Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam (04/4/1955 - 04/4/2022), các tổ chức hội và hội viên luật gia phấn khởi, tự hào ôn lại những dấu ấn quan trọng, những thành tựu nổi bật và truyền thống tốt đẹp của Hội Luật gia Việt Nam trong quá trình xây dựng, trưởng thành.
Đầu năm 1955, Đảng và Nhà nước ta chủ trương động viên giới luật gia tập hợp vào một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Đảng để đóng góp sức lực, trí tuệ phục vụ cách mạng. Trên cơ sở đó, ngày 29/3/1955 tại Thủ đô Hà Nội, 40 luật gia hoạt động trong các lĩnh vực đã đứng ra tổ chức Hội nghị thành lập Hội luật gia Việt Nam, thông qua Điều lệ và bầu luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội. Ngay sau đó, ngày 04/4/1955, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/NĐ-NV công nhận việc thành lập Hội luật gia Việt Nam; từ đó ngày 04/4/1955 đã đi vào lịch sử của Hội, là ngày thành lập và ngày truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam.
Dưới sự lãnh đạo và quan tâm của Đảng, Nhà nước, Hội Luật gia Việt Nam không ngừng trưởng thành về mọi mặt, uy tín, vị thế ngày càng được khẳng định và nâng cao. Khi thành lập chỉ có 40 hội viên, cuối năm 1955 tăng lên 270 người, năm 1960 là 333 người, năm 1962 khoảng 400 người, đến năm 1987 có trên 5.000 hội viên. Các năm sau đó tổ chức hội và hội viên phát triển nhanh chóng cả về quy mô, số lượng, loại hình và chất lượng đều tăng lên rõ rệt. Đến nay tổ chức hội luật gia đã phát triển lớn mạnh ở tất cả 63 tỉnh, thành phố và nhiều ban, bộ, ngành ở Trung ương, với hơn 64 nghìn hội viên.
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc, các thế hệ luật gia là thành tố tích cực trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đã cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, không quản ngại hy sinh, lập nên những kỳ tích đáng tự hào. Từ những ngày đầu thành lập Hội, các luật gia thuộc thế hệ đầu tiên đã dấn thân, đi theo con đường và ngọn cờ cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, tiến hành cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc với lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần dũng cảm, ý chí kiên cường, niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và tương lai phát triển của đất nước, của dân tộc.
Ngay từ khi mới thành lập, Hội luật gia Việt Nam đã góp phần tích cực xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm và mô hình nhà nước dân chủ nhân dân ở nước ta; phục vụ đắc lực hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Hoạt động của Hội đã góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ hơn và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập, tự do của dân tộc ta.
Thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Hội luật gia Việt Nam đã hướng trọng tâm vào xây dựng và bảo vệ pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, góp phần thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Hội đã huy động giới luật gia tích cực tham gia vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tích cực, chủ động mở rộng quan hệ với các tổ chức, các luật gia tiến bộ trong khu vực và trên thế giới, tạo môi trường pháp lý quốc tế thuận lợi phục vụ phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tập hợp những người đã và đang làm công tác pháp luật trong cả nước, các cấp hội luật gia và hội viên đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hội luật gia Việt Nam đã chủ động hợp tác chặt chẽ với Hội luật gia dân chủ quốc tế và nhiều tổ chức, cá nhân luật gia có uy tín ở trong và ngoài nước tổ chức các sự kiện pháp lý để góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hội cũng đã hoàn thành nhiệm vụ Chủ tịch Hiệp hội luật gia các nước ASEAN nhiệm kỳ 2009 - 2012, có vai trò tích cực trong việc xây dựng cơ sở pháp lý, bảo vệ quyền lợi của nạn nhân chất độc da cam và tham gia có trách nhiệm vào nhiều hoạt động pháp luật, hoạt động xã hội và hoạt động nhân đạo.
Hội Luật gia Việt Nam phát triển lớn mạnh và thành công như ngày nay là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, quan tâm của Nhà nước; sự ủng hộ, phối hợp của các ban, bộ, ngành, địa phương; sự nỗ lực phấn đấu của Trung ương Hội, của các cấp hội và toàn thể luật gia cả nước qua các thời kỳ. Trong quá trình 67 năm xây dựng và phát triển, Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 13 kỳ Đại hội, đó là những dấu mốc lịch sử quan trọng ghi lại mục tiêu, nhiệm vụ và sự trưởng thành của Hội.
Giai đoạn 1955 - 1980, hình thành tổ chức, xây dựng Điều lệ, khẳng định tính chất, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội; tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh pháp lý bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ nước nhà. Trong giai đoạn này Hội Luật gia Việt Nam tổ chức 5 kỳ Đại hội, luật sư Phan Anh được bầu làm Chủ tịch Hội trong suốt 5 nhiệm kỳ này.
Giai đoạn 1980 - 2004, tập trung củng cố và phát triển tổ chức, xây dựng Hội luật gia Việt Nam thực sự là một tổ chức nghề nghiệp mang tính chính trị, xã hội sâu sắc; tham gia tích cực vào quá trình đổi mới tư duy pháp lý, xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong thời gian này Hội luật gia Việt nam đã tổ chức 4 kỳ Đại hội. Tại Đại hội VI và nửa đầu khóa VII (nhiệm kỳ 1990- 1993), luật sư Phan Anh tiếp tục làm Chủ tịch Hội; nửa sau nhiệm kỳ khóa VII, đồng chí Phan Hiền (nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp) được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội VIII, luật gia Phùng Văn Tửu (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội) được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội IX, luật gia Phạm Hưng (nguyên Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao) được bầu làm Chủ tịch Hội.
Giai đoạn 2004 đến nay, hệ thống tổ chức của Hội tiếp tục được củng cố và phát triển mạnh mẽ ở cả bốn cấp. Đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, xây dựng Hội luật gia Việt Nam trở thành tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp. Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, hướng về cơ sở, xây dựng đội ngũ luật gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý; góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Giai đoạn này Hội Luật gia Việt Nam đã tổ chức 4 kỳ Đại hội. Tại Đại hội X và Đại hội XI, luật gia Phạm Quốc Anh (nguyên quyền Trưởng Ban Nội chính Trung ương, trợ lý Chủ tịch nước) được bầu làm Chủ tịch Hội. Đến Đại hội XII, đồng chí Nguyễn Văn Quyền (nguyên Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, nguyên Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng) được bầu làm Chủ tịch Hội. Đại hội XIII, nhiệm kỳ 2019- 2024 đồng chí Nguyễn Văn Quyền tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 67 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ hội viên Hội luật gia Việt Nam vinh dự và tự hào vì lịch sử của Hội luôn gắn liền với lịch sử phát triển của đất nước và dân tộc, Hội luôn lấy đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm cơ sở nền tảng cho tổ chức và hoạt động. Trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đã trở thành bản chất, truyền thống tốt đẹp của Hội Luật gia Việt Nam. Trải qua 67 năm xây dựng và phát triển, Hội đã có nhiều cống hiến cho đất nước, cho dân tộc và có những bước phát triển rất đáng tự hào. Ghi nhận những thành tựu và kết quả đạt được, Đảng, Nhà nước đã tặng thưởng cho Hội Luật gia Việt Nam Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác; rất nhiều tổ chức hội và hội viên được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành ở Trung ương và cơ quan, đơn vị, địa phương khen thưởng.
Phát huy truyền thống vẻ vang của Hội Luật gia Việt Nam, các tổ chức hội và toàn thể hội viên Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ thực hiện nghiêm chỉnh Điều lệ Hội và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) tại Đại hội đại biểu Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII (ngày 13/9/2019): "Mỗi tổ chức hội và mỗi hội viên phải bám sát và nắm vững các quan điểm của Đảng, Nhà nước, tích cực góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, củng cố niềm tin của Nhân dân... Tham gia tích cực vào quá trình xây dựng ý thức pháp luật, văn hóa pháp luật trong xã hội, để đất nước ta là đất nước tôn trọng luật pháp, pháp luật là tối thượng. Mỗi tổ chức hội và hội viên phải thực sự trung thực, khách quan, liêm chính, chí công vô tư, tôn trọng và bảo vệ lẽ phải, công lý, quyền con người, quyền công dân, xây dựng uy tín nghề nghiệp, góp phần xây dựng và củng cố niềm tin pháp luật; hội viên của Hội phải là những tấm gương liêm chính, làm nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực".
Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, tự hào lịch sử 67 năm xây dựng, phát triển và truyền thống tốt đẹp của Hội Luật gia Việt Nam; Hội Luật gia tỉnh Phú Thọ đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện, quyết tâm phấn đấu xây dựng, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh; phát triển đội ngũ luật gia giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng về chính trị tư tưởng, tận tụy với nghề, vì dân, vì công lý và mỗi luật gia là một tuyên truyền viên pháp luật, hướng về cơ sở, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh và xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Một số hình ảnh hoạt động của Hội Luật Gia tỉnh


Đinh Xuân Trường - PCT. Hội Luật gia tỉnh