Theo các chuyên gia, virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến và tạo ra những biến chủng mới. Kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, đến ngày 24/02/2021, Việt Nam đã ghi nhận 5 biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 sau hơn 1 năm kể từ khi được phát hiện ở Vũ Hán (Trung Quốc), đến nay đã lan ra khắp thế giới, với số ca mắc tính đến 6h, ngày 15/3 lên tới hơn 120 triệu người mắc; trên 2,6 triệu người tử vong. Không những thế, sau hơn 1 năm, chủng virus này cũng liên tục biến đổi với tốc độ lây lan nhanh, hệ số lây nhiễm cao hơn, chu kì lây nhiễm ngắn hơn và có khả năng lây qua không khí thay vì qua tiếp xúc gần từ người sang người như lúc ban đầu.

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện điều tra dịch tễ đối với trường hợp trở về từ vùng dịch
Đến ngày 24/02, Việt Nam đã ghi nhận 5 biến chủng gây bệnh Covid-19 gồm: Biến chủng D614G từ Châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); biến chủng B.1.1.7 từ Anh đang gây dịch tại Hải Dương; biến chủng B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài từ Nam Phi ngày 19/12/2020; biến chủng A.23.1 từ Rwanda, Châu Phi tại sân bay Tân Sơn Nhất, Hồ Chí Minh và biến chủng ghi nhận mới đây tại ca bệnh nhân tử vong người Nhật Bản cũng như chùm ca bệnh tại Hà Nội. Trong 5 biến chủng nêu trên, biến chủng Anh B.1.1.7 được xác định có khả năng lây lan nhanh.
Chủng D614G gây dịch tại Đà Nẵng đã xuất hiện ở Châu Âu từ đầu năm 2020, sau đó trở thành chủng virus phổ biến nhất thế giới. Các phân tích chỉ ra rằng, chủng D614G tồn tại ở hơn 70% ca nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận trên toàn thế giới, chiếm tỉ lệ gần 100% tại Châu Âu. Tại Việt Nam, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân tích, giải mã trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân mắc mới. Kết quả cho thấy virus SARS-CoV-2 đã biến đổi gen, tăng khả năng bám dính vào cơ thể cũng như khả năng lây nhiễm, làm lây lan nhanh hơn nhưng chưa ghi nhận biến đổi liên quan đến độc lực.
Sau khi đợt dịch Covid-19 mới bùng phát ở Hải Dương và Quảng Ninh, ngày 02/02/2021, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã xét nghiệm và giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 trên 16 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân Covid-19 ở 2 ổ dịch cộng đồng đang bùng phát mạnh tại 2 địa phương này. Kết quả, biến thể Anh chủng B.1.1.7 xuất hiện tại Anh vào tháng 12/2020 được cho là có khả năng lây lan nhanh hơn so với các chủng SARS-CoV-2 trước đây, đã được tìm thấy trên các bệnh nhân ở Hải Dương và Quảng Ninh. Đây là biến chủng đang gây nên sự bùng phát mạnh của đại dịch Covid-19 ở Anh cũng như các nước Châu Âu.
Chủng B.1.1.7 có khả năng lây nhiễm lớn, tải lượng virus tăng gấp 4 lần so với chủng trước đây. Thời gian đào thải mầm bệnh ra ngoài cũng rất cao và rất ngắn, tỉ lệ lây nhiễm tăng 70% so với chủng cũ. Ở các đợt dịch trước đây, các chuyên gia tính toán chu kỳ lây nhiễm khoảng 4 - 5 ngày với chu kỳ lây rất rõ ràng, nhưng lần này chu kỳ lây ngắn hơn. Trong khi đó, thời gian khởi phát của bệnh cũng rất nhanh. Ở các đợt dịch trước, bệnh nhân phải mất 5 - 7 ngày ủ bệnh nhưng đợt dịch này, chỉ tới ngày thứ 2 đã xuất hiện virus vùng hầu họng, từ đó, khả năng nhân lên của virus và đào thải mầm bệnh rất cao. Ở đợt dịch trước đây, virus SARS-CoV-2 lây từ người này qua người khác, nhưng với đợt dịch này, virus lây theo đường không khí. Trước đây, chuyên gia tính toán một người có thể lây cho 4 - 5 người, nhưng giờ một người có thể lây cho hơn 10 người. Chủng virus biến thể mới được tìm thấy ở Anh có khoảng 20 đột biến, trong đó có nhiều đột biến tác động tới cách thức virus xâm nhập tế bào người và lây bệnh.
Biến thể mới tại Nam Phi có tên B.1.351 đã ghi nhận tại hơn 30 quốc gia trên thế giới, có khả năng tiến hóa và thích nghi cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Việt Nam xác định một bệnh nhân là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 nhiễm biến thể mới của SARS-CoV-2 được ghi nhận tại Nam Phi.
Biến chủng A.23.1 từ Rwanda Châu Phi ghi nhận tại thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài Rwanda, A.23.1 chỉ mới được phát hiện ở một số ít nước khác trên thế giới bao gồm Mỹ, UAE, Úc, một số nước ở Châu Âu trong đó có Anh và Đan Mạch. Hiện nay, chưa thấy những dấu hiệu diễn biến bất thường ở các quốc gia này.

Thực hiện khai báo y tế điện tử tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba
Ngày 24/02/2021, tại cuộc họp trực tuyến Thường trực Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết kết quả giải trình tự gen của trường hợp bệnh nhân người Nhật Bản (tử vong trong khách sạn ở quận Tây Hồ) và chùm ca bệnh tại Hà Nội cho thấy ông này nhiễm biến thể 20C của virus SARS-CoV-2. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, chủng này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Sri Lanka, Ấn Độ, Đài Loan... nhưng không có ở Nhật Bản. Tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên mức độ tăng nặng chưa rõ ràng. Đây là biến thể virus SARS-CoV-2 thứ 5 được ghi nhận tại Việt Nam.
Theo các chuyên gia, đặc tính của virus SARS-CoV-2 là liên tục biến đổi. Virus có thể biến đổi khi chúng tạo ra các bản sao của chính mình sau khi lây nhiễm. Trong số những biến thể được ghi nhận, các chuyên gia y tế chủ yếu lo ngại về 3 biến thể được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, Nam Phi và Brazil vì tốc độ lây lan nhanh và dễ hơn.
Với những đặc tính của biến thể mới của SARS-CoV-2 hiện nay, việc khẩn trương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng lây nhiễm dịch Covid-19 là trách nhiệm không của riêng ai. Người dân hãy tuân thủ thật tốt thông điệp 5K “Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế”. Mọi người dân cần chủ động cài đặt ứng dụng Bluezone để được cảnh báo nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19; Hãy tải App NCOVI, cài đặt Khai báo y tế toàn dân để giúp Ngành Y tế đảm bảo công tác rà soát, truy vết, khoanh vùng đạt hiệu quả; chủ động tố giác các trường hợp nhập cảnh trái phép, người đi về từ vùng dịch để được cách ly phòng dịch theo qui định; tích cực cùng các cấp chính quyền truy vết các trường hợp F1, F2, F3, … cùng điều tra giám sát các trường hợp đi về từ vùng dịch./.
Hiền Nguyễn - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh