phú Thọ; 12.000 tập gấp song ngữ Hát Xoan; 1.700 cuốn sách, 1.400 đĩa DVD phục vụ giảng dạy Hát Xoan trong các trường tiểu học và THCS trên địa bàn toàn tỉnh… Tuy nhiên, trong công cuộc cách mạng số hiện tại, các tư liệu giảng dạy này không thực sự thu hút được giáo viên và học sinh. Vì vậy ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng bảo tồn và phát huy di sản này. Câu hỏi đặt ra là giải pháp nào đưa những tư liệu, học liệu về Hát Xoan đến gần hơn, dễ tiếp cận hơn, hấp dẫn hơn, tiện dụng hơn đối với chương trình dạy học Hát Xoan trong nhà trường nói riêng, và với giới trẻ cũng như với mọi người nói chung. Công nghệ số là chiếc chìa khóa mở giải quyết triệt để vấn đề trên. Và một kênh học liệu thiết bị số với nội dung hát Xoan là nhu cầu cấp thiết của không ít cá nhân, đơn vị đồng thời cũng là giải pháp hiệu quả cho việc bảo tồn và phát huy di sản Hát Xoan Phú Thọ.

Tại Việt Nam, công nghệ số bắt đầu “xâm nhập” lĩnh vực bảo tồn di sản thông qua việc số hóa các di tích, di sản văn hóa phi vật thể phục vụ việc lưu trữ. Thời gian gần đây, công nghệ cao bắt đầu được ứng dụng nhiều hơn, nhờ đó đã xuất hiện bảo tàng ảo, di tích ảo thông qua công nghệ thực tế ảo; rồi phim 3D, 4D và sự ra đời của công nghệ 3D vừa hỗ trợ công tác bảo tồn, vừa giúp công nghệ thực tế ảo đạt tầm cao mới; hệ thống thuyết minh tự động, hệ thống dữ liệu di sản được kết nối, chia sẻ, trích xuất ngày càng hiện đại…

Xuất phát từ thực tế trên cô giáo Đinh Thị Huệ, giáo viên trường THCS Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh đã nghiên cứu công trình: “Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Hát Xoan Phú Thọ” do cô làm trưởng nhóm. Công trình với mục tiêu quảng bá, lan tỏa nghệ thuật Hát Xoan đến công chúng gần xa, ứng dụng công nghệ, sử dụng các nền tảng như youtube, zalo, meet... trong đó sử dụng kênh youtube của Nhà trường là chủ yếu để tổ chức các buổi giao lưu với các Câu lạc bộ Hát Xoan của các trường học và với những đơn vị với khoảng cách địa lí ở xa...

Giao lưu trực tuyến Hát Xoan Phú Thọ và múa rối nước Thái Bình

Trong quá trình thực hiện công trình, nhóm nghiên cứu nhận thấy hiện tượng khán giả không có thời gian đi xem trực tiếp, hoặc ngồi xem tại vị trí xa thì khó quan sát, vị trí gần quá thì dễ mất đi tính nghệ thuật. Để khắc phục hạn chế này, nhóm nghiên cứu đã thực hiện phương án sử dụng kĩ thuật livestream lên màn hình lớn vừa giúp khán giả theo dõi được chương trình biểu diễn, vừa gây hứng thú cho người xem qua đó góp phần đưa nghệ thuật Hát Xoan đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là những người chưa có điều kiện đến với Phú Thọ.

Bên cạnh đó, TikTok là một nền tảng mạng xã hội rất phổ biến cho phép người dùng tạo, xem và chia sẻ các video ngắn đa dạng các chủ đề khác nhau. Với đặc điểm thích ngắn gọn, thích xem lười đọc của giới trẻ hiện nay, ứng dụng này ngay lập tức thu hút sự chú ý của người xem.

Ngoài ra, các phần mềm, ứng dụng khác trong kĩ thuật chỉnh sửa video cụ thể như: Camtasia Studio là ứng dụng quay phim, ghi lại các video trên màn hình đồng thời giúp người dùng tạo và chỉnh sửa các video chất lượng cao để lưu trữ trên CD-ROM và các thiết bị cầm tay, hoặc chia sẻ dễ dàng trên các mạng xã hội do TechSmith phát hành; Capcut là một ứng dụng dùng để chỉnh sửa, cắt ghép video miễn phí, đơn giản, chuyên nghiệp bằng các công cụ hỗ trợ như thêm sticker động vào video đơn giản, chỉnh tốc độ phát lại nhanh chậm dễ dàng; Iriunwebcam là công cụ hỗ trợ chất lượng hình ảnh cao với độ phân giải lên đến 4K giúp biến thiết bị thông minh thành webcam phục vụ livetream trực tiếp rõ nét hơn; Kinemaster là một ứng dụng chỉnh sửa video chuyên nghiệp có đầy đủ các tính năng hỗ trợ cắt ghép, chỉnh sửa video, thêm ảnh, hiệu ứng, lồng tiếng đặc biệt ưu việt hơn các ứng dụng khác ở cách tạo văn bản trong video.

Để video thêm sinh động, hấp dẫn người theo dõi đặc biệt là các em nhỏ, nhóm nghiêm cứu tiếp tục sử dụng phần mềm camtasia để chỉnh sửa hiệu ứng hình ảnh, âm thanh mang lại một sản phẩm nghệ thuật tốt nhất đến người xem mà không làm phân tán sự chú ý của người xem.

Theo cô Huệ: “Đối với khán giả trẻ, ngoài việc giữ vững các giá trị truyền thống của nghệ thuật Hát Xoan, trong quá trình biểu diễn người nghệ nhân còn phải pha trộn được những nét mang “màu sắc âm hưởng” dân gian, hiện đại trong bài vũ đạo. Đó cũng đang là hướng đi của nhiều môn nghệ thuật ngày nay”.

Cô giáo Đinh Thị Huệ (đứng thứ 2) từ trái sang nhận giải Ba tại Lễ Tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2024

Còn theo thầy giáo Cao Hữu Tài, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Phú, huyện Phù Ninh thành viên nhóm công trình nghiên cứu cho biết: “Thực tế cho thấy qua một số chương trình biểu diễn của nhóm đã thu hút được số lượng lớn người xem. Tuy nhiên để lan toả nhiều hơn nữa tình yêu nghệ thuật hát Xoan đến đông đảo mọi người, nhóm nghiên cứu đã sử dụng một số kênh truyền thông phổ biến hiện nay như youtube của Nhà trường để đưa các nội dung video biểu diễn Hát Xoan lên không gian mạng, sau một thời gian, đã có một số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trong cả nước quan tâm và đã có một số trường gửi thư mời hợp tác nhằm thực hiện các chương trình giáo dục STEM và cùng tham gia bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể của đất nước”.

Công trình của nhóm đã đạt được các tiêu chí như: Đã có tính mới trong ứng dụng công nghệ số trên các nền tảng mạng xã hội; tính sáng tạo của công trình mang lại chi phí thấp, áp dụng được các kiến thức đã học trong nhà trường, tạo điều kiện cho các Câu lạc bộ Hát Xoan của nhiều địa phương xa khoảng cách địa lý vẫn có thể giao lưu, học hỏi, cùng nhau chung tay giữ gìn và phát huy giá trị Di sản văn hóa của dân tộc. Công trình có khả năng áp dụng tại địa phương và một số trường học trong và ngoài tỉnh. Công trình mang lại hiệu quả góp phần bảo tồn, quảng bá, phát triển du lịch và phát huy giá trị của Di sản Hát Xoan Phú Thọ.

Tại lễ tổng kết và trao giải Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Thọ năm 2024, Công trình nghiên cứu “Ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa Hát Xoan Phú Thọ” đã đoạt giải Ba thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin.