day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Năm, 17/10/2024, 03:00 (GMT+7)
Giống Gà HAH-VCN được công nhận tiến bộ kỹ thuật theo quyết định số 21/QĐ-CN-KHTC ngày 26 tháng 2 năm 2014 của Cục trưởng Cục Chăn nuôi, là kết quả lai giữa gà H’Mông và gà Ai Cập. Giống gà trên được Trung tâm Thực nghiệm bảo tồn vật nuôi thuộc Viện Chăn nuôi nghiên cứu, lai tạo thành công và đã chuyển giao cho nhiều địa bàn tỉnh trong cả nước như Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên.... Gà HAH - VCN được coi là giống gà đặc sản hướng thịt, có những đặc tính vượt trội so với gà bố mẹ; có khả năng sinh trưởng, sinh sản và thích nghi tốt hơn con thuần, nhưng vẫn giữ được phẩm chất thịt đen, da đen và phủ tạng đen, chất lượng thịt thơm ngon phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Quyết định số 4653/QĐ-BNN-CN ngày 10/11/2015 của Bộ NN&PTNT về Quy trình thực hành tốt cho chăn nuôi gà tại Việt Nam. Quy định này khuyến khích áp dụng để chăn nuôi an toàn nhằm ngăn ngừa và hạn chế các rủi ro từ các mối nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến sự an toàn, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, môi trường, sức khoẻ, an toàn lao động và phúc lợi xã hội cho người lao động.
Việc đưa giống gà HAH-VCN có chất lượng cao phát triển trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và áp dụng quy trình thực hành tốt cho chăn nuôi gà theo VietGAHP sẽ cung cấp cho thị trường sản phẩm có chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Thực hiện hợp đồng số 124.2.24/HĐKN ngày 15/4/2024 giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trường Đại học Hùng Vương về việc thực hiện dự án khuyến nông Trung ương giai đoạn 2024 - 2026; Quyết định số 212/QĐ-KN-KHTC ngày 25/07/2024 của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về việc điều chỉnh nội dung và kinh phí dự án khuyến nông trung ương thực hiện năm 2024. Trường Đại học Hùng Vương đã triển khai dự án: “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà HAH-VCN chứng nhận VietGAHP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ quy mô 8000 con với 4 hộ chăn nuôi tham gia tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Dự án nhằm mục tiêu xây dựng được vùng nguyên liệu gà đặc sản tập trung, truy xuất nguồn gốc, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.
Từ nguồn ngân sách nhà nước, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 70% và đối ứng 30% giá trị về con giống, thức ăn, vắc xin, chế phẩm sinh học và hóa chất sát trùng. Các hộ chăn nuôi được đào tạo, tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi gà HAH-VCN theo tiêu chuẩn VietGAHP trước khi vào mô hình. Dự án cũng đã cử các cán bộ chỉ đạo kỹ thuật mô hình hướng dẫn, theo dõi, giám sát các hộ chăn nuôi thực hiện quy trình chăn nuôi theo VietGAHP. Đồng thời, dự án cam kết bao tiêu 100% sản phẩm của mô hình.
Những kết quả chính đã đạt được của dự án cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ giống, vật tư mô hình:
Trường Đại học Hùng Vương đã tổ chức mua con giống, vật tư theo đúng quy định hiện hành, thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh qua mạng đấu thầu quốc gia, xây dựng kế hoạch lựa chọn các nhà thầu đảm bảo chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu kỹ thuật của dự án. Từ nguồn ngân sách nhà nước, các hộ chăn nuôi được hỗ trợ 70% và đối ứng 30% giá trị về con giống, thức ăn, vắc xin, chế phẩm sinh học và hóa chất sát trùng. Nhà trường đã phối hợp với UBND xã Mỹ Thuận tổ chức cấp phát con giống, vật tư đảm bảo về số lượng và chất lượng cho các hộ chăn nuôi tham gia dự án.
- Cung cấp 8.000 gà HAH-VCN (gồm cả NSNN và đối ứng) cho 04 hộ tham gia mô hình dự án. Gà con được nhập từ 01 ngày tuổi đạt tiêu chuẩn loại I. Gà giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, khỏe mạnh, nhanh nhẹn, không dị hình, không dị tật, có đầy đủ giấy kiểm dịch theo quy định.
- Cung cấp 31.360 kg thức ăn (được hỗ trợ từ NSNN); cung cấp 56.000 liều vắc xin; 400 kg chế phẩm sinh học và 40 lít hóa chất sát trùng đậm đặc tương đương 4000 lít hóa chất sát trùng pha loãng cho các hộ chăn nuôi đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật (vắc xin, chế phẩm sinh học, hóa chất sát trùng bao gồm cả ngân sách nhà nước và đối ứng).
2. Xây dựng mô hình: Xây dựng thành công 01 mô hình chăn nuôi gà HAH-VCN quy mô 8.000 con tại khu Chóc, xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn với 4 hộ dân tham gia. Sau 16 tuần tuổi, đàn gà phát triển tốt với tỷ lệ nuôi sống cao > 97%; đàn gà có ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh khối lượng trung bình xuất chuồng > 1,7 kg/con; FCR < 3,4 kg TĂ/kg tăng khối lượng. Quá trình theo dõi cho thấy, giống gà HAH-VCN dễ nuôi, thích nghi rất tốt với điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ với năng suất cao. Mô hình được đánh giá đạt hiệu quả kinh tế cao hơn >10% so với chăn nuôi đại trà. Đồng thời, dự án đã tuyên truyền nhân rộng mô hình đạt trên 15% so với quy mô dự án.
- Dự án đã hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP. Việc áp dụng chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là biện pháp hữu hiệu đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát và ngăn ngừa những tác nhân gây bệnh ảnh hưởng tới chăn nuôi. Kết quả: Mô hình đạt chứng nhận 01 chứng nhận VietGAHP theo Quyết định 78387-24/QĐ-NHONHO ngày 7/10/2024, mã số giấy chứng nhận: VietGAHP-CN-23-01-25-0002 ngày 7/10/2024. Các hộ chăn nuôi đã theo dõi, ghi chép và quản lý chặt chẽ quá trình chăn nuôi từ nguồn gốc con giống đầu vào, quản lý các yếu tố thức ăn, nước uống, quản lý dịch bệnh, chất thải chăn nuôi… Từ đó truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
- Kết quả kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm thịt gà HAH-VCN đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 12429-3:2021. Dự án đã thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết các hộ chăn nuôi, ký kết 01 hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu ra sản phẩm ổn định, chăn nuôi an toàn và phát triển bền vững.
3. Đào tạo, tập huấn:Dự án tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà HAH-VCN theo tiêu chuẩn VietGAHP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trong và ngoài vùng dự án.
- Tổ chức thành công 01 lớp tập huấn trong mô hình cho 10 hộ chăn nuôi tại xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn. Kết quả: 100% học viên tiếp thu tốt, nắm được kỹ thuật chăn nuôi gà HAH-VCN chứng nhận VietGAHP và áp dụng vào mô hình chăn nuôi.
- Tổ chức 02 lớp tập huấn nhân rộng mô hình (30 người/lớp) cho người dân trên địa bàn các xã, thị trấn: Thị trấn Thanh Sơn, Xã Địch Quả, xã Võ Miếu, xã Văn Miếu, xã Hương Cần, xã Thắng Sơn của huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Kết quả: 60/60 học viên (100%) nắm được kỹ thuật chăn nuôi gà HAH-VCN theo VietGAHP, trong đó ≥ 70% học viên được xếp loại khá, giỏi.
4. Thông tin tuyên truyền đầy đủ các hoạt động, kết quả của dự án thông qua cấp phát 05 biển báo mô hình, cấp phát 3.000 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Để tuyên truyền nhân rộng mô hình, dự án đã tổ chức thành công 01 cuộc tham quan hội thảo với 40 người dân tham gia từ các xã Thạch Kiệt, Văn Luông, Minh Đài, Tân Phú của huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Dự án đã tuyên truyền tiến bộ kỹ thuật của mô hình và hiệu quả mô hình cho người dân huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, viết bài đưa tin về dự án trên Website của đơn vị chủ trì và của địa phương về các hoạt động và kết quả dự án.
Dự án áp dụng quy trình chăn nuôi theo VietGAHP đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố đầu vào từ con giống, thức ăn, thuốc thú y… đến việc tổ chức thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi, ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng đến an toàn sinh học trong chăn nuôi, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng. Sản phẩm gà đặc sản HAH-VCN đã khẳng định được chất lượng, có giá bán cao hơn và đầu ra ổn định hơn so với chăn nuôi không thực hiện theo quy trình VietGAHP. Đây là điểm sáng để dự án tiếp tục lan tỏa, tuyên truyền, nhân rộng mô hình đến các hộ chăn nuôi. Những kết quả của dự án đã tác động tích cực tới nhận thức của người dân địa phương về đối tượng gà đặc sản HAH-VCN, về phát triển chăn nuôi tập trung hàng hóa theo chuỗi liên kết, đồng thời mang nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.