day
,
00
/
month
/
0000
Tiếng Việt
English
Thứ Năm, 20/08/2015, 03:00 (GMT+7)
Nông nghiệp và tư duy chiến lược
Chúng ta đang tái cơ cấu nền nông nghiệp nhưng nông nghiệp của ta hiện nay đang gặp khó. Cả nước có 47% lao động nông nghiệp nhưng đóng góp cho GDP chỉ 18%. Năng suất nông nghiệp vì thế đang thấp, lại không ổn định. Vậy cần phải thay đổi chiến lược như thế nào?
Trong xu thế hội nhập hiện nay khi cánh cửa mở rộng ra thế giới thì lợi thế của Việt Nam so với các nước chính là nông nghiệp. Hiện nay, 60 triệu trong tổng số 90 triệu người dân nước ta sống ở nông thôn (67%).Vậy phải đặt nền nông nghiệp ở vị trí số một. Khi đã xác định vị trí số một thì lĩnh vực nông nghiệp không chỉ là trách nhiệm riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mà còn liên quan đến nhiều bộ, ngành: Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ….
Khi đã có tư duy mới về chiến lược thì sẽ có thay đổi chính sách chuyển dịch về nguồn vốn đầu tư công trong nông nghiệp, thay đổi về mô hình tổ chức, mô hình quản lý, phải sản xuất lớn thì mới hiện đại hóa nền nông nghiệp.
Như vậy cần vai trò điều tiết vĩ mô cho nên phải có một sự thay đổi tư duy thì mới tái cơ cấu nông nghiệp thành công được. Nói chung quá trình tái cơ cấu nền nông nghiệp vừa qua chúng ta đã khởi động, có hướng đi nhưng mà chưa đạt được như mong muốn.
Mô hình cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã kiểu mới
Hợp tác xã kiểu mới là mô hình đi vào sản xuất lớn, đi vào sự liên kết và từ đó giúp chúng ta có thể ứng dụng được những giống mới, có thể đưa khoa học công nghệ, cơ giới hóa vào và có thể nghiên cứu được thị trường. Cần có sự liên kết để có bộ phận lo sản xuất, bộ phận lo đầu ra, bộ phận lo đầu vào, bộ phận nghiên cứu và dự báo. Như vậy mô hình này sẽ tổng hợp được sức mạnh tổng hợp.
Vậy cần cơ chế, giải pháp nào để tái cơ cấu nông nghiệp thành công?
Giải pháp khoa học công nghệ và tổ chức sản xuất
Ngoài việc các cơ quan, ban, ngành tích cực tuyên truyền, giải thích, động viên bà con mở rộng áp dụng các mô hình về cánh đồng lớn, HTX kiểu mới. Để hiện đại hóa nền nông nghiệp, quan trọng là phải có các tiến bộ khoa học công nghệ xứng tầm, sản phẩm Quốc gia và phổ biến, chuyển giao kịp thời cho người nông dân có cơ hội tiếp xúc với những mô hình đó. Ví dụ, Hội Nông dân ở địa phương có thể đưa nông dân đến khu vực có hợp tác xã kiểu mới để cho họ học tập những bài học. Cho người ta nhìn thấy những thành quả cụ thể thì sẽ có tác dụng.
Giải pháp khoa học công nghệ
- Tập hợp và huy động toàn bộ nguồn nhân lực KHCN hiện có của đất nước: Thông qua LHH KHKTVN, từ các Viện, học viện, các trường Đại học, các doanh nghiệp KHCN, kiều bào, nguồn nhân lực không giới hạn lứa tuổi, ngành nghề… Huy động các kỹ sư, các nhà quản lý trẻ về nông thôn-coi đây là tiêu chí để lựa chọn cán bộ nguồn trong tất cả các lĩnh vực.
- Tạo lập các tổ chức, các nhóm liên kết, các nhà sáng chế để thực hiện các chương trình, dự án, đề án KHCN để tạo ra các sản phẩm, ngành hàng Quốc gia, xây dựng thương hiệu mạnh các sản phẩm Nông-Lâm-Ngư nghiệp Việt Nam. Trọng tâm giải quyết đầu vào cho nông nghiệp: Giống mới, ứng dụng CNC, kỹ thuật canh tác hiện đại, công nghệ sau thu hoạch, chủ động nguồn phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…
- Liên kết KHCN với mô hình tổ chức sản xuất.Ví dụ XK lúa gạo, rau quả, tự túc thức ăn chăn nuôi… Con số thống kê của Bộ Công thương về tình hình sản xuất, tiêu thụ rau quả cho biết, cả nước hiện có khoảng 845 nghìn ha rau các loại, cho sản lượng hàng năm khoảng 14,5 triệu tấn. Trong đó, đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long là hai vùng sản xuất rau lớn nhất nước. Đối với cây ăn quả, hiện cả nước có khoảng 700 nghìn ha cây ăn quả, cho sản lượng hàng năm khoảng 7 triệu tấn quả các loại.
Kim ngạch xuất khẩu rau quả trong 5 năm qua tăng trưởng ở mức cao, bình quân 26,5% mỗi năm, từ 439 triệu USD trong năm 2009 lên gần 1,1 tỷ USD vào năm 2013. Số liệu của Bộ Công thương cũng cho biết, 3 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 368 triệu USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2014. Rau quả Việt Nam đã được xuất đi trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc (trong đó có Đài Loan), Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, Hàn Quốc, Indonesia, Hà Lan, Thái Lan và Singapore.
Để có thể bước chân vào thị trường Hoa Kỳ, các sản phẩm trái cây của Việt Nam cần phải đạt được những điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm, những tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất, bao bì, đóng gói, xử lý dịch bệnh… Tương tự, tại thị trường Australia, điều kiện để vào được thị trường này cũng rất khắt khe. Theo đó, Australia đã đưa ra 5 quy định khá rõ ràng đối với trái vải xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ nhất, về vùng trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP).
Thứ hai, cơ sở đóng gói phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số.
Thứ ba, bao bì và ghi nhãn phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm...
Thứ tư, xử lý chiếu xạ.
Thứ năm, về kiểm dịch lô vải xuất khẩu phải được kiểm dịch thực vật đáp ứng yêu cầu nhập khẩu của Austraylia…
Như vậy, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa KHCN và tổ chức liên kết sản xuất.
Kiến nghị các Chính sách ưu đãi KHCN
1. Đổi mới các tổ chức KHCN, cơ chế tự chủ, dân chủ, bình đẳng trong nghiên cứu KHCN, xã hội hóa công tác nghiên cứu khoa học. Tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho các tổ chức KHCN và các nhà khoa học phát huy tối đa năng lực sáng tạo của mình. Khuyến khích phát triển Doanh nghiệp KHCN và các nhà sáng chế.
2. Hỗ trợ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật trung ương và các địa phương xây dựng ngân hàng dữ liệu “nguồn nhân lực KHCN Quốc gia” để thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến KHKT, tư vấn, phản biện xã hội và giám định xã hội.
3. Vinh danh và động viên kịp thời các nhà sáng tạo khoa học công nghệ, các thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực, đặc biệt trong Nông nghiệp và PTNT.
4. Kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội sớm xây dựng “Luật giống cây trồng và vật nuôi” thay cho “Pháp lệnh giống cây trồng và vật nuôi năm 2004”, trong đó đặc biệt chú trọng đến công nhận và chuyển giao nhanh giống mới vào sản xuất, vấn đề giống cây trồng chuyển gen, bảo hộ nguồn gen bản địa và các giống đặc sản của Việt Nam, vấn đề thanh tra và kiểm định giống.