day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Sáu, 21/08/2015, 10:00 (GMT+7)
1. Phát triển kinh tế đối ngoại là động lực và sách lược quan trọng hàng đầu để đột phá phát triển trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Hiện nay trên thế giới đang tồn tại 2 xu thế phát triển đối lập nhau:
i) Thế giới tiến tới phẳng hơn nhờ các dòng chảy vĩ đại mang tính toàn cầu của tri thức, công nghệ, tiền tệ.
ii) Thế giới phân cực, chia rẽ sâu sắc hơn với các rào cản thương mại và đầu tư ở các mức độ và quy mô khác nhau.
Thế giới tiến tới phẳng hơn là xu thế tất yếu, chủ đạo, một trào lưu mang tính toàn cầu, tiến bộ, phù hợp với xu hướng phát triển văn minh của nhân loại. Xu thế này đã hình thành và phát triển mạnh mẽ nhờ các thành tựu KH-CN vĩ đại nhất của nhân loại và nhu cầu phát triển thông qua thương mại tự do. Sự bùng nổ của các cuộc cách mạng công nghiệp đã tạo ra những thế năng khổng lồ cho sự vận động toàn cầu, nó đòi hỏi sự phá vỡ các rào cản biên giới và từ đó, tạo ra những dòng chảy vĩ đại, thông suốt toàn cầu, làm đổi mới thế giới. Đó là 3 dòng chảy cơ bản của tri thức, công nghệ, tiền tệ với sức mạnh công phá chưa từng thấy. Kèm theo chúng là dòng chảy hàng hóa, nguyên liệu, lao động, du lịch, văn hóa... Dòng chảy đó đã làm cho một số quốc gia mới nổi giàu lên nhanh chóng về mọi phương diện. Điển hình trước đây là sự vươn lên của các con rồng châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Singapore) và gần đây nhất là Trung Quốc. Trung Quốc sau “cách mạng văn hóa” là một nước rất nghèo, lạc hậu, khủng hoảng, chia rẽ nhiều mặt. Nhưng với chính sách mở cửa, Trung Quốc đã được hưởng ngọn gió lành từ thế giới văn minh. Dòng chảy tri thức, công nghệ và tiền tệ đã tràn ngập các khu kinh tế mở ở Trung Quốc. Ngọn gió đó đã mang đến cho Trung Quốc những thành tựu mới nhất của nhân loại văn minh về KHCN, công nghiệp, thương mại, giáo dục và các dịch vụ khác. Trung Quốc đã được hưởng lợi rất lớn từ nhân loại. Nhờ có sức mạnh của văn minh nhân loại và lao động thông minh, cần cù của nhân dân, Trung Quốc đã từ một nước yếu kém nhiều mặt, nhanh chóng vượt lên thành một cường quốc. Một số thành phố, khu công nghiệp, viện nghiên cứu và các trường đại học ở Trung Quốc đã đạt các tầm tiên tiến của châu Âu và Mỹ. Không có hội nhập quốc tế, không thể có sự phát triển đột phá ở nhiều địa phương và các quốc gia. Do vậy, quan hệ kinh tế đối ngoại cần phải được xem xét như một nhân tố hàng đầu trong chính sách phát triển của quốc gia và của mỗi địa phương.
Các Hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) giữa các nước và nhóm các nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy 3 dòng chảy tri thức, công nghệ và tiền tệ. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), hiện trên thế giới có khoảng gần 400 Hiệp định FTA song phương, đa phương có hiệu lực. Thông tin từ Bộ Tài chính trong cuộc họp báo chiều 3/6/2015 cho biết, đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương và đang chuẩn bị ký TPP.
Bên cạnh dòng chảy thương mại tự do, giữa các nước và các phe trục kinh tế còn có sự phân cựu và mâu thuẫn gay gắt. Những rào cản thương mại được dựng lên. Các quyết định cấm vận làm nhiều quốc gia thiệt hại hàng trăm tỷ USD. Các liên minh Kinh tế - Chính trị ra đời tạo ra nguy cơ và thách thức đối với quốc gia này và tạo ra vận hội cho nhóm các quốc gia khác. Chưa bao giờ như hiện nay, nước ta đã hội tụ được những đầu mối quan hệ quốc tế rộng rãi, sâu sắc và thuận lợi như hiện nay. Với hàng loạt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, Việt Nam đã thực sự đặt mình vào dòng chảy toàn cầu. Thắng hay thua trong cuộc hòa nhập trong dòng chảy vĩ đại này là một cuộc thử thách cam go và hào hùng đối với năng lực trí tuệ của toàn dân tộc, của mỗi bộ ngành, của mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và mỗi người Việt Nam. Làm sao các dòng chảy tri thức, công nghệ, tiền tệ, hàng hóa, lao động và thông tin được điều hành chính xác và thông minh. Mỗi quốc gia, mỗi tỉnh, mỗi ngành cần “một chiếc gậy chỉ huy” để điều hành các dòng chảy của nền văn minh vào địa phương mình. Ta có thể gọi đó là “chiếc gậy chỉ huy dòng chảy toàn cầu”. Nó đóng vai trò một công trình sư của nhà máy thủy điện điều khiển dòng thác nước đổ chính xác vào các rotors phát điện, và từ đó, làm sáng rỡ đất nước và quê hương.
Các hiệp định thương mại tự do cũng mở ra cơ hội chưa từng có để nước ta thực thi sách lược “Đứng trên vai những người khổng lồ” với mục tiêu “trở thành người khổng lồ” trong một số lĩnh vực ưu thế quốc gia. Mọi quá trình tổ chức sản xuất và sản xuất đều phải xuất phát từ những thành tựu mới nhất của trong nước và quốc tế về vật liệu và quy trình công nghệ, đạt tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng, năng suất, hiệu quả và khả năng tiếp cận thị trường. Việc săn lùng thị trường và các quan hệ thị trường trong nước và quốc tế; cuộc săn lùng các bí quyết công nghệ và các thương hiệu hàng hóa đẳng cấp là một cuộc ganh đua của khát vọng phát triển của mỗi quốc gia, mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp và HTX. Thắng hay thua phụ thuộc vào sự “lựa chọn” các nguồn lực quốc tế và các lợi thế bản địa, khả năng tổ chức của hệ thống chính trị để biến các thế “năng phát triển” thành các động lực phát triển.
Trong điều kiện tỉnh Phú Thọ, theo tôi việc tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, giao lưu quốc tế, đổi mới cơ chế chính sách kinh tế phải được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Trong đó hoạt động của Sở Ngoại vụ và một số sở ngành liên quan cần được đổi mới về cơ cấu nguồn nhân lực, phương thức tổ chức và hoạt động. Mục tiêu là phải giảm thiểu mọi rào cản đối với các dòng chảy tri thức, công nghệ, tài chính vào tỉnh nhà, đồng thời phải chuyển hóa các nguồn lực đó thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị thương mại toàn cầu. Nếu thiếu các động lực từ kinh tế đối ngoại, tỉnh sẽ khó khăn trong cạnh tranh phát triển do thiếu những nguồn lực mang tính đột phá.
Nhà nước đã mở cửa hết mức bằng việc ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do. Phát triển quan hệ kinh tế đối ngoại cần được xem là quốc sách hàng đầu của mỗi địa phương. Sách lược “đứng trên vai những người khổng lồ” phải được xem là sách lược chủ đạo để “trở thành người khổng lồ” ở một số các lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh.
2. Đổi mới phương thức sản xuất là cấp bách và không thể lẩn chốn.
Đổi mới phương thức sản xuất nhỏ, manh mún, tự cung, tự cấp kiểu phong kiến sang phương thức sản xuất lớn, tập trung là yếu tố quyết định đối với thắng lợi của hội nhập phát triển.
Phương thức sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta hết sức lạc hậu, mang nặng tính phong kiến. Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp là chính, công cụ sản xuất lạc hậu. Mỗi gia đình có nhiều mảnh ruộng ở nhiều cánh đồng khác nhau, mỗi mảnh ruộng bằng chiếc chiếu manh. Mỗi nông hộ cày cuốc trên mảnh đất bằng manh chiếu, mỗi nhà trồng cấy một loại giống, theo một quy trình kỹ thuật tùy tiện, chất lượng sản phẩm khó kiểm soát, quy mô sản phẩm nhỏ, hàng hóa không có thương hiệu, giá trị thương mại kém. Đó là “Nền nông nghiệp chiếu manh”, phổ biến ở nước ta, nhất ở các vùng trung du và ĐBSH, nơi đất chật, người đông. Phương thức sản xuất “nông nghiệp chiếu manh” hoàn toàn đối lập với định hướng nông nghiệp công nghiệp hóa và kinh tế thị trường. Từng bước đổi mới phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn là cấp bách. Nếu chậm trễ, đến năm 2020-2030 thật khó nói rằng nước ta về cơ bản đã trở thành nước công nghiệp, trong khi khoảng 70% dân số vẫn đang ở tình trạng nông nghiệp lạc hậu.
Tỉnh Phú Thọ đã đi đầu đột phá trong “khoán 10”, thực chất là đổi mới phương thức sản xuất cho phù hợp với trình độ sản xuất và quản lý kinh tế thời kỳ đó. Nhưng “khoán 10” đến nay đã hết tác dụng và thậm chí đang là lực cản cho phát triển trong giai đoạn hiện nay. Phú Thọ có thể một lần nữa mở đầu đổi mới thể chế kinh tế nông nghiệp ở nước ta.
Nhà nước ta đã quy hoạch hàng nghìn các khu công nghiệp và đô thị rất lớn. Tuy nhiên, chưa hề thấy một khu quy hoạch nông nghiệp công nghiệp hóa nào mang tầm thời đại. Mặc dù nông nghiệp là một lĩnh vực đầu tư khó khăn nhất, nhiều rủi do nhất. Nhưng chính lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có thể là thế mạnh của nước ta nói chung và của tỉnh Phú Thọ nói riêng. Tỉnh nên bắt đầu với quy hoạch và xây dựng một số các dự án nông nghiệp theo hướng công nghiệp.
3. Đề xuất một số định hướng phát triển nông nghiệp theo hướng công nghiệp ở Phú Thọ
i) Phát triển sản xuất rau quả và các sản phẩm nông nghiệp tinh hoa
Trong thập kỷ qua, thương mại rau quả toàn cầu đã tăng trưởng đáng kể. Theo cơ sở dữ liệu của Liên Hiệp quốc “ComTrade database”, thương mại trái cây và rau quả trên thế giới tăng từ 90,0 tỷ USD năm 2000 lên 218 tỷ USD vào năm 2010 và chiếm gần 21% (1phần 5) tổng giá trị thương mại nông nghiệp toàn cầu. Ở Mỹ, trái cây và rau quả nhập khẩu và xuất khẩu tăng hơn gấp đôi về giá trị trong mấy năm gần đây, trong đó nhập khẩu đạt 22,9 tỷ USD và xuất khẩu đạt 15,7 tỷ USD, tương đương với khoảng 26 % tổng nhập khẩu và 13 % tổng xuất khẩu nông sản của cả nước (Nguồn: Growth in U.S. and Global Horticultural Trade http://www.ers.usda.
gov/amber-waves/2013-april/free-trade-agreements-new-trade-opportunities-for-horticulture.aspx#.VF9vTocaySN). Ở EU, rau quả chiếm 18% tổng giá trị của toàn bộ sản xuất nông nghiệp, nhưng chỉ sử dụng 3% diện tích đất canh tác. Trái cây và rau quả đóng vai trò quan trọng trong xã hội ngày nay và là một phần quan trọng của một chế độ ăn uống lành mạnh.
Phú Thọ có thể lấy kinh nghiệm của 2 nước Israel và Hà Lan để quyết định chính sách đầu tư, đặc biệt là đầu tư cho sản xuất rau hoa quả và nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tinh hoa. Israel và Hà Lan là 2 quốc gia đặc thù, có diện tích canh tác trên đầu người thấp (tương tự như ở nước ta), trong khi điều kiện thiên nhiên vô cùng khó khăn đối với phát triển nông nghiệp. Israel hầu như không có tài nguyên thiên nhiên, đất đai khô cằn, nghèo kiệt, 60% là sa mạc, lượng mưa ít, khan hiếm nước ngọt. Diện tích, dân số Israel bằng đúng diện tích và dân số của 2 tỉnh Thanh hóa và Nghệ An công lại. Tuy nhiên, Israel đã lựa chọn để trở thành nước xuất khẩu rau hoa quả và nông nghiệp hữu cơ với sự điều tiết quan trọng của Nhà nước về thị trường. Hà Lan xét về dân số, diện tích nông nghiệp tương đương với ĐBSH. Điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Hà Lan khó khăn gấp bội so với ĐBSH. Hà Lan có 9 tháng nhiệt độ trung bình tháng rất thấp, dưới 15oC, chỉ có ba tháng nhiệt độ trung bình trên 15oC. Nhiệt độ dưới 15oC được xem là nhiệt độ mà cây trồng ngưng quá trình sinh trưởng. Tuy nhiên, Hà Lan đã trở thành nước xuất khẩu nông nghiệp đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Hoa Kỳ liên tục các năm gần đây (2011, 2012, 2013, 2014). Năm 2014, xuất khẩu nông nghiệp Hà Lan đạt 80,7 tỷ Euro, tăng hơn năm 2013 (79.0 tỷ euro), trong đó rau hoa quả chiếm 39.0 % tổng xuất khẩu nông nghiệp. Hà Lan đứng đầu về xuất khẩu hoa, cây cảnh, chiếm 2/3 sản lượng toàn cầu.
Thực tế sản xuất và xuất khẩu ở Hà lan và Israel cho thấy 2 nước này hầu như không có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nhưng đã thành công ngoạn mục. Vai trò quan trọng ở đây là quyết sách đầu tư khác biệt của Nhà nước dựa trên sự phân tích thị trường tinh sảo và đầu tư cho sản xuất các sản phẩm tinh hoa. Mặt khác, chuỗi sản xuất khép kín từ đồng ruộng đến thị trường dựa trên công nghệ tiếp thị và công nghệ sản xuất cao, có sức cạnh tranh mạnh mẽ. Vấn đề quyết sách đầu tư của quốc gia là hết sức quan trọng. Nước ta nói chung và Phú Thọ nói riêng, có điều kiện rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, lại nằm trong vùng kinh tế năng động nhất trên thế giới. Các thị trường xung quanh Phú Thọ và nước ta đông dân và tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tầng lớp trung lưu ở nước ta, khu vực ASEAN, Trung Quốc, Châu Á, Thái Bình Dương phát triển nhanh nhất toàn cầu. Nhu cầu về các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao tăng trưởng hết sức nhanh chóng; trong khi sản xuất đang thiếu hụt nghiêm trọng các sản phẩm an toàn, chất lượng cao và có thương hiệu tin cậy.
ii) Mô hình sản xuất nông nghiệp “con thuyền lớn tiến ra biển lớn”.
Một cánh đồng rộng lớn chỉ sản xuất một giống lúa, một số chủng loại rau quả cao cấp, theo một quy trình canh tác, cơ giới hóa toàn bộ các khâu làm đất, gieo trồng, chăm sóc, bảo quản và chế biến chất lượng cao. Chúng tôi gọi các mô hình tổ chức sản xuất như là “mô hình con thuyền lớn tiến ra biển lớn”, tiến tới thị trường quốc tế và nông nghiệp hiện đại. Trên con thuyền này, doanh nghiệp là người cầm cờ đứng ở mũi thuyền, “đứng mũi chịu sào”, chịu sóng gió của thị trường và đảm đương hiệu quả kinh tế của cả hệ thống. Người nông dân góp ruộng đất và lao động, tạo nên con thuyền lớn, không có sự tham gia của họ, con thuyền không tồn tại. Lợi ích kinh tế, xã hội của cả hệ thống là động cơ của con thuyền lớn đó. Nếu được nông dân ủng hộ, con thuyền sẽ tiến về phía trước. Đảng, chính quyền đứng ở bánh lái, đóng vai trò quyết định trong liên kết hệ thống, hỗ trợ cho doanh nghiệp liên kết với hàng trăm nông hộ để tổ chức sản xuất; hỗ trợ, giúp đỡ, bảo lãnh cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn, thiên tai, dịch bệnh hoặc giải quyết các tranh chấp giữa doanh nghiệp và người dân. Trên con thuyền này, các nhà khoa học (bao gồm khoa học gia kinh tế và khoa học gia công nghệ) sẽ là người tư vấn cho cả doanh nghiệp, nông dân và chính quyền. Nhân vật quan trọng nữa, nhân vật thứ 5 trên con thuyền này có lẽ phải là nhà tài chính ngân hàng. Ngân hàng phải ra mặt trận sản xuất để đầu tư, “tưới tiền” vào các hạt mầm sản xuất đang lên, các định hướng sản xuất tiên tiến và có triển vọng thị trường, thay vì ngồi trong nhà để “xiết cổ” người vay bằng cầm cố và thế chấp.
Mô hình “con thuyền lớn” sẽ là con đường phát triển nông nghiệp công nghiệp hóa, bền vững, ở đó nông dân không lo bị tước đoạt ruộng đất (do phải bán ruộng, tích điền), không bị nguy cơ “vô sản hóa” khi mất ruộng đất, khi bị thất nghiệp do mất việc làm ở đô thị. Với việc đưa giống mới, công cụ và công nghệ sản xuất cơ giới hóa, mô hình “con thuyền lớn” sẽ có sức thu hút rất lớn đối với nông dân, giải phóng họ ra khỏi các quá trình sản xuất nặng nhọc, rút ngắn thời gian lao động của họ trên đồng ruộng, cho gia đình họ nhiều thời gian hơn để tham gia công nghiệp và dịch vụ, tăng thu nhập gia đình.
Trong tương lai, cần tổ chức tập đoàn các “con thuyền lớn” tiến ra biển lớn, đó là thị trường quốc tế.
Tóm lại, phát triển kinh tế đối ngoại và đổi mới phương thức sản xuất là động lực và sách lược quan trọng hàng đầu để đột phá phát triển, trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là khai thác thế năng của 3 dòng chảy của Tri thức, Công nghệ, Tiền tệ ở quy mô toàn cầu vào các lĩnh vực sản xuất và thương mại thế mạnh ở nước ta. Chưa bao giờ chúng ta có điều kiện hội nhập và phát triển thuận lợi như hiện nay. Để hội nhập và phát triển nhanh, bền vững, mang tính đột phá, tỉnh Phú Thọ nên đặc biệt quan tâm phát triển các dự án sản xuất và thương mại theo định hướng công nghiệp. Đổi mới phương thức sản xuất, đổi mới kinh tế đối ngoại và tư duy thị trường sắc sảo sẽ giúp “Đất tổ Hùng Vương” trở thành một trong các trung tâm văn minh phát triển của cả nước trong thời đại hội nhập.