day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Năm, 23/02/2017, 10:00 (GMT+7)
Hiện trạng
Năm 2016, tỉnh Phú Thọ đã tập trung chỉ đạo, điều hành hoàn thành đạt và vượt 16/17 chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,12% so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người đạt 33,2 triệu đồng; thu ngân sách đạt gần 4.396 tỷ đồng, tăng 11,1% so kế hoạch và tăng 16,7% so với năm 2015. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục duy trì phát triển về quy mô, mạng lưới theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng; công tác an sinh xã hội được tăng cường, đời sống nhân dân được bảo đảm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,44% (giảm 1,6%), tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 85%, tăng 4,5% so với năm 2015... Đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 1 huyện và 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nằm trong tốp đầu của các tỉnh trung du miền núi phía Bắc (Theo Đ/c Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, 04/12/2016).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, sau gần 2 năm đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, toàn tỉnh đã phát triển 25 vùng sản xuất lúa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn và 14 vùng sản xuất rau an toàn, với diện tích khoảng 1.400 ha; 19 dự án thuộc chương trình Nông nghiệp cận đô thị của 9 huyện, thị được triển khai có hiệu quả.
Nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, diện tích gieo cấy các giống lúa lai, lúa chất lượng cao ngày càng được mở rộng, các biện pháp áp dụng thâm canh cải tiến, gieo sạ, mạ ném cũng được áp dụng rộng rãi. Nhiều địa phương đã đẩy mạnh liên kết sản xuất hàng hóa, xây dựng vùng nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, sản xuất rau màu theo hướng an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
Cùng với cây lương thực, nhiều diện tích chè giống cũ được thay thế bằng các giống chè năng suất chất lượng cao, áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nâng tỷ lệ chè giống mới đạt 71% tổng diện tích. Cây ăn quả được chú trọng quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng phát huy các cây trồng có thế mạnh như bưởi Đoan Hùng, bưởi Diễn, hồng Hạc Trì, hồng Gia Thanh, chuối tiêu hồng... tiến tới xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, nhờ đẩy mạnh tái cơ cấu, ngành chăn nuôi ở tỉnh cũng đã dần phát triển hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi nông hộ an toàn và bền vững; trong đó các giống vật nuôi chủ lực như lợn ngoại, lợn hướng nạc, gia cầm thịt, gia cầm trứng; duy trì nâng cao chất lượng đàn trâu, đàn bò và các giống vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Sản xuất thủy sản cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ các giống thủy sản đặc sản, thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá Lăng, nheo, chiên, trắm đen được đưa vào nuôi trồng ngày càng tăng.
Mục tiêu:
Từ nay đến 2020, tỉnh Phú Thọ phấn đấu, duy trì tốc độ tăng bình quân của ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 4,5%/năm, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên 2,5 lần so với hiện nay, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo nông thôn dưới 5%, phấn đấu có 50% xã đạt và cơ bản đạt chuẩn xã nông thôn mới, tỷ lệ che phủ rừng đạt 51%, đồng thời 100% tỷ lệ dân nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.
Chiến lược:
- Để tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh Phú Thọ đang lập quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp và quy hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; điều chỉnh quy hoạch phát triển thủy lợi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành đảm bảo phù hợp thực tế, phát huy tiềm năng lợi thế của các địa phương, gắn kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm và phát triển bền vững.
- Tập trung khai thác hiệu quả các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao giá trị sản phẩm gắn với thị trường tiêu thụ. Các địa phương tiếp tục rà soát, xác định lợi thế, thế mạnh sản xuất nông nghiệp của từng địa phương để có định hướng chỉ đạo phát triển phù hợp phát huy hiệu quả các chính sách địa phương... Trong đó, tỉnh tập trung nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn toàn tỉnh; triển khai có hiệu quả chương trình Nông nghiệp cận đô thị, tiến tới hình thành, phát triển các khu Nông nghiệp ứng dụng CNC.
- Hiện nay, tỉnh đang tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển Nông nghiệp, nông thôn; đồng thời đưa ra nhiều cơ chế ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực Nông nghiệp nông thôn, nông dân; đẩy mạnh vận động thu hút đầu tư công, các nguồn vốn đầu tư nước ngoài đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất nông nghiệp; đồng thời đổi mới cơ chế, thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho nông dân và các đối tác kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; mở rộng đối tượng được hưởng hỗ trợ từ các chính sách của tỉnh…
- Gần đây, nhân chuyến thăm và làm việc với tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Phú Thọ là cửa ngõ vùng Tây Bắc và nằm trong quy hoạch vùng thủ đô, có hệ thống giao thông thủy, bộ thuận lợi... nên cần phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển nhanh và bền vững, thực sự trở thành trung tâm vùng Trung du Miền núi phía Bắc; đảm nhận tốt vai trò cửa ngõ phía Tây Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, đóng góp hiệu quả vào chiến lược liên kết phát triển các vùng mà Phú Thọ được quy hoạch.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng gợi ý tỉnh Phú Thọ cần tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và thu hút thêm nhiều dự án đầu tư lớn vào nông nghiệp. Cùng với đó cần chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường; quan tâm đến đời sống của người dân, đặc biệt là khu vục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tiếp tục xã hội hóa các nguồn lực đầu tư; sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả...
Như chúng ta đã biết, Nông nghiệp Phú Thọ, năng suất còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có đặc trưng sản phẩm nông nghiệp, tính liên kết chưa rõ nét. Hạ tầng khu công nghiệp chưa đồng bộ, chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Đô thị hóa còn chậm; số doanh nghiệp hợp tác xã kiểu mới còn thấp; doanh thu về du lịch còn hạn chế...
Khi chúng ta thấy được những lợi thế, khó khăn và có nhận thức đúng đắn về chiến lược phát triển, việc đề ra các giải pháp đột phá có hiệu quả là yêu cầu cấp bách.
Giải pháp:
1. Cần xác định được một số mặt hàng chủ lực để ưu tiên phát triển
- Xây dựng thương hiệu gạo hạt tròn (Japonica) xuất khẩu sang Nhật, Đài Loan và Hàn Quốc… trên cơ sở các giống ĐS1, ĐS3, J02… giá từ 1000-1200 USD/tấn.
- Xây dựng thương hiệu Chè Trung du cho tỉnh Phú Thọ. (Xác định giống chè chủ lực, Quy trình kỹ thuật canh tác chè theo VietGap, GlobalGap… Quy trình công nghệ chế biến chè cao cấp về chè đen, chè xanh, chè Ôlong… Phấn đấu trong tương lai gần, kim ngạch xuất khẩu chè của tỉnh đạt trên 1 tỷ USD năm.
- Xây dựng thương hiệu Bưởi Đoan Hùng, Hồng không hạt Hạc Trì, hồng Gia Thanh để xuất khẩu sang thị trường Úc, Mỹ và Châu Âu.
- Xây dựng thương hiệu sản phẩm rau Sắng Xuân Sơn (Vườn Quốc gia Xuân Sơn).
- Xây dựng khu du lịch Nông nghiệp (Xây dựng Bảo tàng thiên nhiên cây bản địa trên cơ sở Vườn quốc gia Xuân Sơn và Công viên Văn Lang)…
- Xây dựng thương hiệu đặc sản- gà nhiều cựa, cá lăng Phú Thọ…
2. Yếu tố khoa học công nghệ
Nhiều ý tưởng, giải pháp vẫn chỉ dừng ở mức độ phong trào, hô hào chung chung; ai cũng biết rằng để khắc phục một nền Nông nghiệp số lượng, nền Nông nghiệp cơ bắp, nền Nông nghiệp gia công, ngoài các giải pháp bắt buộc về quản trị Nông nghiệp - yếu tố doanh nghiệp, thể chế nông thôn (hình thức tổ chức sản xuất), tăng cường nguồn lực cho nông nghiệp thì yếu tố khoa học công nghệ phải được coi là giải pháp đột phá - KHCN phải trở thành động lực trực tiếp để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới, giải pháp KHCN cho Nông nghiệp Việt Nam cần tập trung vào những vấn đề gì?
- Trước hết cần thống nhất các khái niệm cơ bản về công nghiệp nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiện đại… phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh nhà. Không nên quan niệm công nghệ cao là phải tự động hóa toàn bộ các khâu sản xuất và công nghệ sau thu hoạch, hoặc sử dụng các thiết bị cao cấp, đắt tiền, công nghệ điện toán đám mây…Nông nghiệp CNC là giải pháp công nghệ để giảm giá thành sản xuất (đầu vào), tăng giá trị sản phẩm cuối cùng, thân thiện với môi trường, đảm bảo đầu ra ổn định và đảm bảo tăng lợi nhuận cho người sản xuất mà chủ thể là người nông dân.
- Trong sản xuất Nông nghiệp, ngoài các yếu tố về cơ sở hạ tầng, việc cung cấp đầy đủ vật tư nông nghiệp như giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật đúng quy chuẩn, chống tệ nạn giống dởm, phân giả, thuốc trừ sâu độc hại… để xây dựng được thương hiệu và sản phẩm độc đáo của Tỉnh, cần giải quyết khâu đột phá về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học và các nguồn gen cây con bản địa của Phú Thọ.
- Điều kiện tiên quyết để có sản phẩm xây dựng được thương hiệu thì yếu tố giống là quyết định: ví dụ Thanh long là mặt hàng xuất khẩu chính của rau quả nước ta, nhưng để có thương hiệu thì giống thanh long ruột đỏ hoặc thanh long ruột tím là nhân tố chính để xây dựng thương hiệu. Có hàng vài chục giống bưởi, nhưng chỉ có giống bưởi da xanh là có thương hiệu, hoặc Sầu riêng hạt lép Chín Hóa…Có hàng trăm giống lúa, nhưng cho đến nay chưa có thương hiệu gạo quốc gia của Việt Nam. Vậy Phú Thọ cần lựa chọn các giống cây con đặc thù là gì? Giống chè mới, Bưởi Đoan Hùng; Hồng Hạc Trì, rau Sắng Xuân Sơn, gà nhiều cựa…?
- Để chọn tạo được các giống lúa chất lượng cao, rau, hoa và cây ăn quả cao cấp, cần thay đổi quan điểm về chọn tạo giống mới chỉ dựa vào các Viện, Trường thuộc Nhà nước. Những năm gần đây tỷ lệ giống mới do các doanh nghiệp khoa học công nghệ, doanh nghiệp ngoài Nhà nước, những nhà khoa học đã nghỉ hưu và những người nông dân ngày chiếm tỷ lệ cao (Theo Số liệu của WB, 2015);
- Nguồn nhân lực: Ngoài lực lượng cán bộ kỹ thuật của các sở ban ngành của tỉnh; cần tận dụng lực lượng của trường Đại học Hùng Vương, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, sử dụng tối đa các nhà khoa học ngoài nhà nước, kể cả các kiều bào, thu hút các chuyên gia cao cấp từ trung ương... đưa việc giáo dục Kỹ thuật Nông nghiệp vào các trường phổ thông, tăng cường vị thế của các trường đào tạo nghề, đào tạo công nhân nông nghiệp lành nghề, phát động phong trào toàn dân ứng dụng và phổ biến khoa học và công nghệ trong nông nghiệp;
- Phát huy tối đa vai trò tư vấn, phản biện và phổ biến KHCN nông nghiệp của Liên hiệp các Hội KH&KT của tỉnh, Hội đồng KHCN tỉnh và các chi hội nghề nghiệp, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ…
- Cần có cuộc cách mạng trong thông tin KHCN. Hiện nay bộ phận nào của tỉnh chịu trách nhiệm thông tin hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, hàng quý, hàng năm về các tiến bộ khoa học mới nhất trong nông nghiệp của thế giới, của Việt Nam, đặc biệt là các mô hình hiệu quả của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp của các địa phương trong cả nước? Cần có số điện thoại nóng, địa chỉ Email của Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách nông nghiệp; của Giám đốc sở NN&PTNT, các Trưởng phòng NN&PTNT của các huyện, thị... để rút ngắn khoảng cách giữa tư lệnh ngành với nông dân, các doanh nhân và các nhà khoa học.
3. Yếu tố quản lý
Cần nâng cao trình độ tổ chức sản xuất nông nghiệp của các cán bộ quản lý nông nghiệp từ trung ương đến địa phương. Chưa có trường, lớp đào tạo các Giám đốc Sở Nông nghiệp, Trưởng phòng nông nghiệp của các huyện, thị, Chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, Giám đốc doanh nghiệp Nông nghiệp.
Với sự lãnh đạo sáng suốt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và UBND các cấp, với niềm tin sâu sắc vào sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam, cùng sự đồng lòng của toàn xã hội, từ các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người nông dân, đặc biệt là những công nhân nông nghiệp hiện đại, Phú Thọ sẽ phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng Trung du miền núi phía Bắc như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17 đã đề ra, trong tương lai gần, thu nhập của nông dân sẽ tăng gấp 5-10 lần hiện nay, đó là niềm hạnh phúc của mọi người, trong đó có đội ngũ Trí thức đất Tổ.