Chiều ngày 01/10, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội thảo tư vấn, phản biện Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo: Liên hiệp hội tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ; Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trường đại học Hùng Vương, Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ; các nhà trí thức, chuyên gia thuộc Liên hiệp hội tỉnh. ThS. Hoàng Văn Tuyển - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp hội chủ trì Hội thảo.
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, sau khi nghe đại diện lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ trình bày khái quát các nội dung cơ bản của dự thảo Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình), các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá các nội dung: Sự cần thiết, căn cứ xây dựng Chương trình, cơ sở khoa học, thực tiễn và sự phù hợp của Chương trình với các chủ trương của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) và Chiến lược phát triển KH&CN của quốc gia; tên gọi, hình thức, bố cục, kết cấu và các số liệu trình bày trong dự thảo Chương trình; kết quả thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 theo Quyết định số 07/2012/QĐ-UBND, ngày 28/02/2021 và Kế hoạch số 1782/KH-UBND, ngày 11/5/2016 về kế hoạch phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, trong đó bổ sung, xác định rõ những khó khăn, bất cập, tồn tại, hạn chế của một số chương trình, lĩnh vực, nhiệm vụ KHCN giai đoạn 2012 - 2020 về: Mức độ duy trì, kết quả chuyển giao công nghệ, sản phẩm đề tài/dự án; khả năng áp dụng, nhân rộng các kết quả của dự án sau khi kết thúc; các bất cập về thủ tục thanh quyết toán… Đồng thời, các chuyên gia đã tư vấn, phản biện, đóng góp ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cụ thể về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu của Chương trình…
Theo dự thảo Chương trình báo cáo tại Hội thảo, trong giai đoạn 2011 - 2020 chiến lược KH&CN của tỉnh đã được triển khai tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động KH&CN của tỉnh đã bám sát định hướng phát triển KH&CN của Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng, Chiến lược phát triển KH&CN của Chính Phủ. Chiến lược phát triển KH&CN trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2020 được triển khai đồng bộ, bám sát các Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện đã kịp thời ban hành và thực hiện kế hoạch, chính sách, chương trình phát triển KH&CN. Hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với chiến lược đề ra. Các chương trình nghiên cứu, ứng dụng KHCN xuất phát từ thực tiễn sản xuất và đời sống gắn với các chương trình phát triển kinh tế xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Công tác quản lý nhà nước đối với các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước được đổi mới, chặt chẽ, hiệu quả hơn. Nhiều đề tài, dự án KHCN được triển khai ứng dụng, có giá trị trong thực tiễn đời sống và sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực. Quỹ phát triển KH&CN được hình thành trong các doanh nghiệp và ngày càng có nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Công nghệ cao, công nghệ sinh học được triển khai ở một số lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, y tế bước đầu đạt kết quả tốt; công nghệ thông tin được áp dụng rộng rãi trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Đầu tư ngân sách cho KHCN tăng dần qua các năm, các tổ chức KHCN trên địa bàn tỉnh được kiện toàn, củng cố, hoạt động hiệu quả hơn. Tiềm lực KHCN của tỉnh được nâng lên, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từng bước được quan tâm đầu tư. Nguồn nhân lực KHCN ngày càng phát triển về cả số lượng và chất lượng. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN được triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực. Tổ chức bộ máy được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn... Bên cạnh đó, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn, tồn tại, hạn chế như: Một số mục tiêu đề ra ban đầu trong Chiến lược còn cao, phải điều chỉnh lại trong giai đoạn 2016 - 2020. Còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch đề ra (chỉ tiêu về xây dựng 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ngân sách đầu tư cho KH&CN). Hoạt động KH&CN chưa đáp ứng yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế xã hội. Quy mô các đề tài, dự án còn nhỏ, thiếu các đề tài, dự án có hàm lượng KHCN cao, sức lan tỏa lớn, có tính liên ngành, liên vùng, sản xuất các sản phẩm theo chuỗi giá trị. Việc triển khai ứng dụng nhân rộng kết quả các đề tài, dự án vào sản xuất và đời sống chưa nhiều, còn một số đề tài, dự án phải dừng thực hiện hoặc không nhân rộng được trong thực tiễn; công tác quản lý, khai thác các tài sản trí tuệ đã được bảo hộ chưa chặt chẽ. Đầu tư ngân sách cho KH&CN còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu, đầu tư phát triển cho KH&CN chưa được quan tâm đúng mức, các dự án đầu tư phát triển nâng cao tiềm lực cho các tổ chức KH&CN còn ít, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển KH&CN trong các tổ chức KH&CN còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu; các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước còn chiếm tỷ lệ lớn, chưa thu hút được nhiều chuyên gia, nhà khoa học giỏi về công tác tại tỉnh. Thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, Quỹ phát triển KH&CN trong doanh nghiệp thành lập chậm. Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo còn nhiều hạn chế, chưa hỗ trợ được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số lượng doanh nghiệp KH&CN được thành lập, số lượng kết quả nghiên cứu KH&CN không sử dụng ngân sách nhà nước được công nhận còn ít. Năng lực và khả năng hấp thu công nghệ của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Hoạt động nghiên cứu phát triển công nghệ và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Chưa xây dựng được trung tâm giao dịch, chuyển giao công nghệ. Chưa thu hẹp được khoảng cách giữa nghiên cứu, ứng dụng và triển khai...
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Văn Tuyển - Chủ tịch Liên hiệp hội tỉnh đã kết luận thống nhất các nội dung tư vấn, phản biện, trao đổi tại hội thảo và giao tổ thư ký hội thảo khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Báo cáo tư vấn, phản biện nhiệm vụ để báo cáo UBND tỉnh và các đơn vị liên quan; đồng thời đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ - cơ quan tham mưu xây dựng Chương trình nghiên cứu tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Chương trình đạt chất lượng tốt nhất trước khi trình Thường trực UBND tỉnh xem xét, thông qua.
Một số hình ảnh đại biểu phát biểu tại Hội thảo
TS. Bùi Phúc Khánh - Nguyên Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh phát biểu

TS. Nguyễn Hữu La - Phó Viện trưởng Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc phát biểu
TS. Đàm Đắc Tiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh phát biểu

ThS. Hoàng Văn Tiến - Nguyên Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh và Làm vườn tỉnh phát biểu
Tin, ảnh: Hồng Văn