day

,

00

/

month

/

0000

Tiếng Việt

English

Cựu chiến binh Đất Tổ khởi nghiệp sáng tạo với các sản phẩm sinh học chiết xuất từ lá cây quế

Khi nói đến khởi nghiệp, mọi người thường hay nghĩ đến khởi nghiệp của những người trẻ tuổi, nhưng thực tế cho thấy có không ít người đến tuổi trung niên hay thậm chí là sau khi nghỉ hưu rồi mới bắt đầu “khởi nghiệp” với một công việc hoàn toàn mới. Đó chính là trường hợp của cựu chiến binh Lê Duy Hưng, hiện là Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông lâm nghiệp Trung Sơn.

Cựu chiến binh Lê Duy Hưng - Giám đốc Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông lâm nghiệp Trung Sơn giới thiệu sản phẩm tại Cuộc thi khởi nghiệp năm 2018

Với dáng người trông có phần khắc khổ, mới nhìn sẽ ít ai nghĩ rằng ông Lê Duy Hưng là một trung tá đã nghỉ hưu được 10 năm và có niềm đam mê nghiên cứu, sáng tạo ra hàng chục sản phẩm chất tẩy rửa sinh học từ lá quế - một thứ trước đây thường được phát bỏ trong trồng quế.

Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê - nơi từng được coi là xứ sở của cây cọ ở vùng Đất Tổ, năm 1981 khi vừa tròn 18 tuổi chàng trai trẻ Lê Duy Hưng lên đường nhập ngũ thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin và từ đó theo con đường binh nghiệp đến khi xuất ngũ năm 2012 sau 32 năm công tác trong quân đội. Không giống như nhiều đồng đội khác sau khi nghỉ hưu thường nghỉ ngơi, vui vẻ với cuộc sống an nhàn cùng vợ con và các cháu nội ngoại, ông Hưng lại quyết định đi làm cho Trường Trung cấp Nghề Bách khoa, trước khi khởi nghiệp với cây quế vùng Trung Sơn, huyện Yên Lập. Trong một lần đi công tác tại huyện Yên Lập, ông biết được một cơ sở chưng cất tinh dầu quế ở xã Trung Sơn đang phải “đắp chiếu” do không chiết xuất được tinh dầu từ lá quế. Với sự tò mò và vốn kiến thức kỹ thuật về cơ khí, điện, hóa học khi công tác ở Cục Kỹ thuật - Quân khu 2, ông đã mất hơn một năm tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về các thiết bị, kỹ thuật chưng cất tinh dầu từ lá quế và đến các cơ sở chiết xuất tinh dầu quế ở tỉnh Yên Bái để xem xét, học hỏi kinh nghiệm, đồng thời tìm hiểu đánh giá nhu cầu thị trường tiêu thụ sản phẩm tinh dầu quế, sau đó ông Hưng đã quyết định mua lại toàn bộ nhà xưởng, thiết bị chiết xuất tinh dầu quế ở xã Trung Sơn vào tháng 9/2015 với giá hơn 500 triệu đồng. Sau khoảng 3 tháng cải tạo lại một số thiết bị, thuê kỹ thuật, nhân công và thu mua 100 tấn lá quế tại xã Trung Sơn, tháng 12/2015 ông bắt đầu vận hành thiết bị để sản xuất thử nghiệm. Đợt nấu thử nghiệm đầu tiên đã chiết xuất thành công và thu được 300 kg tinh dầu, đợt thử nghiệm thứ hai thu được 150 kg tinh dầu quế. Sau 2 đợt thử nghiệm so sánh với các cơ sở chưng cất tinh dầu cùng quy mô, công suất tại Yên Bái cho thấy hiệu suất tách tinh dầu thấp, chỉ bằng 70 % so với các cơ sở của tỉnh Yên Bái, đặc biệt sau khi hạch toán chi phí không có lãi, thậm chí có mẻ còn lỗ. Đánh giá nguyên nhân hiệu suất tách tinh dầu của cơ sở không cao do khâu bảo quản lá không tốt, lá quế nguyên liệu bị mục, nát và một số thiết bị, kỹ thuật chưng cất tại cơ sở chưa hoàn thiện. Sau đó, ông Hưng tiếp tục hiệu chỉnh thiết bị chưng cất, làm lạnh, lò hơi... hiệu suất chưng cất tinh dầu đã nâng lên.

Trong quá trình sản xuất, sau mỗi mẻ nấu lá quế, ngoài phần tinh dầu quế thu được, phần lá quế được lấy ra phơi khô để sử dụng làm nguyên liệu đốt cung cấp nhiệt cho lò hơi tại cơ sở phục vụ cho việc chiết xuất, riêng phần nước quế chưng sau khi chiết xuất  tinh dầu sẽ được thải bỏ với một lượng rất lớn, ông Hưng nhận thấy phần nước quế chưng thải bỏ có chứa một lượng nhỏ tinh dầu quế do không tách hết trong quá trình chưng cất rất lãng phí, ông nảy sinh ý tưởng nghiên cứu nước quế thải sau chưng cất để chế biến thành các chất tẩy rửa sinh học. Nghĩ là làm, từ tháng 10/2016 ông Hưng tập trung vào việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm các sản phẩm tẩy rửa sinh học từ sản phẩm phụ là nước quế thải sau sản xuất. Để tạo ra sản phẩm tẩy rửa sinh học thân thiện với môi trường, ông Hưng gặp không ít khó khăn về vốn, máy móc và nhiều lần thử nghiệm thất bại trong quá trình ngâm ủ không đúng tỉ lệ dẫn đến sản phẩm bị loãng, không như ý muốn... Không nản chí, ông Hưng tiếp tục cải tiến, điều chỉnh kỹ thuật, hoàn thiện sản phẩm đến tháng 4/2017 ông đã tạo ra 02 sản phẩm hoàn chỉnh là nước rửa chén và nước lau sàn từ sản phẩm phụ trong quá trình chưng cất tinh dầu quế, sau khi thuê phân tích thử nghiệm các chỉ số đối với sản phẩm nước rửa chén bát và nước lau sàn của mình đều đạt yêu cầu, ông đã đăng ký sáng chế cho sản phẩm tại Cục Sở hữu trí tuệ, đồng thời đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã số, mã vạch cho sản phẩm của mình. Tiếp tục say mê nghiên cứu, sáng tạo trong 5 năm qua ông Hưng đã nghiên cứu, hoàn thiện được hơn chục sản phẩm sinh học từ lá quế như: Nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay, nước gội đầu, nước súc miệng, sữa tắm, bình xịt hương quế, nước quế tinh chế… Tất cả các sản phẩm này đều được đăng ký bản quyền và chứng nhận công dụng tẩy rửa không chất độc hại.

Ưu điểm của các sản phẩm do ông Hưng nghiên cứu, sản xuất là được tạo thành 100% từ nước quế chiết xuất tổng hợp cùng các hoạt chất phụ gia khác thân thiện với môi trường, không sử dụng hóa chất tẩy rửa bằng xút hay axít vô cơ, hóa chất màu, chất thơm tổng hợp từ hóa chất hoặc các chất có tính độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường. Chất hoạt động bề mặt trong sản phẩm là chất hoạt động hữu cơ lưỡng tính có độ pH trung tính, phù hợp với pH da tay nên hoàn toàn không gây hại. Mùi hương thơm chiết xuất từ tinh dầu quế thiên nhiên khi hít, ngửi tạo cảm giác thông thoáng, thư giãn giúp người sử dụng và cả những người xung quanh cảm thấy dễ chịu. Chất hoạt động bề mặt lưỡng tính hữu cơ được pha với hàm lượng thích hợp có thể dễ dàng loại bỏ cặn bẩn, dầu mỡ bám dính trên bát đĩa, sàn nhà, bàn bếp, bàn ăn, tủ hút mùi... tự phân hủy dầu mỡ bám hệ thống đường ống thoát nước nên không để lại mảng bám thành ống thoát, không làm tắc đường ống thoát do không tạo nên phản ứng hóa xà phòng như các sản phẩm khác, đặc biệt sau khi sử dụng và thải ra môi trường, nó không lưu lại chất thải độc hại trên nước và đất như những sản phẩm tẩy rửa hóa học khác.

Song song với quá trình sản xuất tinh dầu quế và nghiên cứu sản xuất các sản phẩm tẩy rửa sinh học từ lá quế, ông Hưng nhận thấy để nghiên cứu hoàn thiện ra một sản phẩm từ lá quế tốt đã khó, việc thương mại hóa sản phẩm được càng khó khăn hơn, không chỉ sáng tạo ra sản phẩm mà còn tìm đầu ra cho sản phẩm mới có thể duy trì được sản xuất và nuôi dưỡng được đam mê nghiên cứu sáng tọa của mình. Được tư vấn, hỗ trợ của Liên minh các Hợp tác xã tỉnh ông Hưng và 8 thành viên khác đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông lâm nghiệp Trung Sơn (HTX) từ cơ sở sản xuất tinh dầu của mình (tháng 8/2016) để có thể thương mại hóa các sản phẩm. Tuy nhiên, khi HTX vừa bước vào sản xuất ổn định sau một thời gian không lâu thì diện tích mặt bằng sản xuất của HTX tại xã Trung Sơn bị thu hồi để làm dự án hồ Ngòi Dành (2018), toàn bộ nhà xưởng, máy móc, thiết bị, nguyên liệu của HTX phải di dời đến nơi khác. Do cơ sở được xây dựng trên đất thuê nên khi bị thu hồi đất, HTX chỉ được hỗ trợ tiền di chuyển nhà xưởng, máy móc thiết bị, ngoài ra không có bất kỳ một khoản bồi thường nào khác, hoạt động sản xuất của HTX bị đình trệ hoàn toàn và việc tìm địa điểm mới để xây dựng nhà xưởng, lắp đặt các thiết bị sản xuất của HTX gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng phải phá sản.

Quyết tâm không từ bỏ và cam chịu thất bại, với vai trò là Giám đốc HTX, đồng thời cũng là cổ đông lớn nhất, ông Hưng vay vốn ngân hàng và vay mượn từ người thân, bạn bè “đánh liều” mua hơn 5.000 mét vuông đất tại xã Xuân Viên, huyện Yên Lập để xây dựng mới cơ sở sản xuất tinh dầu quế và các sản phẩm tẩy rửa sinh học. Ông Hưng đã từng bước đưa HTX vượt qua khó khăn và đã trực tiếp nghiên cứu tạo ra hơn chục sản phẩm sinh học từ lá quế, từ năm 2020 đến nay cơ sở sản xuất mới của HTX tại xã Xuân Viên đã bước vào sản xuất ổn định, tạo việc làm cho khoảng hơn 20 người thường xuyên của HTX và hàng trăm người lao động thời vụ cung cấp lá quế cho HTX, đồng thời góp phần tạo việc làm cho gần 800 hộ dân trồng quế ở huyện Yên Lập, giúp các hộ trồng quế có thêm thu nhập từ cây quế ngay từ những năm đầu. Tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh, các sản phẩm của HTX được thương mại hóa trên thị trường, được phân phối ngày càng rộng khắp các tỉnh thành và ngày càng được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Có thể khẳng định, việc nghiên cứu và sản xuất thành công các sản phẩm tẩy rửa sinh học từ lá quế của cựu chiến binh Lê Duy Hưng đã giúp cho Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông lâm nghiệp Trung Sơn sản xuất theo chu trình tuần hoàn, hầu như không có các chất thải bỏ ra môi trường trong sản xuất, đồng thời đã nâng cao được hiệu quả kinh tế của HTX. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của người cựu chiến binh đứng đầu HTX, tháng 10/2017, Hợp tác xã sản xuất và chế biến nông lâm nghiệp Trung Sơn được Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2017; năm 2020 cựu chiến binh Nguyễn Văn Hưng được trao giải Khuyến khích Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh cho giải pháp nghiên cứu, sản xuất tinh dầu quế và các chế phẩm tẩy rửa sinh học từ cành lá quế phế thải.